Cốt Lõi Của Ðạo
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau:
Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 6-11)
Vào một ngày Sabat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông liền bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây". Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: "Tôi hỏi các ông, ngày Sabat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?" Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: "Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra và tay người ấy được lành. Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Suy niệm 2
Có một dạo trên truyền hình quốc gia, người ta làm chương trình "60 phút mở", trong đó họ đặt vấn đề làm từ thiện để làm gì. Trên mạng internet còn lưu lại chương trình đó. Sau khi phát sóng chương trình, cư dân mạng ném đá MC chương trình là tiến sĩ Tạ Bích Loan và những khách mời của chương trình ấy tơi tả. Cách đặt vấn đề và cách lèo lái người xem vào câu chuyện làm từ thiện có dụng ý làm cho những người có lòng thiện thật sự cảm thấy bị "shock". Sau câu chuyện đó cũng lắng xuống, và chương trình ấy cũng dẹp tiệm vì bị công luận phản ứng mạnh mẽ.
Câu chuyện xã hội ấy khơi gợi lên cho chúng ta về tính hiện thực của câu chuyện Phúc Âm hôm nay. Khi Chúa Giê-su cũng bị người Pharisiêu chất vấn về việc cứu chữa người bệnh trong ngày Sa-bát. Tính hiện thực hôm nay của Tin Mừng là gì? Làm từ thiện phải xin phép, phải trình báo, phải báo cáo, phải nói rõ nguồn gốc quà cáp ấy từ đâu, v.v. Không có giấy tờ thì e cũng khó mà làm từ thiện. Chuyện dở khóc dở cười là có những người mang quà từ thiện cho vùng xa vùng sâu còn bị câu lưu, bị hạch sách và làm khó khăn đủ điều.
Chúa Giê-su làm phép lạ chữa người khô bại tay. Người thể hiện uy quyền trong tình thương vô hạn với con người. Mà tình thương thì không giới hạn không gian, thời gian, làm ở đâu và bất cứ lúc nào. Giống như việc cứu người như cứu hoả, gấp rút, không thể trì hoãn. Phải chăng não trạng Pharisiêu cũng in hằng trong nếp nghĩ của nhiều người, nhất là giới cầm quyền nhiều nơi cho đến ngày nay: làm việc lành phải xin phép, giúp đỡ người khác phải có chứng nhận, làm từ thiện phải trình báo, cấp cứu người khác phải được cấp giấy, v.v.
Xã hội ngày nay người ta có thể lợi dụng việc làm tốt để đạt mục đích cá nhân. Nhiều người xây chùa chiền, cúng kiếng từ tiền tham nhũng, từ các thu nhập bất chính hay tội phạm; nhiều người làm từ thiện để quay phim chụp hình hay đánh bóng tên tuổi, v.v. Cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng khi làm việc lành, với sự chân thành, chúng ta không cần đến những điều đó. Chúa biết mọi sự, Chúa biết ta làm vì điều gì.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con luôn biết yêu thương, biết làm việc lành, biết sống đạo đức, không phải vì hư danh nhưng vì chúng con nhìn thấy Chúa trong anh chị em. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường