Năm nào tôi cũng được vinh dự đứng trong hàng ngũ giáo lý viên dạy giỏi của giáo xứ, giáo hat. Ngoài tiền bạc (không nhiều lắm) và giấy khen của bề trên, tôi còn nhận được những lời chúc mừng nồng nhiệt, thêm vào đó là những tràng pháo tay khen ngợi kéo dài của cộng đoàn. Mặc dù vậy, tôi vẫn không có được niềm vui dù là một chút nhỏ thôi, bởi bên cạnh đó có những anh chị em giáo lý viên của tôi đạo đức, thông minh, cần cù hơn tôi nhiều lại phải ngồi từ “đằng xa”, mà lẽ ra họ phải nhận được vinh dự này mới đúng. Mỗi lần như thế là mỗi lần Lời Chúa lại hiện về trong tôi: “Trốn đâu cho thoát nhan Ngài”. Nên hôm nay, tôi mạnh dạn để nói lên chính những suy nghĩ của tôi, hầu mong được Chúa thứ tha.
Mặc dù tôi vẫn biết giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Kitô uỷ thác qua Giáo Hội. Giáo lý viên không chỉ là người dạy, nhưng trước hết là một chứng nhân (SGL 9,66), một chứng nhân tình yêu. Nhưng suốt mấy năm qua, tôi đâu có mục đích như thế, đối với tôi cốt làm sao học sinh trong lớp của tôi có trong danh sách khen thưởng của giáo họ, giáo xứ, giáo hạt và thậm chí của giáo phận, và như thế là đã đạt được tiêu chí của tôi rồi.
Chính vì vậy, trong tổng số trên 30 học sinh trong lớp, tôi chỉ nhắm tới vài ba em (những em này khá hơn, nhanh nhẹn hơn so với nhiều em trong lớp), rồi từ đó tôi chỉ tập trung cho những em này (nào là thời gian, sách vở… và truyền đạt kiến thức). Khi đến kỳ thi tôi chỉ lấy những em này để dự thi vào các kỳ thi của xứ, hạt và giáo phận. Chính nhờ vậy, mà năm nào học sinh của tôi cũng đạt giải cao trong các kỳ thi, thậm chí có những năm đạt giải nhất, nhì, ba của giáo hạt, kể cả giáo phận.
Còn các em khác thì hầu như tôi không màng tới, có chăng thấy các em đến lớp đúng giờ, ra về đúng hẹn thế là được rồi. Lý do này đã khiến không ít các em trong lớp của tôi mặc dù đã học Kinh Thánh III, nhưng vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Chúa Giêsu có mấy tính? Thậm chí có những em khi được hỏi câu hỏi này thì trả lời như sau: Chúa Giêsu có một tính, đó là tính loài người, cũng Tham, Sân, Si, cũng chẳng khác gì 2 ông tông đồ Gioan và Giacôbê con của ông bà Giêbêđê xưa, cũng thích ngồi bên hữu, bên tả như chúng ta mọi đàng!!! Còn tính chi nữa thì em không biết!!!
Việc làm của tôi ở trên, cũng vì chỉ nhắm vào thành tích phần thưởng của cha xứ, của ban giáo lý hạt và hơn nữa là phần thưởng của giáo phận, nên đã đẩy phần đông học sinh hiểu biết giáo lý vào tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như trên. Tôi biết việc làm của tôi như vậy là trái với Lời Chúa, trái với lương tâm… Tôi biết vậy, nhưng tôi phải làm vậy, vì cái kiểu thi giáo lý nơi “quê tôi” buộc tôi phải vậy.
Bởi vậy, để tránh tình trạng “tréo ngoe” như trên, tôi đề xuất một số ý kiến như sau:
Trước hết, lấy danh sách học sinh dự thi các cấp
Việc này, theo tôi không nên để cho thầy cô giáo chủ nhiệm hay là do lớp bầu chọn học sinh dự thi, mà phải do bề trên, vì đây không phải là chọn học sinh mà là kiểm tra kiến thức giáo lý của các em. Bởi đó, sắp đến kỳ thi, cha xứ buộc thầy cô giáo lý viên của từng lớp, từng họ nạp danh sách học sinh của lớp mình cho cha xứ. Danh sách này (danh sách lớp) trong số thứ tự của các em 1,2,3,4,5,6,7,8,9…; cha xứ tuỳ chọn lấy tên tuổi của các em trong số thứ tự, có thể lấy 1,7 hay 5,8 hoặc 11,17,22… Sau đó thông báo cho các thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo họ và các em có danh sách mà cha xứ đã lấy để dự thi trước một tuần, hay 10 ngày gì đó để họ chuẩn bị cho kỳ thi.
Cấp giáo hạt và giáo phận
Không nhất thiết năm nào cũng phải lấy mỗi lớp 2 em (2.9 =18 em), mà có thể lấy mỗi lớp 1, 2 hoặc 3 em; hoặc có thể năm này kiểm tra khối này, năm sau kiểm tra khối kia, hoặc lớp này, lớp kia; hoặc có thể 2 hay 3 năm một lần thi (danh sách người dự thi như nói ở trên).
Cấp giáo phận: có thể chỉ định bất kỳ 1 xứ, hoặc 2 xứ nào đó trong hạt dự thi thay cho các xứ trong hạt…
Dù thi ở cấp nào thì sắp đến kỳ thi bề trên mới cho biết hình thức, nội dung sẽ được thi như thế nào.
Thứ đến, cũng vì khi dùng từ ngữ trong các kỳ thi, chúng ta dùng từ chưa thuyết phục. Chẳng hạn, cụm từ: “Thi học sinh giỏi”. “Giỏi” hay “không” thì mình Chúa mới biết được. Việc đánh giá chính xác, đúng mức trong việc dạy và học giáo lý còn nằm ở thái độ, tinh thần học tập và nhất là mức độ áp dụng thực tế. Lại nữa, khi dùng từ “giỏi” vô hình chung buộc giáo lý viên phải chọn lọc và khi đã chọn lọc thì sinh ra những vấn đề trên. Do vậy, chúng ta chỉ nên dùng cụm từ: kiểm tra kiến thức giáo lý (lớp, xứ, hạt, giáo phận) kỳ thi… năm 200…
Thiết tưởng, nếu làm được như thế thì việc dạy và học giáo lý của chúng ta sẽ tránh được tình trạng “nuôi gà chọi” mà người ta đã từng phản ánh và chính cá nhân tôi lúc ấy mới quan tâm đến tất cả các em trong lớp, và điều quan trọng nhất là chính tất cả học sinh mới có thái độ nghiêm túc trong học tập (vì không em nào biết được mình có “bị” nằm trong danh sách dự thi của lớp hay không, nên tất cả đều phải học). Nói khác đi, tất cả học sinh trong lớp dù chiên béo, chiên gầy… lúc bấy giờ mới được sự quan tâm dạy bảo của giáo lý viên một cách đúng mức.
GLV Nguyễn Minh Thông