Bài Tin Mừng hôm nay, dù dùng lời lẽ nào, dù đề cập đến bất cứ hình ảnh nào, dù trích dẫn hay khẳng định, dù dịu giọng hay cao giọng, dù răn dạy hay chỉ trích, Chúa Giêsu xoay quanh chủ đề duy nhất: “Hãy có cái tâm”, để đánh vào thói “đạo đức giả” của con người.
Cái tâm thật quan trọng. Chúng ta trở thành người tốt hay người xấu bởi tâm của mình tốt hay xấu. Chính cái tâm uốn từng con người theo cách mà nó muốn thể hiện. Vì thế, có thể có những lúc cái phần “người tốt” nơi một ai đó có tâm xấu trỗi dậy, nhưng chắc chắn không thể tìm thấy mọi hành vi tốt, mọi thể hiện tốt trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, nơi một người có tâm xấu.
Chúa Giêsu cho biết rõ, hành vi của con người là kết quả của cái tâm con người. Với Chúa, người ta xấu là xấu từ trong lòng dạ, từ trong tâm của mình:
“Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”.
Nhân loại quá kinh nghiệm về những đau thương mà sự tàn độc của con người gây ra cho nhau. Những cái tâm tàn độc được lịch sử khắc sâu, nhớ mãi như những vết thương hoài rỉ máu. Đọc lại lịch sử, và cả ngày nay, không ai có thể quên những khuôn mặt ghê rợn ấy.
I. VÀI KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU CỦA SỰ ÁC.
1. Hêrôđê Đại đế (vua Giuda từ 37- 4 tCn): Ông nhẫn tâm cách hoang tưởng và khát máu. Tin Mừng theo thánh Mathêô (2, 1-18) cho biết, ông từng muốn giết Chúa Giêsu khi Chúa còn là hài nhi. Không thể giết Chúa, ông ra lệnh giết tất cả bé trai dưới 2 tuổi ở Belem (nhiều sử gia cho rằng khoảng vài chục. Nhưng nhiều người tin rằng, Hêrôđê tàn sát khoảng từ 10.000 đến 15.000 bé trai).
Ông đã từng ra lệnh giết hàng ngàn người bao gồm các tư tế cấp cao, các đối thủ của mình, ông của vợ, mẹ vợ, anh em vợ, họ hàng nhà vợ và 3 con trai, cùng bất cứ ai mà ông không tin tưởng và nghĩ là mối đe dọa cho mình.
Ngay trước khi chết, Hêrôđê còn ra lệnh, những người quan trọng trong Giuda phải bị tử hình. Nhưng lệnh này chưa kịp thi hành thì ông qua đời.
2. Nêron, vị vua thứ 5 của Roma (54- 68 sCn). Ông như một con thú lao mình vào tội ác. Ông đốt cháy nhiều thành phố. Rất nhiều cư dân các thành bị đốt này chết cháy. Sự tàn nhẫn của ông cao độ đến nỗi, trong khi nhìn các thành ngùn ngụt lửa, ông lấy hứng làm thơ, hoặc chơi đùa trong cung điện.
Đặc biệt, sau khi đốt cháy Roma, ông đổ oán cho Kitô giáo. Cũng từ đó, ông xuống tay thảm sát hàng ngàn Kitô hữu cách vô nhân tính.
Ông còn giết hàng ngàn người khác mà ông nghi ngờ đối lập với ông, trong đó bao gồm cả cô ruột, vợ cũ, mẹ, vợ và anh em cùng cha khác mẹ. Sự tàn độc của Nêron khiến cho hàng trăm ngàn người sống trong cảnh nghèo đói.
Các hình thức giết hại vô cùng dã man, ông thường sử dụng như bỏ đói, đầu độc, chặt đầu, thiêu sống, đóng đinh, ném cho sư tử và nhiều hình thức tra tấn kinh khủng khác.
Nêron làm cho đế quốc Rôma tàn lụi. Ông phải tự sát khi nhận ra mình thất bại trong cuộc chiến dẹp bỏ các cuộc nổi loạn và mạng sống của ông đang bị đe doạ.
