Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thông cáo của Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống
Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019, sẽ diễn ra tại Panama, có chủ đề: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin làm cho tôi như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38). Sứ điệp được công bố vào ngày Lễ Đức Mẹ dâng mình (21/11/2018), kết thúc chuỗi 3 sứ điệp về Đức Maria cho giới trẻ từ Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2016 đến Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019.
Đây là lần đầu tiên Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Giới trẻ Thế giới được chính thức công bố dưới hình thức video để có thể đến được với nhiều bạn trẻ nhất và để đáp lại mong muốn của họ đã được trình bày trong Thượng Hội đồng Giám mục mới đây, là đối thoại với Giáo hội bằng những hình thức gần với ngôn ngữ của họ hơn.
Sứ điệp được dùng để chuẩn bị về mặt thiêng liêng cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 - sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 27/1/2019 tại Panama; và cũng là nguồn cảm hứng cho mục vụ giới trẻ trên toàn thế giới.
***
Sau đây là toàn văn Sứ điệp video của Đức Thánh Cha:
Các bạn trẻ thân mến,
Ngày Giới trẻ Thế giới đã gần đến. Ngày này sẽ được tổ chức tại Panama vào tháng Giêng sắp tới với chủ đề là lời thưa của Đức Maria trước lời Thiên Chúa mời gọi: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin làm cho tôi như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Lời thưa của Đức Maria là một tiếng “Xin vâng” đầy can đảm và quảng đại. Đó là câu trả lời của một người hiểu được bí quyết của ơn gọi: ra khỏi mình và đặt mình phục vụ tha nhân. Cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Có nhiều người trẻ, là các tín hữu hay người không tin, khi kết thúc một giai đoạn học tập, đã bày tỏ mong muốn giúp đỡ người khác, mong muốn làm một điểu gì đó cho những người đau khổ. Đó là sức mạnh của người trẻ, sức mạnh của tất cả các bạn; sức mạnh có thể thay đổi thế giới; đó là cuộc cách mạng có thể đánh bại các thế lực lớn của thế giới này: “cuộc cách mạng” của phục vụ.
Đặt mình phục vụ người thân cận không chỉ có nghĩa là sẵn sàng hành động; nhưng còn là đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa với thái độ lắng nghe, như Đức Maria đã làm. Mẹ lắng nghe điều sứ thần nói với Mẹ rồi sau đó đáp lời. Khởi đi từ mối tương quan này với Thiên Chúa, trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta khám phá ra căn tính riêng của chúng ta và ơn gọi mà Chúa kêu gọi chúng ta; ơn gọi ấy có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: trong hôn nhân, trong đời sống thánh hiến, trong chức linh mục. [Nhưng ơn gọi không biểu lộ trong tính ích kỷ. Không có ơn gọi trở thành người ích kỷ]*. Đó là tất cả những cách theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng nhất là khám phá điều Chúa mong đợi nơi chúng ta và can đảm thưa “xin vâng”.
Mẹ Maria là một người nữ có phúc vì Mẹ đã quảng đại với Chúa và đã mở lòng ra cho kế hoạch mà Ngài đã dành cho Mẹ. Những dự định Chúa dành cho chúng ta, như Ngài đã làm với Đức Mẹ, không phải để dập tắt những ước mơ, mà là khơi lên những mong muốn; làm cho cuộc sống chúng ta sinh hoa trái, làm nhiều nụ cười tươi nở và làm cho nhiều cõi lòng hân hoan. Thưa vâng với Thiên Chúa là bước đầu để được hạnh phúc và làm cho nhiều người xung quanh chúng ta cũng được hạnh phúc.
Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm nhìn sâu vào trái tim mình và thưa với Chúa: Chúa muốn gì nơi con? Hãy để Chúa nói với bạn và bạn sẽ thấy cuộc đời mình được biến đổi và tràn ngập niềm vui.
Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama đã gần đến, tôi mời các bạn hãy dọn mình, tham gia nhiều sáng kiến được đề ra cho các bạn. Điều đó sẽ giúp các bạn đạt được mục tiêu này.
Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với các bạn trong cuộc hành hương này và xin cho mẫu gương của Mẹ thúc đẩy các bạn can đảm và quảng đại đáp lời.
Chúc các bạn thẳng tiến đến Panama! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hẹn sớm gặp lại các bạn!
(Nguồn: Vatican Press)
Minh Đức chuyển ngữ
Ðức Thánh Cha gửi thư đến cuộc gặp các chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Ðức tin.
Văn Yên, SJ
Bangkok (Vat. 15-01-2019) - Từ ngày 15 đến 18 tháng 1 năm 2019, các Chủ tịch Uỷ ban giám mục về Giáo lý Ðức tin tại các nước Á Châu nhóm họp tại Bangkok, Thái Lan, cùng với một phái đoàn của Bộ Giáo lý Ðức tin do Ðức Hồng Y Bộ trưởng Luis Ladaria hướng dẫn.
Ðức Thánh Cha đã gởi thư đến các tham dự viên:
Anh em trong hàng giám mục quý mến!
Trong dịp gặp gỡ của các Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Ðức tin thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu và Bộ Giáo lý Ðức tin từ ngày 15 đến 18 tháng 1 năm 2019 tại Bangkok, tôi vui mừng gởi đến anh em lời chào thăm huynh đệ.
Anh em họp nhau tại Châu Á, một châu lục rộng lớn được đánh dấu bởi sự đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo, để củng cố trách nhiệm chung của chúng ta vì sự hiệp nhất và toàn vẹn đức tin Công giáo, cũng như khám phá những ý nghĩa và phương thức mới làm chứng cho Tin Mừng giữa những thách đố của thế giới đương đại.
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã mời gọi toàn thể Giáo Hội "tiến về phía trước". Tôi vui mừng khi biết rằng Bộ Giáo lý Ðức tin đang hỗ trợ tích cực những công việc quan trọng của các Hội đồng Giám mục và đặc biệt các Uỷ ban Giáo lý Ðức tin khi hỗ trợ và cỗ võ sự hợp tác hữu hiệu và huynh đệ giữa các mục Tử của Giáo hội Á châu .
Trong khi cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này trở nên cơ hội để bàn thảo một số vấn đề thuộc về Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô đặc biệt thích ứng với Châu Á, tôi vui mừng chúc lành cho tất cả mọi người tham dự trong cuộc gặp gỡ này.
Vatican 10/1/2019
Phanxicô
Ðây là lần thứ hai cuộc gặp gỡ của các vị Chủ tịch các Uỷ ban giám mục về Giáo lý Ðức tin diễn ra tại Châu Á. Lần đầu tiên diễn ra vào năm 1993 tại Hong Kong. (Rei 15/1/2019).
Kitô giáo và Hồi giáo cùng kỷ niệm 800 năm cuộc gặp lịch sử giữa Thánh Phanxicô và Quốc vương
Pakistan (Vat. 16-01-2019) - 800 năm trước một cuộc gặp lịch sử giữa Thánh Phanxicô Assisi và Quốc vương Ai Cập Al-Kamil, một cột mốc quan trọng cho cuộc đối thoại liên tôn Kitô giáo và Hồi giáo. Ðức cha Sebastian Shaw, Chủ tịch các giám mục Pakistan nói: ngày nay chúng ta cũng phải là những đại sứ của hòa bình.
Ðể kỷ niệm và hiện tại hóa biến cố lịch sử cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô với Quốc vương Ai Cập Al-Kamil vào năm 1219, Ủy ban quốc gia về đối thoại liên tôn và đại kết của các giám mục Công giáo Pakistan đã đưa ra một thông điệp phổ quát về lòng khoan dung, tình bạn, đối thoại, dấn thân chung vì hòa bình. Với tinh thần này, Ủy ban đã tổ chức một cuộc họp mặt để khai mạc các hoạt động trong năm 2019, ghi nhớ sự kiện cách đây 800 năm, và giảng dạy đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo.
Vào ngày 12 tháng 01 năm 2019 buổi lễ được diễn ra tại Lahore. Ðức cha Sebastian Shaw, Tổng giám mục Lahore chủ tọa buổi lễ. Bên cạnh đó còn có cha Francis Nadeem, Bề trên các tu sĩ dòng Capucino ở Pakistan; Thư ký điều hành Ủy ban. Rất nhiều tu sĩ,linh mục, giáo dân và các học giả Hồi giáo hiện diện tại buổi lễ.
Khởi đi từ đối thoại
Cha Nadeem nói: "Hại vị lãnh đạo lớn, Thánh Phanxicô và Al-Kamil cùng bày tỏ quan điểm vì hòa bình và lòng khoan dung giữa bầu khí chiến tranh và xung đột trong các cuộc thập tự chinh. Hai vị đã đưa ra một mẫu gương về đối thoại liên tôn và sự hiểu biết lẫn nhau".
Vào đầu buổi lễ một bức tranh được tỏ bày, mô tả cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Al-Kamil, trong lúc đó chim bồ câu được thả, tượng trưng cho hy vọng của việc truyền bá thông điệp hòa bình ở Pakistan và đặc biệt trong các vùng có xung đột tôn giáo, chính trị.
Ðại sứ hòa bình
Cha Shahzad Khokher, tu sĩ dòng Phanxicô đã trình bày bối cảnh lịch sử và ý nghĩa cuộc gặp gỡ lịch sử này. Sau đó Ðức Tổng Giám Mục Shaw khuyến khích mọi người hiện diện "hãy trở thành đại sứ hòa bình, lấy cảm hứng từ mẫu gương hai vị lãnh đạo lớn". Ðức cha nói: "Tôi ngưỡng một niềm say mê và lòng can đảm của Thánh Phanxicô Assisi trong việc thánh nhân đến với Quốc vương trong lúc cuộc chiến đang diễn ra. Sự kiện này thúc đẩy tất cả chúng ta sống trong hòa bình, hòa thuận, khoan dung và liên đới".
Các cử hành tại Pakistan
Cha Nademm cho biết trong năm 2019 sự kiện này sẽ được tổ chức khắp nơi tại Pakistan, với những hoạt động khác nhau như: Hội thảo về những vấn đề liên quan đến Kitô giáo và Hồi giáo cho mọi thành phần trẻ em, người trẻ, sinh viên. Cha nói: "Chúng tôi dự tính tiếp cận được với khoảng 30% các vị lãnh đạo Hồi giáo, những người có mối hiềm thù với Kitô giáo. Như Thánh Phanxicô không sợ hãi, với sự giúp đỡ của những người Hồi giáo đứng về phía chúng tôi, chúng tôi ước muốn gặp gỡ họ để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp ở Pakistan".
Muhammad Asim Makhdoom, một học giả nổi tiếng trong số các vị lãnh đạo Hồi giáo có mặt tại buổi gặp gỡ cũng đồng ý với các vị lãnh đạo Kitô giáo: "Chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy sứ mệnh của Thánh Phanxicô và Quốc vương. Ðến lượt chúng ta đương đầu với những kẻ gieo rắc hận thù và định kiến giữa các tôn giáo. Năm 2019, trong lúc chúng ta cử hành 800 năm của cuộc gặp gỡ lịch sử, chúng ta dấn thân một cách nghiêm túc trong việc thuyết phục những người khác cùng tham gia phong trào này nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn, hòa bình, hòa hợp xã hội". Buổi lễ kết thúc bằng lời cầu nguyện chung cho hòa bình của tất cả mọi người.