Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

TUỔI GIÀ TRONG KINH THÁNH

Filled under:


TUỔI GIÀ TRONG KINH THÁNH
Kinh Thánh không đề cập ông bà một cách rõ ràng, nhưng có nói tới tuổi già, người già, cao niên và trường thọ – đó là ngụ ý nói tới ông bà, tiền nhân của chúng ta. Ông bà là những người mà chúng ta gọi là “lớn tuổi”. Họ đã trải qua tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi trung niên, chắc chắn họ dày dạn kinh nghiệm và cũng tích lũy được nhiều điều khôn ngoan. Con cháu hãy lắng nghe họ, đừng làm cho họ tủi thân!
Là con người, ai cũng có cha mẹ, và tất nhiên là ai cũng có ông bà nội – ngoại (nội tổ phụ và nội tổ mẫu, ngoại tổ phụ và ngoại tổ mẫu). Đối với con cháu, chữ hiếu không chỉ dành cho cha mẹ mà cho cả ông bà nội – ngoại. Đừng “cân-đo-đong-đếm” mà coi trọng bên nào hơn bên nào, thử hỏi không có bên này thì làm sao có bên kia?
Kinh Thánh dạy hậu duệ phải kính trọng người già, dù họ không phải là ông bà của mình: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả: như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa của ngươi” (Lv 19:32). Đó là cách cư xử của người có giáo dưỡng, dù người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Kinh Thánh không nói xa hay nói gần, mà nói cụ thể về hành trình con người: “Đừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8:6).
Kinh nghiệm và khôn ngoan có liên quan lẫn nhau. Cuộc sống rất cần hai thứ đó để có thể “sống khôn”. Và như tiền nhân nói, có sống khôn mới có thể chết thiêng. Kinh nghiệm và khôn ngoan có thể do mình tích lũy, nhưng có lẽ phần lớn do “vốn liếng” của tiền nhân. Thế nên Kinh Thánh khuyên: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp”(Hc 8:9).
Đối với con cháu, đừng tưởng được học hành ba chữ rồi tự cho mình là giỏi giang mà coi thường người khác, cũng đừng tưởng mình văn minh tiến bộ hơn ông bà vì mình sử dụng các apps, nhanh nhẹn lướt internet, ... Tất nhiên là tre già thì măng mọc, nhưng 70 chưa chắc đã khôn hơn 71. Cái túi khôn của ông bà luôn quý giá, chưa chắc giới trẻ đã học hết. Kinh Thánh xác định: “Người cao niên phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho hàng bô lão, lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (Hc 25:4-6).
Tôn trọng tha nhân là tôn trọng Thiên Chúa. Với mọi người còn phải cư xử như vậy huống chi đối với ông bà, tiền nhân của mình. Và cái gì cũng có hệ lụy tất yếu của nó: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi” (Cn 10:27). Và Kinh Thánh cho biết một hệ lụy khác: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ” (Hc 1:12).
Người già rất dễ tủi thân, mặc cảm mình là “người thừa”, thế nên con cháu cần tế nhị và khôn khéo trong cách cư xử. Ông bà là những người dày dạn kinh nghiệm làm cha mẹ, luôn sống cho con cái mà quên bản thân mình. Họ yêu thương con cái thế nào thì họ cũng yêu thương cháu chắt như vậy, sợi dây máu mủ ruột rà không thể chia lìa. Vả lại, “triều thiên của người già là đàn con cháu” (Cn 17:6a).
Tuổi già gắn liền với kinh nghiệm và sự khôn ngoan, mà khôn ngoan là một nhân đức. Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào của con so sánh nổi. Bên hữu khôn ngoan là trường thọ, bên tả là danh giá giàu sang” (Kn 3:15-16).
Một lần nữa, chúng ta cùng tự nhủ và động viên nhau: “Hãy luôn chân thành yêu quý ông bà, đặc biệt là Ngày Ông Bà!”. Đó là niềm vui của chúng ta, đồng thời cũng là bổn phận và trách nhiệm. Hãy là hiếu tử chứ đừng bao giờ là nghịch tử đối với cha mẹ, cũng hãy là hiếu tôn chứ đừng bao giờ là nghịch tôn đối với ông bà!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống trọng chữ hiếu, và xin chúc lành cho ông bà của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU (viết theo TimeAndDate.com và LegacyProject.org)