Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Phút suy niệm ngày 4/12/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 4/12/2018
“Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21).
Là người trần mắt thịt thì chỉ xem thấy những sự việc của thế gian. Ông bà chúng ta ngày xưa muốn dạy cho con cháu những điều sâu xa hơn: "Ở hiền gặp lành. Gieo gió gặt bão..." là để cho con cháu đừng tin vào những điều mắt thấy tai nghe, mà hãy tin vào sự huyền nhiệm của trời đất mà giữ mình cho tốt. Có nhiều người giữ được các điều ấy.
Thời Chúa đến: Chúa Giê-su đến trần gian với sứ mạng mạc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa Cha. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa Cha trao ban cho con người cách quảng đại, vô điều kiện.
Lạy Chúa. Chúa đã ban cho chúng con là những kẻ bé mọn biết được các điều huyền nhiệm của Thiên Chúa Cha qua Ngôi Hai xuống thế làm người, Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con sống trọn vẹn tâm tình tha thiết mong đợi Ðấng Cứu Thế đến để cứu rỗi nhân loại chúng con. Amen.


THÁNH GIOAN ĐAMASCÊNÔ
LINH MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Trải qua bao nhiêu thế hệ cho tới ngày nay, mỗi lần nhắc nhớ tới chính sách tàn bạo của vua Lêô III thành Constantinôpôli là một lần gợi lên trong tâm trí các giáo hữu, nhất là những giáo hữu miền Đông phương, hình ảnh một nhân vật khả ái, thánh Gioan Đamascênô. Sở dĩ người ta năng nhắc nhớ đến ngài là nhờ một câu truyện phổ thông mà sau đây chúng tôi sẽ tường thuật lại. Đàng khác ngài còn là một nhân vật danh tiếng vì đã đứng lên cổ võ việc tôn sùng các ảnh tượng thánh, phản đối sắc lệnh bài tượng của nhà vua. Ngoài những danh tiếng đó, thánh nhân còn được Giáo hội Đông phương tôn kính và liệt vào số những nhà thần học thế giá nhất.
Thánh nhân sinh năm 675 tại Đamas, và bởi đấy, ngài mới có tên đệm là Đamascênô. Gia đình thánh nhân thuộc bậc thượng lưu vì đã bao đời theo cha truyền con nối giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy hành chánh quốc gia. Ông thân sinh Đamascênô quý danh là Sergiô, tuy sống giữa những người ngoại giáo, nhưng vẫn giữ được nề nếp của con nhà giáo hữu. Ông đã chi dụng rất nhiều tiền của để làm những công việc bác ái, hơn nữa, ông đã lợi dụng địa vị và thế giá của mình để chuộc lại nhiều người công giáo đã bị quân Hồi giáo bắt về Đamas bán làm nô lệ.
Trong số những người tù nhân đó có một tu sĩ người Italia tên là Cosma, một người rất giỏi triết lý và thông thạo nhiều thứ tiếng. Dáng người nho nhã và kiểu cách lễ độ của tù nhân đó đã khiến nhiều người cảm mến. Nhưng riêng thầy Cosma lại mang một nỗi niềm u uẩn: không phải viễn ảnh một cái chết rùng rợn mà thầy lo sợ, nhưng thầy lo không có ai để mà truyền lại cho cái kho kiến thức với bao vốn liếng tinh thần mà thầy đã vất vả thu lượm.
Từ lâu ông thân sinh của Đamascênô vẫn chủ tâm tìm một người có đủ khả năng để giáo dục cho cậu Đamascênô, Chúa Quan phòng đã khéo liệu cho ông được gặp tù nhân thông thái kia mà người ta sắp đem đi giết. Ông chạy vội đến xin bỏ tiền ra chuộc thầy Cosma và đón về nhà làm thầy dạy cho Gioan cùng với một cậu nữa cũng tên là Cosma, là con nuôi của ông. Nhờ sự chăm nom dạy dỗ của thầy Cosma, hai trẻ ganh đua học tập và rất thông minh, chẳng bao lâu hai cậu đã qua hết các môn học cao cấp và danh tiếng của thời đại. Thế rồi một hôm cùng đi dạo với hai sinh viên tuấn tú, thầy Cosma đã nói ra ý định thầm kín của mình là muốn trở lại dòng tu. Ông Sergiô tuy vẫn giữ mối tình lưu luyến thắm thiết nhưng đành phải để thầy ra đi theo tiếng gọi của lý tưởng. Còn Gioan, với vốn liếng học thức đã hấp thụ được của thầy Cosma, từ nay có thể theo cha vào triều và giúp cha trong công việc hành chính một cách đắc lực. Ít lâu sau, thân phụ từ trần, Gioan lại được may mắn kế chân cha giữ chức vị cũ. Tuy còn trẻ tuổi nhưng Gioan đã gây được thiện cảm và ảnh hưởng tốt đối với giới quan liêu. Thế rồi, chẳng bao lâu, từ chức tham tá, Gioan được thăng Tỉnh trưởng Đamas năm 730.
Trong thời gian Gioan làm tỉnh trưởng Đamas, một sự kiện đã xảy ra khiến cho những người có tâm huyết như Gioan đều phải suy nghĩ. Số là từ năm 717, Lêô người miền Isauria được lên làm quốc vương thành Constantinôpôli. Tới năm 726, không hiểu vì một lý do nào thúc đẩy, nhà vua đã ban hành sắc lệnh đầu tiên phản đối việc tôn sùng những ảnh tượng thánh. Ban đầu vua chỉ mới cấm việc sùng kính những ảnh tượng đó trong các nhà thờ; bốn năm sau, nhà vua còn ngang nhiên ra lệnh hạ bệ tất cả những ảnh tượng trưng bày trong các giáo đường cũng như ở khắp các công trường.  Sắc lệnh ban ra, gây nên một dư luận sôi nổi trong dân chúng và khiến nhiều người phải đổ máu vì đã đứng lên tranh đấu cho tín ngưỡng.
Người ta phải kể đến ba nhân vật danh tiếng đã làm rạng danh cho Giáo hội. Đó là Đức Germanô thượng phụ thành Constantinôpôli, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô II và thánh Gioan Đamascênô. Thánh nhân đã tỏ ra hăng hái và mạnh dạn hơn cả. Ngài đã viết ba bản kiến nghị với những lời lẽ rắn rỏi để trình bày cho nhà vua biết lý do việc tôn sùng các ảnh tượng thánh. Ai ngăn cấm việc đó tức là phạm đến quyền tín ngưỡng của dân tộc. Biết không thể thẳng tay và trực tiếp trừng trị đối thủ có tiểu vương Đamas che chở, vua Lêô đã sáng nghĩ ra một mưu kế thâm độc. Sau khi đã kiếm được một bức thư có chữ viết của chính thánh nhân, nhà vua giao cho viên chưởng khế bắt chước nét chữ đó rồi mạo một bức thư ký tên Đamascênô gửi cho Hoàng đế Lêô, trong thư nói đến âm mưu Đamascênô định trao nộp thành phố cho vua Lêô. Rồi nhà vua gửi thư báo cho tiểu vương Đamas biết chính một quan chức của tiểu vương đã bội phản làm nội công cho mình. Để làm tang chứng, ông đã gửi kèm bức thư giả đó.
Vua Lêô đắc ý, ung dung đón chờ kết quả xảy ra đúng như ý muốn. Tiểu vương Đamas đùng đùng nổi giận, lập tức truyền gọi tỉnh trưởng Đamascênô đến trình diện. Không nghe chi lời biện bạch của tỉnh trưởng, tiểu vương truyền lệnh chặt ngay tức khắc cánh tay phải của Đamascênô. Nạn nhân được phép mang cánh tay đã bị chặt về. Ngài đi thẳng tới nhà nguyện và cầu xin với Đức Maria: "Lạy Trinh Nữ Maria vẹn sạch, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ rõ tại sao người ta cắt tay con. Nhưng Mẹ quyền phép, Mẹ có thể chữa khỏi tay con. Con khẩn khoản nài xin Mẹ cho con ơn đó để từ nay con sẽ dùng cánh tay viết những lời ca tụng Mẹ và Chúa Giêsu con Mẹ". Rồi ngài thiu thiu ngủ, và trong giấc điệp, Đức Mẹ hiện ra với ngài và nói: "Ta chữa con khỏi rồi đó, đến lượt con hãy sáng tác những ca vãn ca tụng Mẹ như lời con đã hứa". Khi tỉnh dậy, Gioan thấy cánh tay liền lại, không một dấu vết gì chứng tỏ tay đó bị cắt đứt, trừ một đường chỉ đỏ quấn quanh như một chiếc vòng. Sau tiểu vương biết Gioan vô tội lại cho ngài phục lại chức cũ. Nhưng thánh nhân đã từ bỏ danh vọng trần tục để được hoàn toàn hiến thân phụng sự Chúa.
