Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 6/7/2019
Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay (Mt 9, 14-17).
Chuyện: Một người tham dự đám cưới, thấy anh ta mặt buồn so, không nói năng gì, mọi người nghĩ anh ta đang gặp chuyện buồn, người khác nói; anh ta đang ăn chay. Bấy giờ anh mới nói; Tôi bị đau răng.
Từ trước đến nay, Do thái giáo vẫn giữ luật của Môsê là ăn chay, việc giữ chay là tỏ lòng trông chờ Ðấng Cứu Thế.
Đến thời Chúa Giêsu, Ngài muốn cho các môn đệ thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi ai nữa. Họ đang sống bên Chúa Giêsu: Các ông không phải tỏ thái độ buồn sầu, khóc lóc, thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan. vui vẻ.
Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Đức Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát, một thái độ không pha lẫn mới cũ. Làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài.
Lạy Chúa. Thánh Thần Chúa đã đến làm cho chúng con thành con người mới, Xin cho chúng con biết giữ chay vì thương nhớ và để đón chờ ngày Chúa trở lại. Amen.
Maria Goretti
(1890-1902)
Thánh Maria Goretti sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn.
Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Ancona, Ý Đại Lợi. Là con gái của ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini, một gia đình nghèo người Ý, ông Luigi Goretti chết sớm, chỉ còn người vợ tần tảo nuôi 6 con. Maria không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.
Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng thân thể cô đã phát triển. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro Serenelli, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn phạm tội. “Ðó là tội lỗi. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.” Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria. Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi qua đời ngày 06 tháng 7 năm 1902.
Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.
Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ tôn phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1947, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Pius XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô.
Ba năm sau, vào ngày 24 tháng 6 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Maria Goretti lên hàng hiển thánh. Trong đám đông khoảng 500,000 người tham dự lễ phong thánh có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.
Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.