TÌM CÁI CỐT YẾU
Người Pha-ri-sêu và Kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5)
Suy niệm: Đối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, v.v… không chỉ là một biện pháp vệ sinh mà còn là một nghi thức tôn giáo để được thanh sạch, xứng đáng kết hiệp với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt đẹp và tự nhiên. Nhiều tôn giáo cũng lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức quan trọng. Chẳng hạn, người theo Ấn độ giáo tắm ở sông Hằng trước khi tế tự. Nhưng chính vì vụ hình thức và quá coi trọng chi tiết mà họ đã bỏ quên điều thiết yếu. Họ tưởng rằng chỉ cần làm đủ bấy nhiêu việc tẩy rửa bên ngoài là đủ để thanh sạch tâm hồn. Chúa Giê-su cảnh báo: đó là cách “gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa” mà “duy trì truyền thống của người phàm”. Đừng lẫn lộn việc tẩy rửa bên ngoài với sự thanh sạch bên trong của tâm hồn. Đừng lẫn lộn ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa, cũng đừng lẫn lộn tập tục của phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Mời Bạn: Là con người có xác có hồn, chúng ta làm gì cũng phải có biểu hiện ra bên ngoài. Vấn đề là làm thế nào để hình thức bên ngoài diễn tả được tâm hồn bên trong. Chúng ta cần học biết ý nghĩa của các nghi thức phụng vụ để hiểu được điều cốt yếu mà chúng diễn tả và thực hiện. Và trước những nghi lễ đã trở nên quá quen thuộc, lại càng cần làm với tâm tình và ý thức để chúng khỏi trở thành máy móc.
Sống Lời Chúa: Trước khi dâng lễ, đọc kinh, bạn dành một phút hồi tâm để ý thức điều cốt yếu khi làm việc đó.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi…”
Tôi Tớ Thiên Chúa - Mẹ Marianne Molokai (1838-1918)
|
Mặc dù bệnh cùi đã làm kinh hãi nhiều người ở Hạ Uy Di trong thế kỷ 19, bệnh dịch đó đã khích động lòng độ lượng vô bờ của Mẹ Marianne. Mẹ đã can đảm tận tình giúp thăng tiến đời sống của những người cùi ở Hạ Uy Di.
Vào ngày 23 tháng Giêng, 1838, một cô gái được chào đời trong gia đình ông Peter và bà Barbara Cope ở Hessen-Darmstadt, nước Đức. Tên của cô được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình ông bà Cope di cư sang Hoa Kỳ và định cư ở Utica, Nữu Ước. Cô Barbara làm việc trong một nhà máy cho đến tháng Tám 1862, là lúc cô gia nhập Nữ Tu Dòng Thánh Phanxicô ở Syracuse, Nữu Ước. Sau khi khấn trọn vào tháng Mười Một vào năm kế đó, cô bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Assumption.
Sơ Marianne giữ chức vụ hiệu trưởng ở một vài nơi và hai lần làm giám đốc đệ tử viện. Với bản tính lãnh đạo, đã ba lần sơ làm giám đốc bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, là nơi sơ học được nhiều điều lợi ích cho những năm sau này ở Hạ Uy Di.
Được chọn làm bề trên năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử chức vụ bề trên vào năm 1881. Hai năm sau, chính phủ Hạ Uy Di cần tìm những người điều hành trung tâm tiếp nhận người cùi ở Kakaako, và trên 50 tu hội ở Hoa Kỳ và Canada đã được hội ý. Khi lời thỉnh cầu đến tai các sơ ở Syracuse, ngay lập tức đã có đến 35 sơ tình nguyện. Vào ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và sáu sơ đến Hạ Uy Di để điều hành trung tâm người cùi Kakaako, ở ngoại ô Honolulu; và trên bán đảo Maui họ đã mở một bệnh viện và một trường nữ học sinh.
Vào năm 1888, Mẹ Marianne và hai sơ đến Molokai để mở một trung tâm cho "các thiếu nữ và phụ nữ cô thế". Chính phủ Hạ Uy Di rất do dự khi giao phó cho các phụ nữ một công việc rất khó khăn; nhưng với Mẹ Marianne họ không phải lo lắng gì! Ở Molokai, sơ đảm trách một trung tâm mà Chân Phước Damien Deveuster (chết năm 1889) đã thiết lập cho thanh niên và quý ông bị cùi. Mẹ Marianne đã thay đổi đời sống ở Molokai bằng cách du nhập sự sạch sẽ, sự hãnh diện và vui thích vào cộng đoàn này. Một trong những phương cách ấy là quần áo mầu mè cũng như khăn quàng cổ sặc sỡ.
Chính phủ Hạ Uy Di đã trao tặng cho Mẹ Marianne nhiều huy chương cao quý, và mẹ cũng đã được nhắc đến trong các tác phẩm của nhà thơ Robert Louis Stevenson, nhưng Mẹ Marianne vẫn tiếp tục làm việc một cách trung tín. Công việc của các sơ trong dòng đã thu hút được nhiều ơn gọi tu trì nơi người Hạ Uy Di và họ hiện đang làm việc ở Molokai.
Mẹ Marianne chết ngày 9 tháng Chín, 1918, và sự nghiệp của mẹ đã dẫn đến tiến trình phong thánh ở Rôma.
Lời Bàn
Nhà cầm quyền Hạ Uy Di đã do dự khi để Mẹ Marianne trở thành một bà mẹ ở Molokai. Ba mươi năm kiên trì làm việc đã chứng minh sự lo sợ của họ là vô căn cứ. Bất kể sự thiển cận của loài người, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn sủng và cho phép những ơn sủng đó nở hoa vì Nước Trời.
Lời Trích
Sau khi Mẹ Marianne chết không lâu, Bà John F. Bowler đã viết trong tập san Honolulu Advertiser, "Không có nhiều thời cơ cho một phụ nữ mà bà đã dành từng chút giờ một trong 30 năm để săn sóc những người bị tách biệt khỏi thế giới vì lề luật. Bà đã hy sinh trong suốt thời gian đó, và đã chống trả với đủ mọi thứ một cách can đảm không nao núng và với nụ cười luôn tươi nở trên môi."