Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 17/9/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 7, 11-17
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người.
Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.


SUY NIỆM 1

 Ý Nghĩa Của Cuộc Sống
Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.
Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".
Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)




SUY NIỆM 2
 
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca họa lên một bức tranh thật sống động của sự đan xen giữa tuyệt vọng cùng cực và niềm vui vỡ òa nơi cuộc sống con người. Thánh Lu-ca cho chúng ta thấy có hai đám đông đang di chuyển ngược chiều nhau. Đám đông thứ nhất, dẫn đầu là Chúa Giê-su đang tiến vào thành với tất cả niềm phấn khởi; đám đông thứ hai, dẫn đầu là một xác chết đang đi ra khỏi thành với nỗi tuyệt vọng cùng cực. Điều đáng lưu ý ở đây là hai làn người đó gặp nhau mà điểm nút là Chúa Giê-su và một xác chết. Hay nói cách khác là sự gặp gỡ của niềm hy vọng và sự tuyệt vọng cùng cực. Khi sự đau khổ tuyệt vọng của con người gặp được Đấng là nguồn mạch của mọi hy vọng thì sự đau buồn tuyệt vọng nơi con người không còn tồn tại nữa, thay vào đó là niềm vui, niềm hy vọng được bùng nổ vỡ òa nơi tất cả mọi người. 

"Thiên Chúa là tình yêu“ (1Ga 4, 16). Vì thế, Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn buồn phiền, khỏi thất vọng đắng cay, khỏi đau thương tuyệt vọng. Ngay cả nỗi đau thương tuyệt vọng lớn nhất nơi con người là sự chết. Thiên Chúa muốn giải thoát con người khỏi lưỡi hái của tử thần để sống với Ngài, thế nhưng, con người vẫn có tự do để chọn sống với Ngài hay cái chết đời đời. 

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết luôn chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống để rồi chính tình yêu của Thiên Chúa sẽ biến những đau khổ tuyệt vọng của chúng con thành niềm vui và hy vong. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường