Phút suy niệm ngày 5/12/2018
"Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". (Ga 2, 13-22).
Hôm nay giáo xứ Sơn Lộc kỷ niệm ba năm Cung hiến ngôi nhà thờ được cho là có nhiều Ân Ban của Thiên Chúa.
Bà con giáo dân nơi đây còn nhớ rất rõ. Ngày ấy, để quyết định xây mới toàn bộ nhà thờ, cha xứ cùng Ban Mục vụ đã tổ chức một cuộc hop, mời mỗi gia đình một người (Trưởng gia đình) để xin ý kiến và sự quyết tâm của mỗi người.
Sự quyết tâm ấy thể hiện bằng lời cầu nguyện cùng những đóng góp tích cực của cả cộng đoàn, đã được Thiên Chúa nhậm lời và kết quả là sau gần 3 năm, ngôi nhà thờ đã được Cung Hiến dâng cho Thiên Chúa ngày 5/12/2015, sát ngày mừng bổn mạng của giáo xứ, mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Có ai về Sơn Lộc vào những dịp lễ lớn sẽ thấy đức tin của người giáo dân nơi đây được rõ nét bằng việc làm thiết thực. Số người đi lễ, rước lễ đông hơn. Đặc biệt, các em Thiếu nhi Thánh thể là mầm tương lai của giáo xứ, các lớp giáo lý có nhiều em theo học với bảng điểm khá cao...
Với những việc làm như thế chắc chắn giáo xứ đã vâng nghe Lời dạy của Đức Giêsu là giữ cho ngôi nhà thờ xứng đáng là nơi phụng thờ Chúa.
Lạy Chúa. Tâm hồn mỗi người chúng con là một đền thờ Thiên Chúa ngự trị. Xin cho chúng con luôn hướng về Chúa, chăm lo cho ngôi đền thờ ấy sạch sẽ, thơm tho, bằng việc siêng năng đi lễ, rước lễ hàng ngày. Amen.
THÁNH SABA
TU VIỆN TRƯỞNG
TU VIỆN TRƯỞNG
Thánh Saba Giáo hội mừng kính lễ hôm nay phải chăng là một trong những người đã thừa hưởng hoàn toàn nhất Lời Chúa nói qua miệng tiên tri Ôsê xưa: "Cha sẽ dẫn họ vào nơi tịnh địa và sẽ nỉ non với lòng họ" (Os 2,14); thấu hiểu lời dạy thâm thúy của Chúa, thánh nhân suốt đời chỉ yêu những nơi rừng sâu núi thẳm, hay sa mạc hoang vu để tìm và nói chuyện với Chúa.
Thánh Saba chào đời năm 439, tại Mutalasca gần Cêsarê Cappađốc. Cha ngài là ông Gioan, một sĩ quan có tiếng, đóng binh tại Alêxanđria, mẹ ngài là bà Sophia, một bà mẹ đạo hạnh thuộc dòng tộc quý phái. Chính người mẹ đáng kính này đã hun đúc cho Saba một nền tảng đạo đức sâu xa, đến nỗi, vừa lớn lên, Saba đã trốn gia đình vào tu trong một cộng đồng nhiệm nhặt. Được tin, cậu ngài đến bắt về, buộc lập gia đình để kế nghiệp cha. Nhưng Saba cương quyết từ chối. Năm 457, người thanh niên ấy lại đến gõ cửa một tu viện gần thành thánh Giêrusalem. Thấy Saba còn quá trẻ, vị tu viện trưởng từ chối khéo và cho giấy giới thiệu đến cộng đồng Ouadieldabor, gần Biển Chết. Ở đây, ngoài chương trình thiêng liêng, ngày ngày Saba còn phải bổ củi, chăn lừa, kín nước. Thầy làm vui vẻ và đã được cha tu viện trưởng, thánh Euthymiô khen ngợi là một tu sĩ gương mẫu.
Năm 467, một dịp may không ngờ, Saba lại gặp được hai thân phụ. Các ngài, vì thương con đã gửi cho Saba mười lượng vàng. Saba chỉ nhận lấy ba lượng và đem bán cho kẻ khó. Cũng năm này, vì đã qua tuổi 30, thầy Saba được bề trên cho sống tự lập trong rừng vắng như luật dòng chỉ định. Chỉ buộc trở về cộng đồng mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật. Công tác của thầy là mỗi khi vào rừng phải mang theo một bó lá cọ, số lá cần để đan được 50 cái rổ, mà cuối tuần thầy phải đem về nộp cho thầy quản lý. Saba lấy nếp sống này làm thú vị vô cùng! Thầy có dịp tự do tìm đến những nơi xa vắng hầu thực hiện những chương trình đạo đức mà mấy năm qua thầy hằng ao ước. Sau khi thánh Euthymiô qua đời năm 473, Saba tạm biệt nhà dòng đến ẩn cư tại tháp Anthos. Sau năm năm, thầy về viếng thành thánh Giêrusalem rồi xuống thung lũng Cêdron tiếp tục đời sống tu hành. Lúc này thầy còn sống nhiệm nhặt và nghèo khó hơn trước; chẳng bao lâu tiếng tăm nhân đức thầy vang dội khắp miền khiến nhiều vị tu hành khác cũng đến xin làm môn đệ. Ngài phải xây một nhà nguyện riêng dành cho các linh mục, vì ngài không muốn để các linh mục phải sống chung với các tu sĩ dòng.
Ngài sống một cách rất nhiệm nhặt và hãm mình, trái lại, nhiều tu sĩ lại muốn được thả lỏng vì không chịu nổi đời sống quá nhiệm nhặt, hy sinh và kham khổ của ngài. Nhân dịp vị giáo chủ thành Giêrusalem tạ thế (Năm 486), một số thầy nổi lên làm cách mạng không muốn phục quyền thánh Saba. Nhưng ngài nhẫn nhục chịu đựng và phải nhờ Đức Tân Giáo chủ Sallustiô can thiệp các thầy mới ưng thuận.
Cũng trong năm đó, song thân thánh nhân lần lượt được Chúa cất về, để lại cho ngài một gia tài khổng lồ, thánh tu hành bán đi, lấy tiền phân phát cho kẻ khó, xây một cứu tế viện gần nhà dòng và tậu thêm nhiều khu vườn làm nơi tĩnh tâm tại Giêricô.
Sau cơn khủng hoảng trên, số các môn đệ lại mỗi ngày một gia tăng. Thầy Saba phải đem hết tài tháo vát để xây thêm nhiều cộng đồng mới, cách tháo vát duy nhất của ngài là ăn chay, cầu nguyện, trông cậy vào Chúa Quan phòng. Tín nhiệm vào sự thánh thiện và ảnh hưởng đời sống của thầy Saba, Đức Giáo chủ Sallustiô đặt ngài làm bề trên các thầy tu hành xứ Palestina. Từ đây ngài cộng tác chặt chẽ với thánh Thêôđôsiô tu viện trưởng các cộng đồng Cáppađốc để huấn luyện các tu sĩ sống đúng theo tinh thần đức tin.
Sang đời Đức Giáo chủ Elia, người kế vị Đức Sallustiô, thánh Saba càng được tín nhiệm và có nhiều uy thế hơn. Nhưng đến sau vì nhiều cuộc chống đối xẩy ra trong các tu viện Palestina, thánh Saba bèn tự ý rút lui, đi sâu vào rừng vắng tìm một hang thuận tiện cho đời sống tịch liêu và cầu nguyện. Năm 503, Chúa lại soi sáng cho ngài lập một nhà dòng tại Gađara, gần hồ Tibêria, và năm 508, thầy lại đến Nicôpôlis, gần Emmaus, xây một phòng nhỏ cho mình và nhiều phòng khác chung quanh cho các môn đệ. Công việc xây cất còn dở dang thì Đức Êlia lại triệu hồi thánh nhân về giữ nhiệm vụ cũ. Chính đức Giáo chủ bắt các tu sĩ phải triệt để vâng phục thánh nhân. Vâng lời đức Giáo chủ, thánh Saba trở về và tiếp tục xây cất nhiều tu viện khác trong xứ Palestina: cộng đồng Spelunca, Euđôcia và Zann. Đồng thời thánh nhân không quên giúp đỡ các tu viện của hai thánh tổ phụ Euthymiô và Thêoctistô về hai phương diện tinh thần và vật chất.
Ngoài sứ mệnh làm tu viện trưởng, huấn luyện các linh hồn muốn tìm Chúa trong chốn tu trì, thánh Saba còn phụ lực với các giáo chủ chống lại các bè rối và tà thuyết nhiều khi lại manh nha ngay trong các tu viện. Tại các công đồng Êphêsô, Calcêotônia và Tyrô, ngài cũng đã gây được rất nhiều ảnh hưởng.
Trong tất cả mọi hoạt động trên, thánh Saba đều lấy đức tin và bác ái làm tiêu chuẩn. Phải chăng có lẽ vì thế mà Chúa đã tán thưởng công việc của ngài bằng nhiều phép lạ. Lần kia, trên đường đi Giêricô, một tu sĩ cỡi lừa bị cảm nặng và chết. Thấy thế, thầy Saba quỳ xuống cầu nguyện bên xác thầy và lập tức tu sĩ kia sống lại khỏe mạnh để tiếp tục con đường trong sa mạc. Lần khác, một thầy vì mệt quá ngủ thiếp đi ở giữa rừng, thình lình đoàn sư tử đói mồi kéo tới định ăn thịt thầy. Nhưng Chúa Quan phòng đã soi sáng cho thánh Saba tới kịp thời cứu thoát thầy. Lại rất nhiều lần vì cần của ăn cho các môn đệ trong nhà, thánh nhân quỳ cầu nguyện rồi giơ tay làm dấu thánh giá để khiến các quả xanh, chua, thành quả chín, ngọt. Cũng thế, mỗi lần đi tìm chỗ ở cho các môn đệ, nếu gặp các thú dữ như sư tử, hùm beo... ngài thường dõng dạc truyền lệnh cho chúng rằng: "Chúng ta tất cả là những thụ tạo của Thiên Chúa dựng nên, hang này là chỗ của ta và của các ngươi, nhưng nếu các ngươi không muốn ở với ta thì hãy đi nơi khác", lập tức con vật hiền từ đi ra. Nhưng việc làm chứng tỏ lòng bác ái của thánh nhân hơn cả, có lẽ là việc ngài cầu nguyện xin Chúa làm phép lạ tiếp tế của ăn và nước uống cho 60 tu sĩ bất khẳng, đã bỏ tu viện ngài mà ra đi và chẳng may lâm cảnh đói khát. Quả là cử chỉ của một người cha và một vị thánh!
Và thánh Saba cứ tiếp tục làm việc và gieo ơn phúc cho mọi người như thế cho đến khi được biết ngày từ giã cõi đời sắp tới. Bấy giờ, ngài cho hội các tu sĩ lại để nhắn nhủ một lần sau hết, khuyên các thầy xong, thánh nhân liền ngã bệnh chỉ kịp chịu các phép sau hết rồi êm ái trút hơi thở cuối cùng. Ngài qua đời ở phòng riêng tại cộng đồng Mêlitas ngày 05.12.532, hưởng thọ 93 tuổi.
Nghe tin thánh Saba tạ thế, đức Giáo chủ Giêrusalem, các Giám mục và nhiều giáo dân liền vội vã đến viếng xác ngài. Sau hai hôm, người ta tổ chức an táng ngài rất trọng thể. Xác thánh nhân được đặt trong nhà nguyện của dòng. Về sau, người ta đem hài cốt ngài về thành Vênitia.
Từ đó, tất cả tu viện và cộng đồng do thánh nhân thiết lập hay huấn luyện tinh thần đều nhận một tên dòng thánh Saba. Dòng này còn tồn tại cho đến mấy thế kỷ sau. Ngay khi vừa tạ thế, thánh Saba đã được giáo dân Palestina, nhất là các tu sĩ dòng, tôn kính cách rất đặc biệt, họ thường dành cho ngài những tước hiệu: " Người mang Thiên Chúa, Công dân trung tín của thành thánh, Vị cứu tinh của dân tộc Palestina, Ngôi sao rừng thẳm, Tổ phụ của các tu sĩ...". Lòng tôn sùng ấy dần dần lan khắp Đông phương rồi tới Tây phương và biến thành một bảo đảm cho việc Giáo hội đặt thánh Saba lên bàn thờ, dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V, năm 1570.
Ngày nay trên đại giáo đường Giáng Sinh ở Belem, còn lưu lại một ảnh nổi hình thánh Saba, do một họa sĩ trứ danh thế kỷ thứ XII đã vẽ. Thánh nhân vận chiếc áo chùng mầu nâu và choàng chiếc áo choàng mầu sẫm, tay cầm một biểu ngữ có hàng chữ Hy lạp: "Ai làm chủ được cái bụng và cái lưỡi, người ấy sẽ được cứu độ". Phải chăng câu ấy đã tóm tắt được đời sống thiện hảo của thánh tu viện trưởng Saba.