TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA VÀ ƠN GỌI
I. LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
II. SUY NIỆM:
1. “Sau khi Gioan bị nộp”
“Sau khi Gioan bị nộp”, điều này có nghĩa là, về phương diện lịch sử, ông bị bắt, bị giam và bị giết một cách bất công bởi những con người cụ thể. Như thế, đó là kế hoạch của con người phát xuất từ lòng ghen ghét đi đôi với bạo lực, không chấp nhận những gì thuộc sự thật và ánh sáng. Nhưng đồng thời, đó cũng là, một cách mầu nhiệm, “kế hoạch của Thiên Chúa”, như cách nói “bị nộp” diễn tả về phương diện đức tin, theo khuôn mẫu của cách Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử cứu độ, và vẫn còn hành động như thế. Ngài nương theo hành trình của sự dữ và tội lỗi để thực hiện kế hoạch của mình. Thật vậy,
- Sự kiện Gioan bị nộp (in divine passive, ở thể thụ động thần linh) lại loan báo mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu, như lời truyền phép trên bánh trong Thánh Lễ: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn. Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”.
- Và ngay sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại.
Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại.
Nhưng đó lại là những cơ hội tốt, Chúa mời gọi để chúng ta công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống sự “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, bày tỏ lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa, như chính Đức Giê-su mời gọi:
Người ta sẽ nộp anh em…, nhưng đó là cơ hội làm chứng cho họ được biết. (Mc 13, 9)
Hay đúng hơn, đó là những cơ hội để cho Đức Kitô đến công bố Tin Mừng của Ngài ngay trong những khó khăn và thử thách của chúng ta.
2. Ơn gọi đi theo Đức Ki-tô
Vẫn chưa hết hoa trái của biến cố “thánh Gioan bị nộp”, vì đó còn là lúc Chúa thực hiện kế hoạch kêu gọi các môn đệ đầu tiên để chia sẻ sự sống và sứ mạng của Ngài một cách nhưng không. Điều này giúp chúng ta hiểu ơn gọi đi theo Đức Ki-tô một cách mới mẻ: ơn gọi đi theo Đức Ki-tô của chúng ta thuộc về Tin Mừng Nước Trời, là dấu chỉ của Tin Mừng Nước Trời. Thực vậy, đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, gia đình, đời dâng hiến, giữa đời hay trong một Hội Dòng, là dấu chỉ sống động của Nước Trời.
Và cách Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên phải đánh động chúng ta, bởi vì đó sẽ là khuôn mẫu cho mọi ơn gọi, trong đó có ơn gọi thánh hiến của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy dành nhiều thời gian để chiêm ngắm cách Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên.
Ngài đi dọc theo bờ hồ Galilê, Ngài nhìn thấy hai anh em Simon và Anrê, họ đang quăng lưới xuống hồ, vì họ là dân chài. Ngài đi xa hơn một chút, thì thấy hai anh em khác, Gia-cô-bê và Gioan đang vá lưới trong thuyền. Đức Giêsu đi ngang qua và gọi họ, khi họ đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, và những điều rất đời thường; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, Ngài đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Ngài cũng đi ngang qua cuộc đời của chúng ta một lúc nào đó, và đi ngang qua mỗi ngày, và lúc nào Ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Nhưng Ngài vẫn gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại mỗi ngày, giống như lời đáp đầu tiên của chúng ta thủa ban đầu ra đi theo Chúa.
Khi nghe tiếng gọi, hai anh em Simon (là thánh Phê-rô sau này) và An-rê “lập tức bỏ chài lưới mà theo Người”; còn hai anh em Gia-cô-bê và Gioan thì bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người. Hai anh em kia bỏ công danh sự nghiệp, còn hai anh em này thì bỏ những người thân yêu, bỏ gia đình êm ấm và khá giả nữa (vì có người làm công). Lời Chúa có sức mạnh như thế đó, mạnh đến độ làm bật tung các môn đệ đầu tiên ra khỏi ra khỏi những người các ông đang gắn bó và yêu mến, ra khỏi các phương tiện nuôi sống các ông và gia đình, ra khỏi sự nghiệp, ra khỏi những dự tính bình thường của các ông.
3. Sức mạnh của Lời Chúa
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và quảng đại mở lòng ra để đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta, là Lời tái tạo chúng ta, và là sự sống mới của chúng ta. Tương tự như dân thành Ni-ni-vê, Lời Chúa, được công bố ngang qua lời rao giảng của ngôn sứ Gio-na, đã biến đổi toàn diện và tặn căn như thế nào cả một thành đô: “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ”! (Gi 3, 1-5)
Và để cho Lời Chúa được gieo và sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta sống sự thật này mỗi ngày, một sự thật rất đời thường, nhưng lại hay bị gạt bỏ, vì thế chúng ta thường hay tuyệt đối hóa những điều tương đối:
Thời gian chẳng con bao lâu nữa…
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
(1Co 7, 29.31)
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
(1Co 7, 29.31)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc