Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 29/9/2019

Filled under:

Suy niệm 1

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – C 2019
Lời Chúa: Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16, 19-31

1. Phú hộ và Ladarô - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Ngày 03/07/1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm mục vụ ở Sao Pôlô nước Brazil, Ngài đã áp dụng dụ ngôn này vào thế giới hiện đại. Ngài nói: Hàng ngàn làn sóng người di dân chen chúc nhau trong những nơi ổ chuột ở thành phố. Cuộc sống đầy thất vọng và tới tận cùng khốn khổ. Những trẻ em, thiếu niên, thanh niên không tìm được khoảng không gian sinh hoạt để phát triển mạnh mẽ những nghị lực vật lý và tinh thần, đành phải sống lang thang trên hè phố, giữa cảnh xe cộ ồn ào náo nhiệt và những cao ốc bao quanh san sát … Bên cạnh cuộc sống tiện nghi hiện đại, lại tồn tại những con người quá thiếu thốn … Sự phát triển hiện đại thường biến thành một phó bản kỳ lạ của bài dụ ngôn Phú hộ và Ladarô. Sự cọ sát giữa xa hoa và khốn cùng gây ra nỗi xúc động đầy thất vọng đau đớn …”. Thật đúng với cảnh dụ ngôn mà Đức Giêsu đã nói. Trong thế gian này luôn có hai hạng giầu và nghèo sống cọ sát với nhau, rất khó thông cảm, dễ gây đối đầu, đối địch nhau.
Hạng giầu sang ăn chơi phung phí, hạng nghèo khổ đói rách bệnh tật.
1/ Hạng phú hộ: Theo quan niệm thế gian: giầu sang phú quý, ăn ngon, mặc đẹp, chơi bời là hạnh phúc. Nhưng theo tâm lý: Kẻ ăn mặc diêm dúa, xa hoa, xa xỉ, thích giao du bạn bè là hạng kiêu căng, giả hình, giả dối. Phúc âm tả Pharisiêu giả hình, kiêu căng nên thích ngồi chỗ nhất, ăn mặc diêm dúa: Thả rộng ống tay áo, đeo tấm thẻ bài vĩ đại trước ngực, thêu ren tua áo lộng lẫy. Đức Giêsu đã bảo: “Họ như mồ mả sơn vôi đẹp bên ngoài, mà trong thì hôi thối, dòi bọ” (Mt. 23, 5.27)
Theo y học về dinh dưỡng, một bác sĩ nói: “Xin các bà vợ đừng giết chồng nữa: Tôi đã nghiên cứu từ 40 năm nay và tôi kết luận: Phần đông đàn ông chết sớm hơn đàn bà vì ăn nhậu thái quá”. Bà vợ càng nấu món nhậu ngon, bụng chồng càng bự. Đó là cách giết chồng sớm, như bà Evà đã giết chồng bằng trái cấm quá ngon. Bà Carnegie nổi tiếng về các sách học làm người, đã hỏi: “Các bà có muốn giết chồng sớm không? Thật giản dị vô cùng: Bà không cần thuốc độc, dao búa hay súng đạn, chỉ cần tọng cho ông các món nhậu thôi” (Giúp Chồng: tr. 219)
Dụ ngôn không nhấn mạnh đến cái chết phần xác, nhưng đến cái chết đời đời phần hồn của những hạng phú hộ ăn nhậu, xa xỉ. Phú hộ phải sa hỏa ngục vì ba tội này:
1. Ăn mặc lụa là xa hoa, ủy mị, phung phí, tiết lộ tính tình kiêu căng.
2. Ăn uống yến tiệc linh đình dung dưỡng xác thịt: đó là tội mê ăn uống.
3. Nhất là tội bất nhân, ích kỷ, không thèm giúp đỡ Ladarô người nghèo khổ nằm ngay cổng nhà mình.
2/ Hạng nghèo khổ đói rách, bệnh tật như Ladorô được hưởng phúc nước trời là vì:
1. Anh đã vui lòng chịu những xỉ nhục nghèo hèn, những bệnh tật đau khổ như thánh Gióp. Anh đã biết dâng những hy sinh đau khổ lên Thiên Chúa như Đức Giêsu để đền tội và chuộc tội.
2. Anh không hề than trách trời đất và buồn hận với ông phú hộ ăn chơi sung sướng trước mặt anh. Ladarô thật giống thánh Gióp trong Cựu ước. Ngài đã vui lòng chịu mọi cực khốn. Đang sống giầu có, sung sướng trong cảnh sum họp gia đình đông con nhiều cháu, đột nhiên nhà cửa bị thiêu rụi, các đoàn vật và con cái chết hết vì những tai họa ghê gớm, Ngài lại bị vợ và bạn bè đay nghiến, nguyền rủa xỉ nhục. Thân mình cô độc lở loét nằm trên đống tro tàn. Trong lúc đau khổ đến cực độ, Ngài vẫn vui lòng chấp nhận thân phận mình và nói: “Tôi đã sinh ra trần truồng trơ trọi. Tôi sẽ trở về trơ trọi hư vô. Thiên Chúa đã ban, Thiên Chúa lấy lại, chúc tụng danh Chúa muôn đời” (Jb. 1, 21)
3/ Ngày nay, được mấy người như Thánh Gióp và Ladarô, lúc gặp đau khổ, họ rên xiết, oán trách trời đất, oán trách xã hội, làng xóm. Lúc hưởng giầu có. Họ tìm cách ăn chơi phung phí. Họ cậy dựa vào tiền bạc. Họ đóng cửa lại không trông thấy ai đau khổ rên rỉ ngay trước cửa họ nữa. Một hố sâu phân cách giữa giầu và nghèo. Hai thế giới chênh lệch vẫn tồn tại song song nhau. Giầu sống khép kín bo bo lấy mình. Họ không bao giờ bước ra khỏi cái tôi. Cái tôi là thân xác, cái tôi là tiền của, cái tôi là khoái lạc có thế thôi. Họ không còn biết đến anh em, không biết đến Đấng trên đầu họ. Họ tưởng thế là hạnh phúc, là bất tử. Họ không ngờ đêm nay người ta đến đòi linh hồn ngươi, người ta đem chôn ngươi. Dưới âm phủ, ngươi phải chịu cực hình, lúc đó mới ngước mắt lên, lúc đó mới thấy Ladarô ngồi sát bên tổ phụ Abraham trên trời, lúc đó mới kêu xin Abraham thương xót, thì quá muộn rồi! Lúc giầu thì lo ăn chơi, chẳng nhớ đến ai, chẳng kêu xin ai. Lúc lửa thiêu đốt, mới ngước mắt lên, miệng lưỡi mới kêu gào. Sao khôn lỏi thế? Sao ích kỷ thế? Sao ma giáo thế?
Xem qua bài Tin Mừng này, có phải Thiên Chúa ủng hộ giai cấp nghèo, giai cấp vô sản và lên án giai cấp giầu, giai cấp tư bản? Không, Thiên Chúa chỉ lên án những kẻ ích kỷ, bất nhân và ủng hộ thương mến những người hy sinh, xả kỷ, nhân hậu như Đức Giêsu. Giầu hay nghèo sống ích kỷ, bất nhân đều bị lửa thiêu đốt trong hỏa ngục. Giầu cũng như nghèo biết thực thi bác ái đều được ân thưởng vinh phúc nước trời.
Lạy Chúa, “xin chớ để con phải ăn mày và đừng để con giầu có. Xin chỉ ban cho con hằng ngày dùng đủ. Kẻo khi giầu, con bị mê hoặc mà bỏ Chúa và anh em, hoặc vì túng thiếu, con đi ăn trộm mà làm ô danh Chúa” (Cn 30, 8-9).


SUY NIỆM 2
Qua câu chuyện người hành khất Lazarô và người phú hộ giàu có của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mướn gửi trao cho chúng ta một bài học của lòng xót thương là "hãy biết sống yêu thương và quan tâm đến người khác". Đó là cách thế để chúng ta được sống hạnh phúc. 

Quả thế, việc chúng ta có nhiều của cải do làm ăn lương thiện, ngay chính là điều tốt. Và việc tốt lành hơn nữa là chúng ta biết sử dụng của cải ấy cách khôn ngoan theo giáo huấn của Chúa. Do đó, khi Chúa Giê-su kể cho chúng ta biết về người phú hộ giàu có, Chúa không nhằm lên án những người giàu, nhưng Chúa muốn dạy cho hết mọi người hãy biết xử dụng của cải mình có cách đúng đắn. Người phú hộ giàu có bị kết án là vì lối sống khép kín của ông. Sự khép kín đã làm cho ông quên đi một anh Lazaro nghèo khó trước cổng nhà. Hơn nữa, phải kể đến sự dửng dưng của ông trước Lazaro ngheo khó. Sự giàu có cho phép ông ngày ngày yến tiệc, để thỏa mãn cái bụng. Sự giàu có trở nên cớ cho ông phạm tội là vì ông ích kỷ và thiếu quan tâm chia sẻ cho người khác. Do đó chỉ khi đối diện với Đấng là chủ của mọi sự vật chất lẫn tinh thần, ông mới hối tiếc về lối sống vô độ trước kia. 

Sự thanh tẩy con tim khỏi những bản năng xấu - lòng khép kín, ích kỷ và dững dưng trước anh chị em - là việc tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa, là điều cần thiết cho mỗi chúng ta hôm. Chúng ta biết rằng, hạnh phúc thật không hệ tại ở cải trần thế hoặc tiện nghi, cũng không phải trong vinh quang nhân loại hay quyền lực, cũng không phải trong công trình nhân loại nào, cho dù là hữu ích, như khoa học, kỷ thuật và nghệ thuật. cũng không trong bất cứ tạo vật nào, nhưng duy chỉ ở nơi Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi điều thiện hảo và mọi tình yêu (X. GLGHCG số 1723). 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu nồng nàn để chúng con biết quan tâm đến anh chị em và sẵn sàng chia sẻ điều chúng con có cho anh chị em chúng con. Amen.


 GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:33

Phút cảm nhận Tin Mừng CN 29/9/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng CN 29/9/2019
Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'"(Lc 16, 19-31).
Ngày nay cách biệt giữa kẻ giàu người nghèo ngày càng xa bởi nền công nghệ hiện đại. Coi trọng tiền của cùng với thái độ vô cảm đã đưa con người ngày một xa lạ.
Phúc âm tường thuật chuyện hai con người;
Hai con người rất gần nhau trong không gian, nhưng lại rất xa nhau trong cảnh sống.
Phú ông mặc toàn gấm vóc, lụa là; người ăn mày Lazarô nghèo nàn, rách nát.
Phú ông ở nơi nhà cao cửa rộng; Lazarô lê lết bên cổng nhà giàu.
Phú ông ngày ngày yến tiệc linh đình; Lazarô không một chút bánh cầm hơi.
Phú ông sống trong thiên đàng dương thế; Lazarô chịu cảnh hoả ngục trần gian.
Dụ ngôn "Phú ông và Lazarô" là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, say hưởng trần gian, quên đi tình Chúa tình người, mà phải có trách nhiệm với tha nhân, nhất là người nghèo.
Lạy Chúa xin mở mắt chúng con, để chúng con luôn nhân từ, và nhìn thấy anh chị em bên cạnh chúng con, trong lúc họ rơi vào tình trạng đói khát, rách rưới, bệnh tật mà ra tay giúp đỡ. xin giúp chúng con biết “dùng của cải đời này (Yêu thương, tha thứ) để mua sắm nước Thiên đàng đời sau.” Amen.


29-09 Các thánh Tổng lãnh Thiên Thần

Micael, Gabriel và Raphael được gọi là “các thánh” vì lẽ các ngài thực sự là thánh. Thế nhưng các ngài khác biệt với hầu hết các vị thánh khác bởi các ngài không phải là người. Các ngài là những thiên thần; cụ thể hơn, các ngài là những tổng lãnh thiên thần. Các ngài làm nhiệm vụ bảo vệ con người; và chúng ta biết đôi chút về mỗi vị từ kho tàng Kinh Thánh.
Tên của tổng thần Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?” Ba cuốn sách của bộ Kinh Thánh nói về đức thánh Micael là: Đaniel, Khải Huyền và thư thánh Giuđa. Trong sách Khải Huyền, nơi chương 12, các câu 7-9, chúng ta đọc thấy có một trận chiến vĩ đại xảy ra trên trời. Micael và các thiên thần của ngài giao chiến với Satan. Micael trở nên nhà vô địch về lòng trung thành đối với Thiên Chúa và là đấng bảo vệ Dân Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Micael làm cho tình yêu của chúng ta ngày thêm thắm thiết đối với Đức Chúa Giêsu và với việc thực hành đức tin Công giáo.
Danh xưng Gabriel có nghĩa là “sức mạnh Thiên Chúa.” Ngài cũng được sách Đaniel đề cập tới. Gabriel rất quen thuộc đối với chúng ta bởi ngài là nhân vật quan trọng trong Tin mừng của thánh ký Luca. Vị tổng lãnh thiên thần này đã báo tin cho Đức Maria rằng Mẹ sẽ trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế. Gabriel cũng báo tin cho Dacaria rằng ông và vợ ông là bà Êlizabeth sẽ có một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Gioan. Gabriel chính là sứ giả của Tin mừng. Chúng ta hãy nài xin ngài giúp chúng ta cũng trở nên những sứ giả tốt lành như ngài.
Tên Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành.” Chúng ta đọc thấy câu chuyện thương cảm nói về vai trò của Raphael trong sách Tôbia. Ngài đã chữa lành đôi mắt mù lòa của Tôbít và đã đồng hành cùng Tôbia, con trai Tôbít, trong cuộc hành trình của cậu. Cuối cuộc hành trình, Raphael đã mạc khải nhân dạng đích thực của mình. Raphael cho biết ngài là một trong bảy vị thiên thần luôn đứng chầu trước ngai Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Raphael cũng bảo vệ chúng ta trong những cuộc hành trình, dù đó là một lộ trình ngắn, như đi tới trường học. Chúng ta cũng hãy nài xin ngài trợ giúp khi bản thân chúng ta hay một người thân yêu của chúng ta bị đau yếu.
 Chúng ta hãy dâng một lời nguyện tắt lên ba vị tổng thần: Lạy thánh Micael, thánh Gabriel và thánh Raphael, xin hãy ở cùng con hôm nay. Xin hãy bảo vệ con cho khỏi những nguy hại tâm hồn và thể xác. Xin hãy giúp con luôn sống trung thành với Chúa Giêsu và trở nên chứng nhân tuyệt hảo của tình yêu Chúa. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:11

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/9/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

SUY NIỆM 1

HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN (Lc 9, 44b-45)

Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và thứ Hai tuần 18 TN

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin!
Cũng có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.
Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề bi đát nữa.
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.
Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta! Nếu chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với Chúa trong lòng mến, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.


SUY NIỆM 2
 
Một lần nữa Chúa Giê-su loan báo về cuộc tử nạn của Người; và một lần nữa các môn đệ lại thêm bối rối vì họ không hiểu và không chấp nhận sự kiện Thầy của mình lại phải trải  qua nhục hình như thế.

Chứng kiến từng đoàn tử tội vác thập giá tiến về Núi Sọ và chịu treo trên thập giá, các môn đệ hiểu thế nào là thập giá. Một nhục hình như thế lẽ nào lại là phần số dành cho một người mà họ tin tưởng là Đấng được Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Một cái chết như thế làm sao có thể xảy đến cho một người đã từng chữa lành mọi thứ bệnh tật và làm cho kẻ chết sống lại bằng quyền năng của Người.

Chỉ trong ánh sáng đức tin, chúng ta mới cảm nhận được thập giá là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Từ hai ngàn năm kể từ thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi, Giáo Hội không ngừng chứng minh lẽ khôn ngoan và sức mạnh của thập giá. Bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc tử nạn của Chúa Giê-su, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi qua mọi thời. Ngày nay, sáng kiến thập hình của La Mã không còn nữa, nhưng con đường dẫn đến Núi Sọ vẫn còn đó và thập giá đã biến thiên thành vô số những nhục hình có lẽ còn dã man và độc ác hơn cả thập hình.

“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Mệnh lệnh này của Chúa Giê-su vẫn còn giá trị cho các môn đệ trong thời đại ngày nay. Thập giá vẫn còn có đó trong cuộc sống của mỗi người và mỗi ngày. Con đường khổ đau vẫn trải dài trước mắt mỗi người và mỗi ngày. Cho dù là chướng ngại hay ngu xuẩn, khổ đau vẫn gắn liền với cuộc sống mỗi người và mỗi ngày. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ và bước đi theo Người. Ơn cứu rỗi đã được Nguời thông ban qua con đường thập giá và nhờ đó chúng ta mới cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Có đi qua thập giá, chúng ta mới sống trọn ơn gọi làm người của chúng ta, và nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống.

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con hiểu rằng thập giá là con đường dẫn đến Nước Trời, để chúng con biết đón nhận và vác thập giá mỗi ngày mà cảm nhận được tình yêu Chúa và sự thanh thản trong tâm hồn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:18

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/9/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/9/2019
“Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời” (Lc 9, 43b-45).
Thế gian có câu nói: "Như rắn mất đầu" để chỉ một sự việc mau qua, mau tàn.
Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật lại một biến cố vô cùng quan trọng là: Đức Giêsu trước ngày vào chịu nạn, đã nói rõ cho các môn đệ biết một sự thật về mình.
Trong thâm tâm các môn đệ vẫn nghĩ là: "Thầy mình, sẽ làm một điều gì đó thật vĩ đại để đưa dân Israel thoát ách nô lệ Roma".
Hôm nay, được nghe Đức Giêsu nói về cái chết của Người sắp tới. Các ông im lặng, không dám hỏi thêm một điều nào, không dám nghĩ đến cái chết của Thầy mình.
Các ông không dễ từ bỏ quan niệm Đấng Kitô cai trị trần thế, chiến thắng huy hoàng và phục hưng nước Is-ra-el vinh quang. Các ông đã nuôi những tham vọng này từ lâu, ngay cả lúc Đấng Kitô bị nộp vào tay kẻ đóng đinh Người.
Ngày nay, khi chấp nhận đi theo con đường đau khổ với Đức Kitô, chúng con lại không thích, không tìm hiểu những ý nghĩa ẩn chứa trong Tin Mừng. Chúng con chống chế giải thích lời Chúa theo kiểu của mình. Sợ tư tưởng đó quá rõ, quá khó theo. Sợ lời Người dạy “Hãy vác thập giá mình mà theo Ta”.
Lạy Chúa. Xin cho chúng con biết dành thời gian để suy chiêm về mầu nhiệm tình yêu của Chúa.xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Xin cho chúng con hiểu được rằng vì tội lỗi nhân loại của chúng con, Chúa đã chịu khổ hình, bị đóng đinh để cứu chúng con. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối và mau quay về với Chúa. Amen.

Thánh Wenceslaus Bohemia
(907- 929)

Nếu các thánh thường được mô tả một cách sai lầm như những người “thuộc thế giới khác,” thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một thí dụ trái ngược: Ngài bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Ngài sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia. Bà nội thánh thiện của ngài là bà Ludmilla, đã nuôi nấng, dạy dỗ và truyền cho ngài lòng đạo đức với hy vọng ngài sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của ngài, là người ưa thích các bè phái chống đối người Kitô. Năm 920, sau khi thân phụ qua đời và bà Ludmilla bị hai lãnh chúa ngoại đạo giết chết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của ngài được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng chính vì thế ngài đã gặp khó khăn với những người chống Kitô Giáo. Em của ngài là Boleslas đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslas đã tấn công anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslas. Năm 932, khi em là Bolesla trở thành vua, đã cung nghinh xác thánh của anh về Prague.
Mặc dù cái chết của ngài là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của ngài trở nên trung tâm hành hương. Ngài được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khắc trước kia. Thánh nhân được tôn phong hiển thánh tử đạo vào thế kỷ X và được chọn làm quan thầy xứ Bohemia. Chiếc vương miện của các vua Bohemia được qọi là “vương miện thánh Wenceslaus”. Ngày nay thánh nhân là thánh bảo vệ xứ Tchécoslovaquie và bài hát “Kính thánh Wenceslaus” là bài hát phổ thông nhất trong xứ.

Lời Bàn

Vua Wenceslaus Nhân Từ” đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của ngài nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.

Lời Trích

Trong khi công nhận thẩm quyền của thực thể chính trị, các Kitô Hữu được mời tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng thể hiện những chọn lựa xứng hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, làm chứng nhân cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi” (Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:27

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”
Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”.
Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

SUY NIỆM 1

Môn đệ có cái nhìn đúng
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)
Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức Giêsu.
Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?
Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.
Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
GF



SUY NIỆM 2
 
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại dung mạo đích thực của Chúa Giê-su trong cuộc sống chúng ta. Khi thánh Phê-rô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Ki-tô ấy theo quan niệm thông thường của người Do Thái đương thời của ngài. Trong sự chờ đợi của người Do Thái thời Chúa Giê-su, Đấng Ki-tô là vị cứu tinh của dân tộc được Thiên Chúa sai đến để tái lập nước Israel, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở.

Chính vì quan niệm sai lầm ấy, mà liền ngay sau khi Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su loan báo cuộc tử nạn của Người, Nguời quả là Đấng Ki-tô, nhưng là một Đấng Ki-tô chỉ thực hiện công cuộc giải phóng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo của Chúa Giê-su sau khi Người sống lại. Trong ánh sáng phục sinh, các môn đệ hiểu rằng Chúa Giê-su đã thực thi sứ mạng cứu rỗi qua thập giá. Các môn đệ cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô có nghĩa là đi theo con đường thập giá của Người.

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ cách đây hai ngàn năm, giờ đây cũng được đặt ra cho từng Ki-tô hữu. Dĩ nhiên, câu trả lời của chúng ta không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng mà thiết yếu là cả cuộc sống, qua đó chúng ta tỏ bày dung mạo đích thực của Chúa Giê-su cho những người xung quanh. Nếu danh hiệu Ki-tô gắn liền với thập giá, thì cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng phải là cuộc sống của thập giá. Sau khi ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su, tổng trấn Philatô đã đưa Người ra trước đám đông và tuyên bố: “Này là Người!”.

Ngày nay, qua cuộc sống đi theo con đường khiêm hạ, hy sinh, từ bỏ, thập giá, các Ki-tô hữu cũng có thể giới thiệu với mọi người: “Này là Người”, này là Đấng Ki-tô của loài người.

Lạy Chúa, xin làm cho thập giá của Chúa luôn là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của các Ki-tô hữu chúng con. Amen.

 
GKGĐ Giáo phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/9/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/9/2019
Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 18-22).
Cô giáo hỏi: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em trả lời: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”.
Câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!
Thật vậy, người ta ngoài miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng mọi hành vi, lời nói lại mâu thuẫn với những gì mình tuyên xưng. Ngày nay Đức Giêsu lại được hiểu sai qua cách sống lệch lạc của người đời...!
Câu trả lời của Phêrô chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Phêrô và các môn đệ khác đã hiểu. Các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người và tin vào Người.
Đức Giêsu không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Ngày nay, chúng con cũng hiểu sai về Chúa, chúng con chỉ cầu nguyện theo ý mình, và bắt Chúa làm theo ý chúng con. Chúng con cần đến với với Chúa nhiều hơn qua việc cầu nguyện, để Người uốn nắn chúng con nên những người môn đệ đích thực của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, xin Chúa cho chúng con sống xứng đáng với lời tuyên xưng ấy, biết làm sáng danh Chúa từng giây từng phút. Amen.



Thánh Vincent de Paul
(1581-1660)

Vincent de Paul sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 tại Pouy miền Ranquine, Gascony, nước Pháp. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra có một lòng bái ái cao cả đối với người nghèo khó. Năm 1596, ngài học thần học tại Toulouse và chịu chức linh mục năm 20 tuổi.
Tháng 7 năm 1605, trong chuyến tàu từ Marseille tới Narbonne, tàu của cha Vincent bị hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và bị bắt giam giữ để bán làm nô lệ tại Phi Châu nhưng cha Vincent được cứu ra nhờ hoán cải người chủ mua người và được trở về Pháp. Tại Pháp, cha Vincent phục vụ cho một xứ đạo gần Paris. Cha nhiệt thành với các linh hồn và được nhiều người tín nhiệm.
Nhìn cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt cha Vincent để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.
Chính nữ Bá Tước de Gondi  (có người đầy tớ được cha Vincent giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Ngay lúc đầu cha Vincent thừa khiêm tốn để nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh Sơn (the Congregation thành Priests thành the Mission – Lazarists). Các linh mục này, với các lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.
Sau này cha Vincent tổ chức các nhóm bác ái để chữa trị tinh thần cũng như thể xác của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của thánh nữ Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái (the Congregation thành the Daughters thành Charity) “mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố.” Ngài huy động các bà giầu có ở Paris để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.
Ðáng để ý nhất, cha Vincent là một người hay cáu kỉnh — ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ “rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng.” Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Cha Vincent qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, nước Pháp. Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã tôn phong Chân Phước cho cha Vincent đệ Phaolô ngày 13 tháng 8 năm 1729. Tám năm sau, Đức Giáo Hoàng Clement XII đã nâng cha Vincent đệ Phaolô – vị tông đồ của lòng bác ái lên hàng hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 1737. Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ngày 12 tháng 5 năm 1885 đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh Sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ thánh Vinh Sơn.
Sau nhiều cuộc di dời, hài cốt thánh nhân được đặt trong một bức tượng bằng sáp để trong một chiếc hòm xinh đẹp tại nguyện đường nhà mẹ dòng thánh Vinh Sơn đường Rue de Sèvres, thành phố Paris. Phần đầu của pho tượng giống hệt như đầu thánh nhân.
Tuy nhiên trái tim còn toàn vẹn của ngài được đặt trong một chiếc hòm bằng vàng được bày kính trên bàn thờ đài vị kính ngài trong nguyện đường trụ sở nhà mẹ của dòng Nữ Tử Bác Ái tại số 140 đường Rue du Bac, Paris. Cách xa thánh tích thánh Vinh Sơn một chút, bên dưới bàn thờ cạnh là thi hài nguyên vẹn của người con thiêng liêng của ngài là thánh nữ Catherine Labouré, người được Đức Mẹ hiện ra và ban cho chiếc ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ. Cũng trong nguyện đường này, trên bàn thờ cạnh còn có một chiếc hòm kính có tượng sáp trong có xương của thánh nữ Louise de Marillac, vị đồng sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái.

Lời Bàn

Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ – đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinhsơn Phaolô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.

Lời Trích

Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Ngài thấy bạn không tôn kính Ngài đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Ngài, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát” (Thánh Vinhsơn Phaolô, Thư Từ).

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:30

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26/9/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”.
Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.

SUY NIỆM 1

 Kinh nghiệm của vua Hêrôđê
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là ai? Dựa theo vài chi tiết trong Phúc Âm, chúng ta có thể nói ông là một con người dám làm điều nghịch lại với lương tâm mình vì say mê quyền hành và danh vọng. Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội. Khuyết điểm khác nữa cũng của vua Hêrôđê là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, ông muốn trấn an lương tâm và thuyết phục mình rằng không có gì sai quấy trong việc đã làm. Ông đã giết chết Gioan Tẩy Giả, nhưng khi ông thấy Chúa Giêsu Kitô thì ông tự nhủ là Gioan đã sống lại và như thế thì mình không có lỗi gì và rằng điều xấu ông đã làm đã được đền bù. Vua Hêrôđê đã hành động nghịch lại lương tâm và tệ hại nhất là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.
Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm điều đó, vì chúng ta sợ kẻ khác sẽ nói; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm, bởi vì chúng ta yêu thích những niềm vui nhục dục hơn mọi sự khác; chúng ta biết rõ điều gì nên làm, lương tâm chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta nên sống liêm chính, nhưng chúng ta vẫn gian lận với nhau và lường gạt những kẻ thân yêu nhất, bởi vì rất dễ làm như vậy. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò mọi sự vẫn như bình thường. Sau khi hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy tội ác, dường như thể không có gì xảy ra cả.
Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta là việc chối bỏ điều tội trong chúng ta. Chúng ta hãy trở về lại nơi chúng ta cần phải làm, trở về lại với bản tính tự nhiên của mình. Có lúc vua Hêrôđê khao khát muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta không biết đây là vì tò mò hay là vì tiếng lương tâm thúc đẩy, vì trong nội tâm còn có chút khao khát muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng khao khát của vua Hêrôđê có lẽ còn quá yếu ớt và có thể là vì những điều trần tục và những sự đam mê không được phép bóp chết đi.
Chúa Giêsu đã cho vua Hêrôđê được dịp gặp Ngài trong cuộc thương khó và chúng ta biết rõ vua Hêrôđê đã bỏ qua tất cả cơ hội để sống với thực thể thật của Chúa Giêsu, đã bỏ mất cơ hội canh tân đời sống mình. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của và từ vua Hêrôđê, ông đã hành động nghịch lại lương tâm và đã che giấu tội ác của mình.
Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2
 
"Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su”. 

Được gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô là một hồng ân trọng đại mà có lẽ bất cứ ai cũng khao khát, mong chờ. Thế nhưng, để cho hồng ân này có thể mang lại những hoa trái thiêng liêng và ý nghĩa, đòi hỏi mọi người chúng ta cần phải có một tấm lòng yêu thương và một con tim đơn thành. 

Tiểu vương Hêrôđê, sau khi nghe nói về Chúa Giê-su, ông ta cũng tìm cách tìm gặp Người. Thế nhưng, chúng ta có thể nhận ra, tiểu vương Hêrôđê tìm gặp Chúa Giê-su không phải vì yêu mến Người, không phải vì khiêm nhường để đón nhận những giáo huấn của Người. Ông ta muốn gặp Chúa để thoả mãn lòng hiếu kỳ và nhất là, vì lòng đố kỵ, ganh tức, để có cơ hội loại trừ Người. 

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn luôn có rất nhiều cơ hội để gặp gỡ Chúa Giê-su: qua giờ kinh nguyện, qua thánh lễ, qua anh chị em sống chung quanh mình, v.v. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không! Hãy tìm gặp Chúa với một con tim tràn đầy tình yêu thương và tấm lòng khiêm tốn, đơn sơ. Có như thế, cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su Ki-tô mới mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực cho chúng ta cũng như cho mọi người. 

Lạy Chúa Giê-su yêu mến của chúng con, xin thanh tẩy tâm hồn và đôi mắt của chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra và tìm gặp Chúa nơi những người thân yêu trong gia đình, những anh chị em sống chung quanh chúng con, nhất là nơi những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh. Xin cho chúng con luôn biết mến yêu và phục vụ Chúa hiện diện nơi mọi người. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:22

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/9/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/9/2019
Vua Hê-rô-đê nói: “Ông Gio-an, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” Và vua tìm cách gặp Chúa Giê-su. (Lc 9,9).
Người xưa có câu: "Đánh được người thì mặt đỏ như vang, không đánh được người thì mặt vàng như nghệ". Xưa kia chính vua Hêrôđê ra lệnh giết tất cả các em bé từ hai tuổi trở xuống, do sợ hậu quả của lời tiên tri nói về vua dân Do Thái được sinh ra. Giờ đây vua lại lo sợ, vì có thể đứa trẻ ngày xưa ấy sẽ đứng lên mà trả thù, giành lại ngôi vua?.
Và có thể vua Hê-rô-đê tìm cách gặp Chúa Giê-su do một nỗi sợ hãi: hình ảnh Gio-an Tẩy giả bị ông giết chết vẫn còn ám ảnh tâm trí ông. Hoặc đó là một tiên tri nào khác đứng lên tố cáo tội ác của ông.
Nhiều người chưa biết, chưa hiểu đúng về Đức Giêsu, nên cần có những người môn đệ của Ngài giới thiệu. cũng như vua Hêrôđê không hiểu, nên muốn gặp Người để hiểu tường tận, để an tâm và thoả mãn tính tò mò.
Ngày nay, có nhiều người không biết Đức Giêsu là ai, vì thế, người Kitô hữu cần phải giới thiệu Đức Giêsu cho họ. Giới thiệu Chúa bằng nhiều cách: Sống chứng tá cho Ngài qua lời ăn tiếng nói cũng như những việc làm cụ thể, vui vẻ thân thiện là một yếu tố giúp người khác muốn tìm gặp Chúa, hiểu được Chúa. Để được như thế, đòi hỏi mọi người phải biết và cần gặp Chúa trước đã, rồi mới có kinh nghiệm giới thiệu Chúa cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những con người tốt và biết thi hành điều tốt, Xin thương hướng dẫn chúng con trở về với Chúa mỗi lần chúng con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin chúc lành cho chúng con. Amen.



