TẤM ÁO, TẤM LÒNG!
Nước Trời cũng giống như chuyện môt vua kia mở tiệc cưới cho con mình… Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới… Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài…” (Mt 22,1-14)
Suy niệm: Dường như Lời Chúa bao giờ cũng có một cái gì đó có vẻ nghịch lý, cách riêng nơi bài Tin Mừng hôm nay: Sao lại đòi một kẻ qua đường, bất ngờ được mời vào dự tiệc cưới, phải mang y phục lễ cưới? Nhưng điểm nghịch lý này lại chính là chìa khoá để mở cánh cửa Nước Trời. Nước Thiên Chúa là nước dành cho mọi người; đây là “TÍNH CÔNG GIÁO” của đạo Chúa. Điều kiện không thể thiếu để vào Nước Trời – một tấm áo dự tiệc cưới – đó chính là tấm lòng “TIN-CẬY-MẾN”, điều làm cho con người trở nên xinh đẹp, xứng đáng đến trước Thiên Chúa Đấng ba lần Thánh.
Mời Bạn: Thiên Chúa thương chúng ta thật đấy; nhưng phần ta cũng phải đáp lại bằng một đời sống xứng đáng với tình thương ấy; chớ chẳng lẽ ta cứ ỷ lại vào Chúa “vì Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành” mãi sao ?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày ta dệt thêm một sợi chỉ vào tấm áo thánh thiện của mình bằng một việc lành nho nhỏ: bớt một lời nói hành, lượm một cái rác nơi công cộng, điều chỉnh âm thanh để khỏi làm phiền lòng hàng xóm những lúc họ cần yên tĩnh nghỉ ngơi…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống xứng đáng là người được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời đó là biết thực hành niềm tin-cậy-mến. Xin dạy con biết làm chứng cho Nước Trời bằng việc nhận ra và phụng sự Chúa nơi tha nhân. Amen.
Thánh Bernard ở Clairvaux (1091-1153)
|
Nhân vật của thế kỷ! Phụ nữ của thế kỷ! Chúng ta nghe những câu xưng tụng này quá nhiều đến độ ngày nay câu ấy không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng "người của thế kỷ 12" thì chắc chắn phải là Thánh Bernard ở Clairvaux. Vị cố vấn cho các giáo hoàng, tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn sự li giáo, người canh tân đời sống đan viện, học giả Kinh Thánh, thần học gia và hùng biện gia: bất cứ danh hiệu nào kể trên đều làm nổi nang một người bình thường. Tuy nhiên, Thánh Bernard có tất cả những danh hiệu ấy - nhưng ngài vẫn mong muốn trở về đời sống âm thầm của đan viện.
Vào năm 1111, khi 20 tuổi, Bernard từ giã quê nhà ở Burgundy, nước Pháp, để gia nhập cộng đồng đan sĩ ở Citeaux (Xitô). Năm người anh em, hai người chú của ngài và khoảng 30 người bạn theo ngài vào đan viện. Trong vòng bốn năm, một cộng đoàn đang tàn lụi đã phục hồi sinh lực đủ để khai sinh một đan viện mới trong thung lũng Wormwoods gần đó, với Bernard làm đan viện trưởng. Nhiệt huyết của người thanh niên trẻ tuổi này là một đòi hỏi thật khắt khe, nhưng đối với chính ngài hơn là với người khác. Một cơn bệnh nặng đã khiến ngài kiên nhẫn hơn và thông cảm hơn. Không bao lâu, thung lũng này được gọi là Clairvaux, thung lũng ánh sáng.
Ngài có tài phân xử và cố vấn. Do đó, càng ngày ngài càng phải xa đan viện để giải quyết các tranh chấp đã có từ lâu trong Giáo Hội. Trong một vài trường hợp, hiển nhiên ngài đã dẫm chân lên một vài chức sắc khó tính ở Rôma. Thánh Bernard hoàn toàn vâng phục tính cách ưu việt của Tòa Thánh. Tuy nhiên, để trả lời một lá thư cảnh cáo từ Rôma, ngài viết, các giáo phụ tốt lành ở Rôma có quá nhiều việc phải làm để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Nếu có bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì ngài sẽ là người đầu tiên cho họ biết.
Sau đó không lâu, chính Thánh Bernard là người đã can thiệp vào một vụ li giáo đang bùng nổ mạnh và đã đứng về phía đức giáo hoàng ở Rôma để chống với phe ngụy giáo hoàng.
Trong cuộc Thập Tự Chinh II, Tòa Thánh thuyết phục được Thánh Bernard nhận làm tuyên uý cho cuộc viễn chinh này. Tài hùng biện của ngài đã giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh và dường như đảm bảo cho sự chiến thắng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo quân sự thì không giống như chủ trương của Thánh Bernard, và cuộc thập tự chinh đã kết thúc như một thảm họa về luân lý và quân sự.
Thánh Bernard cảm thấy phần nào có trách nhiệm trong sự suy sụp của thập tự chinh. Gánh nặng ấy có thể đã dẫn đến cái chết của ngài vào ngày 20 tháng Tám 1153.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Bernard trong Giáo Hội thì tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Các nỗ lực của ngài tạo nên nhiều kết quả sâu rộng. Nhưng ngài biết, các kết quả ấy chỉ sinh nhiều ích lợi qua các giờ cầu nguyện và chiêm niệm để đem đến cho ngài sức mạnh và đường hướng khôn ngoan. Đặc điểm cuộc đời ngài là sự sùng kính Đức Maria. Các bài giảng và văn bản của ngài về Đức Maria vẫn còn được coi là tiêu chuẩn của Thánh Mẫu học ngày nay.
Lời Trích
"Khi hiểm nguy, khi do dự, khi khó khăn, hãy nghĩ đến Đức Maria, hãy kêu cầu Đức Maria. Đừng để danh ngài tắt ở trên môi bạn, đừng bị đau khổ vì danh ngài không còn trong tâm hồn bạn. Có như thế, bạn mới chắc chắn được sự trợ giúp của lời ngài cầu bầu, đừng sao nhãng theo bước chân ngài. Với sự dẫn dắt của ngài, bạn sẽ không bao giờ lạc lối; khi cầu khẩn ngài, bạn sẽ không bao giờ nhát đảm; một khi có ngài trong tâm trí, bạn sẽ không bị lừa dối; khi được ngài nắm tay, bạn sẽ không thể vấp ngã; với sự phù trì của ngài, bạn không còn gì để sợ hãi; nếu theo ngài, bạn sẽ không mệt mỏi; nếu được ngài ưu đãi, bạn sẽ đạt được mục đích" (Thánh Bernard)