NGÀY ÔNG BÀ
Ngày Ông Bà (Grandparents' Day), cũng gọi là Ngày Liên Thế Hệ (Intergenerational Day), là ngày lễ được cử hành tại Hoa Kỳ từ năm 1978 và chính thức được công nhận tại nhiều quốc gia khác – ngày lễ thay đổi tùy năm (năm 2018 là ngày 9-9, năm 2019 là ngày 8-9, năm 2020 là ngày 13-9). Ngày Ông Bà cử hành vào Tháng Chín vì là Mùa Thu, với ý nghĩa “tuổi già là Mùa Thu của đời người”. Dĩ nhiên Ngày Ông Bà là ngày của cả ông bà Nội và ông bà Ngoại.
LỊCH SỬ
Nhiều người kính trọng ông bà bằng nhiều hoạt động như tặng quà, tặng thiệp, ... Các cháu có thể mời ông bà tới trường học vào ngày đặc biệt nào đó. Nhiều trường có các hoạt động liên quan ông bà, chẳng hạn thi kể chuyện về ông bà.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấm thiệp được tiêu thụ vào dịp cử hành Ngày Ông Bà. Đây là dịp tốt để giới trẻ bày tỏ lòng yêu thương đối với ông bà qua các hoạt động như gọi điện thăm hỏi hoặc mời ông bà đi ăn uống. Những người sống ở các nhà hưu dưỡng có thể được cháu chắt và người thân đến thăm.
Ngày Ông Bà có nguồn gốc khác nhau. Một số người cho rằng ngày đó do đề nghị của Michael Goldgar hồi thập niên 1970, sau khi ông thăm người dì ở nhà dưỡng lão Atlanta, ông dùng 11.000 USD để vận động cho Ngày Ông Bà được công nhận chính thức, ông tới Washington DC 17 lần trong vòng 7 năm để gặp các nhà lập hiến.
Một số người khác lại cho rằng Marian Lucille Herndon McQuade (1917-2008), một bà nội trợ ở miền Tây Virginia, là người khởi xướng Ngày Ông Bà. Thập niên 1970, McQuade cố gắng cho người ta biết về sự đóng góp quan trọng của người dân, sự đóng góp mà họ sẵn sàng làm nếu được yêu cầu. Bà cũng thúc giục người ta phụng dưỡng ông bà, không chỉ trong ngày này mà suốt cả đời.
Năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter đã ký luật công nhận Ngày Ông Bà là ngày lễ quốc gia. Marian McQuade đã nhận được điện thoại từ Tòa Bạch Ốc đề cập sự kiện quan trọng này. Nhiều người tin rằng Ngày Ông Bà được gợi hứng từ nỗ lực của bà. Tổng thống tuyên bố ngày 6-9-1979 là ngày chính thức, và ấn định Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật, 9-9-1979, Chúa Nhật đầu tiên của Tháng Chín sau Ngày Lao Động (Labor Day).
Ca khúc chính thức của Ngày Ông Bà là bài “A Song for Grandma And Grandpa” của Johnny Prill (*), và biểu tượng là hoa “forget-me-not” (hoa lưu ly). Tương tự các dịp lễ khác, mỗi dịp đều có những bài hát ngắn đặc trưng – chẳng hạn dịp Năm Mới có bài “Auld Lang Syne” hoặc dịp Giáng Sinh có bài “Grandma Got Run Over By a Reindeer”.
Tại Australia, bang Queensland cử hành Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười. Tại New South Wales, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật 30-10-2011, và được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Mười. Còn tại Australian Capital Territory và Western Australia cử hành Ngày Ông Bà lần đầu tiên vào năm 2012.
Tại Canada, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên năm 1995, nhưng bị gián đoạn tới năm 2014 mới được cử hành lại. Theo ý kiến của nhiều người, Ngày Ông Bà nên được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín để giáo dục ý thức về gia đình trong việc phụng dưỡng ông bà, đồng thời cũng giáo dục về việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Tại Estonia, Ngày Ông Bà (Vanavanemate Päev) được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín. Tại Pháp, Ngày Ông Bà (La Fête des Grands-Mères) được cử hành lần đầu tiên vào năm 1987 với nhãn hiệu cà phê Grand'Mère, và ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Ba. Tại Anh, Ngày Ông Bà được cử hành vào năm 1990, và từ năm 2008 ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười.
Tại Đức, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2010, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Tây Ban Nha, Ngày Ông Bà (Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 26-7, lễ Thánh Gioakim và Thánh Anna – song thân của Đức Mẹ, ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Tại Ý, Ngày Ông Bà (Festa Nazionale dei Nonni) được cử hành lần đầu tiên vào năm 2005, và ấn định là ngày 2-10, lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh theo lịch Công giáo Rôma.
Tại Mexico, Ngày Ông Bà (tiếng Tây Ban Nha: Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 28-8. Tại Ba Lan, Ngày của Bà (Dzień Babci) được tạp chí Kobieta i Życie giới thiệu vào năm 1964, và từ năm 1965, Ngày của Bà được cử hành vào ngày 21-1, và sau đó là Ngày của Ông (Dzień Dziadka) được cử hành vào ngày 22-1. Tại Nam Sudan, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2013, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười Một.
Tại Singapore, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1979, và được ấn định là Chúa Nhật thứ tư trong Tháng Mười Một. Tại Hong Kong, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1990, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Đài Loan, Ngày Ông Bà (祖父母節, Zǔfùmǔ Jié) được cử hành lần đầu tiên vào ngày 29-8-2010, và ấn định là Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Tám, ngay trước khi các cháu bắt đầu học kỳ mới.
MỤC ĐÍCH
Tại Hoa Kỳ, Ngày Ông Bà là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Chín – sau Ngày Lao Động. Ngày này được thành lập không phải để bán thiệp và hoa, mà là để khơi dậy lòng kính trọng và yêu mến ông bà – cha mẹ của cha mẹ mình. Người đề xướng là bà Marian Lucille Herndon McQuade. Chồng bà là ông Joseph L. McQuade cũng ủng hộ bà. Họ có 15 người con, 43 người cháu, 10 người chắt, và 1 người chút. Bà McQuade qua đời ngày 26-9-2008, sau 60 năm hôn nhân.
Có ba mục đích đối với Ngày Ông Bà:
1. Thể hiện lòng kính trọng ông bà.
2. Tạo cơ hội để ông bà thể hiện yêu thương với cháu chắt.
3. Giúp cháu chắt nhận biết sức mạnh, thông tin và sự hướng dẫn quý báu từ những người lớn tuổi.
Bà McQuade muốn rằng Ngày Ông Bà là ngày của các gia đình. Bà nghĩ tới các gia đình tận hưởng những cuộc họp mặt, đoàn tụ, hoặc cùng nhau tham gia các sự kiện của cộng đồng.
Về phương diện xã hội, Ngày Ông Bà cho chúng ta cơ hội xác định sự đồng nhất và tầm quan trọng của ông bà, những người giữ vai trò chính trong gia đình. Đó cũng là ngày dấn thân, quên mình, chia sẻ niềm hy vọng, ước mơ, và các giá trị khác, đồng thời cũng nêu gương và tư vấn cho thế hệ tương lai.
Bà McQuade khiêm nhường nhận mình chỉ là người nội trợ, nhưng công việc của bà đáng trân trọng vì đã không ngừng nỗ lực làm cho Ngày Ông Bà được xã hội công nhận. Bà dành nhiều thời gian tư vấn cho những người lớn tuổi. Năm 1971, bà được bầu làm phó chủ tịch Ủy Ban Người Già của vùng Tây Virginia, và được ủy thác làm người đại diện tại Hội Nghị về Người Già của Tòa Bạch Ốc. Năm 1972, nỗ lực của bà McQuade được Tổng thống Richard Nixon tuyên bố là Ngày Ở Nhà Toàn Quốc (National Shut-in Day). Bà còn là chủ tịch Tổ chức Phục hồi Hướng nghiệp, phó chủ tịch Cơ quan Y tế Tây Virginia, thành viên lãnh đạo Nhà Dưỡng Lão, và liên quan nhiều hoạt động khác.
Lailah Rice, một người cháu của bà McQuade, nhắn nhủ trẻ em ngày nay: “Các cháu có thể học hỏi nhiều từ ông bà hơn mình tưởng – đó không chỉ là công việc trong gia đình”.
Ngày Ông Bà là “gạch nối” quan trọng trong gia đình, với mối quan hệ liên thế hệ. Ngày nay, nhiều trường học và các nhóm cộng đồng cử hành Ngày Ông Bà vào bất cứ thời gian nào trong năm, với minh định là liên kết gia đình và cộng đồng. Cháu chắt có cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà – những người đã sinh ra cha mẹ mình, đồng thời cũng là dịp để ông bà cảm thấy cuộc đời của mình không vô nghĩa và được quý mến.
Tuổi già bắt đầu từ tuổi trẻ. Hỡi các cháu chắt, hãy luôn chân thành yêu quý ông bà, đặc biệt là Ngày Ông Bà!
|