Chấp nhận chính mình
Triết gia hiện sinh Pháp Albert đã có lần nói rằng: "Con người là tạo vật duy nhất không chấp nhận là mình". Ông có ý nói rằng con người không chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình.
Con người luôn muốn nổi loạn để vượt qua chính mình. Sự nổi loạn ấy rõ ràng nhất là trong lĩnh vực khoa học. Những khám phá khoa học và những ứng dụng kỹ thuật ngày càng làm cho chính con người chóng mặt. Chúng ta thử nhìn vào dự tính sản sinh con người theo phương pháp vô tính mà hiện một số nhà khoa học đang muốn lao mình vào. Những hệ lụy của một cơn cám dỗ như thế là vô cùng khủng khiếp. Chính tính cách không dự đoán và không lường trước được ấy của những hệ lụy là cho thấy những giới hạn và bất toàn của trí khôn cũng như khả năng của con người. Con người càng tiến bộ lại càng nhận ra giới hạn của mình. Ðây phải là thái độ tự nhiên của con người. Muốn hay không, con người không thể chối cãi được những giới hạn của mình.
Con người chỉ là người khi nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận chính mình. Tin Mừng không ngừng lập lại chân lý ấy. Càng khiêm hạ, con người càng được nâng cao. Càng nhận biết những giới hạn của mình, con người càng nhận ra mối giây liên kết và lệ thuộc của mình với Ðấng Tạo Hóa, con người càng thấy được sự cao cả đích thực của mình. Ðây là lý tưởng mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta.
Sau một đêm vất vả, các môn đệ không bắt được một con cá nào. Hơn ai hết, những người đánh cá có kinh nghiệm về thời tiết, về sóng nước và có lẽ cũng hơn ai hết, lênh đênh giữa đại dương mênh mông, họ dễ cảm nhận được thân phận nhỏ bé bất toàn của con người. Nhưng thánh Phêrô chỉ thực sự ý thức được thân phận ấy khi chứng kiến mẻ cá lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Ði sâu vào thân phận ấy, thánh nhân không chỉ thấy những giới hạn và bất toàn của mình về phương diện nghề nghiệp hay nhân bản, mà còn nhận ra một sự bất lực khác của bản thân, đó là bất lực trong ơn thánh. Thật thế, thánh Phêrô khám phá ra thân phận tội lỗi của mình.
Con người có thể nhận ra những giới hạn, bất toàn, và ngay cả lầm lỡ của mình, nhưng để thấy mình là người tội lỗi, con người phải nhận ra mối giây liên kết với Ðấng Tạo Hóa. Tội lỗi thiết yếu nói lên mối liên kết với Ðấng Tạo Hóa mà con người đã cắt đứt. Mẻ cá lạ vừa cho thánh Phêrô thấy quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, vừa là phơi bày con người tội lỗi yếu hèn của mình. Phản ứng của thánh Phêrô là mẫu mực cho cuộc sống đức tin của người tín hữu Kitô. Phản ứng này cũng là hằng số trong cuộc đời của vị Giáo Hoàng tiên khởi này. Sau này, kinh nghiệm chối Chúa lại càng cho thánh nhân ý thức được thân phận tội lỗi của mình và đồng thời cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa.
Một thi hào người Ðức đã nói: "Ai biết chấp nhận những giới hạn của mình, người đó đang đi gần đến sự hoàn hảo". Thánh Phêrô được nên cao trọng có lẽ không do tài lãnh đạo hay chính sự thánh thiện cá nhân của mình mà trước tiên là ở tấm lòng khiêm tốn sám hối và tin tưởng ở quyền năng và tình yêu của Chúa. Tựu trung, đó cũng chính là tâm tình tôn giáo đích thực của con người. Có tôn giáo thiết yếu là ý thức được thân phận thụ tạo, bất lực và tội lỗi của mình, đồng thời cũng cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)