Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 13/8/2015

Filled under:

THA THỨ ĐẾN VÔ CÙNG
Ông Phê-rô hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22)
Suy niệm: Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giê-su đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Trong thực tế chúng ta đều có kinh nghiệm rằng tha thứ như thế không phải là chuyện dễ dàng: “Tôi sẵn lòng tha thứ, nhưng tôi sẽ không thể quên sự xúc phạm người đó đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng người đó nữa.” Tha thứ như thế chưa phải là tha thứ thực sự, chưa phải là tha thứ như Chúa đã tha: xoá sạch cả tội lỗi lẫn hình phạt do tội gây ra và còn phục hồi cho con người địa vị và phẩm giá là người con của Thiên Chúa.
Chia sẻ: “Để có thể tha thứ, phải có một tình yêu lớn hơn nỗi đau vì bị xúc phạm”. Bạn hãy thảo luận trong nhóm bạn về kinh nghiệm này.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm hành vi tha thứ của Chúa Giê-su trên thập giá để thấm nhập tinh thần của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết con khó tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến con. Xin Chúa giúp con biết noi gương Chúa trên thập giá còn tha thứ cho kẻ đã đóng đinh mình.
 Thánh Pontian và Thánh Hippolytus

(k. 235)
Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.

Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Đức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Đức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.

Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Đức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Đức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Đức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.

Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, môät phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Đức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Đức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Đức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.