Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG - NGÀY 21/09/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người.
Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?"
Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

SUY NIỆM 1
Thánh Matthêu Tông Đồ
(http://tinmung.net)

Ðây là sách Phúc Âm xuất hiện trước nhất, được viết khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch. Thánh Matthêu có ý viết cho những người Do Thái trở lại để củng cố đức tin họ. Người nhấn mạnh rằng:
- Chúa Giêsu thực hiện nơi bản thân Chúa mọi lời tiên tri đã chép trong sách Cựu Ước. Người Do Thái trở lại đạo Chúa Kitô không phải từ bỏ kho tàng thiêng liêng của dân được chọn, người ấy vẫn tìm được trong Phúc Âm những gì làm cho mình thêm vinh quang, trong sạch và hoàn hảo.
1. Thánh Matthêu là ai?
- Matthêu là một trong nhóm 12 tông đồ. Ngài là nhân viên thu thuế, được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế. Theo Pa-pi-as (Giám Mục thành Hieropôlis khoảng năm 138) thì Matthêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn Phúc Âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.
2. Thánh Matthêu nhắm mục đích gì và nhắm vào thành phần thính giả nào khi viết Phúc Âm?
- Thánh Matthêu trích dẫn Cựu Ước rất nhiều trong Phúc Âm của ngài, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nagiarét chính là Ðấng Messia Thiên Chúa đã hứa: và như thế ngài nhắm vào số thính giả người Do Thái.
3. Phúc Âm của ngài được viết khoảng năm nào?
- Khoảng năm 75 sau Chúa Giáng Sinh.
4. Thánh Matthêu viết Phúc Âm tại đâu?
- Theo truyền tụng thì thánh Matthêu đã rao giảng và làm việc tại Antioch, có lẽ tại đây ngài đã soạn Phúc Âm.
5. Thánh Matthêu đã dùng Cựu Ước để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Messia như thế nào?
- Ngài chứng minh Chúa Giêsu là con vua Ða-vít, thuộc dòng dõi Abraham, đến để tái lập vương quốc Ða-vít mà thánh vịnh 72 đề cập tới việc các vua chúa trần gian tới bái lạy Chúa Hài Ðồng. Mãi sau này, vào thế kỷ thứ 8 tên ba vị đó mới được xác định là Gasparê, Melchior và Balthazar.
- Gia đình thánh gia trốn qua Ai Cập để ứng nghiệm lời tiên tri Hôsêa: "Từ Ai Cập ta đã gọi con Ta về."
- Việc Giuđa ném trả 30 đồng tiền bán Chúa vào đền thờ, các thượng tế và niên trưởng đã lấy bạc ấy mà tậu ruộng của người thợ gốm, là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Itraen đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”
6. Trình bày vắn tắt bố cục nội dung Phúc Âm Thánh Matthêu?
- Phúc Âm Thánh Matthêu co thể được chia ra thành 4 phần:
- Chương 1-2 nói về Tin Mừng thời niên thiếu của Chúa Giêsu.
- Chương 3-18 đề cập tới sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê.
- Chương 19-25 nói về sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem.
- Chương 26-28 tường thuật về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu.
7. Thánh Matthêu nói gì về cuộc thương khó và sống lại của Chúa Giêsu?
- Trong ba chương 26-28 ngài đề cập tới một số điểm riêng biệt như:
- Cái chết của Giuđa, môn đồ bội phản.
- Sự kiện vợ của tổng trấn Philatô can gián chồng trong việc kết án Chúa Giêsu.
- Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nhiều vị thánh đã an nghỉ sống lại vào thành...
- Việc mua chuộc lính canh mộ...
8. Phúc Âm theo Thánh Matthêu có những đặc điểm nào?
- Ngài trình bày giáo huấn qua năm bài diễn từ.
- Ngài trình bày theo cặp ba và cặp bảy.
- Minh chứng những gì Cựu Ước đã nói đều được thực hiện.
- Phúc Âm ngài mang nhiều chiều kích Hội Thánh.
9. Kể 5 bài diễn từ của Chúa Giêsu mà Thánh Matthêu đã ghi lại?
- Bài giảng trên núi (chương 5-7)
- Sứ vụ trao cho 12 tông đồ (chương 10)
- Các dụ ngôn về nước trời (chương 13)
- Ðịa vị cao nhất và sự tha thứ (chương 18)
- Diễn từ chung luận (chương 24-25)
10. Lễ Thánh Matthêu được Giáo Hội mừng kính vào ngày nào?
- Ngày 21-9 dưới tước hiệu tông đồ thánh sử.


Suy niệm 2
Chúa Giê-su đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Mat-thêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Mát-thêu là một người thu thuế, tội lỗi, bỏ một quá khứ đã ăn sâu trong cuộc sống, là một điều vô cùng khó khăn. Để đi theo một tiếng gọi của Chúa và thay đổi toàn bộ cuộc đời, từ bỏ tất cả những gì đã từng làm nên thành công, lại là một quyết tâm phải phát xuất từ trái tim. Mát-thêu đã thực hiện cuộc đổi đời đầy khó khăn đó trước tiếng gọi của tình yêu Chúa. Nhờ ơn Chúa, ngài đứng dậy, đi theo Chúa và đã trở thành vị Tông đồ của Chúa, không chỉ rao giảng  Tin Mừng, làm chứng tá,  mà còn viết ra chính Tin Mừng ngài đã lãnh nhận trong đời của mình - Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.

Vì thế, chúng ta cũng cần có hành động như Mát-thêu, đứng lên và đi theo Chúa. Đứng lên khỏi những đam mê; đứng lên và đi ra khỏi những tư tưởng ô uế, bất chính; đứng lên và đi ra khỏi những mặc cảm buồn phiền xâm chiếm lòng mình bao năm qua; đứng lên và đi ra khỏi những lười biếng, say sưa; v.v. để bước theo Chúa trong trách nhiệm Chúa trao ban. Luôn tin chắc rằng, với ơn Chúa, dù mình có tội lỗi, sai lầm đến đâu, thất bại gục ngã đến đâu Thiên Chúa vẫn gọi mời và ban ơn. Đừng chán nản về bản thân và cuộc đời, hãy quyết tâm trở về.

Gia-kêu - thủ lãnh của những người thu thuế - được Chúa Giê-su đến tận nhà viếng thăm; với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Chúa Giê-su đã nói với tất cả trìu mến: "Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa"; với Phê-rô - người môn đệ thân tín phản bội - Chúa Giê-su đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quanh chúng con và nỗ lực trở về với Chúa mỗi ngày. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường