Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Hãy Canh Thức Và Cầu Nguyện Vì Tinh Thần Thì Hăng Hái Nhưng Thể Xác Lại Yếu Đuối!

Filled under:

Một ngày, bên dòng sông Saint-Laurent ở Bắc Mỹ, một bà mẹ trẻ và bé gái 4 tuổi, vừa dọn đến ở ..

DucMe.jpg 
Từ đó, mỗi buổi sáng cắp sách đến trường, một nhóm học sinh tiểu học, thường trông thấy cô bé có mái tóc vàng óng ả, ngồi trường kỳ trên chiếc ghế lăn. Cô bé nhìn đám học trò và mỉm cười. Thắc mắc, bé Roby nói với các bạn:

 - Con nhỏ kia sao cứ nhìn tụi mình, như thể chúng ta là những con chim lạ, đến từ miền bắc cực?! Rồi sao con nhỏ cứ ngồi yên một chỗ, không đi đứng bao giờ? Tụi mình thử đến gần xem sao.

 Nghe lời bạn, đám học sinh băng qua đường và đến gần chỗ Nancy Hamilton - tên cô bé tàn tật - đang ngồi. Cô bé lại tươi cười và làm hiệu cho các bạn con nít đến gần. Roby một mình mạnh dạn tiến lại, lấy tay xoa xoa hai chân Nancy và hỏi:

 - Bé có gì mà không bước đi như tụi này?

 Vừa lúc ấy thì Mẹ của Nancy xuất hiện, bà định đuổi con nhỏ Roby ”xí xọn” đi chỗ khác, nhưng Nancy đã nhanh nhẹn trả lời:

 - Đôi chân của bé rất yếu, không bước nhanh được. Tuy vậy, bé rất thích chơi đùa và có được bạn bè.

 Roby trở ra giải thích cho các bạn nghe:

 - Con bé bị bệnh, nhưng lại rất dễ thương!

 Ngày hôm sau, Roby cùng bọn trẻ mang đến cho Nancy một bó hoa đồng nội. Cô bé vui mừng vỗ tay veo vui. Đây là những bạn trẻ đầu tiên của Nancy.

 Nancy Hamilton sinh ra với đôi chân sưng phồng, vì một chứng ung thư bất trị. Rồi hai ngón bàn tay trái cũng bị đau. Nancy chào đời sau ngày Ba bé vĩnh viễn lìa trần vì tai nạn xe. Mẹ bé - người Mẹ can đản và vô cùng trìu mến của bé - phải làm việc suốt ngày để nuôi bé.

 4 năm trôi qua. Nancy luôn tươi cười nhìn các bạn chạy nhảy chơi đùa nơi cánh đồng cỏ. Trong đôi mắt dịu hiền của cô bé, không hề lộ vẻ thèm thuồng hay ghen tức. Bé luôn vỗ tay tán thưởng các bạn. Rồi bé nói với Mẹ:

 - Phần con, con sung sướng vì được ở cạnh Mẹ, Mẹ à!

 Nhưng một ngày, Nancy lâm trọng bệnh. Khi thoát hiểm nguy thì chân trái của Nancy lại bị đau nhức. Mẹ bé mang bé đi khám bác sĩ. Có không biết bao nhiêu bác sĩ đã khám bệnh cho bé. Lần này Mẹ mang bé đến với một bác sĩ trẻ tuổi. Sau khi tỉ mỉ khám nghiệm và đọc hết tập hồ sơ dầy cộm, ghi bệnh tình của bé, ông nói riêng với Mẹ bé:

 - Các đồng nghiệp của tôi cho rằng, nếu mổ chân bé thì chứng ung thư sẽ nổ tung như một quả bom. Nhưng theo tôi, nếu không mổ, thì những ngày sống còn của bé sẽ bị thu ngắn lại. Vậy, nếu bà đồng ý, tôi sẵn sàng mổ cho bé. Chúng ta cùng chấp nhận rủi ro ..

 Lúc đó Nancy gần tròn 8 tuổi. Mẹ bé giải thích tất cả bệnh tình cùng hiểm nguy cho bé nghe. Bé hoàn toàn chấp nhận và nôn nóng đợi chờ ngày vào phòng mổ .. Từ đây bắt đầu những ngày chịu bệnh kinh khủng. Cuộc mổ này nối liền cuộc mổ khác trong một thời gian ngắn. Tổng cộng có hơn 30 lần giải phẫu.

 Rồi hai ngón tay trái của bé cũng đau nhức không chịu nổi. Bác sĩ quyết định mổ. Cuộc mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Và phải giữ băng trong một tuần lễ. Trong thời gian này, Nancy bị đau đớn vô cùng. Cô bé khóc ròng, khóc liên miên. Để an ủi, Mẹ bé mở cho bé nghe những bài do danh ca Bing Crosby (1901-1977), người Mỹ, hát.

 8 ngày sau, khi mở băng, hai ngón tay bị tím đen. Cuộc giải phẫu không thành công. Bác sĩ liền cắt bỏ hai ngón tay này .. Vài ngày sau, nơi phòng mạch, Nancy lấy tay vuốt nhẹ bàn tay của vị bác sĩ đã ra công mổ cho bé. Tưởng rằng cô bé ước muốn điều gì, vị bác sĩ cúi xuống. Nancy thì thầm:
 - Con chỉ muốn cám ơn bác sĩ vì đã sửa lại bàn tay cho con!

 Nhà thương nơi bé Nancy Hamilton được chữa trị là nhà thương Công Giáo, trong khi Mẹ bé và bé là tín hữu tin lành. Một ngày, Nancy khoe Mẹ tràng chuỗi Mân Côi mà một nữ tu tặng cho bé. Mẹ buột miệng kêu lên:

 - Trời ơi, đẹp quá!

 Nói xong, Mẹ bé lấy tràng chuỗi và tròng vào cổ bé như một vật trang sức. Bé vội lấy ra và giải thích:

 - Tràng Chuỗi Mân Côi không làm để mang vào cổ, nhưng để cầm nơi tay và đọc kinh cầu nguyện. Cứ mỗi hạt thì đọc một Kinh kính Đức Mẹ MARIA, và mỗi Kinh này kể lại cho con nghe tất cả cuộc đời của Đức Chúa GIÊSU, Con Đức Mẹ.

 Một thời gian ngắn sau đó, Nancy lại bị mổ. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, bé chăm chú đọc cuốn sách giáo lý Công Giáo mà một cô y tá vừa trao cho bé. Khi trông thấy Mẹ, bé reo lên:

 - Mẹ ơi, con muốn trở thành tín hữu Công Giáo!

 Tỏ dấu không hài lòng, Mẹ bé hỏi lại:

 - Con thật sự muốn như thế sao?

 Bé đáp:

 - Chính Chúa muốn cho con như thế, Mẹ à. Đây là ước muốn trọng đại nhất mà con chưa từng có, Mẹ à!

 Mẹ bé đành chấp thuận. Bé Nancy lãnh bí tích Rửa Tội vào đúng ngày bé tròn 9 tuổi. Trước đó, Mẹ bé đã cẩn thận chuẩn bị cho bé chiếc áo trắng tinh. Vào ngày hồng phúc của bé, ngôi nhà nguyện của bệnh viện đông chật những người bạn lớn tuổi của bé. Ai ai cũng quý mến cô bé tàn tật, can đảm và ngoan hiền, trên môi luôn điểm nụ cười.

 Vài tháng sau, Mẹ bé cũng theo gương bé, xin lãnh bí tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Từ đây, mỗi ngày, hai Mẹ con cùng sốt sắng tiếp rước Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vào lòng.

 Bé Nancy rất thích ăn cà-rem và uống nước ngọt Coca-Cola ướp lạnh. Nhưng điều bé yêu thích nhất là niềm vui của người khác. Bé sẵn sàng cho tất cả những gì bé có để được trông thấy niềm vui tỏ lộ của những người sống chung quanh. Bé cho hết, cho hết, cho tất cả những gì bé ưa thích nhất. Có lần Mẹ bé cằn nhằn:

 - Không chừng có ngày bé cho luôn cả Mẹ nữa!

 Mẹ bé nói với bé là hai Mẹ con sẽ bỏ nhà cũ đổi sang nhà mới, cách đó không xa. Bé dọn dẹp tất cả gia sản của bé: hình ảnh, đồ chơi, sách báo, bỏ vào thùng. Khi ngồi trên sân thượng của căn nhà mới, bé chứng kiến cảnh người ta dùng xe, ủi sập căn nhà cũ của mình. Trông thấy dáng điệu tư lự của bé, Mẹ bé hỏi:

 - Con nghĩ gì vậy?

 Bé trả lời:

 - Con nghĩ rằng, ngôi nhà thật của chúng ta ở trên Thiên Đàng. Và không một chiếc xe nào có thể ủi sập ngôi nhà Chúa dành cho chúng ta trên ấy!

 Năm Nancy Hamilton lên 13 tuổi, chứng ung thư nơi chân tưởng đã lành, nào ngờ tái phát. Cô bé phải vào nhà thương mổ lại. Nhưng trước khi nhập viện, cô bé muốn tổ chức một bữa tiệc cuối cùng: ”tiệc mừng ngày nhập viện”!

 Bạn bè đến tham dự đông đảo. Chính tay Nancy làm chiếc bánh ngọt thật lớn. Mọi người quây quần chung quanh Nancy. Cô bé vỗ tay và tươi cười sung sướng.

 Mẹ bé cũng chia sẻ niềm vui của con và cố gắng dấu ẩn nỗi buồn trong lòng.

 Chiều đến, khi mọi người ra về, nơi căn nhà vắng lặng chỉ còn lại hai Mẹ con. Nancy thỏ thẻ với Mẹ:

 - Chúa yêu con nhiều lắm, Mẹ ạ. Với Chúa, tất cả là niềm vui. Đi vào nhà thương cũng là niềm vui, vì có Chúa cùng đi với con.

 Sáng sớm hôm sau - chính ngày nhập viện - khi thức dậy, Nancy ngồi thẳng trên giường, giơ tay chào Mẹ theo kiểu nhà binh, khi trông thấy Mẹ bước vào phòng. Cô bé tươi cười nói với Mẹ:

 - Thưa nữ đại tướng, chúng ta cùng anh dũng xuất quân ra trận!

 Nhưng rồi cơn bệnh đã đến thời kỳ bất trị. Cả chân phải cũng bị lây. Nancy an ủi Mẹ:

 - Xin Mẹ đừng buồn, đừng khóc, đôi giày đỏ con sẽ mang khi ở trên Thiên Đàng!

 Năm đó, qua bài phóng sự trên truyền hình của một ký giả người Mỹ, toàn Hoa Kỳ nghe nói về một cô bé can đảm, luôn tươi cười trước bệnh hoạn tật nguyền. Thế là các món quà bay tới tấp, trao tặng cô bé có ”nụ cười bất diệt”. Danh ca Bing Crosby liền gửi chiếc máy bay riêng của ông đến chở hai Mẹ con Nancy đi hành hương Lộ Đức.

 Nơi Hang Đá Lộ Đức, Nancy rất cảm động ngồi trước bức tượng Đức Mẹ MARIA. Mẹ bé thì thầm vào tai bé:

 - Con có xin Đức Mẹ chữa cho con lành bệnh không?

 Nancy can đảm thưa:

 - Không, không, Mẹ à! Con chỉ cám ơn Đức Mẹ thôi. Con cám ơn Đức Mẹ vì đã cho con có được một người Mẹ can đảm, có được nhiều bạn bè và có được Đức Tin Công Giáo. Và Đức Mẹ cũng ”cám ơn con” vì con đã bằng lòng chịu đau khổ vì Đức Mẹ ..

 Ngày Nancy Hamilton bước vào tuổi thứ 14, trái tim bé nhỏ của cô bé vĩnh viễn ngừng đập. Cô bé hân hoan bay thẳng về Thiên Đàng.

 Sau cái chết của Nancy, Mẹ bé viết trong cuốn nhật ký mang tên ”Đôi Giày Đỏ” những dòng chữ sau đây:

 - Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin tiếp rước bé thật dễ thương. Hôm nay bé rất mệt. Bé cố gắng dấu kín nỗi đau đớn của mình và nuốt thầm nước mắt. Chúa biết rõ bé đau đớn biết chừng nào, ôi lạy Chúa, bé yêu mến Chúa biết bao. Chúa biết rõ, mặc dầu bị đau đớn khủng khiếp, nhưng bé vẫn dấu ẩn được với nụ cười trên môi. Vì thế xin Chúa hãy tiếp rước bé cách thật dễ thương, ôi lạy Đức Chúa GIÊSU. Con tin chắc Chúa sẽ nói với bé rằng: ”Thánh Giá mà con biết nhẫn nhục gánh vác, giờ đây trở thành vòng hoa chiến thắng cho con” ..

 ... Đức Chúa GIÊSU và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Ngài nói với các ông: ”Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”. Rồi Ngài đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: ”Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua GIỜ ấy, nếu có thể được. Người nói: ”Ápba, CHA ơi! CHA làm được mọi sự, xin cất chén này xa Con. Nhưng xin đừng làm điều Con muốn, mà làm điều CHA muốn”. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: ”Simon, con ngủ à? Con không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”. Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước (Máccô 14,32-39).
 (Teresio Bosco, ”GRAZIA-NANCY-ANNA”, Editrice Elle Di Ci, 1985)


(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 31.12.2015)