3. Tầng Thủy Hoàng (221- 210 tCn), là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Ông là người hoang tưởng, tàn bạo, độc ác, hay nổi nóng và tàn sát người dân của mình. Trong năm đầu tiên nắm quyền, hơn 120.000 gia đình đã buộc phải di dời khỏi nhà của họ. Ông đốt gần như tất cả sách và văn thơ của Trung Quốc và đã có hàng trăm học giả bị chặt đầu, chôn sống. Ông hành hạ người dân của mình bằng cách tăng thuế.
Có thời điểm, một triệu người đã bị bắt ép làm việc để xây dựng 4.700 km đường giao thông. Ông đặt nền móng cho việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nhưng cũng vì công trình xây dựng này, hàng trăm ngàn người đã bị bắt ép làm việc, bị chết đói và bị giết.
Tần Thuỷ Hoàng bị ám ảnh về phương thuốc trường sinh bất lão. Ông đã chôn sống 480 thái y và các học giả khi họ không tìm ra cách bào chế thuốc trường sinh bấ. Ngay cả khi sắp chết, ông cũng lo sợ sẽ bị tấn công. Do đó, ông cho xây một lăng mộ rộng 3 dặm với 700.000 người dân tham gia làm việc. Hầu hết trong số họ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng. Tần Thủy Hoàng chết vào tháng 9 năm 210 tCn.
4. Adolf Hitler, vị Quốc trưởng nước Đức gây ra nạn diệt chủng Dothái và khơi ngòi chiến tranh thế giới thứ 2. Ông được bổ nhiệm làm tướng năm 1933, trở thành Quốc trưởng năm 1934 cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1945.
Vào năm 1939, có khoảng 10 triệu người Do Thái sống trên những lãnh thổ bị lực lượng của Hitler chiếm đóng. Chắc chắn khoảng phân nửa số họ bị Hitler ra lệnh sát hại. Hitler đã tự tử bằng súng vào ngày 30 tháng 4 năm 1945.
5. Pol pot lãnh đạo phe Khmer Đỏ từ 1975 và thủ tướng Campuchia từ 1976 đến 1979, đến nay vẫn được nhắc đến như một người gây nên tội ác diệt chủng tại Campuchia.
Tên thật là Saloth Sar, ông lãnh đạo đất nước theo hướng nông nghiệp một cách cực đoan. Tất cả các cư dân thành phố bị chuyển tới các vùng nông thôn để làm việc trong các trang trại tập thể. Việc lao động ở đây là sự kết hợp của lao động cưỡng bức, nô lệ, chăm sóc y tế kém, suy dinh dưỡng và hành quyết.
Chế độ Pol Pot giết hại từ một triệu rưỡi đến hai triệu ba người trong giai đoạn 1975-1979, trong tổng dân số gần tám triệu. Mục tiêu của ông là các nhà sư Phật giáo, những trí thức có ảnh hưởng phương tây, những người có vẻ trí thức (như những người đeo kính), những người tàn tật, các dân tộc thiểu số như Lào, Việt Nam.
Ông chủ trương, chỉ một hay hai triệu người trong số dân chúng là cần thiết để xây dựng xã hội. Đối với những người khác, thì theo câu châm ngôn, “sống chẳng được gì; chết chẳng mất gì”.
Hàng trăm ngàn người bị xiềng, bị buộc phải đào mồ chôn chính mình. Hoặc binh sĩ Khmer Đỏ đánh họ đến chết bằng những thanh sắt và những cái cuốc hay chôn sống họ, bởi thủ lãnh Khmer Đỏ ra lệnh: “Không được phí đạn dược”.
Pol Pot từ chối những đề nghị viện trợ nhân đạo. Đây là một quyết định gây thảm hoạ, làm hàng triệu người dân chết đói, trong khi họ phải làm việc quá sức ở nông thôn.
