Anh em thân mến, cuộc đời anh em đầy khó khăn thử thách sao? Vậy thì anh em hãy vui mừng lên vì sự khó khăn làm phát sinh đức kiên nhẫn. Khi đức kiên nhẫn đã kiện toàn, anh em sẽ trở nên mạnh mẽ, hoàn toàn và sẵn sàng trong mọi sự (Giacôbê 1, 2 – 4).
Chúa đã có một chương trình đặc biệt cho đời bạn từ lâu rồi, trước cả khi bạn sinh ra. Chúa đã tạo dựng nên bạn với rất nhiều tình yêu và chăm nom săn sóc bạn. Mỗi chi tiết cụ thể, mỗi đặc điểm đã được lựa chọn theo dự tính và ý muốn của Chúa: hình dáng của bạn, khả năng, quê quán, gia đình bạn
không có gì liên hệ đến bạn đã do sự tình cờ mà ra. Chúa đã tìm kiếm bạn và lôi kéo bạn đến với Người vì tình thương của Chúa, thông qua những hoàn cảnh chuẩn bị cho mục đích duy nhất đó. Chúa đã tái sinh bạn, cho bạn một cuộc sống mới nhờ Thánh Linh khi bạn chấp nhận Chúa Con, Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ bạn và khi bạn đã được thanh tẩy, chìm ngập trong Thánh Linh. Và chương trình của Chúa bây giờ là làm cho bạn toàn hảo trọn vẹn.
Nhờ đức tin, Chúa cho ta trở nên công chính và chúng ta trông đợi trong niềm vui và cậy tin, ta sẽ thành thực sự như Chúa muốn (Rom 5,2). Chúa muốn ta được kiện toàn! Dĩ nhiên chúng ta biết tất cả những điều đó! Chúa muốn chúng ta có thêm tình thương, lòng nhân ái, lòng kiên nhẫn, đức tin, sự bình an, đức dịu hiền, khiêm nhu, tự chủ, để chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực khắp mọi nơi! Có phải vậy không?
Chính thế, nhưng phần đông chúng ta nghĩ rằng điều ấy có nghĩa là phải có một chương trình hành động chặt chẽ để có thể tự hoá mình bằng cách trở nên thân mật hơn, kiên nhẫn hơn, khiêm nhu và tự chủ hơn. Và càng cố gắng, người ta càng thất vọng.
Chính Chúa thay đổi chúng ta, chứ không phải chúng ta có thể tự mình thay đổi chính mình. Chúa muốn chúng ta tin tưởng vào Chúa, và để Chúa làm mọi sự.
Thưa anh em, bởi vì Chúa đã tỏ hiện lòng lân tuất của Chúa cho ta như thế, nên tôi xin anh em hãy tự hiến thân làm của hy sinh sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa hầu trở nên lễ vật xứng hợp. Đừng theo thói dương gian, nhưng hãy cách mạng tâm trí anh em cho ra mới mẻ, và anh em sẽ thấy trong thực tiễn rằng ý Chúa tốt lành, hoan hỉ và toàn thiện dường bao (Rom 12, 1-2).
Chúa thay đổi chúng ta như thế nào? Làm sao Chúa có thể xoá bỏ những cách suy nghĩ và hành động xưa cũ mà chúng ta đã có từ nhiều năm qua – tất cả những tính tình nhân vị thiện cảm và ác cảm tự nhiên, những ưa thích, những chống đối..v..v
Dưới ánh sáng của Thần Chân lý những điểm đó lộ ra rõ ràng thuộc bản năng vị kỷ, hung hăng, ích kỷ mà từ bao nhiêu năm đã làm chúng ta xa cách Chúa và xa cách anh em.
Chúa đã dùng phương pháp nào để thay đổi chúng ta ?
Hiện nay, anh em còn thử thách nhiều. Nhưng đó không phải là một sự tình cờ, và anh em hãy vui mừng. Anh em phải sầu khổ vì nhiều thử thách trong ít lâu, ngõ hầu đức tin anh em điêu luyện trở nên quý hơn vàng (thử lửa) mà được ca tụng vinh hiển và tôn trọng khi Đức Giêsu Kitô hiện đến (1 Phêrô 1,6-7).
Như thế đứùc tin của chúng ta lớn lên! Và chúng ta đã thấy ở trên rằng sự kiên nhẫn bền bỉ, dẻo dai tăng trưởng khi cuộc đời chúng ta đầy những khó khăn, thử thách và rắc rối.
Một vài người nói: Nếu đó là phương tiện duy nhất để thêm đức kiên nhẫn và đức tin thì tôi muốn có một đức tin yếu hơn một chút. Nếu đó cũng là tư tưởng của bạn, thì bạn chưa thành thật tin cậy vào Chúa. Trong đáy lòng bạn, bạn đã nghi ngờ chương trình của Chúa và tình yêu của Chúa đối với bạn.
Khi Chúa sai tiên tri Giêrêmia nói với dân Do Thái bị lưu đầy ở Babylon rằng cuộc lưu đày ấy sẽ lâu dài (70 năm) và dân Do thái phải biếùt thích nghi với hoàn cảnh thì Chúa nói thêm : Ta vẫn ý thức những cảm nghĩ đối với các ngươi, tư tưởng hoà bình chứ không tai hoạ cốt cho các ngươi nhẫn nại tới cùng (Giêrêmia 29,11) . Những năm đau khổ ở Babylon cũng nằm trong chương trình của Chúa, đối với dân Người; Và đó là chương trình hoàn hảo nhất đưa đến tương lai và hy vọng.
Chương trình của Chúa đối với bạn và đối với tôi là chương trình hay nhất. Bạn có tin điều đó không?
Đức tin của chúng ta không thể lớn lên trong những hoàn cảnh dễ dàng và sung sướng sao? Có chứ. Nhưng nó tùy theo mức độ của đức tin và của lòng cậy trông của chúng ta đối với những lời hứa của Chúa. Nhưng sựï thanh lọc và những thử thách của đức tin phải được thể hiện qua những biến cố và đó là một sự thách đố đối với ý chí chúng ta để tin vào lời Chúa, để chỉ dựa vào lời Chúa mặc dù tất cả những gì mà cảm quan của ta có thể xúi giục, gợi lên cho ta.
Từ lâu, chúng ta quen để cho những cảm giác, những sự xúc động hay lý trí chúng ta hướng dẫn ta. Ta phải dứt bỏ thói quen này để có thể tin, và đức tin, xin nhớ, đó là ý chí quả quyết muốn đặt niềm cậy trông vào một cái gì mà chúng ta không thể thấy cũng không thể cảm thụ được.
Như thế, đức tin tăng trưởng – Chúa đã nói Chúa hướng mọi sự vào điều tốt lành cho chúng ta, cả khi mọi sự có vẻ như đi ngược lại – khi chúng ta tin chắc vào lời Chúa và biết cám ơn Chúa vì tất cả mọi sự đã xảy ra .
Theo ý bạn, đức tin của Abraham đã lớn lên như thế nào?
Bạn có thể tin, đến độ đứa con trai duy nhất lên núi để tế hiến, chỉ vì Đấng Toàn Năng đã phán, và cứ tiếp tục nghĩ rằng do đứa con trai duy nhất này Chúa sẽ chúc lành và gia tăng miêu duệ của bạn ?
Nếu bạn là một người bạn của Abraham, bạn có thể nhìn hành động điên rồ của ông ta, trong niềm tin và ca tụng, và nghĩ rằng dù ông có sai lầm thì Chúa cũng hướng mọi sự vào điều tốt lành cho người bạn của bạn không?
Chỉ có Chúa mới có thể tái tạo chúng ta, uốn nắn chúng ta từ bên trong. Phần chúng ta thì hãy theo lời khuyên của Thánh Phaolô khi người nói với các tín hữu La mã: Chúng ta hãy đặt mình hoàn toàn trong bàn tay Chúa, và tin rằng Chúa quyền năng, cai quản mọi sự, sau đó thì hãy chấp nhận nhanh nhẹn, vui vẻ và biết ơn tất cả những hoàn cảnh mà Chúa dùng để thực hiện sự biến cải này trong đời chúng ta
Chắc bạn cũng biết câu chuyện của người mục sư kia. Ông cầu nguyện để xin cho được kiên nhẫn hơn: sáng hôm sau, ông bỗng nghe tin người thư ký rất giỏi, từ lâu năm vẫn làm việc với ông, nay ngã bệnh. Người đến thay thế là một cô gái quá chậm chạp. Ông mục sư nổi giận trong lòng cho tới khi ông nhận ra rằng, cô thư ký mới này là câu trả lời của Chúa cho lời cầu xin của ông. Nếu không có người này, làm sao ông có thể thêm đức kiên nhẫn được? Ông liền cám ơn và ca tụng Chúa đã chọn cho ông người thư ký mới đó, và người này khi đã biết việc thì trở nên rất lanh lẹ.
Đức tin và lòng kiên nhẫn đó là những nét căn bản của chứng tá Kitô hữu. Nhưng ta không nên quên một điểm khác, mà nếu không có nó thì ta không thể hiểu Tin Mừng. Trước tiên hãy tìm kiếm đức ái thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Côrintô (Cor 14,1).
Tình thương sâu sắc giữa các con chứng tỏ các con là môn đệ của Ta (Gioan 13,15).
Đây là giới răn của Ta: Hãy yêu nhau như ta đã yêu các con
. Để cho niềm vui của các con
trở nên trọn vẹn (Gioan 15,11-12). Bác ái, bác ái. Các Kitô hữu nói về bác ái nhiều lắm. Chúa là tình thương, Đức Giêsu thương bạn, tôi thương bạn
.! Nhưng chúng ta đã thiếu tình thương vô cùng đối với nhau.
Chúa Giêsu nói : Ta truyền cho các con con hãy thương nhau như Ta thương các con (Gioan 15,12).
Tình thương đối với chúng ta có một giá trị cao hơn mọi sự ở trên đời. Chúng ta đã được tạo dựng nên để kính Chúa và thương yêu nhau. Khi chúng ta không biết yêu thương thì đã xảy ra bao điều kinh khủng. Chúng ta gặp lại nhau đầy hận thù, căm tức, đầy mặc cảm tội lỗi và chúng ta sợ nhau.
Những nỗi xúc động của chúng ta, những nỗi lo sợ và thất vọng, bản năng tự vệ, sự hung hăng
.: tất cả đều do thiếu tình thương .
Những nhà giáo dục, những nhà tâm lý học, những nhà xã hội học và các nhà chuyên môn khác đều đã nói đến cái ảnh hưởng đầy hiệu lực của tình thương trong việc làm phát triển nhân cách con người .
Tình thương đó biết chấp nhận người khác, tin tưởng, vào người khác, tốt bụng và kiên nhẫn, không bao giờ ích kỷ hay ghen ghét, kiêu sa; một tình thương vô vị lợi và không tìm cách khuất phục người khác, không giận hờn cũng không ghét gỏng, không để tâm thù oán cũng không nghiêm khắc đối với những sai lầm của người khác; một tình thương chân thành, biết tin tưởng và chờ đợi cái tốt nơi người khác và không vui mừng vì những cái xấâu của người khác, nhưng luôn sung sướng vì chân lý đã thắng. Một tình thương như thế sẽ chấp nhận tất cả và vượt lên mọi hoàn cảnh mà không bị sa ngã.
Đó là tình thương mà Chúa đã yêu ta và muốn chúng ta yêu nhau. Đó là thứ tình yêu có thể chữa lành những vết thương cũ, xoá bỏ những sợ hãi và làm tan biến mọi nỗi chua chát giận ghét. Đó là thứ tình yêu cứu chữa chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng yêu thương trở lại mà không sợ bị xúc phạm hay bị xua đuổi.
Đó là tình thương mà những người Hy Lạp gọi là bác ái (Agape). Một sự thân ái huyền diệu, tự do, có ý thức và chủ đích. Chính tình thương này là hoa quả của Chúa Thánh thần và khi đã đạt đến độ viên mãn thì trở thành một ánh sáng lôi cuốn người ta về nguồn. Nguồn đây là tình yêu của Thiên Chúa đối với ta qua Đức Kitô.
Mỗi ân huệ và mỗi sự biểu hiện của Chúa Thánh Linh cho chúng ta chỉ có một mục đích mà thôi, đó là cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa và sự ưu ái của Chúa đối với mỗi nhu cầu của chúng ta. Chúa chữa lành vì tình yêu thương. Chúa làm phép lạ vì Chúa yêu thương. Chúa là tình yêu và năng lực của Chúa trong chúng ta và qua chúng ta là tình yêu – một tình yêu riêng biệt, thắm thiết, thần linh và huyền diệu cho mỗi một thọ tạo .
Điều Chúa đến loan báo cho thế gian là một bức thông điệp tình yêu, và chúng ta phải trở nên những sứ giả của tình yêu đó, trở nên những kẻ mang tình yêu của Chúa đến cho người khác. Nhưng để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này, Chúa muốn làm cho chúng ta thành những người biết yêu.
Nhưng nếu tình yêu chỉ đến từ Thiên Chúa, nếu nó là hoa quả của Thánh Linh, thì tại sao Chúa Giêsu lại truyền chúng ta phải biết yêu thương? Ở đây chúng ta đứng trước lời hứa của Thiên Chúa mà chúng ta phải biết chấp nhận trong đức tin.
Tình yêu là hoa quả của Thánh Linh và Kinh thánh nói rằng Thánh Linh sống trong chúng ta .Vì thế, chúng ta phải biết tìm thấy tình yêu nơi chúng ta. Chúng ta đã nhận được khả năng để yêu, nhưng chúng ta phải biết tin tưởng và phải muốn yêu, phải đi vào con đường tình yêu.
Hãy nhớ rằng bác ái là một tình yêu có ý chí và ý thức. Chúng ta phải yêu, cả khi mình không cảm thấy một chút tình cảm nào cả.
Việc gì sẽ xảy ra khi chúng ta đã quyết định hành động theo lời Chúa? Chúng ta hiểu rằng thái độ tin cậy này sẽ giải phóng năng lực huyền diệu của tình yêu thiêng liêng, chính năng lực này sẽ bắt đầu biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta trở nên càng ngày càng biết yêu thương trong khi nó chiếu tỏa qua chúng ta đến người mà chúng ta chấp nhận yêu thương một cách tự do .
Và việc ấy đã xảy ra trong thực tế như thế nào?
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi có khả năng yêu thương mỗi ngày một hơn và tôi đã đi đến chỗ nghĩ rằng về phương diện này, những thành quả tôi đạt được cũng khả quan. Trong khi đi đây đi đó và trò chuyện với cả triệu người đã được chúc lành bởi công việc mục vụ của tôi, tôi sung sướng cảm thấy luôn luôn yêu thương người khác nhiều hơn.
Cho tới một ngày nọ, tôi chạm chán với một nhân vật kinh tởm và khốn nạn chưa từng thấy. Trước cảnh tượng của sự trụy lạc đó tôi ý thức một cách hãi hùng rằng tôi không có một chút tình thương cho cô ta mà trái lại chỉ có một sự ghê tởm tự nhiên. Tất cả điều tôi mong ước là mong cho cô ta đi ngay khuất mắt tôi .
Đó là một cô gái tội nghiệp, đến bàn giấy của tôi vớùi một người lính, bạn cô ta. Khuôn mặt cô ta ẩn dưới một lớp phấn sáp cũ kỹ và đầy ghét bẩn. Tóc cô ta buông lòng thòng, cứng như những sợi kẽm gai. Áo quần dơ bẩn, rách rưới . Đôi chân đầy vết sẹo và dính đầy bùn. Người cô toát ra một mùi tanh hôi khó chịu tràn ngập căn phòng. Mặt cô cau có, cái nhìn đầy hận thù và cặp mắt sưng lên vì đã khóc nhiều quá.
Cô gái đau khổ này đã đến Fort Benning để báo cho người lính này biết là cô đang mang thai. Người lính này nhận lãnh trách nhiệm nhưng anh không muốn cưới cô ta. Cô nổi giận đến nỗi cô doạ sẽ giết anh ta. Cô ta đã từng có một đứa con hoang rồi, nên lần này cô nhất quyết phải cưới chồng nếu không thì cô sẽ tự tử.
Tôi nhìn cô ta và nghĩ rằng chưa bao giờ tôi gặp một người khắc khoải, bị bỏ rơi và ít gây thiện cảm với người khác như thế. Ngay cả ý muốn cầu nguyện cho cô ta cũng làm tôi kinh hãi. Tôi không muốn chạm đến cô ta.
Lạy Chúa, tôi cầu nguyện trong thâm tâm, tại sao Chúa đưa cô ta đến với con?
Đó là một trong những đứa con của ta, câu trả lời đến ngay. Cô ta bị bỏ rơi, cô ta cần tình thương của ta và cần ta chữa lành. Ta đưa cô ấy đến đây để con yêu thương và con nói về tình yêu thương của ta đối với cô.
Bỗng nhiên tôi xác nhận một cách đau đớn rằng tôi đã quá kiêu căng khi nghĩ rằng mình có khả năng biết yêu thương, bây giờ tôi chỉ cảm thấy kinh tởm đứng trước một người cần được yêu thương một cách tuyệt vọng
.
Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con. Con cám ơn Chúa đã cho con thấy rằng tình yêu của con có thể hời hợt và ích kỷ biết chừng nào. Xin Chúa hãy lấy đi sự bất lực của con và ban cho con tình yêu mà Chúa muốn con trao cho người đàn bà này.
Cô gái khóc nức nở, Cặp mắt đen tối và thất vọng dưới hai mí mắt sưng mọng và nhoè nhoẹt những phấn sáp.
- Thưa ông, cô ta nói: Xin ông làm một cái gì cho tôi .
- Cô có tin Thiên Chúa không?
- Có, cô gật đầu lẩm bẩm.
- Cô có tin rằng Chúa có thể giúp cô không ?
Cô ngập ngừng và chậm rãi nói:
- Tôi biết rằng Chúa có thể giúp tôi, nhưng tôi không tin rằng Chúa muốn giúp. Tôi đã là một Kitô hữu, nhưng bây giờ hãy nhìn tôi! Và dù Chúa có muốn giúp tôi, làm sao Chúa có thể kéo tôi ra khỏi hoàn cảnh éo le này.
- Chúa có thể muốn giúp chị. Tôi trả lời quả quyết, nhưng không cảm thấy vững dạ.
Cô lắc đầu, hai vai sụt xuống với một thái độ thất vọng hoàn toàn. Tôi nói:
- Tôi xin cô. Cô hãy cố gắng hiểu rằng Chúa thương cô. Chúa muốn ban cho cô tràn đầy niềm vui và sự bình an của Chúa, và giải quyết mọi vấn đề của cô ngay ngày hôm nay trước khi cô rời bàn giấy của tôi. Cô gái mở to cặp mắt, há hốc miệng nhìn tôi. Còn người lính thì anh ta có vẻ tưởng rằng tôi sẽ buộc anh ta cưới cô ấy.
Tôi tiếp:
- Chính chúa đã đưa cô tới đây ngày hôm nay. Chúa đã cho phép cô chịu đựng tất cả những sự khó khăn này để cho cô ý thức rằng Chúa thương cô vô cùng. Chúa có một chương trình rất kỳ diệu cho đời cô. Nếu cô biết tin cậy vào Chúa và cảm ơn Chúa vì tất cả những gì đã xảy đến cho cô, thì ngay bây giờ cô sẽ khám phá ra rằng Chúa đang đến giúp cô.
- Cám ơn Chúa? Cặp mắt cô ta lại ánh lên sự giận dữ. Tất cả điều tôi xin là được ông này cưới tôi để cho đứa con của tôi, ít ra cũng có được một cái tên.
- Hãy nhìn đây, tôi chỉ cho cô một câu trong Kinh thánh: Bất kỳ việc nào cũng tạ ơn đó là Thánh ý Chúa trong Đức Giêsu Kitô ngỏ cùng anh em hết thảy (1 Thes 5,18). Rồi tôi lật tiếp các trang và đọc câu này: Tất cả mọi sựï đều hướng về lợi ích của những người yêu kính Thiên Chúa (Rom 8,28).
Cô ta nhìn tôi, không tin, và tôi bỗng nhận thấy rằng không thể nói về tình yêu của Chúa hoặc một tình thương nào khác cho một người đã bị cuộc đời hành hạ đến thế. Cô ta không hiểu ý nghĩa của hai chữ yêu thương. Chỉ có Chúa mới có thể làm nảy ra trong trí cô tia sáng giúp cô hiểu ý nghĩa đó thôi.
- Tôi có thể cầu nguyện cho cô không?
- Có chứ. Tại sao không. Cô trả lời mệt mỏi.
Sắp sửa đặt tay lên đầu cô để cầu nguyện, tôi để ý rằng cô rất bẩn và cần phải được tắm rửa. Tôi rùng mình ghê tởm.
Lạy chúa, tôi thì thầm, tình yêu của Chúa đối với chúng con thật vô biên, nó to lớn cao cả biết bao so với tình yêu nhỏ bé mà chúng con có thể trao đổi cho nhau. Lạy chúa, con xin Chúa hãy chạm đến cô ta với tình yêu của Chúa và cho con biết yêu thương cô.
Với một cử chỉ quả quyết, tôi đặt hai tay lên đầu cô và bắt đầu cầu nguyện lớn tiếùng:
- Lạy Chúa, con biết rằng Thánh ý Chúa muốn chúng con ca tụng Chúa trong mọi sự. Không có gì xảy ra ở đời này mà Chúa không muốn và không cho phép. Đứa con yêu quý của Chúa đây đã bị đau khổ vì cuộc đời. Nó đau đớn, bị thương và bị bỏ rơi. Người ta xua đuổi nó, nhưng con, con biết rằng Chúa thương yêu nó. Xin cảm tạ Chúa vì tất cả mọi biến cố đã đưa cô đến điểm này. Xin Chúa hãy giúp cô. Con tin rằng Chúa muốn giúp cô thực hiện tình yêu của Chúa và giúp cô ca ngợi Chúa ngay từ bây giờ.
Dưới bàn tay tôi, tôi cảm thấy cô ta run rẩy. Chúa đang chạm đến cô ta bởi tình yêu của Chúa.
- Cô có thể cảm tạ Chúa vì tất cả mọi sự ngay từ bây giờ không?
Cô nức nở :
- Vâng lạy chúa, con cảm tạ ơn Chúa. Con thành thật cảm tạ ơn Chúa vì mọi sự .
Tôi tiếp tục cầu nguyện:
- Lạy chúa, con tin rằng bây giờ Chúa đã chữa lành trái tim đau khổ của cô – Chúa đặt trong cô một đời sống mới. Chúa ban cho cô niềm vui thay vì những tiếng khóc, sự thắng lợi thay vì sự thất bại. Khi tôi vừa dứt lời, nét mặt cô rạng rỡ qua màn lệ.
- Có việc gì xảy ra? Cô kêu lên. Tôi cảm thấy rất khác. Tôi không còn giận dữ nữa. Tôi cảm thấy rất bình an. Đây là lần đầu tiên mà tôi được như thế này. Tôi cảm thấy sung sướng, thật sự sung sướng.
Cô ta rất đỗi kinh ngạc:
- Tại sao thế nhỉ?
- Chính Chúa đã làm cho cô đấy, vì chúng ta đã tin vào Chúa và đã ca tụng Ngài. Tôi trả lời cô và bỗng nhiên ý thức rằng một phép lạ cũng vừa xảy ra trong tôi.
Tôi nhìn cô. Cô đã trở thành một người khác. Tôi muốn ôm lấy cô ta. Cô có vẻ rất trong sạch, rất thánh thiện, rất đẹp!
Cám ơn Chúa. Tôi cảm thấy vui vô cùng.
Thưa Chúa, con đã thương cô gái tội nghiệp này. Cám ơn Chúa đã làm thay đổi lòng con.
Tôi sẽ không bao giờ thành công để thương cô ta một chút, nếu tôi chỉ cố gắng thay đổi thái độ tôi một mình. Chính Chúa đã thay đổi tôi. Phần tôi, tôi phải chấp nhận là mình thiếu yêu thương và xưng tội đó ra, sau đó đặt mình dưới quyền năng của Chúa và tin tưởng vào sự biến cải hiệu nghiệm của Chúa.
Chúng ta càng cố gắng để sửa trị chúng ta, thì chúng ta càng thất vọng và đau khổ vì những thất bại của chúng ta.
Chúa chỉ cần chúng ta gặp vài người để cho chúng ta thấy rằng chúng ta không có khả năng yêu thương người khác. Chúa làm như thế không phải để cho chúng ta bối rối nhưng để cho chúng ta có dịp kinh nghiệm tình yêu của Chúa có thể xáo trộn cả cuộc đời chúng ta và cuộc đời của những người mà Chúa muốn chúng ta yêu thương.
Bạn có cảm tạ Chúa vì những người rất khó yêu ở xung quanh bạn không? Bạn có một người láng giềng khó tính không? Bạn có một người chỉ huy khó chịu không? Nếu có thì hãy cảm tạ ơn Chúa bởi vì Chúa thương bạn và muốn rằng niềm vui của bạn được hoàn toàn khi cho bạn có khả năng yêu thương những người ấy.
Phải, Chúa thương họ và muốn nhờ bạn đưa tình yêu của Chúa đến với họ. Chính tại trong gia đình chúng ta mà ta có dịp rất tốt để yêu thương và đó cũng là chỗ khó khăn nhất.
Có thể rằng đức lang quân hoặc phu nhân của bạn chỉ biết làm cho bạn nổi giận. Hoặc là tính tình cha mẹ rất khó khăn? Hoặc con cái bạn cứng đầu và không biết vâng lời.
Các con hãy thương yêu nhau Chúa Giêsu nói. Hãy chấp nhận nhau. Hãy cảm tạ ơn Chúa vì người này, người nọ.
Cám ơn Chúa vì một người say rượu, hoặc một đứa con vô ơn, chống đối thì thật là khó khăn. Không dễ gì thương một người từ chối tình yêu của bạn.
Cũng không dễ gì nhìn thấy cái xà trong mắt mình, hoặc cái công lý riêng của mình, lòng tự ái và cái vai trò tử đạo mà mình đã gánh từ mấy năm nay.
Chúng ta có đủ can đảm để xin Chúa đặt trên đường đi của chúng ta những người có thể giúp ta nhìn thấy cái xà trong mắt mình không?
Chúng ta có thể cảm ơn Chúa vì những người này chỉ vì họ khó tính không? Chúng ta có xưng tội mình đã không thể yêu thương họ vì họ khó chịu không? Chúng ta có thể đem đến cho Chúa ý chí chúng ta muốn yêu thương họ, rồi phó thác mình trong tay Chúa để Chúa nhào luyện, tái tạo chúng ta để chúng ta có thể yêu thương họ một cách toàn hảo và hợp với chương trình và thánh ý của Chúa trên chúng ta?
Nếu có thì chúng ta có thể chờ đợi một phép lạ của Chúa nơi chúng ta. Cái ấy có thể đến tức khắc. Ví dụ người ta có thể cảm thấy một tình yêu nóng bỏng đó có thể nguội lạnh và có người ngồi đó mà đợi nó nóng trở lại, chứ không cố gắng gì cả. Như thế thì rất nguy.
Để có thể yêu thưong một cách chủ động và tự do, như Đức Kitô đã yêu chúng ta, luôn luôn ta phải dùng lý trí của ta. Lúc ban đầu, nếu ta cảm thấy yêu hay không yêu thì điều ấy không thay đổi gì vào việc chúng ta yêu thương, Chúa sẽ chỉ cho chúng ta những phương thức rõ ràng và đặc biệt để chúng ta tỏ hiện tình yêu cho người mà Chúa đã đặt trên con đường của ta. Không bao lâu chúng ta sẽ cảm thấy một tình yêu sâu sắc hơn trước nhiều. Đó là một tình yêu chân thành và bền vững, vì nó bắt nguồn từ nơi cao xa hơn chúng ta là những người có giới hạn. Đó là tình yêu của Chúa tràn ngập lòng chúng ta và chảy lai láng qua những người sống xung quanh ta.
Đó chính là bén rễ trong tình yêu của Chúa. Trong mảnh đất mầu mỡ này, khả năng yêu thương của chúng ta mỗi ngày mỗi phát triển.
Đó là cách mà Chúa Thánh Linh sinh hoa kết quả trong đời chúng ta.
Merlin R. Carothers