Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31-10-2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Suy nim:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. 
Cửa hẹp khi thi vào đại học. 
Cửa hẹp khi đi xin việc làm. 
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới. 
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. 
Cửa hẹp mà vào được mới quý. 
Nếu thiên đàng có cửa, 
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi. 
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), 
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, 
với cái tôi cồng kềnh của mình, 
nặng nề vì những vun vén cá nhân, 
phình to vì tự hào và tham vọng. 
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp 
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. 
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, 
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em. 
Cần có một cái tôi như trẻ thơ 
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). 
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng 
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. 
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, 
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại. 
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ, 
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4). 
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình. 
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. 
Họ gõ cửa và đòi vào. 
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, 
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu, 
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. 
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt 
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: 
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, 
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… 
Chúa vẫn không quen biết chúng ta 
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. 
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. 
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. 
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại. 
Cứu độ là một ơn Chúa ban, 
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận. 
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, 
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: 
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2

Khi được hỏi về những người nào được cứu độ, Chúa Giêsu đã trả lời: “Hãy chiến đấu để được qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Như vậy, để được vào hưởng vinh phúc Nước Trời, không bao giờ là một việc dễ dàng, nhưng là một “cuộc chiến đấu” cam go, đòi hỏi nhiều nỗ lực và hy sinh.

Thật ra, Chúa Giêsu khi đến trần gian thực hiện sứ vụ Chúa Cha trao phó, Người luôn mong muốn ơn cứu độ được mang đến cho mọi người. Thế nhưng, dù hồng ân cứu độ xuất phát từ tình yêu nhưng không, quảng đại của Thiên Chúa, con người cần phải đáp trả tự do và cộng tác tích cực vào công trình của Người. Thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Sự cộng tác đó chính là nỗ lực sống tốt, sống thánh theo giáo huấn của Chúa, dẫu cho những nỗ lực đó đôi lúc phải trả giá bằng những hy sinh, gian khó như “qua cửa hẹp”, phải đối diện với những hiểm nguy, thử thách như tham gia vào một “trận chiến”.

Đáng buồn thay, có những người và thậm chí là có rất nhiều người đã cho con đường khác để bước đi. Đó là những con đường thênh thang, thoải mái của những đam mê trần thế; đó là những con đường dễ chịu của hưởng thụ và thú vui bất chính; đó là những con đường được cho là bảo đảm an toàn bởi danh vọng, quyền lực, tiền bạc, v.v. Họ đâu biết rằng những con đường đó dễ dàng đưa họ đến chỗ diệt vong và nhất là loại họ ra ngoài khỏi hạnh phúc vĩnh cửa của vương quốc Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn soi sáng cho từng người trong cộng đoàn và trong gia đình của chúng con để chúng con nhận ra và kiên trung bước đi trên con đường mà Chúa mời gọi. Chúng con xác tín rằng, dù cho có những thử thách gian truân, chỉ bước đi theo Chúa mới dẫn đưa chúng con đến sự sống bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:05

15 PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY SẼ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA BẠN

Filled under:

