Hãy Ðến Với Chúa
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Xin cho chúng ta biết lắng nghe lời mời gọi đến với Chúa, tin tưởng vào Chúa và lấy tình yêu đáp trả tình yêu để "ách Chúa trở nên êm ái và gánh Chúa trở nên nhẹ nhàng" cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2
Người Do Thái dùng thành ngữ “cái ách” để chỉ sự tuân phục, phó thác. Khi nói đến “cái ách” thì cũng đồng nghĩa nói đến sự tuân phục lề luật, tuân phục các điều răn. Trong Cựu ước chúng ta thấy có rất ít luật lệ, chỉ có các nguyên tắc chung mỗi người phải nhận biết và giải thích dưới sự soi dẫn của Chúa để áp dụng cho từng trường hợp cá nhân. Chúng ta không thấy luật lệ trong Mười điều răn. Vì mỗi điều răn hàm chứa những nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra những luật lệ riêng cho đời sống. Đối với người Do Thái, nếu một sự việc không được rõ ràng trong luật thì cũng ẩn ý bên trong luật. Vì thế, từ luật người ta có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Từ đó nẩy sinh ra hạng người gọi là “kinh sư”, suốt đời luôn suy luận những nguyên tắc lớn của luật để lập ra hàng ngàn, hàng vạn luật lệ khác.
Đối với một người Do Thái chính thống thời Chúa Giêsu thì phục vụ Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn luật lệ này. Họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Chính vì thế, việc tuân phục luật lệ trở thành gánh nặng cho đời sống. Khi Chúa Giêsu kêu gọi “anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, điều này không có nghĩa là Người giảm bớt những đòi hỏi của luật. Nhưng là mời gọi chúng ta tuân phục luật với một tinh thần mới, một động lực mới.
Nếu như trước kia chúng ta tuân phục là để thỏa mãn đòi hỏi của luật nhằm thoát khỏi hình phạt nào đó, thì nay việc tuân phục là để xây dựng một tương quan với Thiên Chúa - Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Như vậy, sự tuân phục luật bây giờ được thúc đẩy bởi một động lực mới, động lực của tình yêu. Tình yêu làm mọi gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustin đã nói: “Nơi nào có tình yêu, nơi ấy chẳng có gian khổ”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng và định hướng cuộc sống của mình trong tương quan với Chúa là Đấng hiền lành, khiêm nhường. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường