“Có Đấng Quyền Thế hơn hơi tôi đang đến”(Lc 3, 10-18)
Hôm nay, đã là Chúa Nhật III Mùa Vọng, xin cho Lời Chúa tiếp tục đánh động và biến đổi chúng ta để làm cho tâm hồn và cuộc đời của chúng ta qui hướng về Chúa, vì Người đã đến, chắn chắn sẽ đến và đang đến với chúng ta mỗi ngày.
Và nhất là xin cho chúng ta thực hiện điều mà ngôn sứ Isaia báo trước về sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả :
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
(x. Lc 3, 4 ; Is 40, 1-5)
Con đường và lối đi của Chúa, chính là cách sống của chúng ta, là cuộc đời của chúng ta.
1.Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Ki-tô
Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng, có tất cả bốn Chúa Nhật ; và trong bốn Chúa Nhật, có hai Chúa Nhật, tức là Chúa Nhật tuần trước và Chúa Nhật II Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng tuần trước : « Như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa… », và bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp theo của sứ điệp mà thánh Gioan công bố. Như thế, thánh Gioan là « gạch nối » giữa lịch sử cứu độ với Đức Ki-tô, là « Đấng Phải Đến » để hoàn tất.
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một « Gioan khác », nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
- « Có tiếng người hô trong hoang địa»
Như bài Tin Mừng tuần trước cho chúng ta biết, lời rao giảng của thánh Gioan là một lời rao giảng được công bố trong hoang địa : ngôn sứ Isaia báo trước sẽ có tiếng người hô trong hoang địa ; và thực sự đã xẩy ra như vậy, vì Tin Mừng kể lại :
Lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa…. « Có tiếng người hô trong hoang địa…. »
(Lc 3, 2-4)
Chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với chi tiết này, nên không còn thấy ngạc nhiên ; nhưng đó thực sự là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên : Tại sao lại rao giảng trong hoang địa, là nơi không có người hoặc có rất ít, chứ không rao giảng ở trong làng mạc, thành phố hay đền thờ, như Đức Giê-su sau này sẽ làm ?
Đúng là trong hoang địa thì không có ai, hay có rất ít, nhưng thánh Gioan cứ rao giảng ở đó ; và vì hoang địa thì vắng vẻ, nên ngài phải hô to lên, giống như lời loan báo của ngôn sứ Isaia : « có tiếng người hô trong hoang địa ». Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israel :
- Hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài, là nơi con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do và bình tâm.
- Hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày.
- Và hoang địa là nơi không có đường đi, để chỉ nhận Lời Chúa là « Ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi », như lời Tv 119 diễn tả.
Vì thế, để nghe được lời thánh Gioan rao giảng người ta phải bỏ lại đàng sau tất cả, để vào hoang địa, như bài Tin Mừng thuật lại :
Đám đông lũ lượt kéo
đến xin ông Gio-an làm phép rửa.
đến xin ông Gio-an làm phép rửa.
(c. 7)
Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra một hoang địa ngay trong nội tâm của mình, ngay trong con tim của mình, thì mới lắng nghe, hiểu và sống thực sự sứ điệp của thánh Gioan. Và chúng ta phải bỏ lại tất cả, cho dù chỉ là một thời gian ngắn, nhưng rất cần thiết và quan trọng, mỗi khi đến Nhà Thờ để hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và nghe giảng, đến một tu viện để tĩnh tâm. Còn nếu cứ ở nhà, thì sẽ khó nghe, hay không thể nghe Lời Chúa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, tâm trí chúng ta cũng phải tạm rời bỏ tất cả, để tạo ra hoang địa ngay trong lòng của chúng ta.
- « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa »
Sứ điệp của thánh Gio-an là mời gọi mọi người, những người lắng nghe ngài trực tiếp và chúng ta hôm nay, lắng nghe ngài qua Tin Mừng, được công bố là Lời Chúa :
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
(c. 4-6)
Ơn cứu độ đời đời, nhưng đã được « thấy » ngay hôm nay, khi chúng ta làm cho chính nội tâm, cuộc đời và ngày sống của chúng ta thành « đường đi » của Đức Chúa.
Thật vậy, hình ảnh « con đường » mà thánh Gioan nói tới, chắc chắn không phải là những con đường ở bên ngoài cần phải tu sửa (như chúng ta thấy ở khắp nơi), nhưng là chính cách sống của chúng ta, như chính thánh Gioan sẽ nói với những con người đến với ngài xin chịu phép rửa, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay :
Ai có hai áo, thì hãy chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.
Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh.
Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.
(c. 11-14)
Như thế, cách sống và cả cuộc đời của chúng ta chính là lối đi, là đường đi của Chúa, nhưng đó là một con đường đầy « những thung lũng, núi đồi, những khúc quanh co, những chỗ lồi lõm ». Chúng ta được mời gọi nỗ lực « sửa, lấp, bạt, uốn, san… ». Nhưng ai trong chúng ta cũng nhận ra mình bất lực, vì đó là cả một thung lũng sâu rộng, hay cả một quả đồi hay trái núi !
Vì thế, Đức Chúa mà thánh Gioan loan báo, sẽ không chờ đợi chúng ta « sửa đường » xong rồi mới đi qua, nhưng Người vẫn vẫn cứ đến và đi băng qua, vì Người đến tìm những người tội lỗi như chúng ta, không phải để xét đoán và lên án, nhưng để làm cho chúng ta « thấy » ơn cứu độ.
Hàng ngày, ngang qua Lời của Ngài, Mình và Máu Thánh của Ngài, Ngài vẫn đi ngang qua thân xác chúng ta, ngang qua tâm hồn và con tim chúng ta, ngang cách sống và cả cuộc đời của chúng ta, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, để chinh phục và biến đổi con tim của chúng ta bằng tình yêu đến cùng cùng của Người. Nhưng Lời báo trước của thánh Gio-an có thể làm chúng ta lo sợ :
- « Rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. » (c. 9)
- « Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi » (c. 17)
Nhưng khi Đức Ki-tô đến, ngài đã không thực hiện điều thánh Gioan loan báo (giống như trường hợp ngôn sứ Giona), nhưng ngài đã sống và ứng xử khác hẳn, nhất là đối với những người tội lỗi. Người khác đến độ, thánh Gioan không chắc đó có phải là Đức Ki-tô mà mình loan báo hay không ; bởi vì đã có lúc, ông sai môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê-su : « Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? » (Lc 7, 19).
Bởi vì đúng như thánh Gioan loan báo, Đức Ki-tô đến để ban phép rửa bằng Thánh Thần, nhưng không phải là Thánh Thần thiêu hủy, lên án và giết chết, nhưng là Thánh Thần bao dung, thương xót, tha thứ, phục hồi, tái tạo, để làm tái sinh loài người chúng ta, mỗi người chúng ta cho sự sống mới (x. Ga 3, 8). Thánh Thần là lửa, nhưng không phải là lửa hủy diệt, nhưng là lửa yêu mến, làm con tim chúng ta bừng cháy nhưng không thiêu hủy, như hình ảnh bụi gai bừng cháy, mà ông Mô-se chứng kiến.
* * *
Hình ảnh Đức Ki-tô chịu đóng đinh trao ban thần khí nói cho chúng ta điều này (Ga 19, 30). Bởi vì Thánh Thần là Thánh Thần ban sự sống, và Đức Giê-su đến là để làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào ngay hôm nay (x. Ga 10, 10).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Trả lời cho đám đông dân chúng về khắc khoải của họ: “chúng tôi phải làm gì?” để chuẩn bị đón Đấng Mesia - Đấng mà họ đang ngong ngóng chờ đợi - Gioan đã nói đến điều mà hôm nay Đức Thánh cha Phanxicô đang kêu gọi các tín hữu hãy thể hiện lòng thương xót qua việc thứ tha và kiến tạo hòa bình, sống bao dung và chống lại bạo lực gây thù oán. Thật vậy, Đấng Mesia mà dân Do Thái đang mong chờ, sẽ đến không như một vị vua quyền uy với binh lực thế trần, với kẻ hạ người hầu, với dáng vẻ sang trọng của người lắm bạc nhiều vàng, nhưng Người đến trong sự khiêm nhu của một người tôi tớ, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, đến để giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Người đến như vị vua của an bình, điều mà tiên tri Sôphônia đã loan báo: “Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (Sop 3,17). Vì thế, việc chuẩn bị đón tiếp Người không gì hơn ngoài việc thực thi đức ái: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3,11). Vâng, đức ái là con đường mà Chúa Cứu Thế bước đến với nhân loại. Bởi chính vì thương xót con người đang ngập tràn đau khổ do tội gây ra mà Người sẵn sàng bước đến trần gian, nhằm đưa con người thoát khỏi chốn u mê, dẫn đưa họ vào nguồn sáng. Việc hạ cố đến trần gian của vị Thiên Chúa chỉ có thể xảy ra do lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài, nên Ngài cũng muốn được con người đón tiếp không bằng trống phách, cờ quạt linh đình, nhưng bằng tấm lòng tràn ngập yêu thương đối với tha nhân, nhất là với người cùng khốn. Đức Phanxicô đã nói: “Cái gì ‘đẹp lòng Thiên Chúa nhất?’. Đó là tha thứ cho các con cái Ngài, thương xót chúng, để tới lượt chúng, chúng cũng tha thứ cho các anh em khác, bằng cách chiếu toả rạng ngời như các ánh đuốc của lòng thương xót trên thế giới này”. Vì thế, trong tâm tình Mùa Vọng, mùa dọn mình để đón chào Chúa đến, “không có gì quan trọng hơn là việc lựa chọn điều làm Thiên Chúa hài lòng nhất, đó là lòng thương xót, tình yêu của Ngài, sự hiền dịu của Ngài, vòng tay ôm của Ngài, các vuốt ve của Ngài!” (Đức Phanxicô). Vâng, không có gì làm vui lòng Chúa hơn khi chúng ta biết công bố lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc chúng ta hành động để “thực sự góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới nhân bản hơn”, và nhất là biết sống độ lượng bao dung, biết tha thứ trong mọi môi trường sinh sống, nhất là trong gia đình, vợ chồng biết tha thứ và cảm thông cho nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy là những gương mặt của lòng thương Chúa được tỏ lộ cho mọi người.