Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Thiên Chúa là nền đá ngôi nhà đời tôi

Filled under:

Thiên Chúa là nền đá ngôi nhà đời tôi

Trần Ðỉnh, SJ
Vatican (Vat. 6-12-2018) - "Nói và làm", "cát và đá", "cao và thấp" là ba cặp từ đối lập nhau mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến trong bài giảng tại nhà nguyện thánh Marta hôm thứ Năm 06 tháng 12 năm 2018.
Nói và làm
Cặp thứ nhất "nói và làm" phân biệt hai con đường đối lập nhau trong đời sống Kitô hữu:
Nói là hành động của niềm tin, nhưng nhiều lúc nông cạn, hời hợt, nửa vời: tôi nói rằng tôi là Kitô hữu mà tôi không thực hành như một Kitô hữu. Nói cho dễ hiểu, nó là cách điểm trang để giống Kitô hữu: việc nói chỉ là một thứ điểm trang, nói mà không làm. Lời đề nghị của Chúa Giêsu thì cụ thể, luôn cụ thể. Khi một ai đó đến và xin lời khuyên, Ngài luôn đưa ra những điều cụ thể. Công việc của lòng thương xót luôn cụ thể.
Cát và đá
Cũng vậy, cặp thứ hai nói đến hai hướng đi đối lập. Cát thì không chắc chắn, là hệ quả của việc nói, là một cách làm đẹp của người Kitô hữu mà thôi, là lối sống không có nền tảng. Ngược lại, đá chính là Ðức Chúa.
Chính người là sức mạnh. Nhưng nhiều khi, những ai tin vào Chúa không nổi bật, không thành công và ẩn dật ... nhưng lại vững chắc. Người ấy không đặt hy vọng vào những lời nói xuông, vào hư danh kiêu ngạo, hay những sức mạnh phù phiếm mau qua của thế gian ... Ðức Chúa là đá tảng. Tính chắc chắn của đời Kitô hữu giúp ta đi tới và xây dựng đời mình trên đá tảng là Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, trên sự vững bền của sự thần linh; chứ không xây dựng trên những thứ bề ngoài, hư danh, kiêu ngạo, những đề nghị ... Không phải thế, nhưng là sự thật.
Cao và thấp
Cặp thứ ba, "cao và thấp", đối lập bước đường của những người kiêu ngạo và tìm hư danh với những ai khiêm tốn. Trong bài đọc thứ nhất trích sách Isaia, Thiên Chúa "đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn ."
Ðoạn văn này của tiên tri Isaia được âm vang trong bài ca Magnificat của Ðức Maria: Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường và những ai kính sợ Người. Người hạ bệ những ai quyền thế, những kẻ dựng xây đời mình trên hư danh, kiêu ngạo# những kẻ đó không tồn tại mãi.
Những câu hỏi cho Mùa Vọng
Trong Mùa Vọng này, một vài câu hỏi quan trọng sẽ giúp chúng ta: "tôi là Kitô hữu của lời nói hay việc làm ?" "Tôi xây dựng đời mình trên nền đá của Thiên Chúa hay trên nền cát của thế gian và hư danh ?" Tôi có khiêm nhường, có luôn bước đi từ dưới thấp, một người kính sợ, mà không kiêu căng không? Và như thế, tôi có tìm cách phụng sự Thiên Chúa không ?"

Ðức Thánh Cha dâng hoa kính Ðức Mẹ trong Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm.
Văn Yên, SJ
Vatican (Vat. 8-12-2018) - Chiều thứ Bảy 8 tháng 12 năm 2018, lúc 3 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến Ðền Thờ Ðức Bà Cả, dâng hoa kính Ðức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, trước khi đến Tượng đài Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha, trước trụ sở Bộ truyền giáo được Ðức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8 tháng 9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11.81 mét trên đó có tượng Ðức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.
Tại Quảng trường Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Tổng Giám Mục De Donatis, Giám quản Roma và Bà thị trưởng Virginia Raggi đón tiếp.
Tại đây có sự hiện diện của hàng chục anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu.
Trước đài Ðức Mẹ, Ðức Thánh Cha đã đặt vòng hoa tôn kính Mẹ Thiên Chúa và đọc lời nguyện dâng lên Ðức Mẹ, cầu cho dân thành Roma và các nơi trên thế giới.
Lời Cầu Nguyện Với Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
trong ngày lễ hết sức thân thiết với đoàn dân Kitô,
Giữa lòng Roma con đến dâng lên Mẹ lòng thành kính.
Nơi tấm lòng mình, con mang theo đoàn tín hữu của Giáo Hội
và tất cả mọi người sống trong thành phố này, đặc biệt những người ố đau ốm
và những ai đang khó nhọc tiến bước trong những hoàn cảnh khác nhau.
Trước hết, chúng con cảm tạ Mẹ
vì sự đồng hành ân cần mẫu tử của Mẹ trên mỗi bước đường chúng con đi:
Bao lần chúng con được nghe kể trong nước mắt
từ nhiều người đã nghiệm thấy lời Mẹ chuyển cầu và
những hồng ân mà Mẹ đã xin cho chúng con với Chúa Giêsu Con Mẹ!
Con cũng nghĩ về một ơn thường hằng Mẹ đã làm cho những con dân Roma:
đó là đối diện với những điều khó chịu trong cuộc sống thường nhật bằng sự kiên nhẫn.
Vì đó, chúng con cầu xin Mẹ sức mạnh để không lùi bước,
nhưng dấn thân mỗi ngày để làm cho mọi sự tốt hơn trong khả năng của mình,
để Roma trở nên đẹp hơn và đáng sống cho tất cả mọi người
nhờ sự dấn thân từng ngày của mỗi người;
để đảm bảo quyền lợi của mọi người
nhờ việc chu toàn bổn phận của mỗi người.
Khi nghĩ về ích chung của thành phố này,
chúng con cầu xin Mẹ cho những ai đang gánh vác những trách nhiệm lớn lao:
có được ơn khôn ngoan, ơn lo liệu, tinh thần phục vụ và cộng tác.
Lạy Thánh Mẫu Ðồng Trinh,
Cách đặc biệt, con dâng lên Mẹ các linh mục của giáo phận này:
cho những cha sở, cha phó, những linh mục già yếu
tiếp tục công việc phục vụ dân Chúa với con tim mục tử.
Con cũng cầu nguyện cho nhiều học viên linh mục
đến từ khắp thế giới hiện đang cộng tác tại các giáo xứ.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui ngọt ngào trong việc loan báo Tin Mừng
và hồng ân là những người cha đầy lòng thương xót, biết gần gũi với dân chúng.
Lạy Ðức Mẹ của những người nữ được thánh hiến cho Thiên Chúa,
con dâng lên Mẹ những nữ tu trong các hội dòng và các tu hội đời,
tạ ơn Thiên Chúa vì họ hiện diện tại Roma nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới,
để làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về các dân tộc và văn hoá.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui là những hiền thê và hiền mẫu như mẹ,
để sinh nhiều hoa trái trong cầu nguyện, trong đức ái và cảm thông.
Lạy Mẹ Chúa Giêsu
Ðiều cuối cùng con cầu xin Mẹ trong thời gian Mùa Vọng này,
khi nghĩ về những ngày mà Mẹ và thánh Giuse phải âu lo
về ngày sinh của con trẻ đang gần kề,
âu lo vì việc kiểm tra dân số và các ngài đã phải rời bỏ quê hương Nagiarét để đến Bêlem#
Mẹ hiểu thế nào là mang trong mình mầm sống
mà lại cảm thấy bị những người xung quanh từ chối, dửng dưng và coi thường.
Vì thế, con cầu xin Mẹ gần gũi những gia đình
ở Roma, ở Ý và mọi nơi trên thế giới
mà ngày nay đang sống trong những hoàn cảnh tương tự
để họ không bị bỏ rơi đơn độc, nhưng được bảo vệ trong các quyền của họ,
và quyền con người luôn có trước mọi cơ sơ pháp lý.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm,
là tia hy vọng của toàn thể nhân loại,
xin trông giữ thành phố này
trong các ngôi nhà, trong trường học, nơi làm việc, ngoài cửa hàng,
trong các nhà máy, các bệnh viện, các nhà tù
để không nơi nào thiếu điều quý giá nhất
mà Roma có và giữ cho toàn thế giới,
là điều Chúa Giêsu trăn trối:
"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (x. Ga 13,34).
Amen.
Trên đường từ Quảng trường Tây Ban Nha về Vatican, Ðức Thánh Cha đã dừng lại tại trụ sở của nhật báo Il Messaggero, Người Sứ Giả, tại đường Tritone, để chào tham ban giám đốc và các ký giả và nhân viên của báo này. Năm 2018, báo Il Messaggero kỷ niệm 140 năm thành lập. Báo có số ấn hành gần 90 ngàn tờ trên giấy và gần 11 ngàn ở dạng kỹ thuật số

(SD 8-12-2018)



Máng cỏ bằng cát với các nhân vật lớn bằng người thật ở quảng trường Thánh Phêrô.
cath.ch, 2018-12-08
Ngày 7 tháng 12-2018, trong buổi lễ khánh thành máng cỏ ở quảng trường Thánh Phêrô, Thượng phụ Francesco Moraglia, tòa thượng phụ Venise tuyên bố: “Máng cỏ bằng cát ở quảng trường Thánh Phêrô là để nhắc chúng ta nhớ, dù choáng qua nhưng cuộc đời có chiều kích vĩnh cửu. Cát của vùng Dolomites ở Rôma là để phục vụ cho sự kiện đã làm thay đổi thế giới”. Máng cỏ được khánh thành ở quảng trường Thánh Phêrô dưới sự hiện diện của hồng y Giuseppe Bertello, chủ tịch Chính quyền Vatican.
Ngài nói tiếp: “Cát là chất liệu chóng qua, cũng như đời người, cuộc đời có bắt đầu có chấm dứt. Như thời gian chóng qua, cát lọt qua kẻ tay. Nhưng lễ Giáng Sinh là dịp nhắc chúng ta nhớ, dù cuộc đời chóng qua nhưng nó mang chiều kích vĩnh cửu”. Trong bầu khí mừng lễ, Thượng phụ giáo phận Venise nhắc chúng ta nhớ Mùa Vọng cũng là mùa chúng ta xét mình.
Máng cỏ năm nay được thực hiện “theo truyền thống điêu khắc xưa cổ bằng cát” của thành phố Ý Jesolo trên diện tích 25 mét vuông và sẽ được chưng đến ngày 13 tháng 1, ngày lễ Phép rửa của Chúa Giêsu.
Ngoài máng cỏ, một cây thông cao 21 mét cũng được dựng lên ở quảng trường Thánh Phêrô. Sau ngày lễ, gỗ thông được tái hồi để làm đồ chơi cho các em bé ở các khu phố nghèo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Một số hình ảnh máng cỏ bằng cát.

6

7

5