Phút suy niệm ngày 7/12/2018
Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,29-30).
Hỏi một em bé: Cháu có thấy người hành khất mới đi qua đây không?.
Cháu trả lời ngay: Không!. Cháu chỉ thấy một ông già mặc chiếc quần có nhiều chỗ vá, chiếc áo ông mặc có bốn túi nhưng đã bị sờn nhiều chỗ, ông đôi chiếc nón rộng vành để che bớt ánh nắng gay gắt, chân ông mang đôi dép mới có lẽ ai vừa cho...Câu trả lời của em cho biết, em đã nhìn thấu suột mọi vấn đề, nhưng không cho rằng người đó là hành khất.
Thiên Chúa thấu suốt mọi sự việc. Ngài nhìn nhân loại bằng đôi mắt yêu thương, Nỗi canh cánh nơi Ngài là làm sao cho nhiều người nhận biết có một Thiên Chúa hằng quan tâm dẫn dắt họ qua mọi nẻo đường, đến được nơi vinh sáng muôn đời.
Lạy Chúa. Chúng con được Chúa ban cho đôi mắt sáng, nhưng lòng chúng con đang trong u mê tối tăm, nên chúng con chỉ nhìn thấy toàn gian tham, nghi kỵ . Xin Chúa chữa chúng con cho được tỏ tường để nhận biết Chúa là cha cùng nhận biết mọi người là anh chị em với nhau. Amen.
THÁNH AMBRÔSIÔ MILANÔ
GIÁM MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH
GIÁM MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Thánh Ambrôsiô sinh vào khoảng năm 340 tại Trêvê, một thành phố thuộc đế quốc Rôma. Ngài là con một gia đình công chức cao cấp Rôma. Chi tộc ngài đã từng hiến cho Giáo hội một vị thánh tử đạo dưới thời bách hại của Hoàng đế Điôclêtianô; đó là thánh nữ Sôtêria. Thân phụ Ambrôsiô bấy giờ làm tổng đốc ở Gaules vui mừng sung sướng vì có thêm một cậu con trai nữa. Ông dự tính trối cho con một gia tài khổng lồ mà ông đang an hưởng và hy vọng rằng cậu quý tử ấy sau này sẽ nối gót ông trên bước đường quan trường. Nhưng Thiên Chúa lại muốn dành để cho con trẻ ấy một sứ mệnh cao cả và trọng đại hơn nhiều!
Lớn lên, Ambrôsiô cũng dần dần cảm thấy ít tha thiết với những danh vọng thế trần. Người ta kể rằng một buổi kia có cuộc tiếp rước Đức Giám mục, Ambrôsiô thấy mẹ và chị hôn tay Đức Giám mục với vẻ cung kính, cậu liền quay lại nói với mẹ: Mẹ ơi, mẹ cũng hãy hôn tay con đi, vì rồi đây con cũng sẽ làm Giám mục".
Mồ côi cha từ thuở còn nhỏ, cậu Ambrôsiô cùng với chị là Marcellina và anh là Satirô theo mẹ trở về Rôma để học luật và khoa hùng biện. Giữa những thói tục đồi bại và mất nết thường có ở các trường bấy giờ, sinh viên Ambrôsiô đã biết khinh chê tất cả những quyến rũ của thị thành, và mặc dầu quỷ ma tấn công liên tiếp, người sinh viên ấy vẫn giữ được tâm hồn trong sạch.
Ambrôsiô học rất giỏi vì có trí thông minh. Một ông hoàng có đạo, rất quyền thế tên là Prôbô làm phó án ở Rôma thấy Ambrôsiô có trí thông minh, tính tình ngay thẳng và có tài hùng biện, liền đem lòng quý mến; ông đã chọn Ambrôsiô làm thư ký riêng để sau này lên làm những việc quan trọng nhất trong guồng máy hành chánh tại đế quốc Rôma.
Vào khoảng năm 370, được Prôbô tiến cử, Ambrôsiô lên làm tổng đốc miền Liguria và Emilia thuộc miền Bắc Ý. Thời kỳ đó, những thành phố chính trong đế quốc đều rối ren vì thuế má và thường bị khủng bố tàn ác; trái lại, ở Milanô, nhờ tài cai trị của Ambrôsiô, dân chúng được an bình trật tự. Cách cai trị khôn ngoan và nhân từ của ngài khiến cho dân chúng không lo âu, khổ sở. Họ cảm phục và mến yêu nhà cầm quyền trẻ tuổi liêm khiết và nhân từ của họ như một người cha.
Dầu sao thành phố Milanô lúc bấy giờ cũng còn gặp phải nhiều khó khăn và ở trong một tình trạng đáng buồn. Thực vậy, đứng đầu giáo đoàn Milanô là một Giám mục thuộc phái Ariô, tên là Auxenciô. Vì thế dân chúng chia rẽ nhau. Khi Auxenciô mất vào năm 373, thì giáo dân lại càng phản đối nhau kịch liệt trong việc bầu Giám mục kế vị. Các Giám mục trong giáo tỉnh hội họp nhau để bầu đã gửi một phái đoàn đến hỏi ý kiến Hoàng đế Valentinô. Trong khi đó giáo dân và những người theo phe lạc giáo đứng vây quanh nhà thờ hô hoán om xòm gây nên một bầu không khí sôi nổi; vì mỗi bên đều muốn có Giám mục thuộc phe mình. Trong các phố, người ta sửa soạn những cuộc nổi loạn và tình thế căng thẳng gần đến chỗ lưu huyết. Ambrôsiô thấy vậy liền đến can thiệp để những người kitô giáo đang chia rẽ được bình tĩnh hơn. Khi ngài vừa nói mấy lời phủ dụ dân chúng thì bỗng có tiếng trẻ kêu lên : "Ambrôsiô làm Giám mục!" Rồi, không ai bảo ai, mọi người đồng thanh hô lớn: "Ambrôsiô làm Giám mục! Ambrôsiô làm Giám mục của chúng tôi".
Tiếng hô vang dậy cả nhà thờ khiến hàng giáo sĩ cũng đồng thanh chấp thuận và tuyên bố Ambrôsiô làm Giám mục giáo đoàn tỉnh Milanô. Ambrôsiô lúc đó đã có đức tin nhưng chưa chịu phép rửa tội, lại cũng chưa học đạo mấy. Ngài vịn vào lẽ đó để từ chối; đàng khác ngài cũng tự cho mình không xứng đáng, cũng như không đủ tư cách can đảm lãnh nhận chức vụ đó. Và để tỏ rõ thái dộ, ngài làm ra vẻ rất ác nghiệt khi xử kiện, mặc dầu ngài thường rất liêm khiết và nhân từ. Ngay chiều hôm đó, ngài kết án hành hình một bị can trước khi tra hỏi. Rồi tối đến, ngài còn tổ chức một buổi khiêu vũ và cho mời cả những vũ nữ đến dự. Song giáo dân ở Milanô biết rõ ngài là người công chính và thanh khiết, họ cho ngài làm thế chỉ là giả vờ để từ chối chức vụ Giám mục. Một lần nữa họ lại đồng thanh hô lớn: "Lỗi của ngài chúng tôi xin chịu thay. Ambrôsiô phải làm Giám mục!"
Tuyệt vọng, nhà cầm quyền trẻ tuổi ấy liền tìm cách lẩn trốn. Đêm hôm đó, ngài trốn ra khỏi thành và đi ẩn trong nhà một người bạn ở miền quê. Nhưng người ta lại tìm thấy ngài. Bị thúc bách quá, Ambrôsiô liền chạy đến một kế hoạch sau cùng là nại tới toà án Cêsarê vịn lý rằng ngài là công chức của nhà vua, nên thuộc quyền vua phân xử và quyết định. Dân chúng cũng không chịu thua. Sau khi lưỡng lự mãi, lại có lời khẩn khoản của Hoàng đế Valentinô và các bạn, ngài đành ưng thuận. Vậy trước hết ngài phải chịu phép rửa tội. Đoạn có lẽ ngài muốn để một thời gian khá lâu sau khi chịu phép rửa tội rồi mới thụ phong Giám mục. Song vì dân chúng thúc bách, ngài đã chịu chức và hành lễ ngay tám ngày sau khi chịu phép rửa tội. Hôm đó là ngày 07.12.373.
Ngay sau ngày chịu chức, Ambrôsiô lấy tất cả của cải phân phát cho kẻ khó, trừ một phần dành để cho chị là Marcellina. Khi làm quan ngài đã sống thanh liêm tận tụy, thì lúc này khi làm Giám mục, ngài càng tỏ ra nhiệm nhặt, nhân từ và tận tụy với nhiệm vụ thiêng liêng hơn nữa. Từ sáng sớm sau khi dâng lễ, ngài ngồi vào bàn làm việc, học hỏi Kinh thánh. Cửa phòng ngài lúc nào cũng mở rộng để đón tiếp mọi người, nhất là những người túng cực hồn xác. Mỗi ngày ngài thường nhịn ăn bữa trưa và mỗi tuần ngài ăn chay năm ngày. Tối đến ngài lại thức khuya để ghi chép, chú giải Kinh thánh, hay dọn bài giảng.
Với nếp sống thánh thiện và phương pháp làm việc ấy, Giám mục Ambrôsiô đã thành công trong công việc coi sóc giáo đoàn Milanô. Kết quả rực rỡ đáng chú ý hơn cả là ngài đã chinh phục được một giáo sư danh tiếng, thánh Âutinh, mà chúng ta sẽ có dịp nhắc đến sau này. Uy thế của ngài còn tạo cho giáo đoàn này một địa vị quan trọng: Các giáo đoàn lân cận đều đến hỏi ý kiến ở Milanô, và ai nấy đều coi Milanô như một kinh đô Rôma nhỏ vậy.
Ngoài nhiệm vụ của một chủ chăn, Đức Giám mục Ambrôsiô còn đóng vai cố vấn cho các Hoàng đế. Trong chức vụ này, ngài thực là một người chỉ đạo đầy nghị lực và can đảm. Chắc hẳn là một công dân Rôma, ngài rất quý mến các Hoàng đế. Song không khi nào ngài chịu để Giáo hội phải lụy thuộc quốc gia; ngài đòi cho Giáo hội được quyền xét xử các nhà cầm quyền thế tục, nhân danh Chúa Kitô. Người ta còn ghi được những lời nói bất hủ sau đây của ngài: "Nếu các Hoàng đế phạm tội, các Giám mục phải sửa phạt bằng những lời khiển trách thẳng nhặt". Lần khác trong bài diễn văn phản đối Giám mục lạc giáo Auxenciô, ngài đã không ngần ngại tuyên bố: "Hoàng đế ở trong Giáo hội, nhưng không ở trên Giáo hội".
Lời nói đi đôi với việc làm, Đức Giám mục Ambrôsiô đã đem thực hành quy tắc đó, đặc biệt nhất là khi xẩy ra cuộc tàn sát ở Thessalônica năm 390, do lệnh của Hoàng đế Thêôđôsiô. Hồi đó, trong thành phố có cuộc nổi loạn, nhiều sĩ quan và nhà cầm quyền của vua bị giết. Nghe tin này, Hoàng đế tức giận liền ra lệnh giết bảy ngàn người bất luận đàn ông đàn bà hay con trẻ. Người ta đánh lừa mời họ đi dự một cuộc vui công cộng rồi giết họ. Đức Giám mục Ambrôsiô hết sức ngăn cản việc bỉ ổi ấy, song vô hiệu. Ngài liền ra vạ tuyệt thông cho Hoàng đế Thêôđôsiô và công khai lên án tội ác đó. Đồng thời trong một bức thư riêng, ngài bắt Hoàng đế phải ăn năn đền tội. Kết quả ngài đã thành công: Đêm Giáng Sinh năm 390, Thêôđôsiô, một vị Hoàng đế có thế lực nhất hoàn cầu đã cởi bỏ bộ áo sang trọng và mặc lấy áo kẻ sám hối, rồi trước đám đông dân chúng tập họp ở sân nhà thờ, Hoàng đế đã xin Giám mục Ambrôsiô tha thứ và tái nhận vào Giáo hội công giáo. Cảm phục vị đại diện Chúa. Từ đó, nhà vua không ngớt lặp lại lời này:
"Tôi biết có một người không bao giờ xuyên tạc sự thật, đó là Giám mục Ambrôsiô".
Tuy giầu uy quyền và thế lực như thế, nhưng Đức Giám mục Ambrôsiô chỉ biết dùng ảnh hưởng của mình để mưu ích cho Giáo hội và các linh hồn. Ngài cố diệt trừ những di tích ngoại giáo còn đang sống công khai trong đế quốc, hủy bỏ những vết tích tà thần như: bãi bỏ các bổng lộc, trợ cấp và miễn dịch vẫn dành cho các tư tế và nữ tu ngoại giáo, hạ bệ những bàn thờ và tượng thần "chiến thắng" đặt trong phòng thượng nghị viện Rôma.
Trong khi cố gắng gột rửa các vết tích ngoại giáo, Đức Giám mục Ambrôsiô cũng cương quyết diệt trừ lạc giáo Ariô. Về phương diện này, ngài đã phải đương đầu với Nữ Hoàng Juliana vì bà muốn chiếm một nhà thờ của ngài để dành cho những người theo phe lạc giáo. Cuộc chiến đấu thực sự gay go, nhưng nhờ ở thái độ cương quyết, nhân từ của ngài và nhờ lòng mộ mến của toàn dân, thánh Giám mục đã nắm được phần chiến thắng. Nữ Hoàng Juliana bị thất bại liền thuê người ám sát Đức Giám mục. Ngày kia tên lưu manh lẻn được vào phòng ngài; nhưng khi hắn vừa giơ tay toan thi hành thủ đoạn, tức thì tay hắn liền bị cứng đờ, hắn quỳ xuống tạ tội và được người của Chúa thứ tha lỗi cùng chữa cho lành mạnh tứ chi.
Không những là một vị chủ chăn nhân từ, hoạt động, một nhà cố vấn đầy khôn ngoan cương nghị, Đức Giám mục Ambrôsiô còn nổi tiếng là một bậc thầy lỗi lạc, xứng đáng với danh hiệu của một thánh tiến sĩ. Ngài đã sáng tác và để lại cho Giáo hội nhiều pho sách quý giá. Tác phẩm của ngài gồm đủ loại: Thánh kinh, Tín lý, Tu đức và Phụng vụ. Những tác phẩm liên quan đến Thánh kinh gồm sáu quyển nói về công cuộc sáng tạo, những bài giảng về Thánh vịnh và một cuốn chú giải Phúc âm thánh Luca. Về phương diện tu đức, ngài đã viết cuốn "Những nghĩa vụ" và năm cuốn bàn về tu đức trinh khiết và tiết độ, trong đó ngài đã tỏ ra am hiểu sâu xa nhất về giá trị thiêng liêng của đức khiết trinh. Vì thế, người ta thường gọi ngài là vị "Tiến sĩ của đức trinh khiết". Trong những tác phẩm tín lý, thánh nhân thường bàn giải về các mầu nhiệm trong đạo, viết để dạy giáo lý cho tân tòng hoặc để phản đối các lạc giáo Ariô và Nôvaciô. Sau hết ngài là một trong những vị khởi xướng ra ca vãn trong Giáo hội La tinh, là vị sáng lập ra ca vãn bình dân ở Tây phương. Người ta đã gắn cho ngài một số ca vãn mà hiện nay còn ca hát trong lễ nghi của Giáo hội.
Một cuộc đời hoạt động truyền giáo và sáng tác như thế hẳn làm cho sức lực của Đức Giám mục chóng suy tàn, dễ dàng làm mồi cho bệnh nạn. Thực vậy, ngày 04.4.397, ngài bị bệnh phải nằm liệt giường. Các giáo sĩ đều quỳ gối quây quần quanh giường ngài để đọc kinh cầu nguyện cho Đức Giám mục. Trong khi đó, ngài cũng để tay trên ngực thành hình thánh giá và mấp máy môi cầu nguyện. Đức Giám mục Hônôratiô cho ngài rước lễ ăn đàng. Một lát sau, Đức Giám mục thành Milanô tạ thế.
Xác thánh ngài được an táng tại dưới bàn thờ của nhà thờ chính toà, chính nơi ngài đã chọn nghĩa là giữa mộ hai thánh tử đạo Gervasiô và Protasiô. Nơi đây Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để tôn vinh đầy tớ trung tín của Người, khiến cho giáo dân càng tấp nập tuôn đến kính viếng và cầu xin nơi mộ ngài.
Kính xin thánh Giám mục Ambrôsiô bầu cử cho chúng con trước toà Chúa và giúp các vị chủ chăn của chúng con biết theo gương ngài mà sống cuộc đời hoàn toàn thanh khiết, hoạt động và nhân từ, để mỗi khi tiếp xúc với các ngài, ai nấy đều hết lòng mến yêu kính phục và nhìn nhận rằng Chúa Kitô đã ngự trị trong các ngài và hoạt động qua các ngài.