Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Phút suy niệm ngày 15/12/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 15/12/2018
“Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12).
Khi Gioan rao giảng về Đức Giêsu, người Do Thái không chấp nhận. Vì họ nghĩ rằng Ðấng Cứu Thế sẽ đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi cái khổ trần gian. Nhưng Gioan rao giảng về Ðấng quá bình thường đến nỗi họ không thể chấp nhận và còn chống đối. Họ lại càng không nhận ra Đấng Cứu Thế khi Ngài đến như một con người thật bé nhỏ nghèo hèn.
Lạy Chúa. Có thể chúng con giàu có về của cải vật chất, nhưng chắc chắn chúng con quá nghèo về tình thương mến. Chúng con thấy rõ của cải vật chất nay còn mai mất, còn tình thương mến, tồn tại mãi mãi. Vậy mà chúng con "Bỏ mồi bắt bóng", chạy theo của cải phù vân. Xin cho chúng con xác quyết rằng: "Thiên Chúa là tình yêu". xin cho chúng con biết quan tâm, kính trọng những con người bé nhỏ, vì đó là cách Chúa hiện diện hữu hình với chúng con. Amen.




THÁNH MARIA THÁNH GIÁ ROSA
SÁNG LẬP HỘI DÒNG BÁC ÁI

Ông Clêmentê Rôsa, thân phụ thánh nữ Maria Thánh giá Rôsa là một hiệp sĩ nổi tiếng. Bạn ông là bà công tước Camilla Albani. Hai ông bà sinh hạ được chín người con; Paula Phanxica Maria là người thứ sáu. Paula chào đời ngày mồng 6 tháng 11 năm 1813, và được rửa tội tại nhà thờ thánh Laurensô ngày 22 tháng 12. Nhờ nhân đức của cha mẹ, Paula sống qua những ngày niên thiếu đầy hạnh phúc. Nhưng chưa đầy 12 tuổi, Paula đã phải đau đớn chịu tang mẹ. Mất mẹ, không những Paula mất một nguồn tình yêu, nhưng còn mất một tấm gương sáng ngời nhân đức. Nhưng vốn là người cha có nhiều thiện chí giáo dục con cái, ông Clêmentê tìm mọi cách bù đắp lại cho các con khỏi phải thiệt thòi vì cảnh "gà trống nuôi con". Ông giao phó các con cho những người bà con thân thuộc có tiếng là đạo đức coi sóc. Nhờ đó, dù sớm mồ côi mẹ, Paula cũng được hưởng một nền giáo dục căn bản. Người ở với một bà dì tại Brescia cho đến năm 17 tuổi mới về nhà giúp việc nội trợ cho cha. Trong suốt 5 năm sống bên người dì thánh thiện, Paula đã thấm nhiễm sâu xa tinh thần tu đức của thánh Phanxicô Salê. Và đó là nền móng đời sống tận hiến và bác ái của người sau này.
Về nhà chưa đầy sáu tháng, Paula đã được lệnh cha bắt phải lập gia đình. Cô bối rối không biết phải xử trí thế nào, vâng lời cha hay phải giữ trọn lời đã khấn với Chúa. Suốt đêm hôm ấy, Paula chỉ thổn thức trong lời cầu nguyện hòa với hai giòng nước mắt. Sáng hôm sau, người đến gặp và kể lại cho cha Faustino Pinzoni rằng: "Thưa cha, con đã khóc rất nhiều, nước mắt con đã thấm đẫm mẫu ảnh chuộc tội và hai trang sách Phúc âm. Con thấy rằng con phải tuân theo lời Chúa phán: "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta". Xin cha cầu nguyện cho con để con trung thành với ơn Chúa, sống chết với lý tưởng tận hiến và bác ái. Nhờ ơn Chúa và lời khích lệ của cha Faustinô, Paula đã trấn tĩnh và làm dịu được ý định của thân phụ. Ông bằng lòng để con gái được tự do theo tiếng Chúa gọi.
Paula không lập gia đình theo ý cha, nhưng nhất định sống ở nhà lo việc nội trợ giúp đỡ cha một thời gian. Vì cha cô là giám đốc một hãng sợi, nên Paula phải vất vả giúp ngài điều khiển hơn một trăm người làm. Dù chưa đầy 18 tuổi, Paula đã biết xử đối với mọi người một cách rất khôn ngoan và bác ái. Ai ai cũng bằng lòng với cách sống của người. Trăm người như một, họ đều công nhận: Paula là một bà chủ vừa trẻ đẹp, vừa tinh nhanh, đại lượng và nhân hậu. Người ta kể: Tết năm 1833, tất cả thợ làm trong xưởng dệt đã dâng cho Paula một vòng hoa tươi có kết hai chữ "Tận hiến và bác ái". Coi đó là ý Chúa muốn nhắc mình phải trung thành và tăng cường lý tưởng nên thánh, Paula đã ghi vào sổ nhật ký như sau: "Lạy Chúa, Chúa đã nhắn nhủ con không phải bằng một tiếng, nhưng bằng trăm tiếng của những người thợ. Họ kết những tiếng Chúa dạy con bằng hoa tươi, nhưng con phải ghi những tiếng ấy bằng hi sinh của việc làm trong chính thẩm cung của lòng con".
Từ đó, Paula hằng tìm cách mở rộng chương trình thực hiện bác ái. Tháng 4 năm 1834, người đã thành lập một hội các bà đạo đức, nhằm mục đích giúp việc truyền giáo trong các họ đạo. Hội này dần dần phát triển và được các cha sở hưởng ứng đặc biệt.
Đến năm 1836, bệnh dịch phát triển tại Ý, sát hại nhiều người nhất là ở chính Brescia quê tổ của Paula. Theo ý của cha Faustinô, người đã xin phép thân phụ ngày ngày đi thăm bệnh nhân trong các nhà thương. Lời nói dịu dàng và cử chỉ săn sóc tận tâm của Paula đã làm cho nhiều người cảm phục. Đặc biệt có mấy người tội lỗi đã vì gương sáng và lời cầu nguyện của người mà tìm lại được ơn Chúa.
Năm sau, được cha Faustinô bảo trợ, Paula thiết lập một trường học dành riêng cho những người câm điếc. Người lo liệu công việc cho đến khi nhà trường có nề nếp rồi mới trao lại cho các dì phước Canossa điều khiển. Cũng từ đó, người bắt đầu nhận sứ mệnh cải huấn các thiếu nữ xấu nết. Công việc thực nặng nhọc, nhưng tinh thần tận hiến và lòng bác ái theo gương Chúa Kitô đã giúp người thu lượm nhiều kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, Paula còn lo lắng dạy đạo lý cho các trẻ em trong xứ. Người rất ưa dạy giáo lý, vì cho đó là dịp thấm nhuần những chân lý căn bản của đời sống thánh thiện. Cộng tác với Paula, có bà quả phụ Gabriel Echenos Bornati và hai thanh nữ đạo đức khác. Những phụ nữ này sẽ là những phần tử đầu tiên trong Hội Bác Ái do Paula thiết lập vào năm 1840, mục đích của Hội là chuyên việc coi sóc bệnh nhân, làm việc tông đồ trong các bệnh viện. Vì thế, ngoài các nhà thương vẫn có, Paula còn xuất tiền ra xây cất một nhà thương đầy đủ tiện nghi tại Brescia để thu nhận các bệnh nhân. Chỉ hơn một năm sau khi thành lập, nhân viên của Hội đã lên tới số 22.
Nhiều vị thượng cấp đạo và đời đã không ngớt lời ca tụng việc làm của Hội từ thiện đó. Tuy nhiên, không phải không có những ngăn trở. Vướng trở đầu tiên là thái độ cứng rắn của chính quyền thành phố Milanô. Vì căn cứ theo một vài báo cáo xuyên tạc, nhà cầm quyền thành phố này nhất định không cho Hội Bác Ái được hợp thức hóa. Để đối phó lại, Paula cương quyết bỏ hẳn các nhà thương, không phụ giúp chính quyền trong việc điều dưỡng các bệnh nhân. Công việc xảy ra đã làm dân chúng náo động và buộc lòng Đức Tổng Giám mục Milanô phải can thiệp. Sau cùng đầy tớ Chúa đã toàn thắng, chính quyền Milanô bằng lòng cho Hội Bác Ái được hợp thức hóa. Ngoài ra chị Paula còn phải đối phó với nhiều trở ngại khác, như lời người đã viết cho chi hội ở Crêmonê: "Vì yêu chúng ta mà Thiên Chúa hằng tiếp tục ban Thánh giá cho chúng ta... Vì thế chúng ta đừng coi việc xảy đến là Thánh giá cuối cùng".
Năm 1843, ông Clêmentê bằng lòng cho Paula cả khu nhà để làm trụ sở trung ương của hội. Cũng năm ấy, người soạn quy luật và được Đức Giám mục địa phận châu phê. Công việc vừa khá thành tựu thì quả phụ Gabriel và cha Faustinô lần lượt được Chúa gọi về trời để lại tất cả gánh nặng cho Paula.
Ngoài những nhà thương đã quen đảm nhiệm, năm 1844, hội còn phải lo cho hai nhà thương khác, trong số đó có một quân y viện. Chính ở bệnh viện này Chúa đã cho thánh nữ làm một phép lạ mà chúng tôi sẽ tường thuật dưới đây, chứng tỏ nhân đức và sự thánh thiện của chị Paula.
Theo tinh thần bác ái của Chúa Kitô, chị Paula truyền cho các chị em phải săn sóc không những các quân y Ý mà cả những tù binh Áo nữa. Thấy như thế, một số người yêu nước quá khích đã đưa lên mặt báo một loạt bài chỉ trích hội Bác Ái, đặc biệt chị Hội trưởng Paula. Không xem sao những lời chỉ trích, hội nhất định giữ vững tinh thần. Vì thế bầu khí mỗi ngày một căng thẳng. Một buổi chiều kia, họ tổ chức một đám cướp, định vào cướp phá nhà thương. Chị Paula bình tĩnh bảo chị em vào nhà thờ cầu nguyện, còn người thì vác một cây Thánh giá lớn đứng trước cửa chính ra vào nhà thương. Quân cướp hung hăng ùa tới. Nhưng khi trông thấy Paula vác Thánh giá hùng dũng đứng trước cửa, chúng như bị một sức siêu nhiên nào ngăn cản, không ai bảo ai, bọn cướp từ từ lui bước. Nhờ đó bệnh viện được an toàn và phong trào khích bác kia đã bị dập tắt. Cũng từ đó, cây Thánh giá mà Paula đã vác, trở nên cây Thánh giá hay làm phép lạ chữa khỏi nhiều bệnh nhân.
Năm 1849, cha kinh sĩ Luigi Bianchini được cử làm tuyên úy cho hội thay cha Faustinô. Cha tân tuyên úy khuyên chị Paula đệ trình quy luật của hội lên Toà thánh. Vì thế đầu năm 1850, chị Paula đi Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX và ngày 24 tháng 10, Toà thánh ban sắc lệnh châu phê và tán thưởng Hội Bác ái. Thế là sau 10 năm hoạt động, Hội Bác ái của chị Paula đã được chính quyền và Toà thánh công nhận. Mùa hè năm 1852, một lớp chị em đầu tiên trong đó có cả Paula, người sáng lập duy nhất, được Đức Giám mục Brescia nhận lời tuyên khấn. Ngoài ba lời khấn vâng lời, khó khăn và trinh khiết, chị em còn thêm lời khấn chuyên lo săn sóc bệnh nhân và tù phạm. Từ nay chị Paula đổi tên là dì phước Maria Thánh giá.
Sau bước tiến lịch sử ấy, Hội Bác ái phát triển mau lẹ. Hầu hết các miền trong địa phận Brescia và các địa phận lân cận đều có cơ sở của Hội. Hội mở thêm nhiều bệnh xá, nhiều cô nhi viện và dưỡng đường. Từ con số 25 chị em khấn đầu tiên, ba năm sau số hội viên đã lên tới 65.
Nhìn thấy những kết quả công việc, dì phước Maria Thánh giá không thể không vui mừng. Dì thường nói với chị em: "Tất cả là của Chúa và do Chúa, Người làm để vinh danh Đấng Kitô và chan hòa niềm vui cho đoàn con cái. Chị em thân mến, chúng ta không thể tự phụ vì những kết quả của công việc, vì đó là do ơn Chúa, nhưng chúng ta phải vui mừng vì đó là dấu của tình yêu Chúa đối với chúng ta". Hiểu rõ như thế nên người càng hăng hái sống theo tinh thần tận hiến và bác ái hơn. Tên Maria Thánh giá là khẩu hiệu giúp thánh nữ hiên ngang trước mọi thử thách và dấn thân trong mọi công việc. So sánh việc làm vất vả với cái sức khỏe yếu ớt và thân hình quá gầy ốm của người, ai cũng cho đó là một phép lạ. Riêng thánh nữ, người không kể gì đến sức khỏe. Mặc dầu đau ốm, năm 1855 người còn đích thân đem một số chị em đi chăm sóc những người bị bệnh dịch tả và tìm nơi dựng thêm cho hội những cơ sở mới. Trên đường công vụ, thánh nữ đã ngã bệnh tại Mantua và được chị em đưa về Brescia. Sau ba tuần liệt giường, thánh nữ được Chúa đưa về trời ngày 15 tháng 12 năm 1855. Được tin thánh nữ qua đời, hầu hết các chị em Hội Bác ái thuộc 80 nhà đều tuôn về Brescia cùng với dân chúng tổ chức tang lễ trọng thể. Xác người được đặt trong nhà nguyện của chị em. Trên mộ, người ta đặt một tấm bia, ghi những dòng chữ: "Lúc bình sinh người thường nói: Lương tâm tôi không thể yên ngủ bao lâu chưa ngăn ngừa được sự dữ và giúp người ta thực hiện điều lành. Nhưng, toàn thể dân chúng thuộc mọi cấp đều đồng thanh tán tụng rằng: mặc dầu sức khỏe mỏng dòn, người đã hoàn tất trách vụ cao cả là đã hết sức nâng đỡ người góa bụa và những kẻ sa cơ lỡ bước. Người là ân nhân đặc biệt của những thanh thiếu nữ trụy lạc, là mẹ hiền của nhiều trẻ em mồ côi, đau khổ. Nói tắt, người là gương mẫu đời sống bác ái theo tinh thần Phúc âm Chúa Kitô".
Thánh nữ được phong bậc chân phước ngày 26 tháng 5 năm 1940, và được suy tôn bậc hiển thánh ngày 13 tháng 6 năm 1954, dưới thời Đức Piô XII.