Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXII TN B

Filled under:

1. Bài Đọc
            “Những người Biệt Phái và Luật Sĩ từ Giêrusalem đến tụ họp một bên Chúa Giêsu (1). Họ thấy có vài môn đệ Chúa Giêsu để tay như thường (2) mà ăn bánh, nghĩa là không rửa tay. Vốn người Biệt Phái và mọi người Do Thái không ăn gì trước khi rửa tay cẩn thận, giữ theo tập tục người xưa; và khi ở nơi công cộng về, họ chưa tắm rửa thì chưa ăn; lại có nhiều thủ tục khác họ giữ theo truyền thống, như rửa chén, rửa bình và rửa các đồ đồng. Vậy những người Biệt Phái và Luật Sĩ mới hỏi Chúa Giêsu: ‘Tại sao các môn đệ ông không giữ theo truyền thống người xưa, họ cứ để tay như thường mà ăn bánh?’. Chúa Giêsu đáp lại: ‘Isaia đã nói tiên tri đúng về các ông là những người giả hình, như có viết: ‘Dân tộc này chúc tụng ta ngoài môi. Còn lòng họ vẫn xa ta. Họ tôn thờ ta cũng vô ích. Họ dạy những đạo lý và luật lệ của người ta (3)’. Các ông bỏ luật Thiên Chúa truyền mà theo truyền thống của người ta’.
            “Người lại gọi dân chúng và bảo với họ: ‘Anh em tất cả, hãy nghe tôi nói và hiểu tôi cho rõ ràng. Không có gì ở ngoài mà vào trong người ta có thể làm cho họ trở nên dơ bẩn, nhưng chính thứ gì tự nơi người ta xuất ra mới làm cho họ dơ bẩn. Vì tự bên trong, tự lòng người ta phát xuất những ý tưởng xấu, nào ngoại tình, dâm dục, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả các điều xấu như thế từ trong mà ra mới làm dơ bẩn con người”.
 
2. Chú Thích
            (1) Một bên Chúa Giêsu: Có lẽ ở Galilê, vào khoảng tháng Sáu năm 29, mấy người kia có ý dò xét, xem Chúa Giêsu có ngôn ngữ cử chỉ gì để chỉ trích hoặc tố cáo.
            (2) Để tay như thường: Dịch theo bản La Tinh; có bản dịch ‘Để tay dơ bẩn’; nhưng nếu để tay dơ bẩn, thì người ta có lý chỉ trích, còn để tay như thường, vì đương sạch không cần phải rửa, thì không có lý do để phê bình.
            (3) Luật lệ của người ta: Đoạn văn này trích sách tiên tri Isaia: Chúa Thượng phánDân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ (Is 29,13).
 
3. Suy Niệm
            (1) Xưa nay, nhất là trong các tôn giáo hay là những người muốn theo luân lý đạo đức, đều tôn trọng truyền thống, nhiều khi quá đáng, cố chấp, gần như máy móc chỉ vì tục lệ. Họ lại nghiêm khắc kết án những ai không giữ theo truyền thống, nhiều khi đi vào từng chi tiết nhỏ mọn. Họ không ngờ xưa hay nay, người trước hay người sau, dù các bậc hiền triết thánh nhân, cũng có việc xác đáng hợp lý và việc sai lầm phi lý. Kính truyền thống là kính việc đúng và hay, không kính tất cả mọi việc của người xưa. Vẫn hay vì có xứng đáng tốt đẹp mới lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhưng cũng có khi vì chưa có ai nhận thấy, hay dám nói lên những điều sai lầm; thành thử có người giữ theo truyền thống, lại giữ những điều tai hại. Nhiều khi thay đổi truyền thống lại là một thứ cách mạng cần thiết. Điều hệ trọng là bao giờ cũng phải theo chân lý và bỏ sai lầm, không phải chỉ biết theo xưa hay là theo người này kẻ khác. Nếu chỉ theo xưa thì làm sao có tiến hóa? Chính trong các tôn giáo, cũng có nhiều người vẫn tưởng phải theo xưa, phải trở về nguồn, vì muốn đúng theo Giáo Chủ, các vị sáng lập hay các vị truyền giáo ban đầu. Nhưng chính ngôn ngữ hay cử chỉ và vật dụng của các vị cũng phải tùy thời gian và không gian. Nếu chỉ theo hình thức của các ngài, nhưng không phân biệt ý nghĩa, nghĩa bóng và nghĩa đen, không chắc đẹp lòng các ngài. Nói về tôn giáo, nhiều khi không thể đặt trọng vấn đề lâu năm, vì có nhiều tôn giáo xuất hiện trước chưa chắc đúng hơn những tôn giáo xuất hiện sau. Tôn giáo dựa vào chân lý, không dựa vào truyền thống lâu đời.
 
            (2) Như Chúa Giêsu đã dạy rõ ràng, không nên bỏ luật Thiên Chúa là chân lý mà theo truyền thống của người ta. Tìm trong truyền thống những điều chứng minh và chứng cứ chân lý, nghĩa là đã có những lời nói hay những cách thức của các bậc thánh hiền đúng theo luật Thiên Chúa; không phải bất cứ lời nào hay việc gì của ai trong quá khứ. Ngay trong các bậc hiền triết Đông Tây, hay là thánh thiện trong một tôn giáo với nhau, có biết bao nhiêu điều mâu thuẫn. Vì đã là người, ở thời đại nào, tôn giáo nào, xứ sở nào, cũng có thể có điều sai lầm. Muốn trung thành với Thiên Chúa là trung thành với chân lý, cần phải tìm phân biệt điều nào đúng, điều nào sai, không phải chỉ vì có người xưa đã nói hay đã làm. Chính những người có trách nhiệm về tôn giáo, càng phải cẩn thận suy tư và phân biệt. Không nên học truyền thống cách thuộc lòng, theo truyền thống cách máy móc, và bắt người khác cũng học và cũng theo như mình. Thiên Chúa không muốn người ta sống như cơ khí; nhưng Thiên Chúa đòi hỏi mỗi người phải tìm theo chân lý. Tôn giáo đúng nghĩa bao giờ cũng giúp cho người ta sinh hoạt theo chân lý, tinh thần và tự do, linh động và tiến hóa, không phải một thứ gì như xác chết hay vật hóa thạch, cô đọng, cứng đờ, của thời đại nào để lại, hay của nơi nào đưa đến. Bao giờ cũng rất hợp thời và hợp cảnh. Thực ra, không có vấn đề bảo thủ hay là cấp tiến, Đông Á hay Tây Âu. Vì Thiên Chúa là chân lý muôn đời, chung cho cả mọi người, tất cả các dân tộc và mọi thời đại.
 
            (3) Như trong vấn đề thanh sạch, Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng. Cần phải phân biệt hình thức và ý nghĩa, vật chất và tinh thần, hữu hình và vô hình. Ngày xưa, muốn nhắc cho người ta nhớ thanh sạch là cần, nên có những lễ nghi hình thức, như rửa tay trườc khi làm việc thờ phụng. Dù tin chắc tay mình vẫn sạch, nhưng phải giữ cho đúng nghi thức. Từ đó, người Do Thái đưa vào cả những việc ăn uống. Đây là điều thuộc về vệ sinh vật chất, không còn phải là việc tôn giáo tế lễ. Biết chắc tay mình vẫn sạch, thì không cần phải giữ nghi thức rửa tay, trừ phi đến nơi nào có luật lệ nơi ấy. Dơ bẩn vật chất là vì có thứ gì không thích đáng hay không thích hợp mà vào nơi mình. Còn dơ bẩn tinh thần là thứ gì không thích đáng hay không thích hợp lại tự nơi mình phát xuất ra. Đó là điều tội lỗi, là thứ không thích đáng và không thích hợp với con người. Mục đích của mình là giữ mình sáng suốt chân chính, bác ái và công bình, trước là để làm đẹp lòng Thiên Chúa, sau là mưu hạnh phúc cho mình và người khác. Vậy điều gì trái với mục đích này lại tự nơi mình phát xuất thì làm dơ bẩn chính mình. Chúa Giêsu phân biệt rõ ràng lễ nghi về tinh thần và công việc về cơ thể, cả hai đều do luật của Thiên Chúa. Việc nào nên giữ làm sao và khi nào, không bao giờ chê trách hay hủy bỏ một việc gì đúng ý nghĩa và hợp mục đích cho cơ thể hay tinh thần, khoa học hay tôn giáo, hoặc là việc xã giao thù tạc giữa đời./-

                                             @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy