Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 10/9/2019

Filled under:

Chọn Nhóm Mười Hai

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)




SUY NIỆM 2
 
Cầu nguyện và sứ vụ, cả hai nhưng là một. Là môn đệ Chúa Giê-su, bạn không thể làm việc nếu không cầu nguyện, và bạn cũng không thể chỉ cầu nguyện mà không làm việc. Trong truyền thống đan tu, đã có hạn từ đầy chuyên môn: ora et labora, nghĩa là cầu nguyện và lao động. Sứ vụ của chúng ta sẽ chệch hướng nếu chúng ta chỉ chăm chú vào công việc mà lại lơ là việc cầu nguyện. Có những ngày, công việc lu bù, chúng ta bị cuốn vào dòng xoáy công việc, với những tính toán mang đậm chất trí tuệ. Những lúc ấy chúng ta quên mất việc cầu nguyện, chúng ta có lý do để biện hộ cho việc lơ là trong cầu nguyện vì không có đủ thời gian, vì phải chạy ngược chạy xuôi lo cho công việc. Hãy coi chừng với điều này. Lằn ranh đỏ cảnh giác chúng ta đó là nguy cơ chúng ta chỉ làm công việc nó đơn thuần chỉ hướng đến công việc và hiệu quả. Cuộc đời chúng ta chính là sứ vụ. Và sứ vụ chúng ta gắn liền với lời mời gọi của Chúa Giê-su. Chúng ta không thể tách rời chúng ta với tiếng nói của Chúa. Nên việc cầu nguyện không được xem nhẹ, mà nó phải là khởi đầu cho ơn gọi, cho mọi công việc cho toàn thể sứ vụ của chúng ta. 

Nơi Chúa Giê-su, và điển hình qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện và sứ vụ. Tin Mừng Lu-ca có 11 lần nói về việc Chúa Giê-su cầu nguyện. Con số ấy còn vượt trên số lần mà Chúa cầu nguyện, nói khác đi là cầu nguyện được xem như cuộc sống của Chúa Giê-su, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Chúa cầu nguyện và thực thi sứ vụ. Khi thực thi sứ vụ cũng là lúc Chúa cầu nguyện. Điều cốt yếu kết hợp sứ vụ và cầu nguyện thành một thể thống nhất nơi Chúa Giê-su đó là thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha muốn. Thế nên, việc mời gọi các môn đệ và nâng lên hàng Tông đồ, cũng chỉ để cho các ông tiếp tục sứ mạng theo gương mẫu của Chúa Giê-su: làm việc và cầu nguyện trong thánh ý của Thiên Chúa. 

Lạy Chúa Giê-su, Chúa không những dạy chúng con cầu nguyện, mà còn là gương mẫu của sự cầu nguyện và thực thi sứ vụ. Xin cho chúng con mỗi khi làm gì hay muốn gì, đều cầu nguyện và thực thi theo ý Chúa muốn. Amen.

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường