Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Phút suy niệm ngày 29/8/2018

Filled under:



Phút suy niệm ngày 29/8/2018
"Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình"(Mc 6, 17-29).
Vua Hê-rô-đê tức giận khi bị Gio-an Tẩy Giả dạy khôn. Thật ra Gioan chỉ muốn cứu nhà vua khỏi sa vào vòng tội lỗi. Khi nói lên điều này, Gioan biết, ông sẽ bị mất đầu như chơi.
Không có mấy người can đảm dám nói lên sự tội của người khác, để khuyên bảo người ấy trở về với chân lý, với sự thật. Ở đây lại là một vị vua với nhiều quyền hành sinh tử, thì quả thật Gioan là người của Thiên Chúa mới dám ngăn cản nhà vua làm điều sai trái, không đúng với luật Thiên Chúa truyền dạy.
Chúng con đã nhiều lần ngoảnh mặt làm ngơ trước những sai xót của chính chúng con, biện minh bằng những lý lẽ của bất công, của tham lam, của kẻ trên với người dưới...
Lạy Chúa. Xin ban cho chúng con biết noi gương thánh Gioan dám lấy lập trường khẳng khái, thẳng thắn, mạnh mẽ phản đối lại những gì đi ngược lại với chân lý, với sự thật. Amen.

29 Tháng Tám
Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Đầu
Lời thề khi say sưa của một vị vua coi thường danh dự, một điệu vũ mê hoặc và một con tim hận thù của hoàng hậu đã đưa đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại nhất đã chịu chung số phận như nhiều ngôn sứ khác trong Cựu Ước: bị tẩy chay và tử đạo. "Tiếng kêu trong sa mạc" không ngần ngại lên án kẻ có tội, và dám nói lên sự thật. Tại sao ngài làm như vậy? Ngài được gì khi hy sinh mạng sống mình?

Nhà cải cách tôn giáo này đã được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Đấng Thiên Sai. Ơn gọi của ngài là một hy sinh cách vị tha. Chỉ có một quyền năng mà ngài công bố là Thần Khí Thiên Chúa. "Tôi làm phép rửa cho các người với nước để giục lòng sám hối, nhưng Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi trong Thánh Thần và lửa" (Mátthêu 3:11). Phúc Âm kể cho chúng ta biết có nhiều người theo Gioan để tìm kiếm hy vọng, có lẽ vì nóng lòng chờ đợi Đấng Thiên Sai. Gioan không bao giờ tự nhận cho mình cái vinh dự giả dối khi dân chúng tuốn đến với ngài. Ngài biết ơn gọi của mình là sự chuẩn bị. Khi đã đến lúc, ngài dẫn các môn đệ đến với Chúa Giêsu: "Hôm sau, ông Gioan lại có mặt ở đó với hai môn đệ của ông và khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông nói: 'Đây là Chiên Thiên Chúa.' Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Đức Giêsu" (Gioan 1:35-37)

Chính Gioan Tẩy Giả là người đã chỉ đường đến Đức Kitộ Đời sống và cái chết của Gioan là để hy sinh cho Thiên Chúa và loài người. Lối sống đơn giản của ngài thực sự là lối sống tách biệt khỏi vật chất thế gian. Tâm hồn của ngài đặt trọng tâm ở Thiên Chúa và lời mời gọi ngài nghe được từ Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn ngài. Tin tưởng ở ơn Chúa, ngài đã can đảm nói những lời kết tội hoặc kêu gọi sám hối, vì sự cứu độ.

Lời Bàn
Mỗi người đều có một ơn gọi mà họ phải lắng nghe. Không ai có thể lập lại sứ vụ của Thánh Gioan, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến một sứ vụ riêng biệt. Đó là vai trò làm chứng nhân cho Đức Giêsu của mỗi một Kitô Hữu. Bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống, chúng ta được mời gọi để trở nên môn đệ của Đức Kitô. Qua hành động và lời nói, người khác sẽ nhận thấy chúng ta đang sống trong niềm vui khi tin nhận Đức Giêsu là Chúa chúng ta. Chúng ta không bị gò bó bởi sức mạnh hạn hẹp của chính chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh từ ơn cứu độ bao la của Đức Kitô.

Lời Trích
"Họ đến gặp Gioan và nói: 'Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy chứng thực, bây giờ ông ấy đang làm phép rửa, và mọi người đều đến với ông ấy." Gioan trả lời: 'Không ai có thể nhận được gì mà không do trời ban. Chính anh em làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Đấng Thiên Sai, mà chỉ là kẻ được sai đến trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; người phù rể đứng ở đó thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Như vậy niềm vui của tôi đã được trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:26-30).