15 PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY
SẼ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA BẠN

Cuộc sống hiện nay, có lẽ sẽ khó khăn khi chúng ta muốn dành thời gian cho việc cầu nguyện mỗi ngày. Công việc, gia đình và những trách nhiệm khác đã chiếm hết sự quan tâm của chúng ta. Để rồi, khi một ngày kết thúc, chúng ta chợt nhận ra mình đã quên cầu nguyện.
Để cầu nguyện, không phải cần lập ra những kế hoạch thật hoành tráng, nhưng cần tạo một thói quen cầu nguyện với một thời gian ngắn và liên tục mỗi ngày.
Ví dụ, chúng ta chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để cầu nguyện với Chúa, đây là một mục tiêu dễ dàng có thể  thực hiện được với hầu hết mọi người.
Tác giả Gary Jansen đã giải thích con số đặc biệt này trong cuốn sách của ông: “The 15-Minute Prayer Solution: How One Percent of Your Day Can Transform Your Life”. Ông đưa ra những quan điểm vì sao 15 phút cầu nguyện mỗi ngày sẽ có hiệu quả tốt cho chúng ta. Trong cuốn sách Jansen giải thích:
“Bạn có biết mỗi ngày chúng ta có đến 1,440 phút? Vâng, tôi đã tính toán rồi, nó chính xác là như vậy. Bạn chắc cũng biết rằng 1% trong tất cả số phút của cả một ngày là “mười bốn phút và hai mươi bốn giây”? Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu như bạn quyết tâm rèn luyện tâm hồn của mình qua việc dành 15 phút mỗi ngày cho Thiên Chúa? Đó chỉ là một phần trăm nhỏ nhoi trong cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn liệu sẽ thay đổi? Tôi đã làm được điều đó.”
Vài người trong số chúng ta có thể sẽ cảm thấy áp lực vì nghĩa vụ của việc cầu nguyện mỗi ngày, nhưng đó thật sự không phải là một vấn đề. Chúng ta không bắt buộc phải hiến thân mình, dành trọn một tiếng đồng hồ để cầu nguyện. Thay vào đó, chúng ta có thể bắt đầu cầu nguyện bằng việc dâng cho Chúa 1% thời gian trong ngày của chúng ta.
Chìa khóa ở đây là : hãy dành thời gian hằng ngày, như chúng ta vẫn thường nói “chậm và chắc để thắng cuộc đua”.
Kiên định và cầu nguyện thường xuyên sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều trong đời sống cầu nguyện so với những lời cầu nguyện chỉ rầm rộ ban đầu, nhưng sau đó lại vụt tắt.
Có một cách giúp chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, đó là dùng ứng dụng “Click To Pray” – Tông Đồ Cầu Nguyện. Ứng dụng này có thể nhắc nhở bạn mỗi ngày và bạn chỉ cần bỏ ra ít phút để cầu nguyện. Đây là một cách tuyệt vời để bạn dành thời gian cho Chúa, ít nhất là 1% thời gian của bạn, từ đó sẽ giúp bạn đi sâu hơn vào mối quan hệ mật thiết với Ngài.
Cầu nguyện 15 phút mỗi ngày có vẻ như chỉ là một khoảng thời gian ngắn, nhưng khi được thực hiện với đức tin, thì hiệu quả có thể kéo dài suốt đời. Không chỉ vậy, qua hành động này sẽ dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện “không ngừng nghỉ.”
Hãy bắt bầu bằng việc nhỏ, với đức tin bằng hạt cải, và hãy để Thiên Chúa làm những phần còn lại.
(Bạn có thể cầu nguyện với Click to pray ở các địa chỉ:

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:54

ĐẠO CÔNG GIÁO TÔN THỜ THIÊN CHÚA VÀ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Filled under:

Có nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Chúng mày theo đạo Thiên Chúa là thờ mỗi Chúa thôi à, thế là khi Bố, mẹ, ông, bà, người thân chết đi là khỏi phải thờ nữa à.?”
ĐẠO CÔNG GIÁO TÔN THỜ THIÊN CHÚA VÀ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Dạ, thưa các bạn.
Trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là "Thảo Kính Cha Mẹ". 3 điều đầu tiên về Thiên Chúa, thì ngay điều thứ 4 Chúa đã dạy về Cha Mẹ.
Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ Cha kính Mẹ, kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Và hằng ngày trong các thánh lễ chúng tôi vẫn cầu cho các linh hồn đó chứ.
Người Công Giáo chúng tôi còn có hẳn 1 tháng 11 để kính nhớ đến ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất, và chúng tôi vẫn ăn Tết nguyên đán như bình thường nhé..!
Trong những ngày vui của năm mới chúng tôi cũng không quên dành ngày mùng 2 tết âm lịch để cầu nguyện cho tổ tiên và nhớ về nguồn cội của mình.
Chúng tôi cũng có ngày lễ giỗ. Gia đình sẽ mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến không phải ngồi quanh mâm cỗ cúng, mà quây quần gần bên bàn thờ được thắp nến trưng hoa để đọc kinh dâng lời cầu nguyện, mong cho linh hồn đã chết sẽ được đến nơi vĩnh hằng (tức là Thiên Đường).
Thay vì mâm cao cỗ đầy, mời người đã khuất về cùng với gia đình theo quan niệm bên các bạn.
Chúng tôi cũng không quên ngồi lại bên nhau sau giờ đọc kinh trò chuyện, hỏi thăm nhau, mời nhau chén trà, điếu thuốc, dùng cái kẹo, trái cây..v..v
Quan niệm của chúng tôi là đối xử tốt với những người thân bên cạnh khi họ còn sống, còn khi đã khuất mâm cao cỗ đầy cúng cũng chẳng để làm gì.
Điều các bạn tin và mong muốn là sống tốt, khi chết sẽ được siêu thoát và kiếp sau sẽ được luân hồi tiếp tục trở thành con người.
Khác với các bạn, niềm tin của chúng tôi đó là Nước Trời, là Thiên Đàng nơi mà con người sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc viên mãn mãi mãi.
Các bạn có tin điều các bạn mong muốn không..?
Còn chúng tôi, là những người theo đạo Thiên Chúa, là những người Công Giáo chúng tôi tin những gì chúng tôi đang làm.
Mà tin điều gì thì điều ấy sẽ có, miễn sao là có niềm tin.
"Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho .” (Mt 7, 7-8)
Xin Chúa ban bình an cho tất cả các bạn. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

Bế mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục: Thư gửi giới trẻ.

Filled under:


Bế mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục: Thư gửi giới trẻ.
Minh Ðức
Vatican (WHÐ 30-10-2018) - Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 15 với chủ đề "Người trẻ, Ðức tin và sự Phân định ơn gọi", khai mạc từ ngày 3 tháng 10 năm 2018 tại Roma, đã bế mạc vào sáng Chúa nhật 28 tháng 10 năm 2018. Sau Thánh lễ bế mạc tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một bức thư ngắn của các nghị phụ gửi cho giới trẻ trên toàn thế giới đã được công bố.
Sau đây là toàn văn bức thư:
"Giờ đây các nghị phụ chúng tôi ngỏ lời với các bạn trẻ trên toàn thế giới, những lời hy vọng, tin tưởng và an ủi. Trong những ngày này, chúng tôi đã họp nhau để lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, "Ðức Kitô muôn đời trẻ trung" và để nhận ra nơi ngài nhiều tiếng nói của các bạn, những tiếng reo vui, những lời than trách và cả sự thinh lặng của các bạn nữa.
Chúng tôi biết những tìm kiếm trong tâm hồn các bạn, những niềm vui và hy vọng, nỗi đau và lo lắng khiến cho các bạn bất an. Giờ đây chúng tôi mong các bạn nghe chúng tôi nói: chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui của các bạn, để những mong đợi của các bạn trở thành lý tưởng. Chúng tôi tin chắc rằng với niềm hăng say vui sống, các bạn sẽ sẵn sàng dấn thân để những mơ ước của các bạn trở thành hiện thực nơi cuộc đời các bạn và trong lịch sử nhân loại.
Ước gì những yếu đuối của chúng tôi không làm cho các bạn nản lòng, những mong manh và tội lỗi của chúng tôi không trở thành rào cản cho lòng tin của các bạn. Giáo hội là Mẹ của các bạn, Giáo hội không bỏ rơi các bạn, mà sẵn sàng đồng hành với các bạn trên những con đường mới, trên những tầm cao mà ở đó ngọn gió của Chúa Thánh Thần thổi mạnh hơn, quét sạch những đám mây đen của dửng dưng, hời hợt và chán nản.
Khi thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương, đến nỗi ban cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài là Ðức Giêsu, đang nhắm đến vật chất, đến những thành công tức thời và những khoái lạc, và khi thế giới đè bẹp những người yếu thế nhất, thì các bạn phải giúp thế giới đứng lên và hướng nhìn về tình yêu, vẻ đẹp, sự thật và công lý.
Trong suốt một tháng, chúng tôi đã đồng hành với nhau, với một số bạn trẻ và với rất nhiều người khác hiệp thông với chúng tôi bằng kinh nguyện và tâm tình yêu mến. Giờ đây chúng tôi muốn tiếp tục cuộc hành trình ấy ở mọi mơi trên thế giới, những nơi mà Chúa Giêsu Kitô sai chúng tôi đến như các môn đệ thừa sai.
Giáo hội và thế giới đang rất cần đến niềm hăng say của các bạn. Các bạn hãy đồng hành với những người yếu đuối nhất, những người nghèo và những cuộc đời mang thương tích.
Các bạn là hiện tại, giờ đây các bạn hãy thắp sáng tương lai của chúng ta".
(Vatican News, 28/10/2018)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

Phút suy niệm ngày 31/10/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 31/10/2018
“Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào, vì… nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,24).
Đường về Nước Trời là con đường thập giá, vào cửa sự sống là đi qua cửa hẹp, phải chiến đấu “trầy da tróc vẩy” mới vào được.
Có câu nói: "Sống là chiến đấu với bản thân, với ma quỷ với tiện nghi". 
Bởi thế cuộc chiến nào cũng có gian nan và đau khổ, chiến đấu với bản thân ươn lười, với mưu mô ma quỷ, với xã hội nặng tính trần tục và với hưởng thụ cách ích kỷ như hiện nay.
Cuộc chiến càng cam go, chiến thắng càng vẻ vang. Ðể được thế, chúng con phải chiến đấu cách anh dũng, dám hy sinh, dám giao tranh để dành phần thắng.
Lạy Chúa. xin giải thoát chúng con khỏi sức nặng tội lỗi đang đè nặng chúng con. Chúng con không thể đón nhận Ơn Cứu Ðộ, nếu chúng con không chiến đấu để dành phần thắng. Lạy Chúa xin đón nhận chúng con. Amen.



Thánh Wolfgang ở Regensburg
(924-994)
Thánh Wolfgang sinh ở Swabia, nước Đức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ mà sau này là Đức Tổng Giám Mục của Trier. Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.
Khi Đức Tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng Biển Đức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Điển. Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Đế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và sống khắc khổ.
Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm, nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy dạy tư của Hoàng Đế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz, nước A¨o. Lễ giỗ của ngài được cử mừng một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong thánh năm 1052.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Bản miêu tả của Thánh Gioan Bosco về việc nhìn thấy ma

Filled under:

Bản miêu tả của Thánh Gioan Bosco
về việc nhìn thấy ma
ST JOHN BOSCO LOUIS COMOLLO
Public Domain
Người bạn thân của Thánh Bosco qua đời và trở về để giữ trọn lời hứa.
Chúng ta thường nghe “những chuyện ma” quanh đống lửa trại, và hầu hết chỉ là những chuyện kể hư cấu để mua vui cho trẻ em. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có chuyện thật, như trong trường hợp của Thánh Bosco và người bạn của ngài là Louis Comollo.
Thánh Bosco viết về một cuộc gặp gỡ với người bạn Comollo đã chết trong quyển Memoirs (Hồi ký), một kinh nghiệm ngài chưa bao giờ mong chờ xảy ra.
Vì tình bạn và sự tin tưởng nhau rất lớn giữa Comollo và tôi, chúng tôi thường nói về sự chia lìa mà cái chết có thể mang đến cho chúng tôi bất kỳ lúc nào.
Một ngày nọ, sau khi chúng tôi đọc một trích đoạn dài về đời sống của các thánh, chúng tôi nói chuyện nửa đùa nửa thật rằng nếu một trong hai người chúng tôi chết trước mà lại trở về để báo tin về tình trạng của mình cho người kia thì an ủi biết bao. Chúng tôi thường xuyên lặp đi lặp lại chuyện này đến mức cuối cùng chúng tôi làm một hợp đồng: “Bất kỳ ai trong chúng tôi chết trước sẽ trở về, nếu Chúa cho phép, để cho bạn mình biết thông tin về ơn cứu độ của người đó.”
Tôi chẳng nhận thấy được tính nghiêm trọng của một việc đã làm như vậy; và thú thật, tôi đã xem nhẹ nó. Tôi chắc chẳng bao giờ khuyên ai làm như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm như vậy và nhắc đi nhắc lại, đặc biệt trong thời gian Comollo mang trọng bệnh. Quả thật, lời nói và ánh mắt nhìn lần cuối của người bạn với tôi đã đóng dấu cho lời hứa của anh ấy. Nhiều bạn bè của chúng tôi đều biết câu chuyện sắp xếp giữa chúng tôi.
Comollo qua đời ngày 2 tháng Tư năm 1839. Tối hôm sau, anh được chôn cất trọng thể trong Nhà thờ Thánh Philiphê. Những người biết chuyện của chúng tôi nóng lòng chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi thậm chí còn nóng lòng hơn vì tôi hy vọng tìm được một sự an ủi lớn để khỏa lấp sự lẻ loi của mình. Đêm hôm đó, sau khi lên giường trong một khu ký túc xá cùng chung với khoảng hai mươi chủng sinh khác, tôi cảm thấy bồn chồn thao thức. Tôi tin rằng đây sẽ là đêm mà lời ước hẹn của chúng tôi được thực hiện.
Khoảng 11:30 có tiếng động ầm ầm ở hành lang, nghe như tiếng của một chiếc xe ngựa lớn có nhiều ngựa kéo đang chạy đến cửa của ký túc xá. Nó mỗi lúc mỗi lớn hơn, giống như tiếng sấm, và toàn bộ ký túc xá rung chuyển. Các giáo sĩ kinh hoảng xuống hết khỏi giường và tụ lại với nhau để tìm thêm sự can đảm. Rồi, nổi lên trong tiếng động ầm ầm như tiếng sấm đó là giọng của Comollo vang lên rõ ràng. Anh ấy lặp đi lặp lại ba lần thật rõ: “Bosco, tôi đã được cứu.”
Tất cả đều nghe thấy tiếng đó; một số người nhận ra giọng nói nhưng không hiểu ý nghĩa; những người khác thì hiểu rõ ý nghĩa cũng như tôi, và được chứng minh bằng quãng thời gian dài câu chuyện được kể đi kể lại trong chủng viện. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhớ là tôi thật sự sợ. Sự sợ hãi và kinh hoàng quá lớn đến mức tôi đổ bệnh và bước gần đến cửa tử thần.
Tôi chắc không bao giờ đề nghị bất kỳ ai làm một hợp đồng như vậy. Quyền năng Thiên Chúa là vô biên; Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thường thì Người chẳng quan tâm đến những thỏa thuận như vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng với lòng thương xót vô biên, Người cho phép những điều như vậy được thực hiện như Người đã làm trong trường hợp tôi vừa mô tả.
Thiên Chúa cho phép một sự gặp gỡ như vậy với mục đích, có thể là nhắc nhở Thánh Bosco về thực tại của đời sau và thúc giục ngài thực hành đức tin. Có thể chúng ta chẳng bao giờ gặp ma trong đời, nhưng chúng ta đừng hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Đàng, Hỏa ngục và Luyện ngục và sống cuộc sống của chúng ta với thái độ tin rằng những nơi này thật sự tồn tại.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2018]

