Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Phút suy niệm ngày 29/1/2019

Filled under:

Phút suy niệm ngày 29/1/2019
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,34-35).
Ngươi Á Đông rất coi trọng tình thân gia đình. Vậy; khi nghe câu trả lời của Chúa Giê-su, người ta có cảm tưởng Ngài như có vẻ cứng cỏi và lạnh lùng.
Trong 30 năm sống trong gia đình, Ngài rất yêu thương gia đình của Ngài. Nhưng, hôm nay ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Ngài phải nói rõ: Điều để được thuộc về gia đình Nước Trời là thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Có thể chúng con bị người đời chê bai, gièm pha khi đi lễ, đi sinh hoạt hội đoàn, chúng con không buồn, không giận, bởi vì chúng con xác quyết rằng: Chúng con đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa, chúng con tín thác vào Chúa, xin thương xót và tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, Xin cho chúng con biết luôn thi hành ý muốn của Chúa. Amen.


THÁNH MACARIÔ ẨN SĨ
(Thế KỶ IV)
Người ta được biết rất ít về quãng đời niên thiếu cũng như về gia cảnh của thánh nhân. Ngài sinh trưởng ở Ai Cập vào quãng đầu thế kỷ IV. Để khỏi lẫn với một vị thánh khác cũng có tên là Macariô, người ta đã tặng cho ngài biệt danh là Macariô trẻ, bởi lẽ ngài là người hậu lai trên đường tu nghiệp cũng như về niên tuế.
Lớn lên, Macariô làm nghề bán kẹo để lần hồi sinh sống. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thương gia và những người bán tạp hóa đã chọn ngài làm " đấng thánh Bảo trợ ".
Ngày tháng trôi qua, Macariô rất vui với cuộc đời nghèo nàn,với cái nghề bán kẹo rong đó. Cho mãi đến năm bốn mươi tuổi, người trung niên ấy mới cảm thấy khát vọng sống cuộc đời thánh thiện hơn. Bên tai ngài như văng vẳng nghe tiếng mời gọi của núi rừng Ai Cập, nơi mà những tâm hồn đạo đức, những bậc thầy trên đường thiêng liêng thời ấy thường thích tìm đến để hòa mình trong cảnh thiên nhiên, hầu dễ nâng tâm hồn lên với Chúa. Sau một thời gian suy nghĩ, Macariô cũng tìm đến chốn linh thiêng đó và dựng lều ở vùng hoang địa Nitri và Cellule để bầu bạn với những tâm hồn cùng một chí hướng. Nơi đây, mỗi người sống trong căn lều riêng của mình, trừ ngày thứ bẩy và chủ nhật là có hội nhau để dâng lễ và dự các giờ kinh chung. Ngày ngày các vị thường triền miên trong lời kinh cầu nguyện và suy niệm. Ngoài ra các ngài cũng có làm thủ công như đan lát hoặc dệt chiếu.
Ông Pallatiô, một tác giả chuyên viết truyện các vị ẩn tu, đã đích thân đến gặp và sống với Macariô ở đây khi ngài đã về già. Vì thế ông có dịp quan sát và biết nhiều về những tập tục và nếp sống đạo hạnh của các vị tu rừng. Theo Pallađiô chúng ta biết Macariô có thụ phong linh mục và đã gây được nhiều ảnh hưởng đối với người chung quanh.
Lòng đạo đức của các ngài đã vươn tới một mức xả kỷ và khổ hạnh lạ thường. Không thể tường thuật lại hết được những gương hy sinh và lòng đạo đức của các ngài. Sau đây chỉ là một gương mẫu tiêu biểu.
Có một ngày người ta đem đến cho Macariô một chùm nho chín mọng. Vừa cầm chùm nho trong tay, Macariô liền nghĩ ngay đến ông bạn láng giềng đang ốm cần đến trái nho ngon ngọt để bổ dưỡng. Nghĩ rồi, Macariô liền đem biếu thầy ốm đó. Thầy này lại chuyền ngay sang cho thầy bên cạnh vì nghĩ rằng thầy đó cần hơn mình. Và cứ như thế, chùm nho lần lượt được chuyền qua tay bao nhiêu người, để rồi cuối cùng lại trở về với thầy Macariô mà vẫn còn nguyên vẹn. Thầy Macariô nhìn chùm nho, lòng rưng rưng cảm động vì những gương hy sinh quảng đại của những tâm hồn đầy lòng mến Chúa.
Riêng phần ngài, với một tinh thần ganh đua trong sạch, ngài còn thực hiện những công việc hãm mình quá sức như kiêng ăn nhịn uống lâu ngày, hoặc hành hạ thân xác bằng cách dầm mưa dãi nắng, chịu nóng bức ban ngày và rét lạnh ban đêm. Đến sau vì sợ hóa điên có thể cản trở việc tiến đức, ngài buộc lòng phải giảm bớt những hình khổ ấy một phần. Một lần kia khi ngài đang đọc kinh trong lều, thình lình ngài bị một vật gì đốt rất buốt ở chân. Với một cử chỉ phản xạ tự nhiên, ngài lấy tay đập vào chỗ bị đốt, thì ra một con muỗi đồng kếch sù đã bị đập nát. Thấy vậy, ngài rất hối hận vì cử chỉ tàn bạo đó. Lập tức ngài cởi áo đi đến chỗ đồng lầy có nhiều thứ muỗi đó để cho chúng dầy vò và xâu xé xác mình bù lại. Kết quả là thân xác ngài bị sưng vù và tím bầm như kẻ bị chứng phong.
Đến năm 349, vì nghe biết ở Taben dưới ảnh hưởng cúa Pacômiô (Pacome) các tu sĩ ở đó đã được sống theo một quy luật rất nghiêm khắc và chặt chẽ, Macariô liền cải trang làm một người thợ đến gặp Pacômiô và thưa với ngài rằng:
"Lạy thầy, xin cho tôi được vào tu viện của thầy vì tôi muốn đi tu để làm tu sĩ". Pacômiô trả lời: "Bác đến muộn quá sợ rằng không thể theo kịp được những khó nhọc như các thầy, vì anh em ở đây sống đời khổ hạnh lắm bác ạ ". Rồi ngài cứ ngơ đi và để Macariô đứng như thế ở cửa tới bảy ngày. Macariô không bỡ ngỡ chút nào vì biết rằng đó chỉ là một thử thách cho những ai muốn vào dòng. Như một tượng đá, Macariô đứng đó không ăn uống chi trong suốt tuần lễ.
Cuối cùng tu viện trưởng Pacômiôi chấp thuận và cho Macariô nhập dòng.
Mùa chay đến, nhà dòng vốn mở cuộc thi đua hãm mình: các thầy ai nấy tùy lực và tùy tâm mà ăn chay, hãm mình.
Macariô đem sẵn những lá gồi đã ngâm nước, rồi tìm một góc nhà thanh vắng để đứng ở đó và đan lát. Ngài cứ đứng và làm việc, luôn tay như thế suốt 40 ngày, đồng thời kiêng ăn uống, chỉ trừ ngày chủ nhật ngài mới chịu ăn một vài lá rau cải bắp mà thôi. Không lúc nào ngài rời tay đan lát; còn tâm trí thì luôn luôn kết hợp với Chúa. Đôi mắt ngài đăm chiêu như hằng nhìn thấy những sự cao xa trên trời. Các tu sĩ ai nấy kinh ngạc khi thấy Macariô nhiệm nhặt quá như vậy. Họ đến trình với bề trên: "Thưa cha, cha làm khổ chúng tôi vì cha mang đến cho chúng tôi một cái người không xác kia. Xin cha hoặc đuổi ông ấy đi hoặc là để chúng tôi giải tán". Pacômiô liền cầu nguyện để xin ơn soi sáng, và được biết Macariô nổi tiếng nhiệm nhặt và khắc khổ thật. Nhưng vì sợ Macariô nên cớ vấp phạm cho các thầy, Pacômiô buộc lòng phải mời Macariô dọn đi nơi khác. Khi chia tay, Pacômiô còn khẩn khoản xin Macariô luôn nhớ cầu nguyện cho mình.
Cũng theo lời của Pallađiô, Macariô được Chúa ban quyền làm nhiều phép lạ, nhất là những phép lạ đối với ma quỷ. Dầu vậy nhà tu hành nhân đức đó cũng không tránh khỏi những quyến rũ của tà thần. Một ngày kia quỷ xui ngài bỏ rừng để về Rôma giúp đỡ bệnh nhân trong các bệnh viện. Vì biết đó cũng chỉ là mưu chước của quỷ muốn cho ngài mắc mồi danh vọng, thánh nhân đã nằm dài ra trên sàn nhà của mình và kêu: "Ngươi có sức thì cứ lôi ta đi; còn ta, ta cương quyết không rời khỏi đây ". Ma quỷ vẫn không chịu thua, nhưng chúng luôn thay đổi chiến lược để tấn công.
Thánh nhân cũng chẳng chịu lép vế: ngài lấy một thúng to xúc đầy cát rồi ì ạch vác đi trong rừng. Một tu sĩ thấy vậy đến xin vác đỡ nhưng ngài nói: "Thầy để mặc tôi, tôi làm như thế để quấy rối kẻ quấy rầy tôi đấy ".
Cả đến những giống vật cũng được nhờ ân huệ của ngài. Panuy, môn đệ của thánh nhân một ngày kia đã kể cho Pallađiô nghe câu chuyện thánh nhân chữa đã một con vật. Một hôm có một con linh cẩu cõng con nhỏ của nó bị mù đến đặt dưới chân Macariô. Thánh nhân cầm lấy con vật nhỏ đáng thương và chữa nó khỏi mù. Hôm sau để tỏ lòng biết ơn, con linh cẩu mẹ đã tha đến cho ngài một tấm da cừu mà ngài sẽ dùng làm áo mặc mãi cho đến lúc chết.
Càng được ơn Chúa, thánh nhân càng ra sức ăn ở thánh thiện và khinh rẻ mình hơn. Chính Pallađiô đã có lần tò mò ngồi bên cửa phòng của thánh nhân để nghe xem ngài nói và làm gì bên trong. Càng quan sát, Pallađiô càng cảm phục con người thánh thiện và khắc kỷ đó. Thấy ngài thánh thiện và nhân đức như thế mà mình thì chẳng tấn tới chút nào, Pallađiô nản lòng thối chí. Ông tìm đến với Macariô để bàn hỏi và xin lui về thế gian tìm con đường khác. Thánh nhân ôn tồn khuyên: Thầy đừng để mình ngã thua mưu chước của tên cám dỗ. Thầy cứ mạnh dạn nói với nó rằng: "Tình yêu Chúa Giêsu không cho phép ta bỏ đây. Ta nhất định ở lại để làm đẹp lòng Ngài ".
Một lần khác, cùng với Macariô xứ Ai Cập bơi thuyền trên sông; một con thuyền khác cũng rẽ sóng bơi theo. Mấy viên võ quan trên thuyền sau thấy hai ông già vẻ mặt hồn nhiên sung sướng liền nói nhỏ với nhau: "Mấy anh trông kìa, hai lão già nghèo xác sơ mà sống vui vẻ không?" Macariô cũng đáp lại một cách hài hước: "Phải, các ông nói đúng đấy, chúng tôi là Macariô (tiếng Ai Cập Macariô có nghĩa là hạnh phúc) thì sao lại không sung sướng. Nhưng chúng tôi có được hạnh phúc là vì đã khinh chê của đời; còn các ông, trái lại, khổ sở là tại cứ bám lấy của cải và làm nô lệ chúng". Lời nói đó thành thực và có sức cảm hóa lạ thường, đến nỗi sau này một người trong bọn họ đã về phân phát hết của cải rồi đến xin làm môn đệ thánh nhân.
Đến năm 349, vì lời xui xiểm của Lucius, một Giám mục thuộc lạc giáo Ariô, cai quản giáo phận Alexanđria, thánh nhân bị trục xuất khỏi Ai Cập và gặp nhiều gian truân vì trung thành với đức tin công giáo.
Ít lâu sau ngài từ trần, hưởng thọ gần 100 tuổi. Ngài đã lưu lại cho hậu thế nhiều gương sáng và hương thơm nhân đức. Giáo hội đã kính nhớ và ghi tên ngài vào sổ bộ các thánh ngày 29 tháng giêng.