Đức Thánh Cha gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên tại châu Âu
Ngày 01.8, Đức Phanxicô đã tiếp kiến các tu sĩ dòng Tên ở châu Âu đang tham gia đợt thụ huấn tại Rome với chủ đề “Giới trẻ, ơn gọi và truyền thông” nhằm hướng về Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới.
Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ trẻ rằng họ không thể là một tu sĩ dòng Tên nếu không có sự tự do, vì sứ mệnh của Dòng là đi đến các vùng ngoại vi và “hiệp nhất giữa những khác biệt”.
Ngài đã trả lời câu hỏi của một tu sĩ về cách giúp đỡ các bạn trẻ không thể kiếm được việc làm: “Đây có lẽ là một trong những vấn đề gây tổn thương nhất trong giới trẻ bởi vì khi một người không có được việc làm, anh ta sẽ cảm thấy không có bất kỳ phẩm giá nào”. Đức Thánh Cha nói thêm, nền kinh tế đầu cơ hiện nay tạo ra một hệ thống đầy tiêu cực, do vậy, các bạn trẻ cần phải có sự can đảm, tinh thần sáng tạo, phải hiểu chính mình, và bắt tay vào làm việc.
Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Phanxicô đề nghị các tu sĩ trẻ cần nghiên cứu thêm về hai vị là thánh Peter Faber - một trong những đấng sáng lập dòng Tên và cha Pedro Arrupe - nguyên Bề trên Tổng quyền của Dòng.
Gia Hy
Đức cha GB. Bùi Tuần: Lửa mến thương
Lửa mến thương
Thiếu lửa thiêng nơi người môn đệ Chúa, đó là một thảm họa trên lĩnh vực mục vụ, truyền giáo và tu đức. Thảm họa đó sẽ càng thê thảm, khi người môn đệ Chúa không những thiếu vắng trong mình lửa thiêng mến thương, mà còn nuôi trong mình những thứ lửa do Satan cống hiến.
1. Mấy ngày nay, thỉnh thoảng lại hiện lên trong tôi Lời Chúa Giêsu phán xưa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất. Và Thầy đã rất ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49).
Tôi xin Chúa soi sáng cho tôi hiểu ý Chúa. Một lúc bất ngờ, tôi được nghe từ thẳm sâu tâm hồn tôi ý Chúa: “Lửa đó là lửa mến thương. Lửa mến Chúa, thương người, đó là lửa rất cần cho mọi môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi, nhất là tại Việt Nam hôm nay”.
2. Như thế, nghĩa là tôi cần có lửa trong tôi. Lửa đó là lửa thiêng. Bản chất lửa thiêng đó là mến yêu.
Theo Phúc Âm, thì tôi sẽ nhận ra mình có lửa đó hay không, căn cứ ở dấu chỉ này: Khi gặp người đau khổ, tôi xót thương họ, tôi cảm thương với họ, tôi dấn thân giúp đỡ họ, thì đó là dấu chỉ tôi có lửa mến thương đích thực (x. Mt 25, 35- 40).
3. Khi hiểu ý Chúa là như vậy, tôi hồi tâm xét mình. Kết quả hiện lên trước lương tâm tôi là thế này: Rất nhiều khi tôi đã không xót thương, đã không cảm thương những người đau khổ mình gặp.
Như vậy chứng tỏ tôi không có lửa thiêng mến thương trong tôi.
4. Nhận ra sự thực đó, tôi sám hối, và xin Chúa thương đốt lên trong tôi lửa thiêng từ trái tim Chúa.
Chúa đáp lại là Chúa luôn muốn đốt lửa đó trong tôi. Nhưng tôi có luôn đón nhận không?
5. Thú thực là, vì không tỉnh thức và cầu nguyện, nên rất nhiều khi tôi đã không đón nhận lửa thiêng đó, hoặc đã đón nhận, rồi lại để nó nguội đi.
6. Thiếu lửa thiêng nơi người môn đệ Chúa, đó là một thảm họa trên lĩnh vực mục vụ, truyền giáo và tu đức.
Thảm họa đó sẽ càng thê thảm, khi người môn đệ Chúa không những thiếu vắng trong mình lửa thiêng mến thương, mà còn nuôi trong mình những thứ lửa do Satan cống hiến với danh nghĩa giả tạo là mến Chúa yêu người, để rồi chống lại những người có lửa mến yêu đích thức.
