Phút cảm nhận Tin mừng CN Ngày 22/9/2019
"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được"(Lc 16,13).
Theo lịch sử, nước Do Thái thời Đức Giêsu là thời cực thịnh, có nhiều người giàu, họ thường lắm đồn điền ở nhiều nơi. Ông chủ không thể hiện diện cùng lúc tại nhiều chỗ được, vì thế, họ thường đặt những quản gia để trông nom kho lẫm và thay mặt mình để quản lý, điều hành mọi công việc.
Đức Giêsu có khen người quản gia bất lương vì sự bất lương của hắn ta không? Thưa không! Ngài khen là khen cái tài khôn khéo, biết tính trước cho tương lai vận mệnh của mình, và biết dùng tiền của bất chính để tạo nên bạn hữu.
Đức Giêsu nói: "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu" (Lc 16, 9). Ngài dạy phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của ở đời này, làm sao tiền của trở thành nô lệ, đày tớ, chứ đừng biến nó thành ông chủ của mình.
Thật vậy, tiền của vật chất rồi sẽ qua đi, nhưng chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế hãy tìm mọi cách mà xây dựng, mua lấy Nước Trời cho cuộc sống mai hậu. Hãy biết lo cho tương lai của mình cách cẩn trọng.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con không làm tôi hai chủ, không đặt tiền của làm chủ, chi phối đời sống mình. Xin ban ơn khôn ngoan, ý chí cương quyết để chúng con biết chọn Chúa, vì chính Chúa là hạnh phúc của chúng con. Amen.
Thánh Lorenzo Ruiz và Các Bạn
(1600?-1637)
Lorenzo sinh trưởng ở Manila và bố là người Trung Hoa, mẹ là người Phi Luật Tân, cả hai đều là Kitô Hữu. Bởi thế ngài biết tiếng Tầu và tiếng Tagalog từ bố mẹ, và ngài còn biết tiếng Tây Ban Nha từ các cha Ða Minh mà ngài thường giúp lễ và dọn lễ cho các cha. Ngài sống về nghề chuyên môn viết chữ đẹp (calligrapher), biên chép lại các tài liệu trong một dạng tự tuyệt vời. Ngài là hội viên trung kiên của Hội Ái Hữu Mai Khôi dưới sự bảo trợ của các cha Ða Minh. Ngài lập gia đình và được hai trai một gái.
Cuộc đời Lorenzo thay đổi bất ngờ khi ngài bị kết tội sát nhân. Chúng ta không được biết gì hơn ngoài lời kể của hai cha Ða Minh là “Lorenzo bị nhà cầm quyền lùng bắt vì tội giết người mà ngài có mặt tại hiện trường hoặc họ ghép tội cho ngài.”
Vào lúc đó, ba linh mục Ða Minh, Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza, chuẩn bị dong buồm sang Nhật mặc dù ở đó đang bắt đạo dữ dội. Cùng đi với họ có một linh mục Nhật Bản, Vicente Shiwozuka de la Cruz, và một giáo dân tên Lazaro, bị phong cùi. Lorenzo, đang lẩn tránh nhà cầm quyền nên muốn được nhập bọn, và mãi cho đến khi ra tới biển thì Lorenzo mới biết là họ sang Nhật.
Họ đổ bộ ở Okinawa. Lorenzo có thể tiếp tục đến Formosa, nhưng, ngài viết, “Tôi quyết định ở lại với các cha, vì nếu đến đó người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi.” Họ ở Nhật không được bao lâu thì bị lộ tẩy, bị bắt và bị giải đến Nagasaki. Ðây là một nơi mà máu người Công Giáo đã chảy thành sông. Khoảng 50,000 người Công Giáo sống ở đây đã bị phân tán hay bị chết vì đạo.
Các linh mục thừa sai, cũng như Lazaro và Lorenzo bị tra tấn một cách dã man: sau khi bị đổ nước vào cổ họng, họ được đặt nằm ngửa trên mặt đất. Một tấm ván dài được đặt trên bụng nạn nhân, và các tên lính đạp lên tấm ván để nước ứa ra từ miệng, mũi và tai nạn nhân.
Vị bề trên của họ, Cha Antonio, đã chết trong cùng ngày. Vị linh mục người Nhật và Lazaro vì khiếp sợ khi bị tra tấn bằng tăm tre đâm vào đầu ngón tay, nên đã chối đạo. Nhưng cả hai đã lấy lại cản đảm khi được các bạn khuyến khích.
Khi đến phiên Lorenzo bị tra tấn, ngài hỏi người thông dịch, “Tôi muốn biết nếu bỏ đạo, họ có cho tôi sống không.” Người thông dịch không hứa hẹn gì, và Lorenzo, trong những giờ sau đó đã cảm thấy đức tin mạnh mẽ hơn. Ngài trở nên dũng cảm, ngay cả gan dạ với các lý hình.
Cả năm người bi giết chết bằng cách treo ngược đầu trong một cái hố. Chung quanh bụng của họ bị đeo bàn gông và đá được chất lên các bàn gông để gia tăng sức ép. Họ bị trói chặt để máu luân chuyển chậm hơn và như thế cái chết sẽ kéo dài hơn. Họ bị treo như thế trong ba ngày. Vào lúc đó, Lorenzo và Lazaro đã chết. Ba vị linh mục Ða Minh vẫn còn sống, nên bị chặt đầu.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho sáu vị này và 10 người khác, là những người Á Châu và Âu Châu, nam cũng như nữ, là những người đã loan truyền đức tin ở Phi Luật Tân, Formosa và Nhật. Thánh Lorenzo Ruiz là người Phi Luật Tân đầu tiên tử đạo.
Lời Bàn
Là những Kitô Hữu ngày nay, chúng ta tự hỏi không biết làm thế nào để đứng vững trong hoàn cảnh như các vị tử đạo phải đối diện? Chúng ta thông cảm với hai vị đã có lần từ chối đức tin. Chúng ta hiểu giây phút thử thách hãi hùng của Lorenzo. Nhưng chúng ta cũng thấy sự can đảm–không thể giải thích bằng ngôn ngữ loài người–xuất phát từ kho tàng đức tin của họ. Sự tử đạo, giống như đời sống, là một phép lạ của ơn sủng.
Lời Trích
Quan án: “Nếu tao cho mày sống, mày có từ bỏ đức tin không?”
Lorenzo: “Tôi không bao giờ làm điều đó, vì tôi là một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết cho Thiên Chúa, và nếu tôi có cả ngàn mạng sống tôi cũng sẽ dâng lên cho Thiên Chúa. Bởi thế, ông muốn làm gì thì làm.”a