Thánh Cosma và Đamianô

Hai vị thánh tử đạo này là anh em song sinh, quê ở Syria, mất vào đầu thế kỷ thứ 4. Cả hai đều là những sinh viên khoa học nổi danh và là những y sĩ xuất sắc. Cosma và Đamianô nhìn thấy trong mỗi bệnh nhân là hình ảnh của một người anh em trong Chúa Kitô. Vì lý do này, các ngài đã chiếu tỏa một đức bác ái thật lớn lao đối với tất cả mọi người và cư xử với các bệnh nhân cách rất chu đáo. Tuy vậy, dù chăm sóc bệnh nhân hết sức nhiệt tình, nhưng cả Cosma và Đamianô không bao giờ lấy của ai một đồng tiền công! Vì thế, người ta đã đặt cho hai ngài một danh xưng bằng tiếng Hy Lạp là “những người nghèo khó.”
Mỗi khi có dịp, cả hai vị thánh đều kể cho các bệnh nhân của mình nghe biết về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Và vì yêu mến cặp bác sĩ song sinh này, họ đã rất sẵn lòng lắng nghe hai ngài. Cosma và Đamianô thường mang lại sức khỏe cả phần xác lẫn phần hồn cho những người đến xin các ngài giúp đỡ.
Năm 303, khi cuộc bách hại các Kitô hữu của Điôclêsianô xảy ra tại thành phố nơi các ngài sinh sống, các ngài đã lập tức bị bắt. Cả hai vị thánh đã không che giấu lòng yêu mến tha thiết đối với đức tin Công giáo. Chẳng có gì khiến hai ngài có thể chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Hai ngài đã sống cho Đức Kitô và đã làm cho rất nhiều người tin vào Đức Kitô. Cả hai cùng bị lên án tử một trật với ba người anh em khác. Những vị thánh tử đạo này được nêu danh trong Kinh Nguyện Thánh Thể Thứ Nhất.
Như thánh Cosma và thánh Đamianô, chúng ta hãy trở nên những dấu chỉ của niềm tin Công giáo cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Bằng việc nhìn thấy Chúa Kitô trong tha nhân và cư xử với hết thảy mọi người cách công bằng và tử tế, chúng ta sẽ là một mẫu gương về lòng yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:56

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY = NGÀY 25/9/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật.
Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ".
Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

SUY NIỆM 1

Trung Thành Với Lệnh Truyền Của Chúa
Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố Phục Sinh để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, sau biến cố vượt qua mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày vẽ công việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu, một ý định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh.
Nhà thờ để phụng thờ Thiên Chúa, nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để săn sóc người cao niên, nhà học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)




Suy niệm 2 

“Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”. 

Chúa Giê-su đến trần gian để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ. Người nói cho nhân loại biết về tình yêu Thiên Chúa - một tình yêu nhưng không, trao hiến và hy sinh nhằm cứu độ con người. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su còn mời gọi con người cộng tác vào sứ vụ của mình qua việc Người chọn gọi các Tông đồ khi xưa, và hôm nay những Ki-tô hữu, sai họ ra đi mang bình an, yêu thương và ơn cứu rỗi đến cho muôn người. 

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta suy gẫm hôm nay còn cho thấy, để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, đòi hỏi nơi người môn đệ một lòng tin tưởng trọn vẹn vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính sự tín thác này sẽ giúp cho người được sai đi luôn được vững vàng và kiên trung trước những khó khăn, thử thách trong sứ mạng của mình. 

Mỗi người chúng ta, dù sống trong bậc sống gì, dù sống ở lứa tuổi nào, đều được Chúa trao ban cho sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Điều chính yếu là chúng ta đừng để cho những trở ngại, gian truân làm chúng ta lùi bước, bỏ cuộc; nhưng hãy xem chúng là cơ hội để chúng ta gia tăng niềm tin và phó thác vào thánh ý và chương trình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta và cho mọi người. 

Lạy Chúa từ nhân, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa: Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đêm chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Amen. (trích Lời Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô).

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:47