THỰC HÀNH CÔNG LÝ, LÒNG NHÂN VÀ THÀNH TÍN
Đức Giê-su nói: “Các người nộp thuế thập phân…, mà bỏ những điều quan trọng nhất… là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” (Mt 23,23)
Suy niệm: Đối lại lối sống đạo chỉ có hình thức bề nổi kiểu “bèo dạt mây trôi”, nhiều người lớn tiếng cổ võ chủ trương chỉ cần giữ “đạo tại tâm”. Một mặt, Chúa Giê-su lên án lối sống đạo đức giả: giữ luật chi li tỉ mỉ bên ngoài mà lại “bỏ qua những điều quan trọng nhất… là công lý, lòng nhân và thành tín,” nhưng mặt khác, Ngài vẫn yêu cầu “phải làm những điều này” đồng thời “không bỏ những điều kia”. Đó không phải là chủ trương “bắt cá hai tay,” nhưng Ngài muốn nhấn mạnh rằng việc làm bên ngoài chỉ thực sự có giá trị khi chúng xuất phát từ thái độ nội tâm –là công lý, lòng nhân và thành tín– và đó mới là điều quan trọng nhất, nếu không chỉ là đạo đức giả!
Mời Bạn: Bạn nghĩ gì về câu nói “giữ đạo ngoài da”? Khi bạn đang đầy đủ mọi việc “đọc kinh, xem lễ” mà trong những công việc đời thường của bạn lại không thể hiện chút nào là “công lý, lòng nhân và thành tín” thì đó là dấu hiệu bạn đang “giữ đạo ngoài da” vậy.
Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh gia đình, hãy dành vài phút đánh giá lại gia đình bạn đang thực thi “công lý, lòng nhân và thành tín” trong việc làm ăn, học hành, giao tiếp hằng ngày thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giữ chúng con khỏi thứ bình an giả tạo của một lối sống đạo chỉ có hình thức bên ngoài. Xin ban Thánh Thần soi sáng, để chúng con biết việc phải làm và xin điều Chúa muốn.
Thánh Louis của Pháp (1226-1270)
|
khi đăng quang làm vua nước Pháp, Louis thề hứa sẽ sống như một người được Thiên Chúa xức dầu, đối xử với người dân như một hiền phụ và là tướng công của Vua Hòa Bình. Dĩ nhiên, các vua khác cũng phải thi hành như vậy. Nhưng Thánh Louis khác biệt ở chỗ ngài thực sự nhìn đến bổn phận làm vua dưới con mắt đức tin. Sau những xáo trộn của hai triều đại trước, ngài đã đem lại hoà bình và công bằng trong nước.
Ngài được tôn vương lúc 12 tuổi, khi cha ngài từ trần. Mẹ ngài cầm quyền trong thời gian khi ngài còn nhỏ. Đến lúc 19 tuổi, ngài kết hôn với Marguerite ở Provence. Đó là một hôn nhân hạnh phúc, bất kể tính tình kiêu căng và náo động của bà hoàng hậu. Họ có đến 10 người con.
Khi 30 tuổi, vua Louis "vác thập giá" cho đoàn thập tự chinh. Đạo quân của ngài chiếm Damietta ở sông Nile nhưng sau đó không lâu, vì bệnh kiết lị và thiếu tiếp viện, họ bị bao vây và bị bắt. Vua Louis và đạo quân được trả tự do bằng cách giao lại thành phố Damietta và nộp một số tiền chuộc. Ngài ở lại Syria trong bốn năm.
Mọi người thán phục ngài với tư cách của một thập tự quân, nhưng có lẽ công trạng lớn lao hơn của ngài là những lưu tâm về sự công bằng trong nền hành chính. Ngài đặt ra các quy tắc cho các viên chức chính quyền, mà sau đó trở thành những chuỗi luật cải tổ. Ngài thay thế hình thức xét xử đầy bạo lực bằng việc điều tra các nhân chứng, và nhờ ngài thúc giục, việc ghi chép lại các chi tiết trong toà được bắt đầu.
Vua Louis luôn luôn tôn trọng quyền bính của đức giáo hoàng, nhưng ngài bảo vệ quyền lợi của hoàng gia chống với các giáo hoàng và từ chối không công nhận bản án của Đức Innôxentê IV chống với hoàng đế Frederick II.
Vua Louis là người tận tụy cho dân chúng, ngài thành lập các bệnh viện, thăm viếng người đau yếu, và cũng giống như quan thầy của ngài là Thánh Phanxicô, ngài chăm sóc ngay cả những người bị bệnh cùi. Bởi sự thánh thiện và cá tính của ngài, vua Louis đã đoàn kết nước Pháp thời bấy giờ, với đủ loại người -- tướng công, dân thành thị, nông dân, linh mục và các hiệp sĩ. Trong nhiều năm, quốc gia này sống trong an bình.
Vào năm 1267, lo lắng vì những cuộc tấn công mới của người Hồi Giáo vào Syria, vua Louis dẫn đầu cuộc thập tự chinh khác, khi ấy ngài đã 41 tuổi. Chỉ trong vòng một tháng, đạo quân bị tiêu hao nhiều vì bệnh tật, và chính vua Louis đã từ trần ở đất ngoại quốc khi 44 tuổi. Ngài được phong thánh vào 27 năm sau.
Lời Bàn
Thánh Louis là người có ý chí mạnh mẽ và kiên quyết. Lời của ngài thực sự đáng tin, và sự can trường của ngài thật đáng kể. Điều đặc biệt nhất là ngài tôn trọng bất cứ ai mà ngài gặp, nhất là những "người bé mọn của Thiên Chúa." Để chăm sóc dân chúng, ngài xây dựng nhà thờ, thư viện, nhà thương và cô nhi viện. Ngài cũng đối xử với các hoàng tử một cách thành thật và công bằng. Ngài hy vọng cũng sẽ được đối xử tương tự bởi Vua các vua, là Người mà ngài đã dâng hiến cuộc đời, gia đình và quê hương.