Lời Chúa: Ga 6, 41-51
Khi ấy, người Do Thái xầm xì phản đối, bởi vì Ðức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?’”
Ðức Giêsu bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Ðấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Ðấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Suy niệm 1
Một ngôn sứ dũng cảm như Êlia trên núi Cácmen
cũng có lúc chán nản, thất vọng, chỉ muốn xin được chết.
Giữa sa mạc, Êlia nằm ngủ dưới gốc cây.
Ông không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình.
Một thiên thần đã đem đến cho ông bánh và nước,
nhờ đó ông có sức đi đến núi của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời,
với bao thách đố, ngờ vực, hiểm nguy...
Chúng ta cần được dưỡng nuôi, nâng đỡ,
để có sức đi hết cuộc hành trình về quê thật.
Có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho ta không?
Có thứ manna nào từ trời rơi xuống?
Thiên Chúa Cha muốn ban cho ta tấm bánh từ trời,
đó là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa (Ga 6,32-33).
Ðức Giêsu là Tấm Bánh Cha ban cho nhân loại,
và chính Ngài cũng muốn tặng bản thân mình cho ta:
“Tôi là Bánh trường sinh” (c.48).
“Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống” (c.51).
Khi nói đến Bánh hằng sống, Bánh trường sinh,
chúng ta thường nghĩ ngay đến bí tích Thánh Thể
và ít khi nghĩ đến Tấm Bánh Lời Chúa.
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc.
Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa
trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể.
Cả hai đều là lương thực cần thiết cho tín hữu.
Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng
khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ
thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Người,
vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội”.
Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng
trong từng thánh lễ (PV 33).
Ngài vẫn trao cho ta Tấm Bánh là Lời của Ngài.
Con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh vật chất,
mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Ðức Giêsu là Lời viết hoa của Thiên Chúa.
“Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Lời Chúa là thức ăn khó nuốt.
Cuốn Tân Ước tôi cầm trên tay là một bản văn cổ,
thuộc nền văn hóa xứ Palestin cách đây hơn 2000 năm.
Phải học hỏi, đào sâu mới hiểu đúng và hiểu đủ.
Lời Chúa cũng là thức ăn khó nuốt,
vì là một lời mời gọi tôi ra khỏi mình,
bỏ lại những tính toán khôn ngoan và hợp lý.
Tiếng Chúa đụng đến con người tôi, ở đây, bây giờ,
và mời tôi dấn thân vào một cuộc mạo hiểm.
Nhưng Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon
nếu tôi biết lắng nghe và đem ra thực hành.
Càng sống Lời Chúa,
tôi càng gặp được ánh sáng và sức mạnh,
nhất là được hiệp thông với con người Ðức Giêsu.
Hãy hưởng dùng Tấm Bánh Chúa trao cho bạn,
và hãy chia sẻ cho nhau kho tàng Lời Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Con người chịu hậu quả của tội là làm theo bản năng hạ đẳng. Để có thể tin vào Chúa, làm những việc lành đạo đức cao cả, luôn cần phải có ơn Chúa. Đó là điều Chúa Giêsu khẳng định: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Chắc chắn từ “lôi kéo”, không mang ý nghĩa áp đặt làm mất tự do của con người, nhưng là ơn ban cho con người có khả năng tin vào Chúa Giêsu để nhờ đó mà được cứu độ.Vì thế, đến với Chúa, đến với các ơn thiêng cao trọng của Chúa, chúng ta luôn phải cầu xin với lòng khiêm nhường. Để có sức chống lại mãnh lực ác quỉ, chúng ta luồn cần phải có ơn Chúa giúp sức. Cậy dựa vào sức con người, vào những giới hạn mong manh của mình, chắc chắn chúng ta thất bại. Những người muốn thăng tiến bản thân, muốn canh tân gia đình, mà không siêng năng nhận lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, là ước muốn hão huyền.Chúa Giêsu đã khẳng định điều này, khi Người nói: “Ai ăn bánh này thì khỏi phải chết”. Vậy không lãnh nhận Thánh Thể là chết. Ta chết về tâm linh, nên không có sức chống lại cám dỗ và sự dữ. Ta không có Thánh Thể, không có sự sống thần linh, nên ta không có khả năng làm việc lành, chừa bỏ tội lỗi.Mỗi ngày, chúng ta được cung cấp rất nhiều thứ nhân danh sự tiến bộ, hạnh phúc cho con người. Nhưng chúng ta thấy gì? Một thời đại mất phương hướng. Người tự tử tăng. Tội ác tràn ngập. Nhân nghĩa hao mòn từng ngày. Sự thật vắng bóng trong mọi sinh hoạt xã hội. Sự giả dối trở thành một nếp sống. Người ta tìm mọi cách để giảm tội ác nhưng chỉ gặt điều ngược lại ở mức độ tinh vi khó lường hơn. Đó chẳng phải là ứng nghiệm lời Chúa đó sao!“Ai nghe và đón nhận giáo huấn Chúa Cha, thì sẽ đến với Ta”. Vậy ai không đến với Chúa Giêsu, là không nhận Chúa Cha. Từ đó chúng ta cũng thừa hiểu tại sao, khi một người không có ơn Chúa, thường là tai họa cho mọi người. Lo thăng tiến mọi mặt mà bỏ hoang tâm hồn, đó là một thảm họa cho con người và xã hội.