Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Suy niệm CN 4 Mc - Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

Filled under:

CN IV  MÙA CHAY C  (Lc 15,1-3.11-32)

1. Bài Đọc
        “Khi ấy (1) tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Chúa Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc nhóm Biệt Phái và các Kinh Sư thì lẩm bẩm: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. Chúa Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
        “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình’.
        “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha’.
        “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ..... Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng’.
        “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe’. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’.
        “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Chú Thích
        (1) Khi ấy: Sau khi Chúa Giêsu nói về muối mà nhạt đi thì chỉ là thứ vô dụng, tiếp theo Chúa Giêsu giảng dạy bằng các dụ ngôn. Dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay, thường gọi là dụ ngôn: Người Con Hoang Đàng; Người Cha Nhân Hậu; Tình Phụ Tử, Lòng Thương Xót .....

3. Suy Niệm
        (1) Các chuyện ví dụ của Chúa Giêsu, chuyện nào cũng rất hay, đầy đủ ý nghĩa thâm thúy, nhưng câu chuyện này là một trong số câu chuyện đáng quý nhất. Chúa Giêsu tỏ ra cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha nhân từ vô cùng, đủ tình đủ lý. Một người cha thương nhớ con, hằng ngày không có tin tức, không biết nó đau ốm hay sức khỏe, vui buồn thế nào, mặc dù nó đã đòi chia gia tài và bỏ mình ra đi. Chiều chiều tựa cửa trông con. Vừa thấy đằng xa, ông đã vội vàng, niềm nở, ân cần, thân mật ôm con vào lòng. Không cho con nhắc lại chuyện cũ, đừng nói gì đến tội lỗi. Con trở về với cha là đủ, là tốt, là hay lắm rồi, cha chỉ biết mở tiệc vui mừng. Đó là mối tình sâu xa cha thương con. Còn lý, thì cha vẫn biết con yếu đuối, ham theo chúng bạn, bị môi trường lôi cuốn, xã hội đầy những cạm bẫy, con còn trẻ người non dạ. Dù hoàn cảnh thúc giục, nhưng con có lòng hối hận, trở về cùng cha là đủ rồi. Một người cha dưới đất còn biết nhân từ thương yêu như thế, phương chi là Cha chí minh chí thiện trên trời.

        (2) Nhưng điều kiện rõ ràng cần thiết là phải hối hận, bỏ đường tội lỗi, nhất quyết trở về cùng cha và không còn tái phạm. Nay Mùa Chay đã gần mãn, lễ Phục Sinh đã gần đến, câu chuyện này càng nhắc nhủ khuyên bảo mọi người, không nên vì một lý do nào, mà còn chần chờ không chịu trở về cùng Thiên Chúa. Ai cũng phải tin Thiên Chúa đương tựa cửa chờ đợi mình. Dù có tội gì chăng nữa, nhưng mình cũng thực lòng hối hận, thì Thiên Chúa không mắng trách một lời. Thiên Chúa sẵn sàng ban ơn cho tội nhân trở nên thánh nhân, còn hơn người cha kia đã bảo lấy áo tốt nhất cho cậu mặc, lấy nhẫn đẹp cho cậu đeo, lấy giầy quý cho cậu mang. Thiên Chúa còn ban ơn bổ dưỡng hơn người cha kia đã bảo làm thịt con bê béo để ăn mừng. Người Tín Hữu còn hiểu Thiên Chúa đương chờ đợi trong tòa giải tội, trên bàn lễ thánh, trong lòng mỗi người. Với điều kiện là con tin Cha nhân từ tha thứ tội lỗi, nên con thực lòng hối hận quyết tâm trở về, chứ không phải vì thói quen hay vì theo hình thức lễ nghi bề ngoài.

        (3) Có người không muốn nhắc đến chuyện này, vì sợ người ta ỷ lại là sẽ được nhờ ơn mà cứ mải mê theo đường tội lỗi. Cần phải trình bầy Thiên Chúa nghiêm khắc, hỏa ngục đương mở miệng chờ đón tội nhân. Cần phải làm cho người ta sợ hãi để tránh tội lỗi. Vẫn hay có hạng người còn ấu trĩ, cần phải được dọa dẫm ngăm đe; nhưng làm cho người ta tránh tội lỗi vì thương yêu hơn là vì sợ hãi. Cũng như nhiều người cứ tưởng ai có tội thì bị phạt đau khổ, ai có công lại được thưởng sung sướng. Cậu cả con ông kia vẫn tưởng như thế, thành ra nghiêm khắc với đứa em tội lỗi của mình, đến nỗi oán trách cha bất công. Người cha khôn ngoan nhân từ giải thích chí lý rõ ràng. Con có công thì của cha là của con; con muốn gì, cha nào lại chẳng cho con. Chỉ vì lâu nay, con không nghĩ đến, không nói, không xin. Còn em con, nó yếu đuối, nó dại dột, nó khổ lắm rồi, cha phải an ủi nó. Cha mừng nó sống lại, nó trở về, cũng như mừng con vẫn ở với cha, phục vụ cha. Con nào cha lại chẳng thương, nhưng các việc diễn ra bề ngoài, để tỏ mối tình trong lòng, phải tùy lúc và tùy người./-
                        @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy