« Tôi đây là nữ tỳ của Chúa »(Lc 1, 26-38)
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Suy niệm 1
Thật là ý nghĩa, khi tôn vinh Đức Maria với tước hiệu cao cả nhất, tước hiệu « Nữ Vương » trong Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe lại biến cố truyền tin, là biến cố đầu tiên được thánh sử Luca kể lại.
- Tầm mức của tước hiệu Nữ Vương thật rộng lớn và phổ quát, cả trên Thiên Đàng lẫn ở trần thế. Nhưng, biến cố truyền tin lại là một biến cố rất riêng tư và âm thầm. Riêng tư và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria.
- Và kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel; điều này làm chúng ta cảm thấy gần gủi hơn nữa với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, ngang qua nhiều trung gian, và nhất là trung gian Sách Thánh.
- Điều làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Mẹ hơn nữa, đó là, trong khi đối thoại với sứ thần, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng nêu thắc mắc, trước khi nói lời ưng thuận. Chúng ta cũng mời gọi sống tương quan với Chúa, một cách thật sống động và thật nhân tính, theo gương của Đức Mẹ.
Trong truyền thống của Giáo Hội, Đức Maria còn được gọi là Eva Mới ; vì thế, để hiểu hết tầm mức và chiều sâu của lời xin vâng mà Đức Mẹ thưa với Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với lời « xin thôi » của bà Evà.
- Con rắn lừa dối
Sau khi vi phạm lệnh truyền, Đức Chúa chất vấn bà Evà : « Ngươi đã làm gì thế ? » Và bà trả lời : « Con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn » (St 3, 13). Câu trả lời của bà Evà nói lên yếu tính của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, khi nghe và hiểu lời này, chúng ta thường để ý đến hành vi phạm lệnh truyền, là « con đã ăn », và không để ý đủ đến nguyên nhân, đó là « sự lừa dối của con rắn ». Theo pháp luật, để định tội, bao giờ cũng phải xác định nguyên nhân cũng như tình trạng và tình cảnh của người vi phạm. Vậy đâu là sự lừa dối của con rắn ?
Lời của con rắn hoàn ngược lại với Lời Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa đã nói : « trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 17), nhưng con rắn lại nói : « Không, ông bà sẽ không chết. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần » (St 3, 4-5). Nọc độc con rắn muốn gieo vào lòng bà Evà, và qua Evà cho cả loài người chúng ta, thật rõ ràng : Thiên Chúa tạo dựng con người để đày đọa con người và cuối cùng là để cho chết, trở về với cát bụi và hư vô, bằng chứng hiển nhiên là Thiên Chúa cấm con người ăn trái cây có khả năng làm cho con người trở thành thần linh ! Và để ngăn cấm, Thiên Chúa lừa dối ông bà : trái cây mang lại những hiệu qua tuyệt vời như thế, nhưng Thiên Chúa lại nói, ăn vào thì chết !
- Nọc độc nghi ngờ
Đó chính là cảm thức của người Do Thái trong sa mạc, và đó cũng chính là cảm thức của loài người chúng ta, của từng người chúng ta mỗi khi phải đối diện thử thách, giới hạn, khó khăn, đường cùng : « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này » (Ds, 21, 5). Được giải phóng khỏi đất nô lệ chết chóc, được dẫn đưa tới Đất Hứa, được sinh ra làm người với thân phận con người, nhưng khi gặp khó khăn thử thách, Dân Chúa, từng người chúng ta, lại hiểu đó là dự án giết chết, là sự lừa dối, là án phạt hoặc sự đày đọa của Thiên Chúa, là « thử thách » ; « thử thách », theo nghĩa kiểm chứng, không tin tưởng, « thử thách » để dò xét và theo dõi, để xem con người có tốt không, có xứng không, có sai phạm không để xét xử, kết án và loại trừ!
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại lừa dối con người ? Ai đặt ra câu hỏi này, thì tức khắc rơi vào cái bẫy chết người của con rắn, của ma quỉ, của Satan, là đã bị rắn đọc cắn vào người. Bà Evà đã tin vào sứ điệp này của con rắn, và hành vi hái trái cấm bỏ vào miệng chỉ là hậu quả tất yếu theo sau. Như thế, tội trong yếu tính không phải là hành vi, nhưng một thái độ nội tâm dẫn đến hành vi, được gieo rắc bởi Ma Quỉ : đó là không tin thác nơi Thiên Chúa. Không tín thác nơi Thiên Chúa sẽ gây chết chóc cho mình và cho người khác, vì tất yếu, con người sẽ kêu trách Thiên Chúa, không chấp nhận mình, ham muốn những gì người khác có vì lòng ghen tị và tất yếu dẫn đến bạo lực (x. St 37, 12-27 : Giuse và các anh ; và Mt 20, 1-16, là bài Tin Mừng thứ tư vừa qua). Đúng như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết ». Chết, không phải do hình phạt, nhưng do « nọc độc nghi ngờ ».
- Lời « Xin Vâng »
Dựa trên nền tảng của tội nguyên tổ được hiểu như trên, chúng ta có thể khai mở ra cả một cách hiểu mới về « Lời Xin Vâng » của của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Truyền Tin : Đức Mẹ tin thác vào Lời Chúa, chứ không nghi ngờ, vốn là nọc độc của Ma Quỉ. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyện đối của Đức Mẹ :
Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói »
(Lc 1, 38)
Lời « xin vâng » được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến cùng và ngang qua rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy các Tin Mừng không nói gì nhiều về cuộc đời của Mẹ sau biến cố Truyền Tin, nhưng sự kiện Mẹ có mặt và đứng vững dưới chân Thập Giá, điều này đủ để chúng ta nhận ra rằng lời Xin Vâng của Mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Mẹ đã sống đến cùng trong sự tín thác tuyệt đối nơi tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.
Hình ảnh đúng nhất và đẹp nhất diễn tả Đức Ki-tô Vua, đó là lúc Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá. Thì cũng vậy, hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất diễn tả Đức Maria Nữ Vương, Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương loài người, Nữ Vương của lòng chúng ta, của cuộc đời chúng ta, đó là hình ảnh Mẹ đứng dưới chân Thập Giá.
Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng của chúng ta được diễn tả ngang qua ơn huệ đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi dâng hiến, ơn gọi độc thân hay ơn gọi hôn nhân, trong cùng một hành trình như Đức Mẹ : từ khởi đầu của sự sống đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống, ngang qua hành trình đi theo Đức Ki-tô đến cùng. Xin Mẹ nâng đỡ, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình Hiền Mẫu.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2
Thánh vịnh 44, 10 viết rằng:” Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ “.Đức Thanh Cha Piô VII vào thế kỷ XIX đã cho phép rõ ràng một số giáo phận được mừng kính lễ này. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện riêng và một lễ kính riêng Đức Maria Nữ Vương. Đức Piô XII đã ước mong cho toàn thể Hội Thánh mừng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương. Năm 1942, chiến tranh thế giới hai bùng nổ, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng nhân loại cho trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.Năm 1944, chính Đức Thánh Cha Piô XII đã buộc toàn thể Hội Thánh mừng kính lễ Mẹ Trinh Vương một cách long trọng. Những kinh Kính Mừng, Thánh Maria và kinh Lạy Nữ Vương là những kinh ca ngợi ơn phúc của Mẹ và giúp cho con người, nhân loại cậy trông vào uy quyền của Mẹ: ” Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, nhân hậu, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con “. Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, là Nữ Vương hoà bình, Vương Quốc của Mẹ sẽ muôn đời tồn tại.Khi thiết lập ngày lễ này, Đức Thánh Cha Piô XII đã mời gọi tất cả các tín hữu hãy đến ngai tòa ân sủng và xót thương của Nữ Vương và Mẹ chúng ta, để nài xin Mẹ phù trợ trong những nghịch cảnh, ban ánh sáng trong lúc tối tăm, và nâng đỡ giữa khổ đau. Ngài khuyến khích mọi người hãy nài xin ơn Chúa Thánh Thần, ra sức gớm ghét tội lỗi, và thoát ly cảnh nô lệ, để có thể dâng lên Đức Nữ Vương, từ mẫu tuyệt vời, một tâm hồn luôn luôn vâng phục và thơ thảo yêu mến.Mẹ là người được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ. Trong đời sống của Mẹ ở dưới thế Mẹ là người đầu tiên đón nhận được Tin Mừng từ nơi Chúa và qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, Maria cũng là người đầu tiên đón nhận ơn cứu độ. Mẹ đã cảm tạ tri ân Chúa suốt đời Mẹ và bài ca Magnificat Mẹ cất lên là lời ngợi khen cảm tạ không chỉ trong giây lát, không phải nơi đó và lúc đó, nhưng là lời chúc tụng suốt cả đời của Mẹ: ” Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao vời. Danh của Người thật chí thánh chí tôn…Vì vậy mọi thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc “.Những lời lẽ như thế và với ơn phúc mà Thiên Chúa tặng ban và muôn thế hệ sẽ khen ngợi Mẹ là có phúc nói lên rõ ràng tước hiệu:” Maria Trinh Nữ Vương” của Mẹ. Thực ra, lòng tôn sùng Mẹ Maria, tôn sùng trái tim tinh khiết, vẹn tuyền, trinh khiết của Mẹ đã được các Kitô hữu trên toàn thế giới tôn kính từ lâu đời rồi.Vương quyền cao sang của Đức Maria được gắn liền chặt chẽ với vương quyền của Con Mẹ. Chúa Giêsu Kitô là Vua vì Người có quyền toàn vẹn, riêng biệt, và tuyệt đối, trong trật tự tự nhiên cũng như siêu nhiên. Vương quyền của Đức Maria cũng vậy: phát xuất từ Con của Mẹ. Các tước hiệu Nữ Vương và Bà Chúa dành cho Đức Thánh Trinh Nữ không phải là những tước hiệu bóng bẩy.Qua những tước hiệu này, chúng ta nhìn nhận một địa vị ưu việt, một phẩm giá và quyền năng đích thực của Mẹ trên trời cũng như dưới đất. Là Mẹ của Đức Vua, Đức Maria thực sự và đúng là Nữ Vương. Mẹ là đỉnh cao trên mọi thụ tạo, và là con người vượt trên mọi người. Thiên Chúa Toàn Năng đã đặt Mẹ vượt trên mọi thần thánh, và đổ tràn trên Mẹ tất cả ân sủng trên trời, những ân sủng từ kho tàng châu báu của Thiên Chúa, để Mẹ được miễn khỏi mọi tì ố tội lỗi. Mẹ toàn mỹ và hoàn hảo. Mẹ không thể phạm tội và thánh thiện không thể tìm được một nơi nào khác, ngoài Thiên Chúa, và không ai, trừ Thiên Chúa, có thể hiểu thấu.Đức Maria được tôn làm Nữ Vương vì mối liên kết hợp nhất với Chúa Kitô trong tư cách là hiền mẫu, như lời sứ thần Gabriel đã tuyên xưng, và vì sự cộng tác của Mẹ trong công trình cứu độ thế giới của Con Mẹ. Với nguyên nhân thứ nhất, Mẹ là Nữ Vương vì là hiền mẫu của Đức Vua, Đấng là Thiên Chúa, nên Mẹ được tôn vinh trên mọi thụ tạo. Với nguyên nhân thứ hai, Mẹ là Nữ Vương vì Mẹ ban phát các kho tàng và thiện ích trong nước Chúa qua vai trò cộng tác trong công trình cứu độ.Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng” Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhứt bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai toà Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu” Một người nữ mình mặc áo mặt trụi, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”( Kh 12, 1 ).Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa:” Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”( Ga 2, 5 ).Chào kính Đức Nữ Vương thánh thiện! Nép vào nơi ẩn khuất chốn thung lũng, con hát mãi, trên những hoa và cỏ, ở đó con đã nhìn thấy những linh hồn bay lên. Đức Mẹ thường soi sáng chúng ta cầu nguyện và nhường công trạng cho các linh hồn đang chịu giam phạt. Mẹ làm tăng giá trị những lời cầu nguyện của chúng ta và dâng lên Thiên Chúa. Nhân danh Chúa Con, Mẹ áp dụng những công nghiệp của Người và của chính Mẹ cho các linh hồn luyện ngục. Mẹ giúp đỡ chúng ta trong việc hỗ trợ các linh hồn luyện tội.Nếu chúng ta năng đến cùng Mẹ, Mẹ sẽ giúp chúng ta biết tự thanh tẩy tội lỗi và khiếm khuyết ngay ở đời này. Mẹ sẽ cho chúng ta được nhìn thấy Mẹ ngay sau khi qua khỏi đời này, không phải băng qua nơi đợi chờ và thanh luyện, bởi vì chúng ta đã thanh tẩy linh hồn khỏi những sai lỗi và khiếm khuyết ngay trên đời này.Ta hãy đến ngai tòa ân sủng với niềm tín thác, để nài xin lòng thương xót và tìm ơn thánh trong những khi cùng quẫn. Như thế, ngai tòa Nữ Vương của Mẹ là biểu hiện quyền bính của Chúa Kitô. Chúa muốn Mẹ Người là một ngai tòa ân sủng, nơi chúng ta dễ dàng tìm được sự cảm thông, bởi vì Chúa ban Mẹ Người để làm trạng sư ân sủng cho chúng ta và Nữ Vương của mọi thụ tạo.