Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 18/3/2016

Filled under:


DẤU CHỨNG ĐÁNG TIN
“Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Ngày 25/02/2006, việc phục vụ của các nữ tu Công giáo – cụ thể là các chị em tu hội Nữ Tử Bác Ái – tại trại phong Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương đó không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em bệnh phong. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa” đó.
Mời Bạn: Hẳn bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Bạn chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm “việc-của-Thiên-Chúa” theo cũng một tiêu chí đó.
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.
 
THÁNH CYRILLÔ GIÊRUSALEM
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
(+ 386)
Sau những ngày đẫm máu của thời kỳ cấm cách, Giáo hội lại phải đương đầu với một địch thủ lợi hại hơn những vua quan độc dữ nhất trong thời bách hại: đó là bè rối Ariô, một lạc giáo phủ nhận thần tính nơi Chúa Giêsu. Trong hàng ngũ những chiến sĩ Đông phương chiến đấu cho đức tin, chúng ta thấy có thánh Cyrille, Tổng Giám mục thành Giêrusalem, một Giáo phụ tài ba đức độ.
Thánh Cyrillôâ là một vị thánh khôn ngoan, thông thái. Người ta biết rất ít về đời niên thiếu của thánh nhân.
Sau ngày Đức cha Mácximô Tổng Giám mục thành Giêrusalem tạ thế, thánh Cyrillôâ được bầu làm Tổng Giám mục thay. Ngài có nhiều nhân đức đáng quí, nhưng trổi vượt hơn cả là đức bác ái. Thời đó toàn xứ Palestina bị mất mùa đói kém. Vô số những người nghèo khó không biết bám víu vào đâu ngoài Đức Tổng Giám mục yêu quý của họ. Thánh Cyrillôâ lấy hết của riêng phân phát cho kẻ khó. Cho hết của riêng, không còn gì nữa, thánh nhân lấy tất cả tài sản của giáo phận để phân phát cho họ. Nhưng tài sản của giáo phận vẫn chưa đủ cung cấp, thánh nhân lấy tất cả vàng bạc trang hoàng trong các đền thờ vật chất để đắp điếm cho những đền thờ sống động của Thiên Chúa.
Thời thánh Cyrillôâ làm Giám mục, ở Giêrusalem xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ: hôm đó là ngày Lễ Hiện Xuống, khoảng 10 giờ sáng, trên núi Sọ xuất hiện một cây thánh giá lớn sáng chói hơn mặt trời, đứng lơ lửng trên không trung, cánh thánh giá vươn dài xuống mãi núi cây Dầu. Hiện tượng lạ đó kéo dài khá lâu khiến mọi người trong thành đều được nhìn xem thoả mãn.
Nhiều người Do Thái đã trở lại với đức tin công giáo nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng muốn dùng hiện tượng lạ để làm vẻ vang đầy tớ trung thành của Người. Đồng thời cũng để dẫn đưa Hoàng đế Contantinô trở về với Đức tin công giáo, đức tin mà vua cha Contantinôô (Constantin) đã tiếp nhận do cũng một cây thánh giá kỳ lạ đã xuất hiện trên nền trời năm xưa.
Nhân dịp này, thánh Cyrillôâ đã kính đệ lên Hoàng đế một bức thư dài kể lại sự lạ chính mắt thánh nhân đã được mục kích. Đồng thời thánh nhân khuyên Hoàng đế nên tiến bước treo ngọn cờ thánh giá bằng cách tin thờ Đấng chịu tử hình trên thập giá vì chúng ta. Phép lạ thánh giá xuất hiện trên không trung là một sự kiện có thực đã làm sôi nổi cả Đông phương một thời gian. Hằng năm bên Đông phương cử hành một lễ đặc biệt vào ngày 09 tháng 05 để kỷ niệm ngày thánh giá xuất hiện.
Mối bận tâm nhất của thánh Cyrillôâ là tẩy trừ hết mọi mầm mống lạc giáo Ariô và đưa những chiên lạc trở về với Chúa. Phép lạ thánh giá xuất hiện trên trời, tài hùng biện và nhất là đời sống thánh thiện phi thường của thánh nhân, là những liều thuốc rất hiệu nghiệm để thức tỉnh và kích thích người công giáo thêm phấn khởi. Đồng thời cũng là những khí giới sắc bén để đối địch với bọn lạc giáo Ariô đông đảo hằng được Hoàng đế Contantinô nâng đỡ. Bọn lạc giáo hết sức phẫn uất khi họ nhận thấy hàng ngũ của họ đang đi dần tới chỗ tan rã. Ỷ vào thế lực của Hoàng đế, bọn họ nhất quyết dùng võ lực đuổi thánh Cyrillôâ ra khỏi giáo phận để đoàn chiên Chúa Kitô một khi đã mất chúa chiên, sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng. Để việc làm của họ được danh chính ngôn thuận, họ đã triệu tập một số Giám mục lạc giáo ác cảm với thánh nhân.
Đứng đầu là Giám mục Acaciô. Họ tố cáo Đức Giám mục Cyrillôâ đã bán đồ thờ phượng trong thánh đường để nuôi những người nghèo khó. Họ đồng ý truất phế thánh nhân và đặt Héracliô một giám mục lạc giáo, lên thay thế. Truất phế được thánh Cyrillôâ rồi chúng còn truy nã một số Giám mục đạo đức khác vẫn trung thành với đức tin công giáo. Ít lâu sau, Đức Thánh Cha cho triệu tập một Công đồng chung tại Sêlêucia. Giám mục lạc giáo Acaciô và đồng đảng cũng được mời tới dự để trình bầy trước Công đồng bản án truất phế Tổng Giám mục Cyrillôâ. Họ tìm cớ thoái thác không tới tham dự. Công đồng đã trả lại danh dự cho thánh Cyrillôâ. Thánh nhân được phục chức Tổng Giám mục thành Giêrusalem. Đồng thời để cảnh cáo giám mục lạc giáo, Công đồng công khai rút phép thông công Giám mục lạc giáo Acaciô và đồng đảng.
Thánh Cyrillôâ trở về giáo phận giữa sự hân hoan của mọi người tín hữu. Theo thánh Giêrônimô thì thánh Cyrillôâ không những bị đuổi ra khỏi giáo phận một lần, mà là nhiều lần chỉ vì thánh nhân đã hết sức hăng hái chiến đấu cho đức tin công giáo.
Một trong muôn vàn ân huệ Thiên Chúa đã ban cho thánh Cyrillôâ là ơn nói tiên tri. Thời đó Hoàng đế Giulianô lên kế vị Hoàng đế Contantinô. Sẵn có ác cảm với đạo công giáo, Hoàng đế chủ trương nâng đỡ người Do Thái để chống đối với người công giáo. Hoàng đế khuyến khích người Do Thái xây dựng lại đền thờ Giêrusalem. Được Hoàng đế nâng đỡ, người Do Thái lục tục kéo về sửa soạn xây cất đền thờ. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để mua sắm vật liệu. Họ để ra mấy năm trời lo đào móng cho thật sâu và xây cất cho thật vững. Thấy công việc họ làm, thánh Cyrillôâ tiên báo công việc người Do Thái đang vất vả xây cất chỉ là công dã tràng, rồi ra đền thờ do tay họ xây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Đêm sau tại kinh thành Giêrusalem xẩy ra một vụ động đất rất lớn đến nỗi bao nhiêu đá người Do Thái dùng để xây móng bị vỡ tan tành. Đồng thời trên trời nổi lên những trận giông tố ghê hồn. Sấm sét thiêu cháy và phá huỷ ra tro tất cả những dụng cụ và máy móc dùng vào việc xây cất. Những người Do Thái đổ xô về phía đền thờ để xem sự lạ. Lạ lùng thay, trên người nào người nấy đều có in một dấu thánh giá sáng chói, không tài nào tẩy sạch được.
Thế là lời tiên tri của thánh nhân đã được thực hiện. Thấy sự lạ, nhiều người Do Thái đã trở lại phụng sự Chúa Kitô.
Thánh Cyrillôâ đã phải cực nhọc đương đầu với bọn lạc giáo Ariô trong suốt ba triều vua Contantinô, Giuliên, và Valencia. Nhưng từ ngày Hoàng đế Têôđôrô lên nắm chính quyền, thánh Cyrillôâ được hưởng những ngày thanh bình. Trong thời gian này, thánh nhân đem hết năng lực mưu ích cho giáo phận. Ngài tu bổ lại các thánh đường đổ nát, xây cất thêm thánh đường mới. Nhưng mối bận tâm nhất của thánh nhân vẫn là việc tẩy rửa hết những vết tích nhơ nhớp do bọn lạc giáo gây nên. Tuổi đã cao, công đức đã nhiều, thánh Cyrillôâ sung sướng trút hơi thở cuối cùng giữa đêm khuya ngày 18-3-306, năm thứ tám triều đại Hoàng đế Têôdô.
Thánh Cyrillôâ đã sáng tác một tác phẩm nhan đề "Sách bổn dạy dự tòng và tân tòng". Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đây là cuốn sách đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo hội. Giáo hội mừng lễ thánh Cyrillôâ vào ngày 18-3 hằng năm.