Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”
Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”.
Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

SUY NIỆM 1

Môn đệ có cái nhìn đúng
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)
Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức Giêsu.
Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?
Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.
Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
GF



SUY NIỆM 2
 
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại dung mạo đích thực của Chúa Giê-su trong cuộc sống chúng ta. Khi thánh Phê-rô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Ki-tô ấy theo quan niệm thông thường của người Do Thái đương thời của ngài. Trong sự chờ đợi của người Do Thái thời Chúa Giê-su, Đấng Ki-tô là vị cứu tinh của dân tộc được Thiên Chúa sai đến để tái lập nước Israel, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở.

Chính vì quan niệm sai lầm ấy, mà liền ngay sau khi Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su loan báo cuộc tử nạn của Người, Nguời quả là Đấng Ki-tô, nhưng là một Đấng Ki-tô chỉ thực hiện công cuộc giải phóng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo của Chúa Giê-su sau khi Người sống lại. Trong ánh sáng phục sinh, các môn đệ hiểu rằng Chúa Giê-su đã thực thi sứ mạng cứu rỗi qua thập giá. Các môn đệ cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa là đi theo con đường thập giá của Người.

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ cách đây hai ngàn năm, giờ đây cũng được đặt ra cho từng Ki-tô hữu. Dĩ nhiên, câu trả lời của chúng ta không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng mà thiết yếu là cả cuộc sống, qua đó chúng ta tỏ bày dung mạo đích thực của Chúa Giê-su cho những người xung quanh. Nếu danh hiệu Ki-tô gắn liền với thập giá, thì cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng phải là cuộc sống của thập giá. Sau khi ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su, tổng trấn Philatô đã đưa Người ra trước đám đông và tuyên bố: “Này là Người!”.

Ngày nay, qua cuộc sống đi theo con đường khiêm hạ, hy sinh, từ bỏ, thập giá, các Ki-tô hữu cũng có thể giới thiệu với mọi người: “Này là Người”, này là Đấng Ki-tô của loài người.

Lạy Chúa, xin làm cho thập giá của Chúa luôn là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của các Ki-tô hữu chúng con. Amen.

 
GKGĐ Giáo phận Phú Cường