Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Lạ lùng thay, tình yêu của Chúa

Filled under:


Nếu phải nói đến một mầu nhiệm gì đó mang tính hiện sinh liên quan đến Thiên Chúa mà mãi muôn đời con người chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ không sao hiểu được, tôi sẽ chọn để nói về lòng thương xót của Ngài. Hãy tạm gác lại tất cả các kiểu phân tích ngữ nghĩa hay thần học, khi nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa, đơn giản tôi chỉ có ý muốn diễn tả tình yêu mà Ngài dành cho toàn thể chúng sinh, loài vật cũng như loài người, cấp độ phát triển bậc thấp cũng như bậc cao, giống vô tri cũng như loài có ý thức. Tưởng tượng về Ngài, tôi thấy hình ảnh một Đấng luôn nở nụ cười tươi, luôn trao ban, hoà nhã, thân thiện, một người có sức hút. Và điều mà tôi cho là mầu nhiệm, là điều tôi chẳng thể nào hiểu được nơi lòng thương xót của Ngài chính là: làm sao Ngài có thể luôn tha thứ, tha thứ và tha thứ hoài mãi như vậy?
Trên thế giới hàng tỷ con người này, đâu phải chỉ có một người phạm tội. Và người ta phạm tội đâu phải chỉ có một lần. Người ta cũng đâu chỉ phạm một tội. Người ta luôn phạm tội, kể từ khi có cái gọi là tội xuất hiện, con người đã không ngừng hùa theo nó. Nói bằng một ngôn ngữ bình dân, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trong sự hiện hữu của mình, con người đã luôn chống lại Thiên Chúa, từng giây từng phút, với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cường độ khác nhau, nhiều kiểu cách khác nhau. Thiên Chúa luôn dành mọi điều tốt nhất cho con người và cái mà Ngài nhận được luôn là những sự chống đối từ đối tượng mà mình yêu thương nhất. Vậy mà Ngài vẫn tha! Lạ chưa!
Có những tội rất đỗi “nhẹ nhàng”, dù có khi ta cảm thấy áy náy, nhưng rồi thời gian trôi qua, ta cũng chẳng còn bận tâm. Có những tội mà khi nghe xong, cha giải tội chỉ thấy buồn cười, chẳng cần giải thích hay khuyên nhủ gì, ngài ban phép xá giải ngay lập tức. Nhưng tội lỗi mà con người phạm phải đâu chỉ là những điều nhỏ nhặt như thế. Đọc lại lịch sử, ta thấy có vô vàn cảnh tượng vô cùng thê lương, những tình huống mà ngay cả cõi lòng của những con người tội lỗi như chúng ta cũng giận căm lên và tưởng chừng chẳng thể nào có thể tha thứ. Cảnh hàng ngàn con người giết chết nhau ngoài mặt trận. Cảnh người ta cứa cổ, tùng xẻo, cho voi đạp đầu, ném người cho thú dữ ăn, hãm hiếp phụ nữ, tàn sát con nít. Cảnh con giết cha, cảnh chồng giết vợ, cảnh gia đình vì đồng tiền mà tru diệt nhau… Và còn nhiều thảm cảnh khác nữa, ta không thấy không chứng kiến, còn Chúa, Ngài thấy hết, biết hết. Vậy mà Ngài vẫn tha!
Chúng ta thường lên án những tên khủng bố. Chúng ta thường đòi tử hình kẻ giết người hàng loạt. Chúng ta muốn loại trừ những tên bợm bãi ra khỏi cuộc sống… Đó là những phản ứng rất tự nhiên, vì chúng ta mong muốn mình và những người thân yêu được sống trong hoà bình, an lạc. Chúng ta căm phẫn khi công bình bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, dù có khi những chuyện xảy ra chẳng dính dáng gì đến mình, đó là vì ta được dựng nên từ những điều tốt đẹp và để hướng về những điều tốt đẹp. Ai làm điều gì xấu xâm hại đến ta, ta nguyền rủa, muốn báo thù cho hả giận, không bằng hành động thì cũng bằng lời nói, hoặc ít ra cũng nung nấu và nảy sinh những tư tưởng không tốt về người đó trong đầu… Đó là cách hành xử của chúng ta, còn Chúa, Chúa tha thứ hết! Có nhiều khi ta, vì không hiểu được lòng thương xót của Ngài, nên còn trách Ngài sao thật dễ dãi và xem những lời dạy bảo của Ngài là chẳng thực tế tí nào! Cầu nguyện cho những tên khủng bố giết người không gớm tay sao? Làm ơn cho những người vả mình một cái đau điếng sao? Đừng quay lưng với những người vừa phản bội mình sao?