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:04

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/10/2018

Filled under:

“Nước Trời giống như…”(Lc 13, 18-21)
18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Suy niệm 1
  1. Ngôn ngữ dụ ngôn
Trước khi lắng nghe dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1]. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong Giáo Xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.
Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.
  1. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men, mà Đức Giêsu dùng để diễn tả Nước Trời, rất nhỏ bé (cả ở bình diện bản văn, nghĩa là rất ngắn gọn, lẫn trong thực tế) và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp sự khởi đầu và hoàn cảnh nhỏ bé mong manh, so với những thực tại trần thế khác trong thế giới, Nước Trời mà chúng ta đón nhận và làm cho lớn lên, và có nhiều người trong chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng, tất yếu sẽ tồn tại, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
  1. Hạt giống “Lời Chúa”
Hai dụ ngôn Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng đã và đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa.
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó
(Is 55, 11)
* * *
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua qua hành vi rửa chân của các Tông Đồ và hành vi trao chính Mình và Máu Người cho các ông, Đức Giê-su muốn thánh Phê-rô, các Tông Đồ và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính sự sống của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một.
Hạt giống và nắm men chính là sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2

Những dụ ngôn về Nước Trời được Chúa Giêsu dùng để giảng dạy cho dân chúng mà chúng ta nghe hôm nay dễ mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng. Hạt cải bé nhỏ lúc gieo nhưng chậm rãi lớn lên để rồi trở thành thứ cây cao lớn, đến nỗi chim trời có thể tới làm tổ trên cành; nắm men ít ỏi được vùi vào ba thúng bột vậy mà với thời gian đã âm thầm làm cho tất cả bột được dậy men và làm nên những chiếc bánh thơm ngon.

Tất cả những điều này không chỉ giúp chúng ta hiểu biết hơn về giá trị và cách thế hoạt động của Nước Trời. Ở đây chúng ta còn có thể nhận ra cách Chúa Giêsu nói về những điều bé nhỏ trong cuộc sống, cách Người trân quý những giá trị đơn sơ, âm thầm mà đôi khi bị người đời xem nhẹ, không quan tâm đến.

Hôm nay, chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn vào cuộc đời chúng ta; hãy để Chúa trân trọng những gì đơn thành và giản dị nhất của chúng ta; hãy để Chúa dùng cả những điều bình thường nhất của chúng ta để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng noi theo gương Chúa Giêsu để biết nhận ra và trân quý những điều nhỏ bé, đơn sơ, khiêm tốn nơi anh chị em xung quanh mình, ngõ hầu mỗi ngày có thể cảm nhận sâu xa hơn quyền năng Chúa đang thực hiện nơi tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã dạy cho chúng con được hiểu biết hơn về mầu nhiệm Nước Trời. Xin cho chúng con biết hăng say khám phá và tinh tế nhận ra sự quan phòng yêu thương và quyền năng của Chúa nơi những điều giản dị và khiêm tốn nơi cuộc đời chúng con cũng như nơi anh chị em mình. Amen.

 
 GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:52

Thượng Hội Ðồng 2018: Tài Liệu Sau Cùng đã được thông qua.

Filled under:


Thượng Hội Ðồng 2018: Tài Liệu Sau Cùng đã được thông qua.
Vũ Văn An
Vatican (VietCatholic News 28-10-2018) - Theo tin Vatican News, Vào chiều thứ bảy 27 tháng 10 năm 2018, Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Giám Mục thường lệ lần thứ XV gồm 3 phần, 12 chương, 167 đoạn và dài 60 trang đã được chấp thuận tại Ðại Sảnh Thượng Hội đồng.
Ðức Hồng Y da Rocha cho hay: Bản văn đã được tiếp nhận với một tràng vỗ tay. Ðó là "kết quả của tinh thần đồng đội thực sự" về phía các nghị phụ Thượng Hội Ðồng, cùng với các người tham gia khác và "đặc biệt, các người trẻ". Do đó, tài liệu tập hợp 364 sửa đổi, hay tu chính. "Hầu hết trong số này", Ðức Hồng Y cho hay "chính xác và mang tính xây dựng". Hơn nữa, toàn bộ tài liệu được thông qua với 2/3 đa số phiếu thuận cần thiết.
Nguồn cảm hứng cho Tài liệu sau cùng của Thượng hội đồng về tuổi trẻ là tình tiết nói về các môn đệ Emmau, được thánh sử Luca thuật lại. Nó đã được đọc trong Ðại Sảnh Thượng hội đồng bởi Tổng Tường Trình Viên, Ðức Hồng Y Sérgio da Rocha, các thư ký đặc biệt, Cha Giacomo Costa và Cha Rossano Sala, cùng với Ðức Giám Mục Bruno Forte, một thành viên của Ủy ban soạn thảo bản văn. Nó bổ sung cho các Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng, và được chia thành ba phần.
Phần thứ nhất: "Người đi với họ"
Phần đầu của tài liệu xem xét các khía cạnh cụ thể của đời sống người trẻ. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của trường học và giáo xứ. Nó thừa nhận sự cần thiết của việc người giáo dân phải được đào tạo để đồng hành với người trẻ đặc biệt bởi vì rất nhiều linh mục và giám mục quá bận rộn. Tài liệu ghi nhận vai trò không thể thay thế của các cơ sở giáo dục Công Giáo. Thách thức mà tài liệu bàn tới là sự cần thiết phải suy nghĩ lại vai trò của giáo xứ về sứ mệnh ơn gọi của nó bởi vì nó thường không hữu hiệu và không được năng động lắm, nhất là trong lĩnh vực giáo lý.
Thực tại người trẻ về di dân, lạm dụng, "văn hóa vứt bỏ" cũng nằm trong phần một. Về lạm dụng, Tài liệu Thượng Hội Ðồng kêu gọi phải có sự "cam kết vững chắc trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt không để cho sự lạm dụng như thế được lặp lại, bắt đầu với việc lựa chọn và đào tạo các người được trao phó các vai trò lãnh đạo và giáo dục". Thế giới nghệ thuật, âm nhạc và thể thao cũng được thảo luận về việc sử dụng chúng như là "các tài nguyên mục vụ".
Phần hai: "Mắt họ mở ra"
Tài liệu Thượng Hội Ðồng gọi người trẻ là một trong những "nơi chốn thần học" trong đó Chúa tự làm cho Người hiện diện. Nhờ họ, tài liệu nói, Giáo hội có thể tự đổi mới mình, rũ bỏ "sự nặng nề và chậm chạp của mình". Nó cho hay: Sứ mệnh, là một "la bàn chắc chắn" cho tuổi trẻ vì nó là sự tự hiến mang lại hạnh phúc đích thực và lâu dài. Nối kết chặt chẽ với khái niệm sứ mệnh là ơn gọi. Mỗi ơn gọi phép rửa là một lời kêu gọi sống thánh thiện.
Hai khía cạnh khác được đề cập trong phần hai có thể trợ giúp trong việc phát triển sứ mệnh và ơn gọi của người trẻ, là đồng hành và biện phân.
Phần thứ ba: "Họ lên đường không chậm trễ"
Hình tượng về Giáo Hội trẻ được các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng trình bày là Maria Magdalêna, nhân chứng đầu tiên của Phục Sinh. Các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng khẳng định rằng mọi người trẻ, kể cả những người có tầm nhìn khác nhau về cuộc sống, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa.
"Cùng đi với nhau" là năng động tính có tính thượng hội đồng được các nghị phụ đem ra ánh sáng trong phần ba. Họ mời các Hội đồng Giám mục khắp thế giới tiếp tục diễn trình biện phân với mục đích khai triển được các giải pháp mục vụ chuyên biệt. Ðịnh nghĩa được cung cấp về "tính thượng hội đồng" là một phong cách đối với sứ mệnh, một phong cách biết khuyến khích chúng ta chuyển từ "tôi" sang "chúng ta" và xem xét sự đa dạng các khuôn mặt, các nhạy cảm, các nguồn gốc và văn hóa. Một yêu cầu được lặp đi lặp lại tại đại sảnh, là việc thành lập "Sách chỉ dẫn thừa tác vụ tuổi trẻ về nguyên tắc ơn gọi" ở bình diện quốc gia, có thể giúp các nhà lãnh đạo giáo phận và giáo xứ hội đủ điều kiện để được huấn luyện và hành động "với" và "cho" người trẻ, giúp vượt qua một sự phân mảnh trong việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội.
Tài liệu Thượng Hội Ðồng nhắc nhở các gia đình và cộng đồng Kitô giáo về tầm quan trọng của việc đồng hành với người trẻ để khám phá hồng phúc tính dục của họ. Các giám mục nhìn nhận sự khó khăn của Giáo Hội trong việc truyền đạt "vẻ đẹp của viễn kiến Kitô giáo về tính dục" trong bối cảnh văn hóa hiện tại. Tài liệu nói rằng việc cấp bách là tìm ra "những cách thích hợp hơn có thể được diễn dịch một cách cụ thể thành sự khai triển ra các nẻo đường đào tạo đổi mới".
Cuối cùng, Tài liệu mang các chủ đề khác nhau được bàn thảo tại Thượng Hội Ðồng vào một lực đẩy ơn gọi duy nhất, đó là, lời kêu gọi nên thánh. "Các khác nhau về ơn gọi đều hội tụ vào lời kêu gọi nên thánh duy nhất và phổ quát". Qua sự thánh thiện của rất nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giữa thời bách để mãi trung thành với Tin Mừng, Giáo Hội có thể đổi mới sự hăng hái thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:29

Phút suy niệm ngày 30/10/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 30/10/2018
"Nước Thiên Chúa giống như cái gì? (Lc 13, 18-21).
Trong các loại hạt giống, có lẽ hạt cải là loại nhỏ bé nhất, nhưng khi nó mọc lên, nó trở thành cây to lớn nhất trong các loại rau, đến nỗi chim trời nương náu dưới tàn lá của nó.
Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột.
Khi nói những điều ấy, Đức Giêsu mong muốn chúng con hãy như hạt cải, như hạt men, là hãy làm lớn mạnh Nước Thiên Chúa làm phát triển và biến đổi được tất cả.
Lạy Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con ý thức từng lời nói, hành động nhỏ bé của chúng con, để như men, như hạt cải được lớn lên cho Nước Trời mau lan rộng trong tâm hồn mọi người. Amen.

Thánh An-phông-sô Rodriguez
(1532 -1617)
An-phông-sô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô rước lễ lần đầu.

Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.

Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.

Trong vòng 45 năm kế đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, "Thầy đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Đồ của Người Nô Lệ Da Đen.

Trong những năm cuối đời, thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:24