Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 12 THÁNG 07 NĂM 2019

Filled under:

“Khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”(Mt 10, 16-33)

7 Dọc đường hãy 16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. 24 “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.
26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. 28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
  1. Sự chết
Khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình. Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, vốn gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc vô ơn, ham muốn và ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người).
Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Chính vì thế, Đức Giê-su nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.
“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

  1. Sự Sống
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm” về Thiên Chúa Ba Ngôi: người môn đệ bị bách hại vì Chúa Con, nên được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để Người lên tiếng và hành động nơi các môn đệ, như Đức Giê-su nói: “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”
Và sự bách hại không phải là vô tận, nhưng sẽ kết thúc với biến cố “Con Người đến” một cách bất chợt. Đó là hướng đi tất yếu của lịch sử cứu độ, bởi vì Đức Ki-tô đã vượt qua sự bách hại và chính sự chết, và Ngài sẽ lại đến để dẫn đưa sáng tạo và lịch sử đi vào một chiều kích vừa vĩnh cửu và vừa mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu, chính sự bách hại khiến người môn đệ phải trốn chạy: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”, sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống với Đức Ki-tô và mau đến với Người. Con Người đến với chúng ta, hay chúng ta đến với Con Người, còn nhắc nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người: Người đã bị giết chết, nhưng Người đã phục sinh, để trở nên sức mạnh và niềm hi vọng cho người môn đệ thuộc mọi thời.

  1. “Đừng sợ”
Tuy nhiên, đứng trước viễn tượng chống đối tất yếu và tận căn như thế, không ai có thể tránh được sự sợ hãi ; và chính Đức Ki-tô cũng có kinh nghiệm này trong Vườn Dầu. Vì thế, khi Người mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (ba lần ở những câu 26, 28 và 31 trong bài Tin Mừng ngày mai : Mt 19, 24-33), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.
Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người : « Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa : « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục »
Và nhất là người môn đệ được mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người : « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ». Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người :
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
(Tv 8, 4-5)
Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa, vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi trung niên, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương ».
Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39). Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.
Khi bắt đầu nói về sự bách hại, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (c. 16). Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời mời gọi này khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng, rạng ngời sự đơn sơ và khôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


SUY NIỆM 2
Trong những năm gần đây, con số những Kitô hữu và các nhà thừa sai bị bách hại không hề giảm. Theo tin tức từ trang web vaticannews.va, trong bản báo cáo hôm 16.01.2019, tổ chức Open Doors cho biết là trong năm vừa qua có hơn 245 triệu Kitô hữu bị bách hại dữ dội tại các quốc gia trên toàn thế giới; 4305 người bị giết vì những lý do liên quan đến đức tin của mình và 3150 người bị bắt, bị kết án và giam giữ không xét xử; 1847 nhà thờ và cơ sở Kitô giáo bị tấn công. Tổng cộng, tại Á châu có 35 nước, Phi châu có 15 nước và 2 nước Mỹ châu Latinh nằm trong số các nước bách hại Kitô hữu. Bị bách hại khốc liệt nhất là ở Triều Tiên - nơi hàng ngàn Kitô hữu vẫn đang bị cầm tù trong các trại lao động; Afghanistan, Somalia, Libia, Pakistan, Sudan, Eritrea, Yemen, Iran nơi có các tổ chức Hồi giáo cực đoan và sự bất ổn chính trị, Ấn Độ, Siria và Myanmar liên quan đến việc chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, trong đó Ấn Độ đứng đầu về các đạo luật chống cải đạo và không có ngày nào mà không có một Kitô hữu hay một nhà thờ bị tấn công; Trung Quốc đứng thứ 27 trong danh sách các nước bách hại và đứng đầu về số tù nhân; ở Mexico và Colombia nơi các vị lãnh đạo của các Giáo Hội chống lại tham nhũng và các băng đảng ma túy; cả ở Algeria, Ai Cập, Tunisia, Marốc, và vùng rừng châu Phi ở Etiopia và Eritrea, v.v. 

Thật thương tâm cho số phận của các Kitô hữu bị cách hại tại những nơi này! Nhưng Chúa Giêsu đã báo trước: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”, vì thế, khi quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Thầy Giêsu thì không có gì lạ. Bước theo Thầy là chấp nhận số phận như Thầy. Người môn đệ Chúa Giêsu có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ việc bị ganh ghét, vu khống đến chống đối và bách hại, đoạt mạng… “Như con chiên ở giữa bầy sói”. 

Vì người môn đệ sống trong môi trường khó khăn, nên nhất định cần chọn cho mình một lối sống “hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu”. Khôn ngoan để luôn cảnh giác với những cám dỗ từ những lợi lộc mà thế gian mang lại. Còn đơn sơ như bồ câu là không mưu mô tính toán hơn thua. 

Lạy Chúa Giêsu, cám dỗ của người môn đệ Chúa có sự dễ giải để sống an nhàn, nhưng cũng có sự bách hại để người môn đệ nhụt chí. Xin Chúa chỉ dạy chúng con luôn biết khôn ngoan cẩn trọng trước mưu chước của ma quỷ luôn muốn chúng con sống buông xuôi hay chỉ theo bản năng mà quên đi sứ vụ của người môn đệ Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường