Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 1-7-2019

Filled under:

I. LỜI CHÚA: Mt 8, 18-22
18 Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia.19 Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”20 Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
21 Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.”22 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM 1
1. Đi theo Đức Ki-tô
Khi thấy những đám đông chung quanh mình, Đức Giê-su quyết định đi sang bờ bên kia của Biên Hồ Ga-li-lê:
  • Có một kinh sư xin đi theo Chúa với lòng quảng đại: «Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo ».
  • Và một trong các môn đệ, đã đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô, xin trở về chôn táng cha của mình: « Thưa Ngài xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã ». Ai trong chúng ta cũng đã hoặc sẽ có kinh nghiệm này, khi có những người thân qua đời.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca còn thêm một người thứ ba; người này cũng có lòng ước ao đi theo Đức Giê-su như người thứ nhất, và anh chỉ xin làm một điều rất bình thường, nhưng hợp tình hợp lí: « Xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã ».
Hai người, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có kinh nghiệm về ơn gọi đi theo Đức Ki-tô khác nhau. Dù chúng ta sống trong ơn gọi nào, với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô. Vậy chúng ta thấy mình giống trường hợp nào trong hai trường hợp trên; hay chính mỗi người chúng ta là trường hợp khác nữa?
 2. Lề luật hay thần khí ?
Như chúng ta đã nhận thấy, hai lời xin rất đỗi bình thường : người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su, người thứ hai xin về chôn táng người cha rồi tiếp tục đi theo Ngài, nhưng lời đáp của Đức Giê-su thì không bình thường chút nào, và phải làm cho người nghe ngạc nhiên. Thật vậy,
  • Với người thứ nhất, Người trả lời : Con chồn (hay con cáo) có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Có lẽ Ngài muốn nói đến đời sống nghèo khó « tột bậc » khi đi theo Người.
  • Với người thứ hai, Người nói : « Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ». Theo sự nhạy cảm của người Việt Nam chúng ta, một câu trả lời như thế thật không nhân bản, không có tình người và nhất là không tôn trọng chữ hiếu.
Chúng ta có thể nhớ lại, trong những tình huống khác, lời của Đức Giê-su cũng không kém triệt, không thể áp dụng theo mặt chữ được : « Nếu mắt hay tay gây cớ phạm tội, hãy móc hay chặt ngay đi ! ». Cũng như chúng ta không thể sống mà không tựa đầu vào một chỗ nào đó, không thể để mặc kẻ chết chôn kẻ chết, và cũng không thể « chạy xe » mà không ngoái lại đằng sau[1].
Đó là vì lời của Đức Ki-tô không phải là chữ viết hay lề luật, cứ thế mà đem ra thực hành, như chúng ta thường nói : « thực hành Lời Chúa ». Lời Chúa là thần khí chứ không phải chữ viết, vì thế Người cố ý nói thật triệt để, để chúng ta đừng biến lời của Ngài thành chữ viết của Lề Luật. Lời Chúa là thần khí, mặc khải cho chúng ta một hướng đi, một năng động sống ; và mỗi người và mỗi thời được mời gọi sống tối đa theo cách của mình, theo khả năng của mình, mức độ trưởng thành thiêng liêng của mình, theo tình yêu của mình dành cho Chúa và cho tha nhân.
Lề Luật không chấp nhận sự khác biệt, vì được áp dụng cho mọi người và mọi người đều « bình đẳng » ; trong khi đó, cùng một thần khí, nhưng có những cách thể hiện khác nhau tùy theo ơn Chúa, sự tự do và hoàn cảnh của mỗi người. Lề Luật không quan tâm đến ngôi vị : « Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó” (Ga 8, 4-5); thần khí là một năng động sống, khởi đi từ ngôi vị, với lịch sử, vấn đề, vết thương, nỗi khổ đau, bị sự dữ chi phối…
3. Năng động Vượt Qua
Chúng ta sẽ khám ra cả một năng động sống, cả một con đường thiêng liêng trong những lời khó nghe của Đức Giê-su, nếu chúng ta đặt mình vào bối cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua, như Đức Giê-su đã nói trước đó : « Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta » (8, 17) và hình ảnh « sang bờ bên », khởi đầu bài Tin Mừng của chúng ta, gợi lên.
  • Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su trên Thập Giá, để nhận ra đầu của Ngài tựa vào đâu : chẳng vào đâu hết, mà chỉ tựa vào lời kêu cầu dâng lên Cha : « Lạy cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con ». Ngài chỉ tựa vào lòng Cha, vào sự Quan Phòng yêu thương của Cha.
  • Đi theo Chúa, chúng ta phải vượt qua Biển Đỏ, vượt qua nguy hiểm, thử thách và chính sự chết để đi vào sự sống của Thiên Chúa, đi vào miền đất dành cho người sống. Nơi Thiên Chúa, không có sự chết và những người chết, nhưng chỉ có sự sống, và những người sống cho Chúa mà thôi. Và có thể nói, con đường Vượt Qua của Đức Giê-su là đường « một chiều », đã đi vào thì phải đi thẳng luôn, không thể quay lại được.
Đức Giê-su quyết định đi về cùng Cha, bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là bằng con đường yêu thương đến cùng (x. Ga 13, 1), người thì xin đi theo, kẻ thì xin đi về. Còn chúng ta, hôm nay hay trong giai đoạn sống này của hành trình đi theo Chúa, trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, khi hiểu Lời Chúa dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta xin Người điều gì ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1][1] Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su nói với người thứ ba: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).


SUY NIỆM 2

  
Chúng ta rất hay hoài niệm, thậm chí sống một cách trọn vẹn cái quá khứ của mình. Nếu chuyện đã qua càng bi thảm, ta càng gặm nhấm nó. Ta quên mất quá khứ đã qua, dù có cố tái hiện chẳng những không làm được gì hơn, mà còn đem đến muộn phiền, mệt mỏi. 

Bằng lời dạy: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ngừng lại những hoài niệm, hãy vui và bằng lòng với hiện tại để có thể tín thác mạnh mẽ cho tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Có tập quên quá khứ đau buồn, ta mới dễ dàng tha thứ cho tha nhân, nhất là cho những ai đã từng gieo rắc những nghiệt ngã trên đời ta.

Chúng ta là những người sống, hãy tận hưởng cuộc sống hiện tại của người sống trong ân sủng và tình yêu của Chúa, đừng đào bới “mồ mả” của những gì đã qua đời để khóc than hay nguyền rủa.

Không trách móc nhưng tha thứ cho tha nhân, ta cũng đừng moi chính lỗi lầm hay thiếu sót của mình trong quá khứ để tự trách. Đành rằng, lỗi lầm là kinh nghiệm cho sự từng trải, nhờ đó, ta đứng lên, biết đi về phía Thiên Chúa, biết thường xuyên ăn năn tội. Nhưng một khi đã sống tình trạng phục sinh của đời sống mới, ta cần chôn lấp quá khứ để càng nhận ra tình yêu của Chúa, càng biết cảm tạ Chúa đã tha thứ cho ta, mà dễ dàng đón nhận, yêu thương, tha thứ cho anh chị em.

“Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, là một lời mời gọi đầy yêu thương mà Chúa Giêsu gửi đến mỗi chúng ta – những người đang sống giữa trần gian còn nhiều cạm bẫy, nhiều bóng tối của cám dỗ, của tội lỗi – để chúng ta khôn ngoan tìm lẽ sống thật trong sự công chính, tìm đường thánh thiện hướng về cùng đích đời đời.

“Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, cũng là Lời Chúa Giêsu mời gọi tôi và bạn hãy luôn tỉnh thức chọn lựa chính Chúa là lẽ sống khôn ngoan của mình. Hãy nghe Lời Chúa để vui sống với hiện tại tuyệt vời. Hãy tập trung tất cả năng lực vào hiện tại để làm cho đời sống thêm ý nghĩa, thêm tốt đẹp.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống giây phút hiện tại. Xin cho chúng con biết dùng thời gian chính Chúa ban hôm nay để làm giàu nhân đức, làm giàu công bình, làm giàu bác ái, làm giàu lẽ sống trong Chúa của chúng con. Amen.