Không phải chỉ có tình yêu mới làm cho thế giới chuyển động. Phẫn uất cũng có vai trò quan trọng trong việc khuấy động mọi chuyện. Thế giới chúng ta, theo rất nhiều cách, chìm trong phẫn uất. Dường như, nhìn vào đâu, bạn cũng thấy có những người cay đắng về một chuyện gì đó, và hơi thở của họ đầy phẫn uất oán giận. Phẫn uất là gì? Tại sao cảm giác này lại thường hay xảy ra trong đời sống chúng ta? Làm sao chúng ta có thể vượt lên được chuyện này?
Triết gia Soren Kierkegaard đã từng định nghĩa phẫn uất như thế này. Ông cho rằng, phẫn uất xảy ra khi chúng ta chuyển từ cảm giác hạnh phúc của ngưỡng mộ đến cảm giác bất hạnh của ghen tị. Và điều này, đáng buồn thay, lại hay xảy ra trong đời sống chúng ta, và chúng ta, rất nguy ngập, lại bị bịt mắt, không thấy được nó. Tôi phẫn uất ư? Làm sao bạn dám quy cho tôi cái đó?
Nhưng, thật khó để bác bỏ rằng phẫn uất và những bất hạnh kèm theo của nó đã tô màu cho thế giới chúng ta. Ở mọi mức độ sống, từ những gì chúng ta thấy nơi những bất bình và chiến tranh giữa các quốc gia, cho đến các tranh chấp vụn vặt nơi phòng họp, lớp học, phòng khách và cả trong phòng ngủ đều chứng thực sự phẫn uất và chua cay. Thế giới chúng ta đầy phẫn uất. Dường như tất cả mọi người, đều cay đắng về một chuyện gì đó và tất nhiên, không phải không có lý do. Rất nhiều người âm thầm nuôi cảm giác mình bị phớt lờ, bị tổn thương, lừa phỉnh, bị đối xử bất công và có quá ít trong đời, và nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn có quyền chứng tỏ là mình đúng khi phẫn uất và bất hạnh. Chúng ta không được hạnh phúc, nhưng là vì một lý do đúng.
Đúng, luôn có lý do đúng để phẫn uất, nhưng, theo một vài phân tích thấu suốt, cả xưa và nay, chúng ta hiếm khi chạm đến được những nguyên do thực sự vì sao chúng ta lại quá cay đắng đến như vậy. Đối với những người như Tôma Aquinô, Soren Kierkegaard, Robert Moore, Gil Bailie, Robert Bly và Richard Rohr, cùng những người khác nữa, thì gốc rễ thâm sâu của phẫn uất và bất hạnh nằm ở việc chúng ta không thể ái mộ, không thể khen ngợi người khác, không thể cho người khác và cho thế giới một cái nhìn ngưỡng mộ đơn thuần.
Xét chung, chúng ta là một xã hội không biết ngưỡng mộ. Với chúng ta, ngưỡng mộ là một đức tính đã không còn. Thật vậy, trong nhiều nhóm thời nay, cả trên thế giới lẫn trong Giáo hội, sự ngưỡng mộ được xem là một điều gì đó ấu trĩ và thiếu chính chắn, là tiếng cười điên dại ngơ ngác của một cô bé đang theo đuổi thần tượng nhạc rock. Sự chính chắn và khôn lanh thời nay, phải là một kiểu tri thức, thông minh và ít nói, vốn không dễ gì ngưỡng mộ hay khen ngợi người khác. Chúng ta tin rằng hiểu biết và chính chắn, cần phải đẩy mọi thứ ra xa mình, phải nghi ngờ nhân đức của người khác, không được tin tưởng động cơ của họ, hết sức cảnh giác những kẻ giả tạo, và có đủ mọi nguyên do để đừng có lòng ngưỡng mộ. Quan điểm thời nay là thế đó.
Nhưng trong quan điểm về chính chắn và hiểu biết này, chúng ta lại không thừa nhận một điều, chính là chúng ta thấy mình bị đe dọa đến mức nào trước những người có tài năng và đức độ hơn chúng ta. Những gì chúng ta không chịu thừa nhận, chính là sự đố kỵ trong lòng. Những gì chúng ta không chịu thừa nhận, chính là sự phẫn uất của chúng ta. Những gì chúng ta không chịu thừa nhận, chính là việc chúng ta thấy cần phải hạ bệ một ai đó, thực chất đó là dấu chỉ không lầm lẫn cho tính ghen tị và tư duy tồi tệ của mình. Và để chối bỏ điều này, chúng ta có nhiều trợ lực: Những lời châm biếm và phán xét lạnh lùng chính là thứ ngụy trang hoàn hảo, chúng ta không cần phải ngưỡng mộ vì chúng ta đủ thông mình để biết rằng chẳng có gì thực sự đáng để ngưỡng mộ.
Và thường, thì chúng ta rơi vào tình trạng bất hạnh phức tạp này: Chúng ta không còn thực sự ngưỡng mộ ai. Chúng ta không còn thực sự khen ngợi ai. Chúng ta không còn nhìn vào thế giới với lòng tán dương và ngưỡng mộ nữa. Mà cái nhìn của chúng ta luôn mãi là phẫn uất, châm biếm, phán xét, và ghen tị.
Chúng ta có thể kiểm xét bản thân như thế này: Robert Moore thường đòi hỏi các thính giả của ông tự hỏi mình câu hỏi này: Lần cuối cùng bạn tiến tới, và nói với một người, đặc biệt là một người trẻ hơn, hay một người kém tài hơn bạn, rằng bạn ngưỡng mộ người đó, ngưỡng mộ những gì người đó làm, rằng những vẻ đẹp của người đó làm phong phú cho đời bạn, và rằng bạn thấy vui vì đã được gặp người đó là lúc nào? Lần cuối cùng, bạn chân thành khen một ai đó, là lúc nào? Hay đảo ngược câu hỏi thế này: Lần cuối cùng, có ai đó, đặc biệt là người bị đe dọa bởi tài năng của bạn, đã thật tâm khen ngợi bạn, là lúc nào?
Chúng ta không dễ gì và cũng chẳng thường xuyên, khen ngợi người khác, vì điều này đi ngược lại tính ghen tị ẩn dấu của chúng ta. Điều này cũng cho thấy các khiếm khuyết đạo đức thực sự trong đời chúng ta. Thánh Tôma Aquinô từng nhìn nhận rằng, không khen ai đó xứng đáng được khen, cũng là một tội vì chúng ta ngăn không cho người đó được ăn những gì họ cần để sống. Không ngưỡng mộ, không khen ngợi, chính là biểu hiện của sự tinh khôn, nhưng cũng là dấu chỉ của sự non nớt đạo đức và sự bất an trong người. Nó cũng là một trong những lý do sâu xa vì sao chúng ta quá thường đầy những cảm giác cay đắng của phẫn uất và bất hạnh.
Tai sao chúng ta lại quá thường cảm thấy cay đắng và phẫn uất? Chúng ta lòng đầy phẫn uất vì nhiều lý do, mà trong đó, một lý do không nhỏ là vì chúng ta đánh mất đi những đức tính ngưỡng mộ và khen ngợi.
J.B. Thái Hòa dịch