Và còn không biết bao nhiêu những khuôn mặt khét tiếng như: Võ tắc Thiên ở Trung Quốc, Vua John ở Anh, Attila Rợ Hung của đế quốc Hung Nô, Sa hoàng Ivan ở Nga, Josef Stalin ở Nga, Hirohito ở Nhật…
Mãi đến hôm nay, nhân loại vẫn còn đó, đầy dẫy những kẻ hung ác. Những cuộc thảm sát tập thể như kiểu của trùm khủng bố Osama bin Laden, Abu Bakr al-Baghdadi (thủ lĩnh ISIL, nhóm Hồi giáo tự xưng nhà nước, đang thống lãnh nhiều vùng, nhiều mỏ dầu của Syria và Iraq), đến những cuộc đánh bom, những vụ giết hại ở trường học, ở nơi công cộng, những cuộc bắn tỉa…
Đặc biệt, không kể thời gian xa đã qua, chỉ trong tháng 7 và tháng 8 của năm 2015, trên khắp ba miền đất nước Việt Nam, người lương thiện phải rùng mình trước những tin tức về những cuộc sát hại tập thể, sát hại cả gia đình, đủ để báo động: cái tâm của quá nhiều kẻ đang chất chứa và nuôi dưỡng sự hung ác không thể nói hết…
Chính những cái tâm biến dạng ấy đã đẩy nhân loại rơi vào không biết bao nhiêu chiến tranh, tàn sát, diệt chủng, khổ đau, mất mát, loạn lạc, ly biệt, và nhiều thương đau khác…
II. CHÚA KHÔNG CHỊU NỔI KHI CON NGƯỜI GIẢ HÌNH.
Từ ngàn xưa, Chúa không thể chịu nổi, điều mà con người vẫn từng sống, từng thể hiện: tâm không có, chỉ có hình thức. Bằng trích dẫn tiên tri Isaia, Chúa Giêsu cho thấy sự “không chịu nổi” của Thiên Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7, 6-7).
Đạo đức mà không hiện hữu trong tâm, thì hình thức có cố gắng “tô vẽ” đến đâu, vẫn chỉ là vô hồn, vỏ bộc, kịch cởm, lố bịch, lường gạt, gian dối, ngụy biện, thiếu tôn trọng con người…
Thậm chí, vì không có cái tâm mà chỉ là “sơn phết”, người ta trở nên độc ác, tàn nhẫn, giẫm đạp hạnh phúc tha nhân… Những khuôn mặt của sự dữ mà lịch sử loài người không thể quên, đủ để chứng minh điều ấy.
Đạo đức giả: dùng cái thiện để che đậy ác tâm, và thực hiện việc bất nhẫn cách trân tráo ghê rợn. Tin Mừng đã từng nhắc đến trong “nụ hôn Giuđa”.
Nụ hôn để bày tỏ yêu thương, tỏ sự gần gũi, bị Giuđa dùng làm ám hiệu dẫn tới cái chết oan trái của Thầy mình: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!”(Mt 26, 48).
Trong nụ hôn Giuđa, sự thiện bị lợi dụng để cái ác thắng thế; Lòng nhân bị đánh tráo để giả tâm lên ngôi; Đau đớn hơn, giả tâm lại bị đặt nằm trong chính hành vi lương thiện; Sự phản bội tình yêu thay thế hết mọi yêu đương của lòng người; Cái lợi tiền bạc biến con người nên tàn độc; Sự tàn độc đánh mù lương tri đến nỗi con người ngan nhiên dẫn mình phục vụ cái ác… Tâm không có, hành vi “hôn” của Giuđa trở thành hành vi muôn đời lên án…
Nụ hôn Giuđa, vì thế, trở thành biểu tượng của sự thâm ác mà con người dành cho nhau. Nó diễn tả cách cực độ sự bi thảm của đời sống con người. Nó trở thành kịch bản cho mọi toan tính độc ác nhất: bán đứng chính người thân của mình, để rồi dẫn đến một kết cục tàn bạo không thể có lời nào diễn tả hết: Người thân của mình bị sát hại đẫm máu ghê rợn. Người thân đó lại là người Thầy, người mà bản thân kẻ phản bội phải chịu ơn. Nhục nhằn! Đau đớn! Thảm thiết! Thê lương!
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Muôn đời, lời ấy của Chúa Giêsu không chỉ đáng chúng ta ghi nhớ, mà còn là lời thấm thía đòi chúng ta phải loại trừ sự dữ nơi lòng mình, loại trừ mọi thứ lương tâm không ngay chính, loại trừ mọi suy nghĩ bất nhân, loại trừ mọi kiểu che đậy, giả hình cho thứ tâm hồn vấy bẩn…
Một mặt, thế giới nội tâm làm cho con người cao trọng. Nhờ nội tâm phong phú, ta nên khôn ngoan, biết đón nhận những bài học, có khả năng tư duy, phân biệt phải trái, ray rứt khi gây tội, vui mừng khi gieo bình an, biết cảm nhận, đúc kết, học tập, tiếp thu, phê bình…
Nếu không có nội tâm, không có phát triển, nâng cấp, sửa đổi, trang trí… Không có nội tâm, không bao giờ có kiến thức, khoa học, nghệ thuật, vô vàn vẻ đẹp con người làm nên…
Thế giới nội tâm làm cho chúng ta đứng trên mọi loài, trên cả vũ trụ. Nội tâm của chúng ta cao trọng đến nỗi, chúng ta làm chủ vũ trụ, điều hành và thống trị nó.
Nhưng mặt khác, thế giới nội tâm mà không được lành mạnh hóa, giáo dục hóa, hướng thiện hóa, như kiểu nội tâm thể hiện trong “nụ hôn Giuđa”, thì đau khổ và bất hạnh xảy ra. Nó tấn công nhân loại bằng những thủ đoạn không thể lường hết, không đủ lời diễn tả.
Tội ác của những kẻ thủ ác, mỗi lần nhắc đến, vẫn làm chúng ta quặng thắt lòng mình. Từ những khuôn mặt lịch sử nổi cộm, từ nụ hôn Giuđa, đến thực tế đời sống hàng ngày, loài người, và cả chúng ta, phải chứng kiến, phải trở thành nạn nhân, phải rên siết một cách tức tưởi, nghẹn ngào…
Thế giới nội tâm mà đã nhiễm bẩn, nỗi bi đát sẽ là vô cùng. Nó đánh gục mọi thứ luân lý và tinh thần của con người. Nó đáng sợ trên mọi thứ đáng sợ. Nó làm cho con người tàn bạo hơn bất cứ một loài vật nào. Nó để lại những dư chấn mạnh trên tâm thần của nhiều nạn nhân. Nó xáo trộn trật tự xã hội. Nó thê thảm hóa mọi nỗ lực tìm kiếm an bình.
Bằng nhiều lời dạy, từ Cựu Ước đến tân Ước, Chúa đòi chúng ta phải sống thực tâm, phải sống ngay lành. Chẳng hạn:
- “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6). Được Chúa Giêsu nhắc lại trong Tin Mừng theo thánh Mathêô (9, 13).
- “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2, 12-13a).
- “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ez 36, 26-27).
- Tin Mừng theo thánh Mathêô chương 6 (1-6.16-18), nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh”, để dạy chúng ta thực tâm, đừng giả dối. Còn ở chương 23 (13-36), Chúa Giêsu trách cứ nặng lời: "Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!...”
- Thánh Phaolô đòi cái tâm thật: “Bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các ngươi mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (Rm 2, 21-23).
- Thánh Phêrô nói mạnh hơn về lối sống lừa dối: “Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu, và hoạ diệt vong đã gần kề” (2Pr 2, 2-3).
Thánh Kinh còn cho thấy nhiều hơn nữa sự “không chịu nổi” của Thiên Chúa về lối sống giả hình của chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta hãy đào tạo cái tâm, để luôn luôn là người công chính, để đời sống của mình luôn luôn là phản ánh trung thực tình yêu Thiên Chúa, phản ánh ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
Hãy sống thật tâm. Hãy là người thành tâm. Hãy thể hiện chính tâm. Hãy dẹp bỏ tà tâm.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG