Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 10/1/2016

Filled under:


LIÊN ĐỚI VÀ ĐỒNG HÀNH
Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. (Lc 3,21)
Suy niệm: Hành vi đầu tiên của Đức Giê-su ngay lúc chào đời là đồng hành với các người di dân và vô gia cư, khi sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ. Việc làm đầu tiên của Ngài khi xuất hiện công khai là đồng hành với các tội nhân sám hối bên giòng sông Gio-đan. Hành vi cuối cùng của Ngài khi chịu chết là đồng hóa với các tử tội trên thập giá. Trọn cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người ấy luôn là đồng hành, liên đới với những người nghèo dễ bị tổn thương, bé mọn, tội lỗi, thất bại trong nhân loại. Muốn đồng hành, Ngài phải hạ mình xuống ngang hàng với họ; để liên đới, Ngài phải chia sẻ nỗi đau của họ. Khi hạ mình cúi xuống với con người, Ngài nâng họ lên, đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mời Bạn: Nhờ lòng thương xót cụ thể qua cung cách đồng hành và liên đới ấy của Con Thiên Chúa, bạn được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa, là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Chúa Ki-tô. Bạn được mời gọi bớt sống cho mình, để có thể đồng hành và liên đới với những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.
Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn... Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
(Rabbouni)

                                                                     THÁNH MAXIANÔ 
LINH MỤC
(+ 471)
Đoàn thể những người Chúa chọn để phụng sự Ngài gồm đủ mọi hạng người, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội khác nhau. Có vị xuất thân là kẻ cùng đinh bần hàn, có người ở chốn cao sang quyền quý, người học thức uyên thâm, kẻ quê mùa chất phác.
Maxianô đại diện giai cấp quý tộc được Chúa chọn. Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý phái thuộc hoàng gia Rôma. Nhờ ở địa vị quyền quý đó, Maxianô được gửi qua Contantinôpôli, kinh thành văn hoá của thời đại bấy giờ để ăn học.
Những ngày thơ ấu đó thật là êm đềm hạnh phúc. Thêm vào những kiến thức ở học đường, Maxianô còn được hấp thụ ở gia đình một nền giáo dục rất đạo đức, nền giáo dục đó đã tạo cho Maxianô một tâm hồn quảng đại, thích gần gũi với hết mọi người để bầu bạn, nhất là những con nhà nghèo khó. Lòng bác ái hay thương giúp những con người nghèo khổ đã sớm nở trong tấm lòng thơ ấu đó. Trong khi còn được cha mẹ cung phụng cho ăn học, Maxianô thường dành dụm, hoặc có khi lấy hết những tiền cha mẹ cho để giúp đỡ các bạn nghèo một cách kín đáo. Ngoài những giờ cắp sách đến trường, Maxianô thường ở nhà bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả trong cách sống cô tịch và cầu nguyện.
Càng thêm tuổi, Maxianô càng tấn tới trên đường trọn lành. Thượng phụ Anatôlê nghĩ: "Những gương nhân đức của trang thanh niên đó sẽ gây ảnh hưởng và có hiệu lực nhiều hơn, nếu chàng ở địa vị linh mục". Thế rồi ngài tỏ ý muốn truyền chức linh mục cho Maxianô. Nhưng Maxianô một mực khước từ vì nghĩ rằng mình bất xứng. Đến sau, ngài đành phải gạt bỏ ý riêng để vâng lời vị Thượng giáo phụ. Khi thụ phong, Maxianô thầm hứa với Chúa mỗi ngày sẽ cố gắng vươn cao trên đường hoàn thiện trong cuộc đời linh mục.
Sau khi thụ phong linh mục rồi, với tất cả bầu nhiệt huyết của một linh mục trẻ, Maxianô hăng hái bắt tay vào những hoạt động xã hội như: mở những trung tâm hướng nghiệp cho người nghèo, trợ cấp những người túng thiếu, xây cất nhà thờ, lập bệnh viện. Lòng thương những người nghèo khổ đã chiếm một phần lớn trong trái tim ngài.
Nhưng ta đừng tưởng đời các vị thánh chỉ toàn là những bước đi trên hoa và nhung lụa. Phải phấn đấu gian khổ mới được những giây phút thanh bình quý hoá. Trong cuộc đời hoạt động, linh mục Maxianô đã gặp phải bao trở lực, nào là những tiếng nói ra nói vào, những lời bình phẩm chê trách, những cảnh ghen tương đố kỵ. Thấy ngài được uy thế và tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người có bụng xấu đã phải ghen và vu cáo cho ngài là có chân trong lạc giáo Nôvaxianô để chống đối và bất phục quyền Đức Giáo Hoàng. Đối lại, ngài chỉ dùng phương thế yên lặng và xử hiền hoà để phá tan mối ngờ vực oan uổng đó.
Vị Thượng phụ Anatôlê một lần nữa càng nhận thấy Maxianô là người có một đức tính sâu sắc và mạnh mẽ phù hợp với cuộc đời hoạt động bên ngoài, nên ngài rất mến phục và tín nhiệm linh mục Maxianô. Theo ý kiến và lòng mộ mến của toàn dân cũng như hàng giáo sĩ, ngài đã đặt Maxianô làm quản lý giáo phận.
Trong chức vụ mới, những đức tính khôn ngoan, chính trực của linh mục Maxianô càng được phô bầy sáng tỏ. Không ai có thể kêu trách ngài về vấn đề tiền của. Tuy nắm giữ nhiều của cải, nhưng lòng ngài không hề dính bén. Trái lại, ngài biết dùng tiền để làm nhiều công việc hữu ích. Nhờ ngài, nhiều thánh đường nguy nga đã mọc lên như nấm hoặc được trùng tu, như thánh đường thánh nữ Anastasia, thánh Thêôđôrê …v.v.
Đối với những thánh đường sống động của Chúa Thánh Thần, lòng yêu thương săn sóc của ngài còn được tăng cường gấp mấy. Người ta kể ngày kia ngài chủ toạ cuộc lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ thánh nữ Anastasia. Trên đường đến nhà thờ hôm ấy, gặp một người hành khất rách rưới xin ngài làm phúc, Maxianô liền cởi ngay áo ngoài đang mặc cho người hành khất. Sau đó ngài liền tiến vào nhà thờ, vận phẩm phục hành lễ. Trong suốt giờ lễ, từ những người giúp việc đến vị Thượng giáo phụ, ngoài chiếc áo ngoài, ai nấy đều thấy như ngài còn vận thêm một tấm áo quý hoá nạm toàn bằng kim cương lóng lánh làm hoa mắt mọi người. Lễ xong, vị Thượng phụ gọi ngài tỏ ý khiển trách ngài ăn mặc quá xa hoa làm chướng mắt và làm gương xấu cho mọi người. Maxianô bỡ ngỡ vì nghĩ rằng mình làm gì có áo sang trọng ấy. Nhưng vị Thượng giáo phụ càng bỡ ngỡ hơn nữa vì khi vén áo trắng ngài ra xem thì không còn thấy áo xa hoa kia đâu nữa.
Những phép lạ thánh Maxianô làm, nhưng nhất là lòng thánh thiện và bác ái của thánh nhân, đã cảm hóa được nhiều người lạc giáo. Một số người đã bỏ điều lầm lạc để trở về với nguồn sáng thật.
Thánh nhân từ trần vào năm 471 sau một đời đầy công phúc.
Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương đều kính nhớ và mừng lễ thánh nhân vào ngày 10 tháng giêng và coi ngày đó như ngày ngài mệnh chung. Lòng sùng kính của giáo hữu đối với ngài ngày càng truyền lan, nhất là sau cuộc thiên tai động đất tại nhà thờ thánh Gioan Tẩy Giả, giáo hữu cầu khẩn ngài, và tai nạn đã qua không gây hại gì cho ai.