Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Tự Nhủ

Filled under:

Thành công là điều ai cũng mong muốn. Nhưng để đạt tới thành công, người ta không thể “ngồi chờ sung rụng”, mà phải nỗ lực không ngừng. Thất bại là mẹ thành công. Thua keo này bày keo khác. Hãy luôn tự nhủ như vậy!
Những người thành công suy nghĩ như thế nào? Điều gì luôn điều khiển họ? Và họ hành động như thế nào? Sau đây là những bí quyết được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều người đã đạt được thành công trong các lĩnh vực.
  1. Chịu Trách Nhiệm
Người ta không thể kiểm soát thiên nhiên, quá khứ và người khác. Nhưng người ta khả dĩ kiểm soát tư tưởng và hành động của mình. Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình là một tác động mạnh nhất mà bạn có thể làm được.
Les Brown bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh và bị coi là thiểu năng trí tuệ. Nhưng ông không đánh mất hy vọng. Và Brown đã trở thành chính khách. Ngày nay, mỗi giờ ông kiếm được 20.000 USD với tư cách là một trong số diễn giả hàng đầu thế giới.
  1. Có Mục Đích
Là làm những thứ bạn hoàn toàn tin mình đủ khả năng và cố gắng đủ mức để đạt được nó. Bạn thích những gì bạn làm và thể hiện điều đó. Người ta muốn hợp tác với bạn vì họ thấy bạn nghiêm túc.
  1. Lập Kế Hoạch
Cố gắng đạt mục đích mà không có kế hoạch hoạt động cũng giống như lái xe qua những con đường lạ dẫn tới một nơi rất xa. Lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc có thể làm bạn phải bỏ cuộc sớm. Với kế hoạch trong tay, bạn sẽ vui vẻ và đến đích trong thời gian sớm nhất.
  1. Dám Trả Giá
Những người thành công thấy điều gì đáng trả giá để biến ước mơ thành sự thật. Họ không than phiền về công sức đã bỏ ra.
  1. Không Đầu Hàng
Khi Jack Canfield và Mark Vitor Hansen biên soạn cuốn Chicken soup for the soul, họ bị hơn 100 nhà xuất bản từ chối. Họ vẫn tập trung vào mục đích và cũng có người đồng ý xuất bản. Bây giờ, đó là sách bán chạy nhất. Đó là sức mạnh của sự kiên trì.
Hãy dành nhiều thời gian vào việc đạt mục đích và ước mơ. Bạn nên tự vấn: “Điều tôi đang làm có đến gần mục đích không?”.
  1. Không Trì Hoãn
Cơ hội không phải lúc nào cũng có. Người thành công luôn biết nắm bắt cơ hội, nỗ lực và đam mê hành động để thực hiện ước mơ. Bạn cũng có thể như vậy.
  1. Luôn Tín Thác
Điều quan trọng nhất là phải tín thác vào Thiên Chúa. Thành công hay thất bại đều do Ngài có cho phép hay không. Thành công có thể là mối nguy đối với chúng ta nên Ngài để cho chúng ta thất bại. Chính sự thất bại đó lại là “mối lợi” bất ngờ. Thật vậy, Kinh Thánh minh định:“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv 127:1).
TRẦM THIÊN THU
Năm Thánh Lòng Thương Xót, 2015-2016

Trang Phục

Ngày nay, người ta biện minh với lý do là văn minh. Văn minh thì phải có văn hóa, nhưng văn minh đôi khi lại thiếu văn hóa trầm trọng, thậm chí là phi văn hóa ngay trong những cái được mệnh danh là văn hóa. Có nhiều dạng văn hóa, trang phục là một trong các nét văn hóa mà chúng ta gọi đó là văn hóa ăn mặc.
Trang phục quan trọng đối với mọi người, dù nam hay nữ, nhưng “tinh vi” hơn đối với phụ nữ. Có văn hóa tốt và văn hóa xấu – gọi là “văn hóa sự chết”.
Hàng ngày, chúng ta thấy có những phụ nữ trên đường mà ăn mặc lố bịch, gây “xốn” mắt thiên hạ, chắc hẳn họ nghĩ là “đẹp” mới chưng diện kiểu “ô uế” như vậy. Và chắc hẳn họ muốn tạo sự chú ý của người khác. Đừng tưởng thấy người ta nhìn mà “hãnh diện”, vì có thể người ta đang kinh miệt đấy!
Các ca sĩ và diễn viên là những người “làm văn hóa”, đáng lẽ phải thể hiện văn hóa thì lại ăn mặc phi văn hóa. Từ diễn viên hoặc người mẫu tới các cô gái bình thường cũng đua nhau sử dụng trang phục “nghèo”, chụp hình “nghèo”,… và họ tự biện hộ đó là cách để “lưu dấu tuổi xuân”, thậm chí họ còn quay các video clip tung lên các website để “bắt” người khác xem “miễn phí”. Người Việt vốn dĩ theo văn hóa Đông phương mang tính lễ giáo cao mà còn vậy huống chi các nước văn minh khác trên thế giới!
Người xưa quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng ngày nay, những người-tự-nhận-có-văn-hóa lại hùng hồn tuyên bố thẳng thừng:“Cái đẹp đè bẹp cái nết”. Đúng là… “hết ý” luôn! Ngày xưa người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”. Còn ngày nay người ta nói: “Hồng nhan bạc triệu”. Chắc hẳn Mẹ Việt Nam đau lòng lắm lắm!
Cách ăn mặc thể hiện rõ nét văn hóa. Người Việt chúng ta nói giản dị mà thâm thúy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những điều tưởng chừng là cơ bản nhất theo bản năng như vậy mà vẫn phải học, huống chi những thứ khác. Lạ thật!
Có vấn đề về cách mà sự khiêm nhường được nói đến và được tiếp cận. Sự khiêm nhường đó được che đậy bằng từ ngữ giới tính. Thông điệp đó là: Cơ thể tốt cho 2 thứ – có con và truyền cảm hứng cho đàn ông tán tỉnh. Một trong những thứ đó là tốt và bạn phải tránh những thứ khác bằng mọi giá. Bạn ô uế vì bạn là phụ nữ.
Dĩ nhiên vấn đề đó là không thật. Nhưng thực sự đã có sự tổn thương. Khi chúng ta thường xuyên nói về sự khiêm nhường thì chúng ta nói về giới tính. Dĩ nhiên, hiếm khi hiển nhiên như thông điệp trên kia, nhưng vẫn là một thông điệp: Phụ nữ nên khiêm nhường vì cơ thể cô ta có thể kích thích nam giới. Có người “khêu” mới có người “gợi”. Chắc chắn họ nói: “Cô ấy  phẩm giá, cô ấy nên ăn mặc đúng phẩm giá, nhưng điều không được giải thích là “cách định nghĩa về phẩm giá”. Phẩm giá ở đây được xác định là “vô tính”.
Phẩm giá con người tức là nhân phẩm, là sự-xứng-đáng-của-con-người. Bất kỳ cách đối xử nào của giáo huấn xã hội Công giáo đềuphải khởi đầu  kết thúc bằng phẩm giá của con người. Nguyên tắc nền tảng đầu tiên của công bình xã hội và Giáo huấn Xã hội Công giáo là nhận biết phẩm giá vốn dĩ của con người qua việc được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1:27).
Trong Tông thư “Pacem in Terris” (Hòa Bình trên Trái Đất, còn gọi là “tông thư hòa bình”), Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII viết: “Bất kỳ sự kết hợp nào phong phú và được điều chỉnh tốt về con người trong xã hội đều đòi hỏi sự chấp nhận một quy luật cơ bản: Mỗi cá nhân là một con người thực sự. Con người đó có bản chất, nghĩa là được thiên phú cho trí tuệ và ý chí tự do. Người đó có quyền lợi và trách nhiệm cùng lúc như hệ lụy trực tiếp từ bản chất. Các quyền lợi và nhiệm vụ này mang tính tổng thể và bất khả xâm phạm, do đó mà cũng bất khả chuyển nhượng. Hơn nữa, khi chúng ta lưu ý nhân phẩm của một con người từ quan điểm mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải tăng mức đánh giá nhân phẩm, vì con người được cứu độ bằng chính Bửu huyết của Đức Giêsu Kitô. Ân sủng đã khiến con người trở thành con cái và bạn hữu của Thiên Chúa, được thừa kế vinh quang muôn đời”.
Vui khi nhìn, như ngắm một bông hoa đẹp, bởi vì người ta mãn nhãn – một đối tượng thực tế. Một phụ nữ có phẩm hạnh sẽ không bao giờ làm nổi bật bất cứ thứ gì trên cơ thể họ, trừ khuôn mặt hoặc mái tóc. Cô ta không bao giờ phơi bày đôi chân, bộ ngực, vòng eo hoặc mông. Chỉ có người chồng của cô ta mới có thể biết những thứ đó.
Phô bày thân xác điều xấu hổ. Cách này chỉ dùng để cụ thể hóa phụ nữ như công nghệ khiêu dâm. Phụ nữ được ví như đóa hoa chứ không là đóa hoa, mà là một con người. Nó cũng làm giảm giá trị của đàn ông như thú vật, không thể kiểm soát những tư tưởng tồi tệ nhất của họ. Thông điệp của sự khiêm nhường lại chỉ là sự tổn thương.
Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không cụ thể hóa phụ nữ và đàn ông. Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không tập trung vào giới tính tới mức người ta cảm thấy ghê tởm. Khiêm nhường là con đường hai chiều.
Chúng ta nên giáo dục về sự khiêm nhường. Khi nói về sự khiêm nhường, chúng ta nên nói về cách ăn mặc, nữ giới và nam giới đều cần. Có biết tự trọng thì mới khả dĩ tôn trọng người khác, và đó cũng là tôn trọng nhân phẩm lẫn nhau. Khiêm nhường cũng là tự hạ – một phụ nữ khiêm nhường là phụ nữ kín đáo và dè dặt, cách ăn mặc phản ánh điều đó. Mặc đẹp không phải là chưng diện lòe loẹt hoặc thiếu trước hụt sau, nhưng là điều mà tiền nhân mô tả là “vừa mắt ta ra mắt người”.
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đó là những  “môn học” cơ bản nhất. Ăn mặc cũng phải học, không phải cứ thấy người ta mặc thế nào thì mình mặc thứ đó.
  1. Ăn mặc có mục đích.Cái gì cũng có mục đích, ngay cả cách ăn mặc. Đồ này mặc lúc này, đồ kia mặc lúc khác. Rõ ràng và hợp lý. Đó là “luật ăn mặc”. Bikini để đi tắm biển, pyjamas để đi ngủ, đồ bộ lửng để mặc ở nhà, quần shorts để đi chơi,… Thế nhưng người ta đã “đảo lộn” tất cả, thậm chí có người còn mặc những trang phục “ngược đời” đến những nơi tôn nghiêm! Phụ nữ tinh tế có thể “làm duyên” bằng nhiều cách, dùng trang phục hở hang để “làm duyên” là hạ cấp!
  2. Ăn mặc vì tôn trọng.“Ăn cho mình, mặc cho người” – tục ngữ Việt Nam nói vậy. Ăn mặc nghiêm túc là tự trọng và tôn trọng người khác. Ăn mặc lố bịch không chỉ tự hạ thấp mình mà còn coi thường người khác. Ăn mặc nghiêm túc là gọn gàng và sạch sẽ, chứ không phải là đồ mới hoặc đồ tốt. Biết ăn mặc là người thông minh! Người giản dị là người có “chiều sâu”. Người thích chưng diện là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài che giấu “cái yếu” của mình.
Về trang phục, nhất là đối với phụ nữ, Thánh Phaolô khuyên: “Tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Kitô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Kitô là Thiên Chúa. Phàm người nam nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà che đầu, thì hạ nhục Đấng làm đầu mình. Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Người nữ mà để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại! Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam. Thật vậy, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam. Bởi thế, người nữ phải mang trên đầu một dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần. Tuy nhiên, trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có. Anh em hãy tự xét xem: người nữ không che đầu mà cầu nguyện với Thiên Chúa thì có xứng hợp không? Chính thiên nhiên lại không dạy anh em rằng người nam mà để tóc dài là điều ô nhục, còn người nữ mà để tóc dài thì lại là vinh dự cho họ đó sao? Là vì Thiên Chúa ban cho người nữ mái tóc làm khăn che đầu” (1 Cr 11:3-15).
Thánh Phaolô nói thêm: “Tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền, nhưng là những việc lành; như thế mới thích hợp với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức” (1 Tm 2:9-10).
Còn Thánh Phêrô nói: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3:3-4).
Kinh Thánh cũng lưu ý việc ăn mặc, điều đó chứng tỏ trang phục và trang sức là những thứ cần thiết nhưng đừng diêm dúa, đỏm dáng, kiểu cách, hở hang thái quá. Cách ăn mặc cũng thể hiện mức độ đạo đức của con người, khả dĩ chứng tỏ văn hóa và “đẳng cấp” của tâm hồn. Người nông cạn thì muốn phô trương bề ngoài để “che giấu” mức yếu kém tinh thần của mình mà thôi!

TRẦM THIÊN THU