Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 14/12/2018

Filled under:

Mt 11, 16-19
16 “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác,17và nói:
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.”19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Chúng ta đã đang sống trong thời mà bao ngôn sứ đợi trông, và chúng ta không còn mong đợi thời nào khác ngoài ngày tận thế vì mặc khải đã hoàn tất.
Tuy thế mùa hồng ân và mùa đợi trông đến khác với các mùa xuân hạ thu đông đến. Mùa xuân đến thì tự động ai cũng được ấm áp, nhưng mùa hồng ân đến con người không phải tự nhiên mà được sống trong ân sủng.
Ân Chúa thì không có điều kiện và dành cho hết mọi người, và ở khía cạnh này có thể nói ơn Chúa giống như mùa xuân, mùa cho muôn người, không phân biệt. Thế nhưng ơn Chúa cần được đón nhận, vì ơn Chúa xét cho cùng là chính Chúa, tức một Ngôi vị, một tương quan cần đi vào. Có thể nói ơn Chúa vô điều kiện như bữa tiệc ngon đã dọn sẵn và chúng ta chỉ việc đến dự, chứ ơn Chúa không sẵn như thức ăn tự động chui vào bụng. Thế nên khách được mời tiệc cưới mà từ chối thì bụng vẫn đói. Người sống trong mùa hồng ân mà không biết cách cộng tác thì vẫn nghèo nàn ân sủng. Ánh sáng đến nhưng con người có thể yêu sự tối tăm hơn và nơi họ không có sự sáng.
Thế nên có thể nói các ngôn sứ trông đợi tiếng sáo vui tươi của Chúa Giêsu mà không được nghe, mong nghe bài đưa đám đầy tâm tình hối cải của Gioan Tẩy Giả mà không có cơ hội. Còn chúng ta, chúng ta nghe được cả hai. Tuy thế nghe là một chuyện, còn “nhảy múa”, hay “đấm ngực khóc than” lại là chuyện khác.
Lý do Chúa nêu rõ: Con người luôn tìm những cớ để từ chối lên đường và nhập cuộc. Chê Chúa Giêsu quá xuề xòa, chê Gioan quá nghiêm khắc, vịn lý do mới mua ruộng, mua bò hay cưới vợ để từ chối đi ăn tiệc. Và ngày nay, có người chê Giáo Hội, chê Cha xứ, chê tu sĩ, và bận bịu công việc và họ từ chối nhập cuộc.
Nếu từ chối nhập cuộc, thì Chúa đến cũng như chưa đến; Chúa cứu đấy nhưng có người vẫn hư mất.
Vậy trong mùa vọng này, xin Chúa cho tôi nhớ được rằng, ơn cứu độ không đến cách tự động, nhưng cần sự cộng tác của tôi, một sự cộng tác mà đôi khi tôi phải vượt lên chính mình, vượt lên những dấu hiệu bề ngoài đôi khi vốn không khích lệ, để tìm kiếm và cộng tác với ân sủng Chúa, và nhờ thế chúng ta sẽ được sống trong mùa hồng ân và mỗi ngày đợi trông và đi đến mùa hồng ân Vĩnh Cửu.
Uyên Thi, SJ.

Suy niệm 2

       Chúa Giêsu cảm nhận rõ những diễn tiến trong thời đại của Người. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích và phê bình trái chiều đến từ dân chúng. Có người cho thế này, người khác lại bảo thế kia. Trên đời, chẳng ai làm vừa lòng tất cả mọi người. Thiên Chúa - Đấng vô cùng thánh thiện, tuyệt đối công minh, chính trực - vẫn bị trách móc, dè bỉu, thì con người với nhau làm sao có thể thoả mãn sự cảm tính thất thường của nhân sinh.

       Thiên Chúa là ánh sáng, là sự thật và là tình yêu. Nếu trong sự thật, người ta muốn nghe, tức khắc họ sẽ tìm kiếm để thủ đắc, chứ không cần ai giới thiệu. Tuy nhiên, người ta thường chỉ trích, phê bình lẫn nhau bằng những luận điệu khác nhau. Khi người ta vô cảm, vô tri thì dù có mời gọi thế nào họ vẫn chai cứng. Thậm chí, một người lớn cũng vướng phải những sai lầm của đứa trẻ: Không muốn tham gia sẽ không tham gia; muốn hưởng ứng sẽ hưởng ứng, v.v.

       Cái khó của Chúa Giêsu khi đối diện với đám đông cứng lòng tin là nhìn vào hành động của họ, để chứng minh, họ thuộc về đâu. Theo chính lời Người đã nói ở một chỗ khác trong Tin Mừng: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,38-40) và “ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11,23), đó là sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. 

      Chúng ta nhìn thấy gì qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay? Người ta có thể phê bình thái quá với Gioan vì lối sống lập dị của ông, nhưng ông là người duy nhất sau bao thế kỷ có thể cảm hoá nhiều người và dẫn đưa họ đến với Chúa. Còn Chúa Giêsu, Người bị chỉ trích, bị lên án và bị thủ tiêu, nhưng cuối cùng, chúng ta hôm nay đã bước theo Người và những mong, nhờ Người mà được sống và sống dồi dào, lại cũng vì Người mà chúng ta chấp nhận đánh đổi, chấp nhận hy sinh; vì Người chúng ta muốn được vĩnh cửu và được sống trong vương quốc mà Người đã hứa. Phải chăng, cuộc sống luôn là những nghịch lý?

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường