Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/07/2019

Filled under:

SUY NIỆM 1: Kho Tàng Quý Giá

Bài thơ "Viên Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:
Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".
Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.
Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.
Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:
- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.
Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.
Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.
Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".
Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa Kitô, Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm 2

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết trân quí Lời Chúa dạy, để khám phá ra kho tàng quí giá mà chọn lựa và mua cho bằng được với bất cứ giá nào. Chính thánh Inhaxiô mà hôm nay Giáo Hội mừng kính là một gương lành sống động minh họa cho việc thực hành Lời Chúa hôm nay. 

Thánh Inhaxio sinh năm 1491, tại Tây Ban Nha. Khi còn là thanh niên, thánh nhân đã không từ khước bất cứ một thủ đoạn nào để mong sao có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trong triều đình. Thế nhưng, ngài luôn phải nhận lấy những thất bại dù ngài rất tài năng. Trong một trận chiến diễn ra tại Pamplona năm 1521, ngài đã bị một viên đại bác bắn vào chân. Ngài được đưa về Loyola để dưỡng thương. Để bảo toàn tính mạng cho ngài, người ta đã phải thực hiện những cuộc phẫu thuật ở chân. Trong thời gian dưỡng thương ở nhà, do quá buồn chán, ngài đã xin chị dâu cho mình vài cuốn tiểu thuyết lãng mạn đọc để giết thời gian. Nhưng chẳng có cuốn sách nào trong toà lâu đài ngoại trừ cuốn Hạnh các thánh và Cuộc đời Đức Giêsu. Khi đọc Kinh Thánh, ngài đã bị chính Chúa thu phục qua đoạn sách “lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào ích gì” (Lc 9, 25). Đôi mắt Inhaxiô như chợt bừng sáng vì khám phá ra được những điều mà bấy lâu nay ngài không biết. Ngài tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình, về những gì mình đang theo đuổi. Thế rồi, ngài quyết tâm từ bỏ con người cũ, sống theo một lý tưởng mới. Như người lái buôn tìm được viên ngọc quí, thánh Inhaxio đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa và trở thành đấng sáng lập Dòng Tên với châm ngôn: “Tất cả cho vinh quang Chúa”.

Mỗi người sinh ra đều có một lịch sử, một câu chuyện và một sứ mạng. Câu chuyện cuộc đời của mỗi người không ai giống ai nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai có thể ngờ rằng một chàng thanh niên ham quyền lực và đầy tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn như Inhaxio lại có ngày trở thành một đấng sáng lập một dòng tu nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay! Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh, một bậc thầy thiêng liêng, một mẫu gương cho chuyến hành hương tiến về Nhà Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là gia nghiệp mãi mãi của đời con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường