Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Mọi nói dối đều là tội trọng?

Filled under:

Mọi nói dối đều là tội trọng?


THOMAS AQUINAS*
Nguyễn Ước dịch 

 (Aquinas đồng ý với Thánh Augustine rằng mọi lời nói dối là tội nhưng không phải hết thảy chúng đều là tội trọng[1]. Ông phân biệt ra ba loại nói dối: nói dối đùa giỡn, nói ra khi bỡn cợt pha trò; nói dối hiếu sự hay hữu ích; và nói dối quỉ quyệt (nói dối có hại) mà theo lập luận của Aquinas, nó đáng bị phán xét là tội trọng.)

. . . có thể theo bản chất của mỗi lời nói dối mà phân loại tội của chúng, và tội đó có thể bị gia trọng hay được giảm khinh tùy vào cứu cánh có dự tính của nó.

Vậy tội nói dối bị trầm trọng thêm nếu bằng việc nói dối, đương sự cố ý làm tổn thương người khác, và như thế, nó được gọi là lời nói dối có hại.

Trái lại, tội nói dối được giảm nhẹ nếu nó chỉ để thích thú hoặc nhắm tới cái tốt lành nào đó. Như thế, nó là lời nói dối đùa giỡn, hoặc lời nói dối hữu ích mà chúng ta cũng gọi là lời nói dối hiếu sự, qua đó, nó có dự tính giúp đỡ người khác hoặc cứu giúp người khác khỏi bị tổn thương.

Theo cách ấy, lời nói dối được chia thành ba loại như đã nói ở trên. . .

Tội trọng, nói một cách chính xác, là tội trái ngược với đức ái [2] mà qua đức ấy, linh hồn sống hiệp nhất với Thiên Chúa... Thế thì nói dối có lẽ là trái ngược với đức ái trong ba cách: thứ nhất, trong tự thân nó; thứ hai, trong liên quan tới sự dữ một cách cố ý; thứ ba, [trong liên quan tới sự dữ] một cách ngẫu nhiên.

Lời nói dối có lẽ là trái ngược với đức ái vì ý nghĩa giả dối của nó. Bởi nếu sự việc đó liên quan tới điều thiêng liêng thì nó trái ngược với đức ái của Thiên Chúa mà sự thật của ngài bị ta che giấu hay làm hư hoại bằng lời nói dối như thế. Vậy lời nói dối loại này không chỉ đối lập với tính hạnh của đức ái mà còn đối lập với đức tin và tôn giáo; do đó, nó không những là tội trọng mà còn bị gia trọng nữa.

Tuy nhiên, nếu ý nghĩa giả dối liên quan tới điều gì đó mà sự hiểu biết về điều đó tác động đến cái tốt của một người, thí dụ, nếu nó liên quan tới sự toàn hảo của khoa học hoặc hạnh kiểm đạo đức, thì lời nói dối thuộc loại này khiến cho người bên cạnh của ta phải chịu chấn thương, vì nó làm cho người ấy có ý kiến sai lạc, do đó, nó trái ngược với đức ái, cách riêng tình yêu người bên cạnh của chúng ta, và hậu quả, nó là tội trọng.

Ngược lại, nếu ý kiến sai lạc ấy phát sinh từ lời nói dối liên quan tới điều gì đó mà sự hiểu biết về điều đó không gây ra hậu quả, lúc đó lời nói dối được nói đến này không làm hại người bên cạnh của ta; thí dụ, nếu một người bị lừa dối về những cái cá biệt bất ngờ nào đó không liên quan tới người đó. Do đó, lời nói dối thuộc loại này được đánh giá trong tự thân nó, không là tội trọng.

Lời nói dối với cứu cánh có dự tính, có lẽ là trái ngược với đức ái mà qua đó nó được nói ra hoặc với mục đích làm thương tổn Thiên Chúa, như thế nó luôn luôn là tội trọng vì nó đối lập với tôn giáo, hoặc với mục đích làm thương tổn người bên cạnh của ta về con người của người đó, về những cái người đó sở hữu, hoặc về thanh danh của người đó, như thế nó cũng luôn luôn là tội trọng. Bởi vì tội trọng là tội làm tổn thương người bên cạnh của chúng ta, và ta gây trọng tội nếu ta hoàn toàn có dự tính phạm tội trọng. Nhưng nếu cứu cánh có dự tính ấy không trái ngược với đức ái và nó được xem xét theo khía cạnh ấy, thì lời nói dối ấy cũng không là tội trọng, giống như trong trường hợp lời nói dối đùa giỡn với đôi chút thích thú nào đó hay lời nói dối hiếu sự với dự tính tốt lành cho người bên cạnh của chúng ta. Một cách ngẫu nhiên, lời nói dối có thể là trái ngược với đức ái vì lý do nó gây ra tai tiếng hoặc đưa tới chấn thương nào khác; và như vậy, nó sẽ là một tội trọng. Thí dụ, nếu một người không chút e dè, cứ nói dối công khai gieo tai tiếng cho người khác.

. . . một số người nói rằng đối với sự toàn hảo thì mọi lời nói dối đều là tội trọng. Nhưng lời quả quyết ấy không có lý. Vì không có tình huống nào khiến cho một tội thành vô cùng trầm trọng nếu nó không chuyển thành một loại khác. Thế thì tình huống của con người không chuyển một tội thành một loại khác, ngoại trừ có lẽ do bởi cái gì đó phụ thêm vào người ấy, thí dụ nếu nó vi phạm lời thề của người ấy; và điều này không thể áp dụng vào trường hợp lời nói dối đùa giỡn hay lời nói dối hiếu sự. Vì vậy lời nói dối đùa giỡn hay lời nói dối hiếu sự không là tội trọng trong những người toàn hảo, trừ phi có lẽ một cách ngẫu nhiên vì lý do tai tiếng.

Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể lấy lời của Augustine rằng mệnh lệnh của sự toàn hảo là không được nói dối chút nào, kể cả không được ước muốn nói dối; mặc dù Augustine nói điều đó không một cách tích cực mà là một cách hồ nghi, vì ngài bắt đầu bằng lời nói rằng: trừ phi có lẽ nó là một mệnh lệnh, v.v. Cũng không phải là vấn đề họ được đặt vào vị trí bảo vệ sự thật: bởi vì họ [những người có chức vụ ấy] bị ràng buộc phải bảo vệ sự thật bằng đức hạnh của chức vụ trong phán xét và giảng dạy, và nếu họ nói dối trong những vấn đề ấy, sự nói dối của họ là tội trọng: nhưng nó không có nghĩa là họ phạm trọng tôi khi họ nói dối trong những vấn đề khác.

Ghi chú:

Thomas Aquinas (1225-74) Triết gia và nhà thần học kinh viện người Ý. Xuất thân từ gia đình quí tộc (Bá tước) Aquino. Chào đời ở lâu đài Roccasecca gần Aquino. Ông theo học các tu sĩ dòng Biển Đức (Benedictine) ở Monte-Cassio, kế đó vào Đại học Naples.

Năm 1244, bất chấp sự chống đối đầy cay đắng của gia đình, ông xuất gia làm tu sĩ khất thực thuộc dòng Đa-minh (Dominican). Anh em của ông bắt cóc ông, giữ ông làm tù nhân trong lâu đài của dòng họ hơn một năm, cuối cùng, ông tự mình thoát ra, lên đường tới Cologne để trở thành môn đồ của đại danh nhân dòng Đa-minh là Albertus Magnus (k.1193-1280).

Năm 1248, Aquinas, con người vừa mới bướng bỉnh, được bổ nhiệm làm phụ giảng cho thầy mình, và bắt đầu xuất bản các bình luận về Aristotle. Năm 1252, ông đi Paris, dạy ở đó, với danh tiếng ngày càng tăng. Tới năm 1258, ông giờ đây là tiến sĩ, được Đức Thánh cha triệu tập để giảng dạy, thành công, tại Agagni, Orvieto, Rô-ma và Viterbo.

Ông qua đời tại Fossanouova trên đường đi biện hộ cho chính nghĩa của Đức Thánh cha Gregory X ở Công đồng Lyons. Ông được phong thánh năm 1323.

Giống hầu hết các nhà thần học kinh viện thời đó, Aquinas không có kiến thức về Hi Lạp và Hebrew (Híp-ri), và hầu như hoàn toàn không biết về lịch sử, nhưng các văn bản phong phú của ông trình bày một sức mạnh trí tuệ thuộc hạng nhất, và ông trở thành một bậc thẩm quyền với khả năng thao tác trí tuệ lớn lao từ xưa tới nay trong giáo hội Kitô giáo. Qua những bình luận của mình, ông làm cho tư tưởng của Aristotle khả hữu và được chấp nhận trong Kitô giáo phương Tây. Trong các văn bản triết học của mình, ông nỗ lực phối hợp và hoà giải chủ nghĩa duy lý khoa học của Aristotle với giáo lý về đức tin và mặc khải của Kitô giáo.

Cuốn Summa contra Gentiles (Tổng luận chống người ngoài Công giáo, 1256-60) được cho là ông viết như một cuốn thủ bản dành riêng cho các tu viện Đa-minh; nó ứng xử chủ yếu với các nguyên tắc của tôn giáo tự nhiên. CuốnSumma theologica (Tổng luận thần học, 1266-73), cho tới ngày từ trần vẫn chưa hoàn tất nhưng chứa đựng tư tưởng chin muồi của ông trong một hình thức có tính hệ thống, và bao gồm “năm con đường” hay năm phương cách” trứ danh chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Ảnh hưởng của Aquinas lên tư tưởng thần học của các thời đại sau ông thật mênh mông. Ông nổi tiếng là Tiến sĩ Thiên thần (Doctor Angelicus), và duy nhất chỉ có một nhà thần học kinh viện ganh đua với ông là Tiến sĩ Tinh tế(Doctor Subtitis) Duns Scotus (k.1266-1308). Thời ấy, tu sĩ dòng Franciscan (Phan-xi-cô) theo Scotus và tu sĩ dòng Dominican (Đa-minh) theo Aquinas. Kể từ đó các nhà thần học trung cổ chia thành hai trường phái: người Scotists và người Thomists mà sự khác biệt của họ thẩm thấu ít nhiều vào mỗi nhánh giáo thuyết.

Riêng phái của Aquinas, tức Thomism, ngày nay được thể hiện, với một ít loại trừ, trong lời giảng dạy tổng quát của Giáo hội Công giáo.

[1] Tội trọng  Hay tội tử (peccatum mortale). Theo thần học Công giáo, đây là loại tội mà phẩm tính của nó đưa tới sự cách ly con người với Thiên Chúa cùng ơn cứu rỗi của ngài. Người mắc tội này, nếu trước khi chết mà không sám hối, sẽ bị sa hỏa ngục (damnatio). Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1035 có ghi: ‘Hội thánh dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình 'lửa đời đời'.”

[2] Đức ái  Cũng là Đức mến. Đức yêu người; lòng nhân ái; từ bi bác ái.

Nguồn: Aquinas, Thomas, Summa Theologica, trans. Fathers of the English Dominican Province, Burns Oates & Washburn, 1922.