Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 11/1/2016

Filled under:

SÁM HỐI, “ĐẶC SẢN” KI-TÔ HỮU
“Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, Đức Bênêđictô kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”
Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới.
Sống Lời Chúa: Dành vài phút trước khi ngủ để gặp gỡ Chúa và thực hành sám hối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

THÁNH THÊÔĐÔSIÔ TU VIỆN TRƯỞNG
(+529)
Thánh Thêôđôsiô sinh năm 423, tại làng Garisô thuộc miền Capađôcia. Từ niên thiếu, Thêôđôsiô đã được hưởng thụ một nền giáo dục chu đáo về phương diện đạo đức cũng như về phương diện trí thức. Ngay từ nhỏ cậu đã nuôi chí hướng nên thánh rất sâu xa và nồng nhiệt. Thêôđôsiô rất chăm chỉ học giáo lý và Thánh kinh nên đã sớm được chịu chức độc thư.
Như Tổ phụ Apram xưa đã mau mắn theo tiếng Chúa gọi tới lập nghiệp ở hứa địa, Thêôđôsiô cũng hoàn toàn tuân theo tiếng Chúa gọi lên đường tới thánh địa để tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Trên đường đến thánh địa, Thêôđôsiô có ghé thăm thánh Simêon Cột. Thoạt thấy ngài, thánh Simêon cất tiếng chào ngay. "Bạn Thêôđôsiô thân mến, bạn là sứ giả của Thiên Chúa, bạn đáng được Thiên Chúa chúc phúc", đồng thời thánh Simêon cũng cho Thêôđôsiô hay sau này ngài sẽ làm tu viện trưởng một cộng đồng đông đảo. Nghe lời chúc của thánh Simêon, Thêôđôsiô thêm hăng hái. Ngài tiếp tục cuộc hành hương tới Giêrusalem. Tới đây ngài đi viếng tất cả các nơi thánh. Cũng ở đó, Thêôđôsiô bắt đầu cuộc tĩnh tâm lâu dài để tìm cho mình một lối sống mới thích hợp với ý Chúa. Ngài rất phân vân không biết nên sống một đời ẩn tu hoàn toàn hay phải sống trong một tu viện để được dịp tập đức vâng lời và được sự chỉ giáo của các vị bề trên. Cuối cùng, ngài linh cảm thấy mối nguy hiểm của cuộc sống tu hành cô độc không người hướng dẫn. Vì thế, ngài đến xin làm đồ đệ một vị tu hành lão thành và nhân đức quý danh Longin. Longin bấy giờ được uỷ nhiệm quản trị một ngôi thánh đường đồ sộ trên đường đi Betlem do bà Scilia xây cất để dâng kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, Thêôđôsiô lo giúp việc thờ phượng trong thánh đường này. Nhưng nơi đây ngài cảm thấy cuộc sống như thiếu ý hướng và như bị sao nhãng vì vấn đề tiền bạc. Ngài liền quyết định bỏ đây và rút lui vào ẩn thân trong một hang đá nhỏ ở một quả núi gần đấy để lo việc cầu nguyện, chay tịnh và thức đêm. Ngài sống suốt 30 năm trời không hề ăn một mẩu bánh, lương thực của ngài chỉ là hoa quả và rau cỏ kiếm trong rừng hoang.
Tiếng tăm ngài đồn thổi đi khắp nơi khiến nhiều người đến xin làm đồ đệ. Đầu tiên, ngài chỉ nhận có sáu, bảy người thôi. Nhưng sau đó, buộc lòng ngài phải nhận thêm nhiều người nữa. Cuối cùng vì lòng bác ái bao la đòi buộc ngài phải mở rộng cửa để đón nhận hết những ai có đủ khả năng theo gương mẫu của ngài. Bài học đầu tiên ngài đem ra dậy các môn đệ là phải suy niệm hằng ngày về sự chết, vì, theo ngài, đây là một tư tưởng nền tảng của sự trọn lành trong bậc tu trì. Để ghi sâu tư tưởng đó trong trí các môn đệ, ngài cho đào một huyệt lớn và sâu, trong nghĩa địa dành riêng cho cộng đồng của ngài. Ngày ngày các thầy dòng đến ngồi trên bờ huyệt để suy niệm về sự chết.
Một hôm, ngài hội họp các môn đệ lại, rồi vui vẻ hỏi họ:
"Các con thân mến, huyệt đã đào sẵn cho các con rồi đó. Ai trong chúng ta đây sẽ chiếm được huyệt đó trước?"
Một linh mục, quý danh Basiliô đến quì gối trước mặt ngài trả lời: "Thưa cha, xin cha ban phép lành cho con và xin cha cho phép con về chầu Chúa trước".
Ngài chúc lành cho linh mục Basiliô và mặc dù còn đang khoẻ mạnh, ngài cũng truyền lệnh cho các tu sĩ làm tuần 3 ngày, 9 ngày, và 14 ngày cầu nguyện cho linh mục Basilliô dọn mình chết. Tới ngày thứ 40, linh mục Basiliô tuy vẫn khoẻ mạnh, nhưng rồi tự nhiên cảm thấy buồn ngủ và không ai ngờ giấc ngủ đó chính là giấc ngủ ngàn thu của cha. Ở đây chúng ta còn nêu lên một sự kiện kỳ lạ nữa chứng tỏ nhân đức tuyệt vời của thánh Thêôđôsiô. Thực vậy, một lần kia cả nhà dòng đều xôn xao bàn tán về việc nhà dòng hết gạo ăn. Cả nhà dòng không tìm đâu ra được một chiếc bánh nhỏ để cử hành Thánh lễ ngày Phục sinh. Các thầøy dòng tỏ vẻ lo lắng bối rối, riêng có mình thánh Thêôđôsiô vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra. Ngài hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ cung cấp cho nhà dòng đủ lương thực cần dùng. Lúc xẩm tối, người ta thấy từ đàng xa, hai con lừa nặng nề với những thúng lương thực đang chậm rãi tiến về phía nhà dòng và cuối cùng đã dừng lại ở cổng nhà dòng. Với số lương thực đó, cả nhà dòng ăn mãi tới lễ Linh Giáng mới hết.
Lòng đạo đức sâu xa và các phép lạ lớn lao của thánh Thêôđôsiô đã lôi kéo nhiều người đến xin làm môn đệ ngài. Không bao lâu, hang đá nhỏ hẹp của ngài không còn chỗ để nhận thêm môn đệ mới. Ngài ra lệnh cho cả nhà dòng cầu nguyện để biết rõ thánh ý Thiên Chúa muốn cho nhà dòng ở lại đây hay phải dời đi nơi khác. Cuối cùng, ngài quyết định dời đến Cathismus. Nơi đây, ngài xây cất một nhà dòng mới rất đồ sộ. Tuy rộng rãi hơn nhà dòng cũ, nhưng không bao lâu đã chật ních và số người đến xin làm đồ đệ ngài mỗi ngày một đông đảo.
Cũng ở nơi đây, ngài cho xây cất ba bệnh viện. Bệnh viện thứ nhất do một nhà đạo đức dâng cúng tiền, dành riêng cho các bệnh nhân. Bệnh viện thứ hai dành cho người già cả và tàn tật, bệnh viện cuối cùng dành riêng cho những người điên cuồng, mất trí. Ngài còn xây một khu nhà đồ sộ khác dành cho các du khách hành hương thánh địa. Người ta tính có ngày phải dọn bàn ăn tới một trăm lần để tiếp đãi khách hành hương liên tiếp kéo tới trú ngụ.
Nhà dòng được xây cất giữa sa mạc, du khách có cảm tưởng như đó là một thành thánh vì trong đó yên lặng, trật tự, bác ái và bình an thống trị mọi nơi. Nhà dòng gồm bốn nhà nguyện khác nhau: ba nhà dành riêng cho các tu sĩ thuộc ba quốc gia nói ba thứ ngôn ngữ khác nhau, còn nhà thứ tư dành riêng cho các hối nhân.
Ngài muốn các tu sĩ phải chăm chú nhiều về lao động, tăng gia sản xuất hầu cung cấp đủ những nhu cầu cần thiết cho nhà dòng. Thời đó ở xứ Palestina có một vị tu viện trưởng khác tên là Sabát, làm Bề trên Cả của tất cả các thầy tu hành độc lập. Hai vị tu viện trưởng Sabát và Thêôđôsiô rất quý mến nhau. Các ngài thường tới thăm nhau để đàm đạo về những vấn đề đạo đức và cùng nhau tìm những phương thế hiệu nghiệm nhất hầu làm vinh danh Chúa. Cả hai vị đều nuôi dưỡng một ước vọng được phúc tử đạo để lấy máu đào tô thắm vinh quang Giáo Hội.
Vào năm 513, hoàng đế Anatasiô truất phế Đức Cha Êlia, Giáo chủ Giêrusalem và đặt tu sĩ Sêvêriô thuộc lạc giáo Ariô lên thay thế. Thánh Thêôđôsiô, và cha Sabát cực lực phản đối hành động bất hợp pháp của hoàng đế. Để mua chuộc thánh Thêôđôsiô, hoàng đế truyền đem biếu thánh nhân nhiều tặng phẩm để ngài phân phát cho người nghèo; ngài đồng ý nhận, vì ngài không muốn các người nghèo túng phải thiệt thòi, nhưng không vì thế mà ngài chịu nhượng bộ.  Hoàng đế đã tìm được dịp thuận tiện để tấn công thánh Thêôđôsiô. Thấy thế, thánh Thêôđôsiô vội vã lên tiếng xác định lập trường của ngài và cả nhà dòng: "Chúng tôi cam kết hoàn toàn tin theo bản tuyên xưng đức tin mà Công đồng chung của Giáo Hội đã chuẩn nhận. Chúng tôi sẵn sàng chết vì đức tin".
Trước lời tuyên bố định rõ lập trường của thánh Thêôđôsiô, hoàng đế rất căm giận. Hoàng đế sai người đi khắp nơi tuyên truyền giáo thuyết của lạc giáo Ariô. Tuy đã già cả, thánh Thêôđôsiô cũng đi khắp xứ Palestina để khuyên nhủ và khích lệ các tín hữu can đảm trong đức tin. Đi đến đâu ngài cũng lớn tiếng tuyên bố: "Ai không chấp nhận bản tuyên xưng đức tin mà Công đồng chung của Giáo hội chuẩn nhận, sẽ bị rút phép thông công".
Cuối cùng hoàng đế truyền bắt thánh Thêôđôsiô đi lưu đầy. Sau ngày Anatasiô băng hà, thánh nhân được Hoàng đế Justinô cho về nhà dòng năm 518.
Trở về, thánh Thêôđôsiô còn sống được 11 năm nữa. Ngài vẫn tiếp tục đời sống khắc khổ như xưa. Ngài sống rất đơn giản và khiêm nhường khác thường. Một lần kia, ngài thấy hai tu sĩ bất đồng ý kiến với nhau và cuối cùng đi đến chỗ cãi lộn dữ dội. Ngài liền đến quỳ phục dưới chân hai thầy khóc nức nở và nhất định không chịu đứng dậy cho tới khi thấy hai thầy chịu làm hoà với nhau.
Lần khác, ngài buộc lòng phải ra vạ tuyệt thông một tu sĩ vì đã phạm một tội rất nặng. Vì vốn tính ương ngạnh, thầy đó nhất định không chịu nhận lỗi lại còn cả gan tuyên bố ra vạ tuyệt thông cho cha bề trên đã phạt mình. Thánh Thêôđôsiô coi như thể việc tuyệt thông đó có hiệu lực và ngài sẵn sàng chịu hình phạt. Nhờ hành động khiêm tốn đó, ngài đã cải hoá được tu sĩ ương ngạnh kia…
Cuối đời, ngài phải chiïu một bệnh đau đớn lâu năm, nhưng ngài rất can đảm và nhẫn nhục chịu đựng để chứng tỏ ngài tuyệt đối tuân theo thánh ý Chúa. Có người khuyên ngài cầu xin Chúa rút bớt đau khổ thì ngài gạt đi ngay: "Không, không! Lời cầu xin đó sẽ tước đoạt mất triều thiên của tôi ".
Khi linh cảm thấy mình đã tới ngày giờ về chầu Chúa, thánh nhân triệu tập tất cả các tu sĩ lại bên giường, khuyên nhủ các thầy bền vững trong ơn thánh triệu của mình và cố gắng thực hiện hoàn toàn đức vâng lời.
Thánh Thêôđôsiô qua đời năm 529 sau khi đã đầy công phúc và niên tuế. Ngài hưởng thọ 130 tuổi. Đức Cha Phêrô, Giáo chủ Giêrusalem chủ toạ lễ an táng ngài. Giáo Hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 11 tháng giêng.