Ngài phân phát gia sản cho người nghèo khó, rồi tìm đến lánh mình ở tu viện thánh Sabas, nơi đây, tu sĩ Cosma, thầy dạy cũ của ngài cũng đã náu mình mấy năm trước. Ban đầu, các tu sĩ trong dòng không ai dám nhận công tác trông coi và dìu dắt tu sĩ mới kia,vì cho rằng đó là trách nhiệm nặng nề. Mãi lâu sau, tu viện trưởng Nicôđêmô mới giao Gioan cho một tu sĩ già khó tính rất ghét thơ văn và ca nhạc là hai môn mà Gioan lại rất mê say và hứng thú. Vì thế Gioan gặp nhiều điều trái ý bực mình nhưng ngài vui lòng đón nhận không hề hở môi ta thán. Thêm vào luật giữ yên lặng rất khắt khe, nhiệm nhặt, luật nhà còn triệt để cấm viết lách hoặc học những môn đời. Gioan vẫn hoàn toàn vâng lời thà để cho tài nghệ lu mờ còn hơn là lỗi phạm luật dòng.  Nhưng rồi những ngày đen tối qua đi, tu sĩ cao niên có nhiệm vụ "quản thúc" Gioan được lệnh trong chiêm bao truyền phải chấm dứt những thử thách kia. Từ đó, Gioan được phép theo học những môn học yêu quý của mình. Ngài hăm hở bắt tay ngay vào việc sáng tác những ca vãn. Và cũng từ đó tiếng tăm ngài lừng lẫy. Ít lâu sau, vào năm 735, Gioan thụ phong linh mục. Thụ phong rồi ngài còn ở lại tu viện một thời gian khá lâu, chỉ đôi khi mới ra ngoài giảng thuyết.
Nhiều tác giả chép truyện ngài đã thêu dệt hoặc nói không đúng về quãng cuối đời ngài. Có người cho rằng thánh nhân đã bỏ tu viện và chạy rảo khắp các tỉnh Đông phương để hun đúc và củng cố lòng đạo đức cho các tín hữu, hầu đương đầu nổi với những cuộc tấn công của phái bài tượng; lòng nhiệt thành đó cuối cùng đã đưa ngài đến phúc tử đạo. Một số tác giả khác lại quả quyết rằng ngài chết yên hàn trong phòng riêng ở nhà dòng.
Căn cứ vào những bài diễn giảng Kinh thánh mà ngài còn để lại, người ta được biết thánh nhân đã đi giảng thuyết ở nhiều nơi và hoạt động cho tới khi về già. Nhưng trong những năm cuối đời, thánh nhân đã lưu ngụ tại nhà dòng để chuyên chú vào những môn học của nhà dòng. Ngài cũng dùng thời giờ còn lại để sửa chữa những tác phẩm ngài đã sáng tác cho văn từ và tư tưởng thêm chải chuốt và khúc chiết hơn.
Công việc đang tiến hành thì ngài bị bệnh và qua đời. Người ta không biết đích xác đó là năm nào; nhiều người đồng ý cho là năm 754, kẻ khác lại nhận năm 780. Nhưng ai nấy đều đồng ý công nhận là thánh nhân đã được hưởng một tuổi thọ khá cao và đầy công phúc.
Quý danh thánh nhân đã được ghi vào Tử đạo thư của Giáo hội Hy lạp và được mừng lễ vào ngày 04 tháng 12. Sách Tử đạo Rôma lại ghi bài tán dương công đức thánh nhân vào ngày 06 tháng 5. Đến sau, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã mở rộng việc tôn kính thánh nhân trong khắp Giáo hội, đồng thời truy phong ngài huy hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Các bài kinh sách thuộc phần giáo huấn trong lễ đã tóm tắt tiểu sử cuộc đời của thánh nhân.
Riêng phép lạ Đức Mẹ chữa cánh tay ngài (nhiều người cho đó là một câu chuyện thêu dệt và có tính cách hoang đường) đã là đề tài cho bức họa rất thời danh nơi những người Serbia; bức họa đó nhan đề Trikheis nghĩa là "người có ba tay". Để ghi ơn Đức Mẹ, chính thánh nhân cũng đã cho treo vào tượng Đức Mẹ một cánh tay bằng bạc. Vì thế nhiều bức họa đã vẽ hình Đức Mẹ với ba taỵ  Tuy là những bức tranh ngộ nghĩnh và có vẻ "rối đạo", nhưng thực ra nó đã chứa ẩn một lòng thành kính và biết ơn sâu xa của một người con hiếu thảo; đồng thời nói lên trang sử vẻ vang của một bậc anh hùng đã đứng lên tranh đấu, bảo vệ việc tôn kính ảnh tượng các thánh. Người anh hùng đó chính là thánh Gioan Đamascênô.