7. Chống nhau, khích bác nhau, loại trừ nhau, đó là thảm họa đang xảy ra tại nhiều nơi trong đạo ngoài đời hiện nay.
8. Tình hình như thế không những báo hiệu sự thiếu vắng lửa thiêng mến thương, mà còn báo động một nguy cơ đau buồn có thể xảy ra, đó là những hình thức nội chiến, từ mức độ nhẹ đến mức độ lớn. Lịch sử quá khứ vốn là như vậy. Lịch sử tương lai cũng sẽ như vậy.
9. Hình như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảm thấy nguy cơ đó, nên ngài hay nói đến sự không nên kết án nhau. Một câu ngài có lần nói, nay đã trở thành nổi tiếng: “Tôi là ai mà dám kết án ai”. Đúng là trong ngài có lửa mến thương đích thực.
10. Theo gương ngài, tôi để ý chỉnh đốn lại lương tâm tôi.
Một là tôi không kết án ai. Cho dù họ sai lầm rõ ràng, thì tôi vẫn cảm thương họ, vẫn xót thương họ, vẫn cứu họ.
11. Hai là tôi tin lòng thương xót Chúa vẫn mở rộng đến mọi người, vì thế, mà nhiều người dù là Công giáo hay ngoài Công giáo, đều có thể đã đang và sẽ nhận được lửa mến thương của Người. Thực tế hôm nay cho tôi thấy nhiều người ngoài Công giáo đã là gương sáng về sự xót thương, cảm thương đối với đồng bào nghèo khó và khổ đau tại Việt Nam hôm nay.
12. Riêng tôi, để đón nhận lửa mến thương của Chúa, tôi luôn cầu xin với tư cách mình là kẻ tội lỗi: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi”. Tôi là kẻ tội lỗi, tôi nói với Mẹ mỗi ngày nhiều lần như vậy. Mẹ nhận lời cầu xin đó, mà dâng lên Chúa. Và Chúa đã thương ban cho tôi lửa mến thương của Chúa.
13. Tôi cũng hay nhìn gương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tức là tôi đón nhận lửa mến thương của Chúa từng giây phút nhỏ, từng việc làm nhỏ. Tôi cũng cho đi lửa mến thương Chúa ban qua những việc nhỏ, trong từng giây phút nhỏ.
Tôi còn đang giữ bên cạnh mình một sợi tóc nhỏ của Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux. Để nhắc nhở tôi là lửa mến yêu, dù nhỏ như sợi tóc, vẫn có sức cứu độ.
14. Tới đây, tôi sực nhớ tới chuyện của Thánh Gioan Vianney, cha sở xứ Ars. Một người đến với cha, khóc lóc vì một người thân mới chết, người thân đó là một tội nhân rối rắm nổi tiếng. Người đó nhảy xuống sông tự tử.
Cha thánh đã cầu nguyện và trả lời an ủi: “Anh ta đã được Chúa cứu. Từ trên cầu nhảy xuống sông chỉ là tích tắc. Nhưng trong tích tắc đó, anh đã được ơn sám hối, nhờ bao người đã cầu nguyện cho anh trước đó”.
Chuyện đó khuyên tôi hãy vững tin vào Chúa trong việc cầu xin cho mình và cho người khác. Chắc chắn sự cứu rỗi cũng đang được xảy ra, dù chỉ trong tích tắc, tại nơi này nơi nọ. Nhờ lửa mến thương của bao người.
15. “Trong con, có lửa hay không có lửa? Có lửa, thì lửa đó là lửa nào? Lửa đó là từ đâu?”
Mấy ngày nay, Đức Mẹ hay hỏi tôi như vậy. Tất nhiên, tôi thưa là “Mẹ biết rõ hơn con”. Tôi trở nên rất bé nhỏ bên lòng Mẹ. Lửa từ trái tim Mẹ được chia sẻ sang tôi. Nhờ vậy tôi đã cùng với Mẹ, chúc tụng Chúa. Linh hồn tôi tung hô Chúa, thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng cứu chuộc tôi (Lc 1, 46-47).
+ GB. Bùi Tuần