Đúng là chẳng thể nào hiểu được. Tại sao Chúa lại có một sự kiên nhẫn lớn lao như thế? Sao Chúa lại có thể lặng im mà chẳng có động thái nào giống như chúng ta? Nếu ta là Chúa, chắc là ta đã dùng quyền năng của mình mà dẹp tan hết tất cả mọi sự rồi. Nhưng may mắn thay, Chúa không phải là ta, cách Chúa nghĩ không giống như ta, con tim của Chúa không nhỏ hẹp như ta. Chúa như bờ biển dài, đón nhận hết tất cả mọi con sóng. Sóng to sóng bé, sóng lớn sóng nhỏ, dù ngày hay đêm, dù hôm qua hay hôm hay hay ngày mai, dù sóng có muôn hình vạn trạng thế nào, có hung dữ hay hiền hoà thế nào, chỉ cần sóng đổ vào, bờ biển cũng ôm trọn hết. Lòng thương xót của Chúa cũng hệt như thế. Ta thường dễ nghĩ về Thiên Chúa như một Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự, nhưng thường rất khó để có thể cảm được rằng bên cạnh quyền năng, Ngài còn là Đấng yêu thương vô bờ bến nữa. “Yêu” và “quyền năng” đi đôi với nhau, vì khi yêu, người ta sẽ làm được mọi sự.
Vấn đề của chúng ta là nhiều khi ta không tin Chúa đã tha thứ cho mình. Ta tự kết án mình, tự cho rằng tội mình phạm quá lớn, rằng ta đã tự biến mình ra nhơ nhuốc, làm sao Chúa có thể tha thứ cho mình được. Một tấm lòng thống hối ăn năn là của lễ mà Thiên Chúa mong muốn nhất. Ta cần thống hối để được thứ tha. Nhưng thiếu niềm tin vào lòng thương xót của Chúa lại là một tội lớn khác. Thống hối ăn năn mà không tin là Chúa đã tha thứ cho mình thì chẳng khác nào tự đào hố chôn, tự đưa mình vào sâu trong bóng tối. Một sự ăn năn thống hối như thế chẳng có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là một điều tai hại. Ta cứ đấm ngực như thể ta là con người tội lỗi nhất thế gian, hay như thể đây là lần cuối cùng ta phạm tội. Đây là một kiểu kiêu ngạo đội lốt. Tự nó không giải phóng ta và cũng không mang lại cho ta chút lợi ích nào.
Con người có tội lỗi đến đâu cũng không thể thoát ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Con người có thần thánh đến đâu cũng không thể khiến cho Thiên Chúa không còn yêu thương mình. Chúng ta hạn hẹp, chỉ nhìn thấy được một phần nhỏ của sự việc. Còn Thiên Chúa nhìn bao quát mọi sự, thông tuệ mọi thứ. Tội lỗi của cả nhân loại từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày tận thế mà Thiên Chúa còn tha thứ được thì một chút nhỏ tội lỗi của ta có thấm vào đâu. Thiết tưởng rằng, bước đầu tiên để khởi đầu con đường nhân đức chính là cảm nghiệm cho được Chúa đã yêu thương vũ trụ, nhân loại và cách riêng là bản thân ta thế nào. Khi cảm nghiệm được rồi, ta mới được tình yêu ấy thánh hoá, ta mới biết mình nên làm gì, nói gì, đi đâu, hành xử thế nào. Không biết Chúa yêu mình thế nào, thì con người cứ mãi loay hoay trong vòng xoay sự dữ.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