Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 02-09-2019

Filled under:

Bí Quyết Nên Thánh (Lc 4,16-30)

Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng ở vùng gần Giêrusalem bên bờ sông Giócđan nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ. Ở đó dân chúng đã nghe nói về nội dung lời rao giảng của Ngài, ở đó người ta cũng nghe nói tới một số phép lạ Ngài đã làm. Tin đồn này làm cho những người đồng hương bỡ ngỡ: "Ông ta đã học được những điều đó ở đâu? Ông không phải là con ông Giuse đó sao?" Ðó là một thắc mắc rất chính đáng.
Người dân Nazareth, nhất là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu hẳn có đủ lý do để tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì trong suốt ba mươi năm sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất cứ một dấu thánh thiện siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu đã có thể sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ bản tính của Ngài? Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn ấy trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả lời chỉ có thể là Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đồng hương và cả chúng ta nữa. Thời Ngài, thánh thiện có nghĩa là tuân giữ chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong tục vốn được xem là biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ như thế. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ, tất cả những ai đã từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và bỡ ngỡ. Quả thật, tất cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một người như họ mà thôi, Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm nào.
Ðiều đáng làm cho chúng ta suy nghĩ là không nơi nào trong các sách Tin Mừng viết rằng Chúa Giêsu là một con người đạo đức, chúng ta chỉ đọc được rằng Ngài đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện mà thôi. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giêsu có một quan niệm về sự thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái đương thời. Ðối với Ngài, thánh thiện là sống hoàn toàn như một con người, là làm người như Thiên Chúa đã dựng nên, đó là câu giải đáp thắc mắc tại sao những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu thắc mắc và bỡ ngỡ khi Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh. Ðối với lối suy tư của họ, Ngài xem ra quá trần tục, quá là người cho nên không thể làm được những chuyện cả thể như người ta đã đồn thổi. Tuy nhiên đây chính là một mạc khải sâu xa: Thiên Chúa nhập thể làm người để sống như một con người như mọi người, hầu dạy chúng ta biết sống cho ra người. Chính cuộc sống đơn giản và bình thường ấy lại chứa đựng một sự thánh thiện tuyệt vời.
Trong các thứ học thì hẳn học làm người là điều khó nhất, người ta có thể đỗ đạt thành tài trong cuộc sống, người ta có thể nắm vững được lãnh vực chuyên môn của mình, nhưng học làm người là một thứ trường học mà con người sẽ chẳng bao giờ tự cho là mình đã tốt nghiệp và thôi học. Sống như một con người, như Chúa Giêsu đã sống ba mươi năm âm thầm tại Nazareth, âm thầm đến độ những người quen biết không thấy có gì đáng chú ý trong cuộc sống ấy. Sống như một con người chính là sống một cách sung mãn từng giây phút của cuộc sống. Sống một cách phi thường những việc tầm thường nhất trong đời thường, sống bằng một tình yêu cao cả những việc làm nhỏ bé nhất hàng ngày, đó chính là bí quyết để nên thánh vậy.


Suy niệm 2 

Đoạn sách Isaia công bố trong hội đường Nazareth quê hương Chúa Giê-su là một áng văn đẹp, ứng nghiệm lời của vị tiên tri: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Đoạn sách này nói lên bản chất và sứ mạng của người được sai đi công bố một thời kỳ hồng ân cứu độ. Isaia nói điều này để báo trước về ngày toàn dân thoát cảnh lưu đày và được hồi hương. Đó là thời gian của ân phúc. Người nghèo hèn sẽ không còn bị sĩ nhục; người bị tù đày, bị bắt bớ do đấu tranh cho tự do; và vương quốc Chúa được thiết lập sẽ thoát cảnh tù đày. Thời cứu độ đến, người què sẽ nhảy nhót, người mù sẽ sáng mắt, người câm nói được và người điếc cũng nghe được. Lời tiên tri này, đồng thời, cũng ứng nghiệm với Đấng Mesia, ứng nghiệm một cách phổ quát hơn, khi mà Chúa công bố sự giải thoát con người khỏi sự giam cầm của tội lỗi và bao nhiêu ơn lành là các phép lạ xuống trên những người nghèo hèn, bệnh tật, những kẻ bị bỏ rơi. 

Năm hồng ân, thời cứu độ đó không phải là đã kết thúc nhưng vẫn được tiếp diễn trong lịch sử. Isaia loan báo và thời ký đó đã đến. Chúa Giê-su đã đến và hiện thực viễn tượng của thời Mesia được loan báo trên quê hương Người. Và Hội Thánh, trogn đó mỗi chúng ta cũng được xức dầu cứu độ để mang viễn tượng cứu độ đến với muôn dân. Thử hỏi, ngày hôm nay, bao nhiêu người nghèo cần được an ủi, bao nhiêu người bị các quyền lực độc tài áp chế, bao nhiêu người bị giam cầm cách oan sai vì sự bất công của xã hội, bao nhiêu người bị chà đạp cần được nâng đỡ và phẩm giá cần được tôn trọng. Chúa Giê-su đến để cho nhân loại được sống. Hội Thánh của Chúa có sứ mạng duy trì tình trạng ân sủng Chúa cho muôn người, mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con, ngày hôm nay, biết nghe tiếng Chúa, biết can đảm lên đường mà không quản ngại để loan báo Tin Mừng của Chúa. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường