Một người đầy uy quyền
Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”quỷ vật người ấy xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. (Lc. 4, 33-35)
Ngay từ buổi đầu cuộc giảng đạo công khai, Đức Giêsu tỏ ra một người đầy uy lực. Lời và hành động của Người biểu lộ quyền bính phi thường.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã tỏ ra là bậc thầy dạy một giáo lý vững chắc có sức đáng động và gây ấn tượng mạnh ngay tại những người Do-thái chịu ảnh hưởng của nhiều trường luật sĩ giảng dạy rất đông đệ tử. Dân chúng say mê nghe lời Người. Không phải chỉ nhờ lời nói hay. Người còn liên kết sứ điệp của Người với quyền phép trừ quỷ bằng một sức mạnh làm những người chứng kiến kinh ngạc.
Từ hai ngàn năm, Đức Giêsu không bao giờ ngừng tạo thế lực vừa bằng đạo lý, vừa bằng hành động giải phóng nhân loại, không chỉ cứu thân xác bệnh hoạn mà nhất là cứu tâm trí con người được hạnh phúc. Ngày nay hơn bao giờ hết, Người lôi cuốn mọi người khám phá về Người. Không bao giờ người ta nói về Người nhiều như ngày nay, hoặc để thử loại bỏ Người, chối không có Người hoặc bảo vệ Người rất nhiệt tình. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, sách vở, nghệ thuật âm nhạc, quảng cáo đã thấm nhập về Đức Kitô và tuyên truyền làm cho người ta hiểu biết về Đức Kitô một cách tiêu cực hay tích cực.
Dù người ta nói gì, Người vẫn là một bậc Thầy vĩ đại trong các bậc Thầy cho mọi người trên trái đất phải suy nghĩ. Đúng như câu kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay:
“Tiếng đồn về Người lan ra khắp mọi nơi”. Và như ông Si-mê-on đã nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en, vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà,thì một mũi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (Lc. 2, 34-35).