Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3/9/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3/9/2019
“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Lời của Người có uy quyền”. (Lc 4,32).
Theo sưu tầm: Hitle khi mở miệng ra nói, có 5000 người nghe. Tổng thống Mỹ washington khi nói có 10.000 người nghe.(Nghe ở đây là tin lời người ấy nói).
Đức Giê-su giảng cho dân chúng tại Ca-phác-na-um, họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của người có uy quyền (Mọi người ai cũng tin nghe).
Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra (Quỷ ngã vật ra). Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ.
Lời Đức Giêsu có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Vì Ðức Giêsu là Thiên Chúa nên lời của Ngài có sức mạnh khuất phục chúng.
Lạy Chúa. Lời Chúa luôn là ánh sáng rọi chiếu trong tâm hồn chúng con, xin cho chúng con luôn lắng nghe Lời của Chúa, và luôn biết kết hợp với Chúa trong cầu nguyện để những gì chúng con nói và làm được đẹp lòng Chúa. Amen.



Thánh Gregory Cả – Tiến Sĩ Hội Thánh  
(540-604)

Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp của ngài càng ngày càng lẫy lừng. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó, ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức giáo hoàng, và còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài được chọn làm giáo hoàng thứ 64 kế vị Thánh Phêrô bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.
Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt và săn sóc những người Do Thái bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém.
Ngài rất lưu tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.
Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard.
Một sử gia Anh Giáo đã viết: “Không thể nào tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ–thật lộn xộn, vô trật tự–nếu không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả.
Cuốn sách của ngài “Cách Chăm Sóc Mục Vụ” nói về nhiệm vụ và đặc tính của một giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là “Cả”, Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng cốt của Giáo Hội Tây Phương.

Lời Bàn

Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết khả năng để chu toàn nhiệm vụ.

Lời Trích

Nói cho cùng có lẽ không khó để người ta từ bỏ của cải, nhưng chắc chắn là thật khó để từ bỏ chính mình. Khước từ những gì mình có là chuyện nhỏ; nhưng khước từ cái tôi của mình, đó mới thật đáng kể” (Thánh Grêgôriô, Bài Giảng về Phúc Âm).